Pages

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Quỹ Bồi Thường Công Nhân


 Nguyễn đạt Thịnh
 
Workers' compensation -Quỹ Bồi Thường Công Nhân (QBTCN)- là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho những công nhân gặp tai nạn trong lúc làm việc; bồi thường thực hiện bằng cách QBTCN trả lương cho người công nhân không tiếp tục làm việc được vì thương tật; quỹ này tránh cho công nhân bị tai nạn cái phiền toái thưa gửi, kiện cáo để đòi chủ nhân trả lương cho họ trong thời gian họ không làm việc được.
 
Số tiền bồi thường được phát từng tuần -như tiền bảo hiểm thương tật- thay thế cho tiền lương người công nhân không còn được lãnh nữa, vì không còn khả năng tiếp tục làm việc. Tất cả những điều này đều là sinh hoạt thông thường giữa chủ và công nhân; chủ nhân đóng bảo hiểm workers' compensation -một thứ thuế để tránh việc bị kiện tụng và bồi thường trong tai nạn lao động.
 
Chi tiết mới trong sinh hoạt cũ này, là một số cảnh sát và Nghiệp Đoàn Cảnh Sát Newtown thuộc tiểu bang Connecticut đang tiếp xúc với Quốc Hội Tiểu Bang xin cho họ được hưởng tiền bồi thường workers' compensation mỗi khi họ bị thương tổn tinh thần vì chứng kiến những cảnh hãi hùng, thương tâm mà công việc cứu cấp và bảo vệ quần chúng bắt họ phải gánh chịu.
 
Luật sư Eric Brown, đại diện cho Nghiệp Đoàn Cảnh Sát Newtown, nói, "Chúng tôi lo ngại về hậu quả của PTSD - Posttraumatic stress disorder, hoảng loạn tinh thần."
 
PTSD thường xẩy ra sau khi chứng kiến những cảnh tượng khiếp sợ, kinh hoàng, và nhận thức được thế yếu đuối bất lực của con người trước những sức mạnh mà họ không chống lại được, như chiến tranh, thiên tai, hoặc tai nạn lớn.
 
Brown nói thêm, "Chúng tôi ước lượng có khoảng 12 tới 15 cảnh sát viên Newtown sẽ bị chứng PTSD sau khi họ phải hiện diện và chứng kiến cảnh 20 đứa trẻ 6 tuổi và 6 viên chức nhà trường bị giết tàn bạo tại trường Sandy Hook Elementary School hôm 14 tháng Chạp 2012. Tình trạng khủng hoảng tinh thần này có thể kéo dài suốt đời họ."
 
Một điển hình là thám tử, anh Jason Frank, người phải trải qua nhiều ngày mọ mẫm góp nhặt những chứng cứ, chụp hình những chi tiết cuộc thảm sát để thiết lập hồ sơ; giờ này, sau nhiều ngày làm việc trong khung cảnh giết chóc địa ngục đó, thì chỉ cần một cái backpack (túi sách đeo lưng của học trò) cũng đủ gợi liên tưởng khiến anh kinh hoàng nghĩ đến đứa con cũng 6 tuổi của anh. Những thứ trang trí Giáng Sinh cũng vấy máu. Nhìn vào bất cứ ngoại vật, ngoại cảnh nào, anh cũng thấy xác chết của những đứa bé vô tội.
 
Anh buồn thảm nhận định, "những đứa bé đáng thương chưa kịp đem những hình ảnh thủ công về nhà khoe bố mẹ."
 
Cảnh sát viên Michael McGowan, một trong những viên chức đầu tiên có mặt tại hiện trường, nhận định, "Chỉ cần một lần chứng kiến  cảnh tàn sát trẻ con, cũng đủ để thấy cuộc sống của mình thay đổi hẳn."
 
Anh này là một trong 7 cảnh sát viên có sáng kiến ngồi lại với nhau để kể lại kinh nghiệm hãi hùng của cảnh sát trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự sau vụ thảm ngày 14 tháng Chạp 2012 tại trường Sandy Hook .
 
Một anh nói về trường hợp của một đứa bé còn thoi thóp thở, nhưng không sống sót, hình ảnh này ray rứt, dầy vò anh; một đứa trẻ khác mặt mũi, quần áo đẫm máu mà không bị thương. Có anh ca tụng tinh thần bảo vệ học sinh của nhiều giáo viên: cảnh sát đến đập cửa, tự xưng là cảnh sát, nhưng bên trong vẫn nhất định không mở cửa.
 
Nhiều anh kể lại là họ quên ngôn từ lạnh lùng, mệnh lệnh, thường dùng hàng ngày, để nói bằng giọng chiều chuộng, yêu thương như nói với chính con mình, khi họ bảo những đứa trẻ, vịn vai nhau,  nắm tay nhau, theo trò chơi rồng rắn, rồi bảo chúng nhắm mắt lại để không phải nhìn thấy xác chết của bạn học, và cảnh máu me tung tóe trong trường học, trên đường được cảnh sát dắt ra khỏi cảnh giết chóc.
 
Hai tuần sau cuộc thảm sát, anh detective Frank vẫn chưa hết xúc động. Anh kể lại là có lần lái xe đưa vợ và 2 đứa con trai đi qua khu trường Sandy Hook, anh ngậm ngùi, rồi run rẩy đến mức không tiếp tục lái xe được nữa.
 
5 trong 7 cảnh sát viên đang nhõng nhẽo đòi bồi thường
Một cảnh sát viên khác, anh William Chapman, kể lại những nỗ lực của anh: anh đang hành sự trên đường 25 thì nghe máy gọi báo động, toàn thể cảnh sát viên không mắc bận phải đổ ngay về trường Sandy Hook để cấp cứu học sinh đang bị bắn giết.
 
Chapman kể lể, "Chưa bao giờ tôi lái nhanh quá đáng như vậy." Đèn xanh ưu tiên cảnh sát chớp lên, anh vọt ra khỏi đường 25, rẽ vào Church Hill Road, rồi đến hiện trường Sandy Hook chỉ 3 phút sau.
"Tôi quơ vội khẩu súng rồi xuống xe, khựng lại quan sát," Chapman kể lại, "Tiếng súng từ trong trường vẫn còn vang dội, rất gần. Tôi nhìn quanh, quan sát tìm kẻ đang nổ súng."
 
Nối gót Chapman là cảnh sát viên Scott Smith; hai anh này tiến vào trường đúng lúc người điên Adam Lanza, bắn viên đạn cuối cùng của khẩu .223 Bushmaster semiautomatic carbine vào đầu anh để tự tử.
 
Cùng thời điểm đó, cảnh sát viên Leonard Penna đặc trách an ninh trường Sandy Hook  hướng dẫn trung úy cảnh sát Christopher Vanghele, và trung sĩ cảnh sát Aaron Bahamonde vào khuôn viên trường học qua cánh cửa hông của trường.
 
Phản ứng của cảnh sát Newtown đối phó với một đột biến quan trọng như cuộc thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook phải được đánh giá là nhanh chóng và hữu hiệu; toàn bộ cảnh sát viên phục vụ tại chi cảnh sát Newtown đều xứng đáng được tưởng thưởng.
 
Tuy nhiên việc bồi thường cho những xúc động của họ vì họ phải chứng kiến cái chết đau thương của 20 đứa trẻ vô tội, lại là việc cần cân nhắc.
 
Yếu tố thứ nhất để cân nhắc là: ngoài cảnh sát viên, còn những ai nữa phải đối phó, phải chứng kiến cuộc thảm sát? Ngoài 6 giáo viên, hiệu trưởng, bị giết, ít nhất cũng còn hàng chục giáo viên, viên chức văn phòng, công nhân phòng ăn, lao công quét dọn, chăm sóc trường, phải chứng kiến cuộc thảm sát này ngay từ phút tiếng súng điên khùng khai hỏa. Cảnh sát chỉ đến trường sau đó.
 
Một khác biệt nữa để cân nhắc là cảnh sát, được võ trang và đã được báo động trước khi họ đến để đối phó với tên xạ thủ điên Lanza, trong lúc những người vừa kể trên không võ trang, bất ngờ, và hoàn toàn thụ động; các giáo viên chỉ biết che chở bảo vệ học sinh bằng cách đóng kín cánh cửa ra vào của lớp học.
 
Như vậy thì ai xúc động hơn, ai khiếp sợ hơn, trong những phút tên xạ thủ điên Lanza bắn giết học sinh? Cảnh sát võ trang và đến trường sau khi Lanza tự tử? hay nhân viên nhà trường không võ trang, cùng ngồi với học sinh trong lớp học, và cùng làm mục tiêu bị người điên bắn giết?
Câu hỏi đặt ra để trả lời luật sư Eric Brown và nghiệp đoàn cảnh sát Newtown là nếu họ đòi được tiền workers' compensation, thì nhiều người khác có ưu tiên hơn họ để được bồi thường.
 
Câu nhận xét của thế nhân cho là "Nếu thế giới có 1 triệu luật sư thì 500,000 người hành nghề tại Hoa Kỳ. Điều này có thể đúng, nhưng luật sư Brown đã đi quá trớn khi ông đòi tiền bồi thường workers' compensation suốt đời cho 15 cảnh sát viên Newtown chỉ vì họ chứng kiến một cảnh giết chóc khiếp đảm.
 
Chứng kiến cảnh giết chóc mới chỉ là một khiếp đảm gián tiếp. Giết hay bị giết như người lính tác chiến mới là khiếp đảm trực tiếp. Do đó PTSD - Posttraumatic stress disorder, hoảng loạn tinh thần- là hiện tượng thường thấy trong giới quân nhân và cựu quân nhân.
 
Vai trò của cảnh sát viên đáng kính trọng, nhưng thứ bực ưu tiên để được bồi thường vì PTSD, không cao lắm, trong vụ thảm sát tại trường Sandy Hook, cũng như trong những tai nạn lưu thông khiếp đảm hàng ngày trên xa lộ.

Không có nhận xét nào: