Pages

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Muốn dân khôn, nước mạnh phải có Hiến pháp mới



Phạm Trần (Danlambao) - Cuộc lấy ý dân sửa Hiến pháp 1992 của đảng Cộng sản Việt Nam từ 02/01 đến 31/03/2013 chỉ kéo dài thêm tụt hậu, chậm tiến và làm cho dân trí xuống thấp hơn. Muốn cho dân khôn, nước mạnh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam phải có một Hiến pháp mới thực sự của dân và do dân.

Các Hiến pháp của Việt Nam từ 1946 đến 1992 không có ý dân đóng góp nên đảng đã tự tung tự tác muốn làm gì thì làm khiến đất nước chưa vượt qua khỏi ngường cửa lệ thuộc kinh tế vào nước ngoài. Nhân dân không dám chống vì muốn bảo vệ cơm áo. Quốc hội, tuy là cơ quan quyền lực cao nhất của nước cũng không dám đi ngược lại quyền lợi của đảng.

Mọi thứ quyền của dân ghi trong Hiến pháp chỉ để đọc cho sướng mắt, vui lỗ tai, bày hàng cho đẹp với người nước ngoài. Đảng nắm hết trong tay tài sản của quốc gia nên dân chỉ còn lại manh áo che thân.

Những câu nói như: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và dân tộc”, hay “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” không có bất cứ giá trị nào trong thực tế đời sống.

Nhân dân chỉ được hưởng những gì nhà nước ban cho và không có quyền đòi hỏi, dù dân là chủ của đất nước và là cha mẹ của đảng!

Dân chưa hề bầu đảng lãnh đạo mình nhưng vẫn bị đảng ép chế phải làm theo nên đảng đã phạm vô vàn lỗi lầm trong suốt 83 năm có mặt trên đất nước (03/02/1930 - 03/02/2013). 

Sai lầm nghiêm trọng nhất là đảng CSVN đã nhận súng đạn và viện trợ của Trung Cộng và khối Cộng sản Liên Sô (trước 1991) để phát động cuộc chiến tranh xâm lăng phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1960.

Hậu quả của chủ trương sai lầm này, do ông Hồ Chí Minh chủ xướng, đã làm cho đất nước tan hoang và hàng triệu người dân hai miền Nam-Bắc chết oan, dù cuối cùng người Cộng sản đã kiểm soát toàn lãnh thổ bằng súng đạn của Nga-Tầu từ ngày 30/04/1975.

Nhưng cái được gọi là “Đại thắng mùa Xuân 1975” đã để lại hậu quả chia rẽ dân tộc và sự hận thù sâu đậm giữa nhân dân hai miền Nam-Bắc Việt Nam chưa biết đến bao giờ mới hàn gắn được.

Hình ảnh những xác người miền Nam trôi giạt ở Biển Đông trên đường trốn Cộng sản tìm tự do và những Trại tù lao động cực hình ngụy trang “học tập cải tạo” đày đọa cả trăm ngàn quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa sau ngày kết thúc chiến tranh 1975 sẽ không bao giờ tan theo thời gian trong lịch sử hãi hùng của dân tộc, chừng nào đảng CSVN chưa thật sự biết tôn trọng quyền con người như họ đã giả tạo phô trương trong 37 Điều viết trong “Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Bằng chứng của hành động “nói không đi đôi với làm” của đảng CSVN đã đưa đến hậu quả là những sai lầm, khuyết tật của số đông cán bộ đã được chồng lên năm sau cao hơn năm trước. Một bộ phận không nhỏ nhân dân là nạn nhân của tệ nạn này đã nghèo càng nghèo thêm trong khi thiểu số kẻ có chức có quyền lại mỗi ngày một giàu thêm khiến cho hố ngăn cách giàu-nghèo trong xã hội càng rộng thêm ra.

Sở dĩ có tình trạng này vì không ai trong dân dám “xâm mình” xông ra kiểm soát đảng. Đến ngay tổ chức Mặt trận Tổ quốc của đảng và cả Quốc hội cũng không dám đụng tới các tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mua quan bán tước của cán bộ, đảng viên dù đã được Hiến pháp cho phép và bảo vệ.

Nguyên do vì Hiến pháp và các Luật làm ra chỉ để cho đảng sử dụng phục vụ nhu cầu và quyền lợi của đảng chứ không giúp bảo vệ quyền lợi của dân nên dù có ba đầu sáu tay cũng không thay đổi được.

Đấy là lý do tại sao Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng mới thừa nhận: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó khăn, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, tỉnh táo. Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn. (Phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 20/01/2013 nhân dịp Xuân Quý Tỵ 2013)

Nhưng ông Trọng có làm đâu mà nói “không thể không làm”, hay “Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn”?

Chẳng lẽ ông Trọng lại không biết đảng CSVN đang trên đà mất hết “liên hệ máu thịt” với dân và cán bộ ở nhiều nơi, nhiều ngành đã bị nhân dân xa lánh từ khi có quyết định nhảm nhí của Hội nghị Trung ương 6, theo đó Ủy ban Chấp hành Trung ương đảng đã “quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.” (phát biểu bế mạc ngày 16/10/2012 của TBT Nguyễn Phú Trọng)

Thử hỏi có “thế lực thù địch” nào lại dại dột chống đảng làm điều tốt cho dân để hứng lấy nguyền rủa của dân, hay dân đã và đang mỉa mai đảng từ Tổng Bí thư trở xuống vì người nào cũng chỉ biết “nhận lỗi” cho qua để nói đãi môi rằng: “Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân, và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục.” (diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của TBT Nguyễn Phú Trọng)

Một điều rõ rệt là ai ở Việt Nam cũng thấy từ sau Hội nghị này, không khí của “phong trào” tự phê bình và phê bình trong đảng làm theo Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" ngày 31/12/2011 đã xẹp xuống như con tép khô. Không ít người dân và nhiều cán bộ đảng viên từng kỳ vọng vào đảng đã chán nản và không còn tin vào đảng nữa.

Nhưng ông Trọng lại tìm cách che giấu thất bại bằng lời phân bua: “Cần nhận thức rõ rằng: Nghị quyết này với yêu cầu trước mắt chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý. Vả lại, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không phải chỉ có kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà còn một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt, cơ chế giám sát, công tác giáo dục...” 

Nhưng liệu đảng đã có báo cáo nào về số người “không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa” sau hơn một năm thi hành Nghị quyết 4 chưa, hay những kẻ làm giàu bằng mồ hôi nước mắt và sức lao động của dân đã vây bè, kết cánh sâu rộng hơn trong các “nhóm lợi ích” để trục lợi và phá hoại đất nước mà ông Trọng cũng không làm gì nổi?

Điều này còn được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang xác nhận: “Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước đang bị xói mòn vì tham nhũng, lãng phí, thói vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Những người cầm cân nảy mực như chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Đây là sự nhắc nhở rất lớn đến trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm càng lớn. Bên cạnh những quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước ngày càng phải nghiêm minh, lúc này đòi hỏi phải đề cao tính tự giác của mỗi người. Mỗi khi tiếp xúc với các thành phần nhân dân, nhiều bà con vẫn độ lượng động viên mình cố gắng, thấy chạnh lòng, xấu hổ lắm, vì chưa làm được nhiều cho dân, cho nước.” (phỏng vấn của Báo Sài Gòn Giải Phóng dịp Tết Quý Tỵ ngày 09/02/2013)

Cần Hiến pháp mới

Nhưng tại sao đảng cứ loay hoay mãi với những chuyện nổi cộm nội bộ này rừ nhiều năm qua?

Ngoài chuyện quyền của dân ghi trong Hiến pháp chỉ để tô son điểm phấn cho chế độ còn vô vàn luật lệ đã bị cán bộ, đảng viên và những kẻ có chức có quyền lạm dụng cho quyền lợi riêng tư, bè nhóm đã khiến cho dân trí bị suy đồi và đất nước chậm tiến, lạc hậu.

Các Hiến pháp trước bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã phản dân chủ, giờ đây người dân còn phải đối phó với những “thêm thắt, cắt xén” tệ hại và hạn chế nghiêm trọng quyền làm chủ đất nước của dân hơn bao giờ hết.

Đã có nhiều ý kiến trong và ngoài nước khuyên đảng nên đặt quyền lợi tối thượng của dân và của nước lên trên quyên lợi của thiểu số trên 3 triệu đảng viên để tự ý rút khỏi vị trí lãnh đạo độc tôn và độc quyền ghi trong Điều 4.

Nhưng bấy nhiêu chưa đủ vì toàn văn sửa đổi ghi trong 124 Điều vẫn có đầy dẫy những “cái bẫy” của văn từ để phủ nhận các quyền tự do của dân, trong đó quan trọng hàng đầu là các quyền tự do ra báo, tự do lập hội hay đảng chính trị, tự do tôn giáo và tự do biểu tình.

Những nhóm chữ như “theo pháp luật” hay theo “quy định của pháp luật” là những “hầm chông” hay “mãi mìn” còn đầy dẫy trong mỗi câu văn của những người soạn thảo. 

Thế mà lạ thay, dự thảo này đã được Quốc hội “đồng tình” chấp thuận để đưa ra hỏi ý kiến dân thì có ai hiểu nổi trí tuệ của cái Quốc hội này thông minh đến đâu chăng?

Nhất là không thấy có bất cứ một Đại biểu Quốc hội nào trong số 500 người đã dám hé răng đòi sửa Điều 4 cho phép đảng tự nhận là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Điều này thêm một lần nữa làm chứng cho nhân dân thấy rằng Quốc hội chỉ là cơ quan “bù nhìn” cho đảng sai khiến chứ không phải để bảo vệ và phục vụ quyền lợi của cử tri. 

Khi nói về quyên tự cho mình lãnh đạo đất nước của đảng CSVN thì làm sao mà người dân trong nước có thể quên câu nói phản dân chủ của ông Đinh Thế Huynh ngày 10/01/2011, khi trả lời phóng viên AFP trong cương vị là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam. 

Ông Huynh nói: “Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Bởi một lẽ đơn giản, chúng tôi đã từng thử nghiệm đa nguyên đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 46, với nhiều đảng tham gia Quốc hội. Nhưng đến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước tôi thì chỉ có Đảng Cộng sản cùng với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại và giành thắng lợi trước thực dân Pháp. Và nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ lý luận “con bọ xít” của ông Huynh, bây giờ là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, không ai có thể ngửi được. Nó sặc mùi độc tài, độc đoán và băng đảng. Tại sao ông ta biết “Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng”

Có nhu cầu hay không là quyền của dân, không phải là quyền của đảng và nhất là không thuộc quyến bất cứ cá nhân nào, kể cả Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch Nước hay Chủ tịch Quốc hội, huống chi ông Huynh chỉ là một Cán bộ cấp cao trong đảng?

Có người còn vẽ ra hào quang lãnh đạo cho đảng để hù họa như thế này: “Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, các thế lực thù địch luôn chĩa mũi nhọn chống phá Đảng ta. Vì vậy, sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng như trong Điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để chống lại sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại Đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” (Website đang CSVN ngày 28/01/013, Tác giả Đại tá Đào Văn Đệ, báo Quân đội Nhân dân) 

Một cái đầu “đá ong” khác là Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng còn đưa ra 5 lý luận vớ vẩn: “1. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là chế độ chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ông viết: “Bấy lâu nay các thế lực thù địch với Việt Nam vẫn rêu rao tư tưởng "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập", hòng truyền bá và kích động tư tưởng dân chủ vô chính phủ, loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước ta...

Sau đó ông trưng ra thêm: “2. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không bảo đảm được dân chủ đích thực. 3. Lịch sử cách mạng Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã xuất hiện và phủ định đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như một tất yếu tự nhiên. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã và đang không ngừng xây dựng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế trong nền chính trị nhất nguyên. 5. Dư luận quốc tế, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới đánh giá cao, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ nhất nguyên ở Việt Nam.” 

Ông Quang kết luận với lời kêu gọi: “Còn nhiều lý do khác để khẳng định sự bác bỏ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam là có cơ sở lý luận và thực tiễn đúng đắn. Để củng cố quyết tâm chính trị này, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân ta cần tiếp tục trau giồi đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức chính trị, đề cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm và tư tưởng thù địch sai trái, giữ vững ổn định chính trị ở nước ta.” (báo QĐND - ngày 26/08/2009)

Với ba lý luận “cối chày” của các ông Đinh Thế Huynh, Đào Văn Đệ, Nguyễn Văn Quang và bản Hiến pháp sửa đổi 1992 phản dân chủ đang lấy ý kiến toàn dân không ai tin nước Việt Nam có thể sớm hùng cường để được ngang tầm thời đại với thế giới và các dân tộc láng giềng.

Với một chủ trương lạc hậu như thế, Việt Nam không cần có đảng CSVN nhưng rất cần có một Hiến pháp dân chủ để đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước mới mong có ngày vinh quang. Nếu không nhân dân sẽ tiếp tục suy thoái và đất nước sẽ nghèo thêm để làm mồi thôn tính cho ngoại bang đang lấp ló ngoài Biển Đông.

02/013


Không có nhận xét nào: