Pages

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Nhân quyền trong bản Dự thảo Hiến Pháp Việt Nam



Qua sự kiện các nhà trí thức Việt Nam tham gia ký thỉnh nguyện thư trong bản Dự thảo Hiến Pháp, Hòa Ái phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, tổng thư ký Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế, về vấn đề nhân quyền trong bản Dự thảo Hiến Pháp Việt Nam.

Quyền tối thiểu của người dân

image.jpg
Ông Vũ Quốc Dụng, tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế tại Đức (ISHR). Hình do Ông Vũ Quốc Dụng cung cấp.
Hòa Ái: Xin chào ông Vũ Quốc Dụng. Trước sự kiện có khoảng 800 nhân sĩ trí thức Việt Nam ký thỉnh nguyện thư phác họa một bản Hiến pháp (HP) khác với những khoản tu chính hiến pháp, trong đó có những điều chú trọng về quyền hạn của người dân được thay đổi. Theo nhận xét của ông, chính phủ Việt Nam có nên tiếp nhận thỉnh nguyện thư trong sửa đổi HP lần này không và vì sao, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Dụng:Trước hết tôi thấy 7 đề nghị của bản kiến nghị này là rất nghiêm túc vì nhằm giải quyết các vấn nạn tích tụ đã lâu trong xã hội Việt Nam. Tôi rất mong Nhà nước VN có thái độ trân trọng đối với bản kiến nghị này. Ngoài ra tôi mong xã hội VN cũng mở các cuộc thảo luận rốt ráo về những đề nghị tâm huyết này.  Cá nhân tôi chú ý đến những đề nghị trong phần 2 của bản kiến nghị liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Hòa Ái: Theo quan điểm của một người hoạt động nhân quyền trong nhiều năm, xin ông cho biết nhận xét tổng quát của ông về bản dự thảo này như thế nào ?
Ông Vũ Quốc Dụng: Tôi muốn bản HP cần phải được bổ túc một số những vấn đề tinh thần. Bản dự thảo HP hiện nay đã không làm rõ mục đích cuối cùng của HP là nhằm bảo vệ nhân quyền của người dân. Muốn thế, bản HP phải làm rõ 3 khía cạnh sau đây:
Thứ nhất bản HP phải công nhận nhân phẩm là tự thân và bất khả xâm phạm, vì nhân phẩm chính là cái gốc của nhân quyền. Chúng ta phải công nhận chữ nhân phẩm trong HP.
Thứ hai là HP phải có khả năng thích ứng cao với thời gian để khỏi phải lúng túng mỗi khi cần ký kết vào một công ước quốc tế mới. Muốn vậy thì HP phải bám sát vào tinh thần của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế vì tuyên ngôn này là văn bản mẹ của tất cả các công ước nhân quyền hiện nay và mai sau.
Thứ ba, HP cần tạo ra một cơ quan bảo vệ nhân quyền thay vì chỉ có những lời cam kết xuông. Nhân quyền không có giá trị gì nếu người ta không có cách nào đòi được nó. Ch o nên ở đây HP muốn qui định Tòa án nhân quyền hay Tòa án Hiến pháp cũng được. Tôi nghĩ giải pháp Tòa án Hiến pháp sẽ tốt hơn vì sẽ bao trùm cả các lãnh vực khác của HP. Dù thế nào, tòa án sẽ là nơi để người dân có thể cậy nhờ khi thấy những nhân quyền hiến định bị vi phạm.
Hòa Ái: Theo như ông nói thì cụ thể, theo ông, một bản Hiến Pháp mới ở Việt Nam phải có những điều khoản nhân quyền tối thiểu nào?
Ông Vũ Quốc Dụng: HP phải bám sát vào tinh thần của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Bản kiến nghị cũng đã đề nghị tương tự. Theo tôi tối thiểu nhất, HP phải cho ghi rõ 2 điều cấm tuyệt đối và 10 quyền bất khả xâm phạm (*) vào vì đây là những nhân quyền mà nhà nước không thể vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào - kể cả khi đất nước có chiến tranh. Hai điều cấm tuyệt đối đó là : “Cấm giữ nô lệ  Cấm tra tấn.  Trong Bản dự thảo HP hiện nay tôi thấy có thiếu sót lớn khi không qui định "Cấm giữ nô lệ" mặc dù VN vừa ký vào Hiệp Định Thư Palermo và thường bị phê phán về vấn đề buôn người.
Trong nhóm quyền pháp lý thì HP cần cho bổ túc thêm 2 nhân quyền tuyệt đối: “Quyền được công nhận tư cách pháp nhân ở mọi nơi  Quyền không bị bắt, giam và trục xuất một cách tùy tiện. Trong thời gian qua hai quyền này đã bị vi phạm nặng nề trên bình diện rộng. Tôi đưa ra vấn đề tư cách pháp nhân để phủ kín các khoảng không gian và thời gian vô luật pháp, nhất là khi có người bị tạm giữ, tạm giam hay bị giữ điều tra mà không cho tiếp xúc với thân nhân và luật sư.
Ngoài ra bản dự thảo ghi thiếu 4 nhân quyền tuyệt đối làQuyền tự do  tư tưởng, Quyền tự do  lương tâm, Quyền tự do  tôn giáo  Quyền tự do  quan điểm. Ở đây chúng ta nhấn mạnh chữ CÓ. Việc CÓ một tư tưởng, CÓ một tôn giáo hay CÓ một quan điểm là chuyện rất riêng, không làm hại cho ai và không ai được can thiệp vào cả.Nhưng các quyền này đã bị vi phạm trầm trọng tại VN. Bắt ký giấy bỏ đạo hay bắt bỏ tù vì đã mặc áo có in chữ “Hoàng Sa-Trường Sa-VN” là vi phạm các nhân quyền tuyệt đối này. Cho nên thay vì viết “Công dân có quyền tự do ngôn luận” một cách mơ hồ thì nên viết tách bạch là: “Mỗicông dân có quyền có quan điểm riêng mà không bị ai can thiệp vào; Mỗi công dân có quyền tự do bày tỏ quan điểm riêng.” Như thế thì sẽ rất rõ.

Cơ hội hòa nhập quốc tế

Hòa Ái: Ông có thể chia sẻ thêm một chút về bản Dự thảo Hiến Pháp lần này có những điều nào bất lợi cho nhân quyền và phải bị bỏ đi?
Ông Vũ Quốc Dụng: Trước hết bản Dự thảo Hiến Pháp cần bỏ điều 4 qui định việc “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” vì điều 4 mâu thuẫn với nhân quyền, cụ thể là quyền tự do lập hội, quyền tự do có tư tưởng, quyền tự do có quan điểm và quyền tự do bày tỏ quan điểm. Trong những năm qua nhiều người đã bị tù đầy vì bị cho là chống Đảng CSVN khi họ thực hiện các nhân quyền này.
Thứ nhì, tôi đề nghị bỏ tất cả những cụm từ đi thòng sau chữ nhân quyền như nghĩa vụkhông được lợi dụng haytheo quy định của luật pháp. Vì khi đang nói đến các quyền và tự do thì những câu thòng như vậy sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến sự ngờ vực nhân quyền và làm mất ý nghĩa cao đẹp của chúng. Xin lập lại rằng chúng ta có những nhân quyền tự do tuyệt đối và không thể bị xâm phạm trong mọi trường hợp. Thành ra cách viết Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. (Điều 26) sẽ là đầu mối cho những tùy tiện và vi phạm nhân quyền. Nếu muốn thì HP chỉ cần ghi một lần chữ nghĩa vụ ở cuối bản là đủ.
Tôi muốn có một kết luận cho buổi nói chuyện hôm nay. Việc sửa đổi HP là cơ hội để cho VN chứng tỏ khả năng hội nhập quốc tế trong đó vấn đề lớn nhất là việc nội luật hóa các điều ước về nhân quyền với quốc tế. Bản HP mới sẽ là thước đo cho thiện chí này.
Hòa Ái: Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Dụng dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với đài RFA.
(*) Hai điều cấm tuyệt đối và Mười nhân quyền bất khả xâm phạm được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế
Ðiều 4              [Cấm giữ nô lệ, tôi tớ và buôn bán nô lệ]
Ðiều 5              [Cấm tra tấn]
Ðiều 6              [Quyền được công nhận tư cách pháp nhân]
Ðiều 7              [Bình đẳng trước pháp luật; Được pháp luật bảo vệ như nhau; Bảo vệ trước sự phân biệt đối xử]
Ðiều 8              [Được tòa án bảo vệ các quyền căn bản]
Ðiều 9              [Không được bắt, giam và trục xuất độc đoán]
Ðiều 11           [Quyền được xem là vô tội và cấm hồi tố]
Ðiều 12           [Quyền riêng tư; Bảo vệ danh dự]
Ðiều 15           [Quyền được có quốc tịch]
Ðiều 16           [Quyền Tự do Kết Hôn và Lập Gia Đình]
Ðiều 18           [Quyền tự do có tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo]
Ðiều 19           [Quyền tự do có quan điểm]

Không có nhận xét nào: