Pages

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Giá của trí thức



Hoàng Ngọc Cương - Người Việt còn chưa quen và chưa hợp với kiểu “tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại”. Nhưng không hẳn đó là điều dở. Suy nghĩ, hiển nhiên, là một biểu hiện của sự tồn tại, nhưng chỉ có hành động mới mang đến sự thăng hoa trọn vẹn cho sự sống. Nghĩ chỉ là một động từ trong muôn vàn động từ của ngôn ngữ loài người.

Nếu trí thức chỉ là tầng lớp tinh hoa, lớp váng mỡ, chiếm một vài phần trăm của xã hội thì tôi không thấy và không một lần ước mình rơi vào trong nhóm đó. Khoảng 70% học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Canada học tiếp cao đẳng và đại học; tôi xếp mình vào đội ngũ lao động đông đảo đó. Kinh tế trí thức sẽ chỉ là bánh vẽ nếu không có dòng người lao động chính là trí thức thực thụ.Hầu như người lái taxi nào ở Montreal cũng sành ít nhất hai thứ tiếng Anh và Pháp thì ta gọi họ là lao động phổ thông hay trí thức? Trong cùng lúc đó, ở phần khác của quả địa cầu, rất nhiều người là GSTS, hay cử nhân tốt nghiệp khoa ngôn ngữ ra mà không xuyên qua nổi ít nhất một bức tường ngôn ngữ.
Nhưng dẫu trí tuệ là công cụ vạn năng của nền kinh tế trí thức, thì người trí thức vẫn phải luôn mang theo người nhiều hơn một công cụ lao động trong hành trang cuộc đời.
Cái giá và vai trò của người tri thức trong xã hội hiện đại là gì? Nobel kinh tế thì cũng loanh quanh một triệu đô trong khi cầu thủ, vận động viên có giá chuyển nhượng cả vài chục triệu. Mark Carney thống đốc ngân hàng Canada, được đánh giá là thống đốc suất sắc nhất thế giới mà lương bổng không quá triệu đô/năm.
Nhưng giá của trí thức không chỉ ở cái xã hội trả trực tiếp cho họ mà ở cái xã hội nhận được nếu họ ở cương vị điều hành và quản lý. Thời Clinton là thời vàng son rực rỡ của nước Mỹ. Mark Carney cả mấy năm qua không cho phép một giọt khủng hoảng kinh tế thế giới nào tràn vào Canada. Còn hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ ở Canada mà nước Anh, dẹp tuột tự ái dân tộc của mình xuống, chèo kéo ông sang làm thống đốc ngân hàng trung ương Anh Quốc từ mùa xuân năm sau.
Khi tỷ lệ trí thức chiếm phần không nhỏ trong nhân lực lao động xã hội mà chỉ kỳ vọng nơi họ vai trò phản biện thì là phí phạm sức lao động và làm họ hỏng. Tư duy tốt phải được kiểm chứng qua những hành động xuất sắc. Trí thức luôn cần phải biết hành động và vì có trang bị công cụ lao động sắc bén là trí tuệ thì phải biết tìm ra phương án hành động mang đến kết quả tối ưu. Hành động thì thật muôn hình vạn trạng. Gặp nhiều giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư… gốc Việt, tôi hỏi giờ này có còn dành đến 20% tinh thần và nghị lực sống của họ để… yêu nước Việt? Thật quí hóa, nhiều người bảo tôi: Bậy nào!!! Phải cỡ trên 70%! Vậy mà con họ nhiều cháu không nói sõi được vài câu tiếng Việt. Ở xã hội tư bản ít tiền là bất lực với không ít chuyện mà nhiều vị mang danh học nhiều vẫn thấy chẳng mấy xông xênh so với mặt bằng thu nhập của xã hội sở tại. Bên nhà, gặp nhiều quan chức bằng cấp quấn mấy vòng quanh mình mà ngay cả sức khỏe bản thân không biết đường lo, mới có mấy chục tuổi mà bụng phệ, cơ bắp nhẽo nhẹt; rồi luôn kêu ngay cả con mình còn khó dậy. Tôi luôn ngỡ ngàng chẳng nhẽ đấy là trí thức? Thật gian nan tìm đủ mọi cách tự trấn an mình rằng đấy là “nét đặc thù” của tri thức Việt?!
Nhiều diễn đàn Việt hôm nay đều diễn chung cảnh câu giờ và cầm chừng. Khi lạc bước vào nơi nhà hàng và sân khấu cùng kết hợp thì không nên kỳ vọng đón đợi có sản phẩm nào xuất sắc. Ngay cả có món nuốt trôi thật đi nữa cũng khó thưởng thức ở nơi nhiều huyên náo, om xòm. Càng phí thời giờ hơn khi ở khung cảnh đó mà còn cố rán ngồi gắng đợi một bản nhạc khả dĩ. Vẫn luôn bao trùm một không khí trông chờ! Chợ búa dẫu có họp nhưng các kẻ hà tiện cũng như các nhà thông thái sẽ không rơi ra một cắc thật khi chỉ thấy rặt tiền giả đang mặc sức lưu hành.
Các triều đại của Việt Nam thường không sáng nghiệp từ cái nôi văn minh-nơi có sẵn đông đảo kẻ sỹ- mà thường từ chốn hang cùng cốc thẳm nào đó kéo về. Cả mấy ngàn năm kẻ được mệnh danh là sỹ đã không mấy khi dám phất cờ mà còn luôn nghển cổ mong “được” thu dụng, chỉ nguyện ước “được” xếp vào làm tay chân, tôi mọi. Đến chặng xây dựng đất nước kẻ sỹ lại thường trông đợi tiếp vào may rủi của số phận (kỳ vọng vua sẽ sáng). Kỳ vọng gì và được gì thì không cần biết nhưng ít nhất đã tự đánh mất chính mình đến hai lần trong một đời.
Đáng trân trọng biết bao, trong việc hướng về Tổ Quốc, nếu bất kỳ ai đó đang thực sự bắt tay vào làm một cái gì đó thiết thực. Thật xúc động khi thấy họ xắn tay vào xây nhà máy, xây cầu, phòng học, khoan giếng, dậy học, chỉ bảo, tư vấn, hướng dẫn… và chắc chắn rằng họ có thể thúc thêm nhiều cơn gió ngọt hơn thế cho cánh diều vàng Việt Nam được bay bổng. Nếu chỉ xếp họ vào cái rọ phản biện cuội thì một lần nữa trong chuyện lễ bái họ không vượt qua cả cái bóng gù của cha ông thời phong kiến- chuyên nghề gập mình ngong ngóng có vua để thờ!
Ngày nay loài người đã có nhiều nghề và nhiều cửa hơn để sống và sống cho toại lòng!
Theo blog ĐT
…………………………………….
(Phạm Ngọc Cương sinh 1966 tại Hà Nội và bảo vệ Ph.D tại Moscow Russia. Ông hiện đang sinh sống và làm việc tại Toronto Canada)

Không có nhận xét nào: