Pages

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Hai Nền Dân Chủ


Nguyễn đạt Thịnh
 
Bài báo này đem  2 nền dân chủ ra so sánh; một bên là nền dân chủ mới toanh, mới nhất thế giới -nền dân chủ Ai Cập; và bên kia là nền dân chủ không cũ nhất, nhưng tiến bộ nhất thế giới hiện nay -nền dân chủ Hoa Kỳ.
 
Cũng như mọi quốc gia dân chủ khác, cử tri Ai Cập và Hoa Kỳ bầu lên một vị tổng thống, rồi vị tổng thống đắc cử này thành lập chính phủ, điều hành việc nước theo chính sách mà ông đã trình bầy với quốc dân trong lúc tranh cử.
 
Vấn đề kinh niên của mọi chế độ dân chủ hiện hữu là không vị tổng thống nào được toàn dân bầu lên cả; họ chỉ được trên một nửa cử tri trong nước bầu chọn.
 
Con số non nửa dân Mỹ, dân Ai Cập, những người không bầu cho 2 vị tổng thống đương nhiệm -ông Barack Obama và ông Mohamed Morsi- ấm ức cho là những chính phủ này không đại diện cho họ. Họ phản đối, và sự khác biệt trong cách phản đối  của khối cử tri Hoa Kỳ với 300 năm sống trong truyền thống dân chủ, và khối cử tri Ai Cập, mà nền dân chủ còn mới toanh, chưa thôi nôi, đang cho chúng ta một bài học quý giá về những giá trị Dân Chủ.
 
Thử tìm hiểu tình trạng hỗn loạn của Ai Cập; vì bất đồng ý kiến với chính quyền: trong suốt vài tháng vừa rồi, nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã đi quá đà để trở thành bạo động. Đợt biểu tình mới chống đối ông Morsi bắt đầu tại Port Said, nguyên nhân tạo ra biểu tình là tòa án quyết định xử tử 21 nhà  hâm mộ bóng đá, vì những người này bênh vực hội banh nhà mà thủ súng, dắt giao vào vận động trường xem đá bóng.
 
Trận túc cầu kết thúc trên một tỉ số không làm vừa lòng khách mộ điệu, khán giả tràn vào sân cỏ bắn giết cả cầu thủ lẫn những khán giả bênh vực phe thắng cuộc, cảnh sát can thiệp bắn những khán giả sử dụng súng. Kết quả 30  xác người nằm lại trên sân banh, đa số chết vì đạn cảnh sát. Hàng trăm ngàn người xuống đường, biểu tình đòi lập quốc, tách Port Said ra khỏi quốc gia Ai Cập; họ gầm thét, "Chúng tôi muốn thành lập nước Port Said," rồi kéo đến tấn công trụ sở cảnh sát.
 
Morsi lên truyền hình nói là ông quyết định dùng biện pháp mạnh để chấm dứt cảnh người Ai Cập tắm máu.
 
"Tôi sẽ chứng minh là chính quyền đủ khả năng bảo vệ mọi công dân; tôi sẽ cứng rắn hơn vì sự tồn, vong của Ai Cập," Morsi nói, và ra lệnh thiết lập tình trạng khẩn trương tại 3 thành phố lớn trên bờ con kinh đào Suez - Ismailia, Suez, và Port Said- những thị trấn đông dân và tiêm nhiễm văn hóa Âu Mỹ.
 
Kinh đào Suez nối liền Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương
 
Một trong những hình thức văn hóa Âu Mỹ xâm nhập vào 3 thị trấn vừa kể trên là họ không chấp nhận quyền hành tuyệt đối của chính phủ -dù chính phủ được bầu lên do một cuộc tổng tuyển cử dân chủ và hợp pháp.
 
Tại Hoa Kỳ non nửa con số 312,780,968  người Mỹ vẫn chống đối chính phủ Obama, họ cho là chính phủ này không đại diện cho họ, mà chỉ đại diện cho già nửa người Mỹ không giầu có, sống hưởng thụ trên những chương trình xã  hội như Social Security, Medicare, Medicaid ... mà toàn thể người Mỹ đóng thuế để tài trợ. Nhóm thiểu số còn chủ trương giảm thuế, và đồng thời cắt giảm mọi chương trình phúc lợi tốn kém như xã hội, giáo dục, nhi đồng, y tế, văn hóa, khoa học, ... để có tiền trả 16, 500 tỉ bạc nợ.
 
Tại Ai Cập, non nửa người Ai Cập tin rằng chính phủ Morsi chỉ đại diện cho người Ai Cập theo Hồi Giáo.
 
Tin tưởng là chính phủ cầm quyền không đại diện cho mình tại Hoa Kỳ đặt trên những tín điều kinh tế, trong lúc tin tưởng đó tại Ai Cập lại đặt trên những tín điều tôn giáo. Cả hai tín điều này cùng rất mạnh; nhiều người Mỹ không bầu cho ông Obama lớn tiếng nguyền rủa "tại sao ổng chưa chết đi cho rảnh nợ"; tại Ai Cập, số cử tri không bầu cho ông Morsi có phản ứng quá đáng hơn: họ xuống đường biểu tình chống đối ông; phản lại nguyên tắc đầu tiên của dân chủ là "thiểu số phục tùng đa số".
 
Người biểu tình đi đến mức bạo động, chống cự lại cảnh sát, khiến tổng thống Morsi phải quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp -biện pháp mà chính phủ của cựu tổng thống Hosni Mubarak đã từng sử dụng và chính biện pháp này đã tạo tức giận cho quần chúng khiến người Ai Cập nổi loạn chống đối và lật đổ ông.
 
Quyền ban hành tình trạng khẩn cấp của tổng thống vẫn được bản tân hiến pháp của Ai Cập duy trì, và khi tình trạng khẩn cấp được ban hành, đa số quyền công dân -kể cả quyền biểu tình- đều bị tạm treo.
Điểm khác biệt duy nhất giữa hai chế độ mới và cũ của Ai Cập là tổng thống Morsi là vị tổng thống đầu tiên được người Ai Cập bầu lên; trước ông chức vụ tổng thống không do dân cử.
 
Truyền thông phê phán là lập luận "ban hành tình trạng khẩn cấp là yêu nước" kiểu này cũng đã được nguyên tổng thống Mubarak sử dụng để kéo dài nhiều thập niên một chế độ thối nát và tham nhũng.
Sâu sắc hơn các ký giả, nhà nghiên cứu chính trị Moattaz Abdel-Fattah bầy tỏ lo ngại. "Ai cũng hy vọng là sau khi đạt được một chính thể Dân Chủ chân chính, người Ai Cập sẽ hội nhập vào nền văn hóa Dân Chủ; nếu không hội nhập được, có lẽ chúng ta cần tái xét để điều chỉnh lại chính nền văn hóa của chúng ta."
 
Nhận xét này đề cao văn hóa Dân Chủ -cao hơn cả nền văn hóa truyền thống Ai Cập mà người Ai Cập thường hãnh diện- liệu có được họ chấp nhận không.
 
Xin bước qua tình hình "hậu bầu cử" của Hoa Kỳ, quốc gia  được coi như đang dẫn đầu thế giới trên con đường Dân Chủ; từ 4 năm nay niềm bất hòa lớn hiện đang chia  người Mỹ thành 2 khối rõ rệt là số nợ 16, 500 tỉ mỹ kim, trong số này những nhà đầu tư ngoại quốc Tầu và Nhật nắm giữ $1,100 tỉ.
 
Cả hai đảng vừa tranh cử đều đưa ra kế hoạch cân bằng ngân sách để không phải vay thêm  nợ mới, và tìm cách thanh thỏa 16. 5 trillion nợ đang vướng mắc. Điểm đồng dạng giữa ngân sách quốc gia và ngân quỹ gia đình là số chi ra phải ít hơn số thu vào. Nợ nần phát sinh từ tình trạng thu vào thì ít, mà chi ra lại quá nhiều.
 
Đảng Cộng Hòa chủ trương cắt giảm chi tiêu, trong lúc đảng Dân Chủ chủ trương tăng thuế đánh vào các tỉ phú, triệu phú, tăng thâu để cân bằng ngân sách. Vấn đề ngân sách không cân bằng gây nên cảnh thâm thủng không phải là vấn đề mới, mà là vấn đề nẩy sinh từ triều đại của tổng thống George W. Bush. Ông Bush giảm thâu bằng luật giảm thuế cho nhà giầu, và tăng chi để đài thọ chiến phí cho 2 trận chiến tranh tại Iraq và A Phú Hãn.
 
Lên thay Bush, ông Obama vẫn chịu cảnh thu ít mà tiêu nhiều, dù ông đã chấm dứt được cuộc chiến Iraq, và đang chấm dứt cả cuộc chiến A Phú Hãn. Không còn gánh chịu những chiến phí nặng nề nữa, nhưng Obama phải đầu tư vài ngàn tỉ vào để cứu tình trạng xụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng, toàn bộ kỹ nghệ xe hơi, và một hệ thống địa ốc bị bọn gian manh lừa gạt khiến hàng triệu căn nhà ngập nợ, hàng trăm ngàn căn bị ngân hàng "kéo".
 
Tình trạng Hoa Kỳ ngập nợ, và trả nợ bằng cách nào -tăng thu hay giảm chi- trở thành đề tài chính trong những cuộc tranh luận bầu cử. Phe Cộng Hòa, với chủ trương giảm chi, thất bại, đành chấp nhận tăng thuế đánh vào 1% người  Mỹ tỉ phú.
 
Những khó khăn của tổng thống Obama dĩ nhiên dễ giải quyết hơn những khó khăn của tổng thống Morsi, nhưng ông này cũng chỉ khó khăn chứ không bế tắc.
Được người Ai Cập bầu lên, trọng trách của ông là bảo vệ nền Dân Chủ còn trong trứng nước; bảo vệ không chỉ bằng súng đạn, mà còn bằng nhiều thứ vũ khí chính trị khác nữa -như sự chân thành của người lãnh đạo, và lý thuyết dân chủ chẳng hạn.
 
© Tác giả gửi bài đến Ban biên tập.

Không có nhận xét nào: