Pages

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Học viên Pháp Luân công VN 'bị bắt ở TQ'

Đã từng có nhiều vụ bắt bớ học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam
Một nhóm học viên Pháp Luân Công người Việt tố cáo bị công an Trung Quốc bắt giữ và đánh đập khi đang ở Bắc Kinh.

"Nhóm chúng tôi là học viên Pháp Luân Công Việt Nam, chúng tôi biết là các đồng tu Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị đàn áp rất tàn khốc nên chúng tôi quyết đinh qua đó để nói lên sự thật," bà nói.
Trả lời BBC ngày 11/9, bà Nguyễn Thị Thúy Vi, một trong các thành viên của nhóm này, nói nhóm 12 người của bà xuất phát từ Việt Nam hồi đầu tháng Bảy, nhưng chỉ có sáu người mang theo giấy tờ tùy thân.

"Sáu người của chúng tôi bị công an lấy hết giấy tờ tùy thân. Mặc dù không có giấy tờ nhưng chúng tôi vẫn quyết định bước qua biên giới Trung Quốc. Sáu vị nữ của chúng tôi có giấy tờ, còn sáu vị nam không có."
Tuy nhiên, cũng theo bà này, nhóm học viên chỉ gặp một số trở ngại trên đường đi:
"Chúng tôi đi qua bằng giấy thông hành chứ không phải passport. Trên đường đi, công an Trung Quốc hai lần chặn chúng tôi và hỏi passport, một lúc lâu họ lại cho chúng tôi đi."

'Không giấy tờ'

Khi được hỏi trong suốt chuyến đi, nhóm học viên có làm điều gì gây sự chú ý của chính quyền Trung Quốc hay không, bà Vi trả lời "chúng tôi đợi đến Quảng trường Thiên An Môn mới làm việc ấy."
"Chúng tôi quyết định đến Bắc Kinh để thực hiện sứ mệnh. Chúng tôi ở Bắc Kinh hai tháng. Ngày 1/9, chúng tôi bắt đầu từ khách sạn chuyển sang một chung cư do chúng tôi mướn," bà Vi nói.
"Ở đó được gần năm ngày, khi đang học pháp trong nhà, nghe tiếng đập cửa, một anh tên là Nguyễn Doãn Kiên ra mở cửa thì công an Trung Quốc ập vào, đánh anh ấy rất mạnh tay."
"Họ không hề xuất trình giấy tờ nào nói chúng tôi phạm pháp hay gì cả, xông vào là đánh ngay lập tức."
"Họ nói là Pháp Luân Công sao không tuyên truyền ở Việt Nam mà lại sang Trung Quốc."
"Chúng tôi nói là chúng tôi đến đây để nói sự thật là Đảng Cộng sản Trung Quốc lừa dối nhân dân."
"Sau đó họ lôi những người thanh niên ra đánh."
Bà Vi cũng nói nhóm của bà sau đó bị đưa vào đồn cảnh sát và bị đẩy xuống "từng hầm riêng lẻ".
"Đến khi họ đẩy chúng tôi lại chung một phòng thì tôi thấy sáu người thanh niên kia bị đánh bầm dập," bà nói.
Bà cũng cho biết 15, 20 phút sau đó, sáu người thanh niên không có giấy tờ trong nhóm này bị đưa đi, và kể từ đó thì bà không thấy mặt họ nữa.
"Ngày hôm sau, khoảng 11, 12 giờ, có một nhóm công an mặc đồ đen bước vào. Một cô thông dịch viên nói họ sẽ đưa chúng tôi về Việt Nam."
"Những người trong nhóm chúng tôi quyết định không chịu về, vì chưa làm xong sứ mệnh của mình."
"Thứ hai là nếu về thì chúng tôi phải về cùng 12 người."
Họ không đồng ý, họ nói nếu không về thì họ cũng sẽ cưỡng bức chúng tôi về.
Bà Vi cũng cho biết đã yêu cầu được gặp luật sư và đại diện đại sứ quán Việt Nam, nhưng không được phía Trung Quốc đáp ứng.

'Chưa có phản hồi'

Bà cũng cho biết từ khi về lại Việt Nam, nhóm của bà đã tìm liên lạc với các cơ quan chức năng để tìm sự giúp đỡ.
"Hôm nay chúng tôi đã viết đơn lên Bộ Ngoại giao để chuyển sang đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh."
"Chúng tôi cũng đã chuyển một lá đơn đến lãnh sự quán Trung Quốc ở Việt Nam."
Tuy nhiên, bà Vi cho biết cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
BBC đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và được một người tự giới thiệu là Nguyễn Văn Thịnh, phụ trách về cộng đồng người Việt tại đây, cho biết "chưa nhận được thông tin nào" về vụ việc.
Ông Thịnh cũng cho biết "thông thường, những trường hợp người việc không có giấy phép bị bắt giữ thì phía chính quyền sẽ phải thông báo cho sứ quán".
"Sứ quán sau khi nhận được thông tin sẽ xác minh với địa phương, xem có người đó hay không."
"Sau đó họ sẽ trao trả qua đường biên giới, hoặc bằng giấy lưu thông," ông nói.

Không có nhận xét nào: