Pages

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Vì sao nữ giới TQ thuê bạn trai giả?



Cặp đôi
Một người bạn trai giả có thể giúp giảm bớt áp lực từ gia đình muốn phụ nữ phải kết hôn
Chỉ còn vài ngày là đến Tết cổ truyền, ngày lễ lớn nhất tại Trung Quốc khi cả nước đóng cửa vài ngày nghỉ ngơi, ăn uống, đốt pháo và đoàn tụ gia đình.
Nhiều người vui với dịp nghỉ này, nhưng hàng triệu người chưa có gia đình lại coi đây như dịp phải chịu đựng.

"Tôi sắp già rồi, gần 30 - mà vẫn độc thân," Đinh Na, một phụ nữ từ vùng đông bắc Trung Quốc, giải thích.
Tại tầng hầm một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, không khí ảm đạm bao trùm căng tin vào giờ ăn trưa. Một nhóm phụ nữ trẻ tụm lại quay những bát mỳ lớn trông thật buồn bã khi được hỏi về ngày Tết sắp tới.

"Tôi đang bị rất nhiều áp lực. Các chị em gái tôi và họ hàng cứ hỏi tại sao mà tôi chưa lập gia đình. Khi họ gọi đến, tôi rất ngại trả lời điện thoại."
Tại Trung Quốc, các chị em, đặc biệt là các cô gái trẻ, phải đối diện với mốc thời gian khắt khe theo quan niệm chung của xã hội, đó là phải tìm một tấm chồng trước khi bước sang tuổi 30.
Theo Chu Tiểu Bằng, chuyên tư vấn tình yêu thuộc mạng Baihe.com, một trong những mạng mai mối lớn nhất Trung Quốc, thì áp lực đối với những người độc thân trong việc phải ổn định cuộc sống gia đình đặc biệt lớn vào dịp Tết Nguyên đán.
"Nếu là người lẻ loi còn lại bạn thử hình dung áp lực phải chịu và cảm giác bức bối như thế nào"
Chu Tiểu Bằng
"Hãy hình dung cảnh mọi người ngồi quanh bàn," cô Chu Tiểu Bằng nói.
"Người Trung Quốc thích tụ tập quanh mâm cơm. Vào tối giao thừa, mọi người ngồi thành từng đôi một, anh trai với chị dâu, chị gái với anh rể và cứ thế. Nếu là người lẻ loi còn lại bạn thử hình dung áp lực phải chịu và cảm giác bức bối như thế nào."

Nụ hôn tám đô

Thật may mắn cho một số người, thị trường trên mạng được ưa chuộng nhất của Trung Quốc, Taobao, đã đưa ra một giải pháp cứu trợ: thuê một người giả làm bạn trai.
Chỉ với giá 50 đôla một ngày, hàng chục quảng cáo được phân loại hứa hẹn cung cấp một người bạn trai vào kỳ nghỉ, giả vờ là 'nửa kia' của người phụ nữ độc thân.
Một số quảng cáo được đăng với danh mục đầy đủ các lựa chọn - giá 5 đôla một tiếng để đi cùng với một cô gái đi ăn tối, và 8 đô cho một nụ hôn vào má.
Nếu người bạn trai giả đó ở lại qua đêm với gia đình đối tác vào dịp Tết thì giá sẽ là 80 đôla một đêm và ngủ một giường riêng, hoặc lấy 95 đôla nếu ngủ trên tràng kỷ.
Quan hệ tình dục thậm chí không có trong danh sách để lựa chọn.
Lý Lạc, một người làm nghề chào bán các sản phẩm nông nghiệp từ Thiên Tân, đã đồng ý làm thuê trong mấy ngày Tết. Anh hơi ngượng ngùng thú nhận đây là năm đầu tiên anh thử làm bạn trai giả thay vì về ăn Tết với gia đình tại tỉnh Hà Bắc.
Anh quả quyết anh làm không phải vì tiền mà vì anh theo đuổi công việc cao cả hơn.
"Nó thật là một công việc thú vị," anh nói. "Tôi có thể tìm được một người cùng chia sẻ những quan tâm của mình và nó có thể làm cả hai chúng tôi hạnh phúc."
Đăng ký kết hôn ở Vũ Hán: áp lực phải lấy vợ lấy chồng ở Trung Quốc khá cao
Cho tới nay 30 phụ nữ đã liên hệ với Lý Lạc nhưng anh cho biết tìm một người đủ tin cậy vào anh để mời anh về nhà vào dịp Tết không phải là dễ.
Lý Lạc nói anh vẫn đợi một 'ý trung nhân' sẽ đáp lời từ quảng cáo của anh và mong rằng "kết quả tốt nhất là tôi có thể tìm được vợ qua việc này".
Một ý nghĩ điên rồ? Có thể lắm, nhưng thậm chí văn hóa đại chúng Trung Quốc cũng chấp nhận khả năng từ bạn trai giả, tình cảm có thể tiến triền triển thành bạn trai thật.
Chương trình truyền hình được ưa thích "Thuê bạn gái dịp đoàn tụ gia đình" dựng lên câu chuyện lãng mạn giữa một người đàn ông Trung Quốc độc thân và cô bạn gái giả của anh này.
Vâng, đàn ông Trung Quốc cũng thuê người thế chân như vậy - thường là đàn ông đồng giới, những người vẫn chưa công khai với gia đình mình là người đồng giới.
Nhưng nhà tư vấn Chu Tiểu Bằng thì nói rằng phụ nữ đang thực sự bị áp lực phải lấy chồng. Mặc dù cuối cùng thì tình hình này cũng phải thay đổi.
"Khi những người sinh vào những năm 1980 hay 1990 trở thành cha mẹ, họ sẽ không muốn áp dụng chính những áp lực mà họ đã phải chịu khi còn trẻ lên con cái họ," cô tiên đoán.
"Có lẽ sẽ phải mất 20 tới 30 năm."
Điều đó có nghĩa là những người làm nghề tháp tùng người khác sẽ còn hàng chục năm để 'nâng cao tay nghề'.
Trong trường hợp của anh Lý Lạc, anh vẫn còn thời gian dành cho người bạn gái giả mà anh hằng mơ ước sẽ tìm tới thuê anh trong kỳ nghỉ Tết.

Không có nhận xét nào: