Pages

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Đoàn VN tới Nam Phi thị sát giết tê giác

Tê giác ở Kruger
Các nhà bảo tồn tê giác đang đau đầu với nạn tiêu thụ sừng tê ở Việt Nam
Khi được phái đoàn Việt Nam chứng kiến thì xác của một con tê giác bị săn trộm đã nằm đấy được một tuần lễ ở một khu bảo tồn động vật hoang dã của Nam Phi.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong khi phần thịt đã bị các loài khác rút rỉa. Nhà chức trách đã tìm thấy viên đạn đã bắn chết con tê giác này bằng cách dùng một thiết bị dò kim loại xới tung mặt đất. Chiếc sừng không còn nữa, nó đã bị cứa khỏi mũi con tê giác.

Chứng kiến tội ác


Những người mà ông Paterson nhắc đến là một nhóm chưa đến chục người Việt đang đi thực tế ở Nam Phi để tìm hiểu về nạn buôn bán sừng tê trái phép mà nguyên do chủ yếu do nhu cầu của thị trường Việt Nam.
“Họ có thể nhìn thấy vết cứa, vết rìu trên bộ xương còn lại,” ông Andrew Paterson, một nhà bảo tồn động vật hoang dã, nói.
Nhóm này bao gồm các thành phần xã hội khác nhau, trong đó có một đại biểu Quốc hội, một diễn viên hài và một công an. Họ được đưa đến Nam Phi, nơi sinh sống của đại đa số tê giác trên thế giới, trong một chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng săn trộm tê giác ngày càng nghiêm trọng.
Mục đích của chiến dịch này là để thay đổi quan niệm của một số người Việt cho rằng sừng tê là vật chứng tỏ đẳng cấp và là liều thuốc chữa những căn bệnh nan y mặc dù pháp luật dễ dãi và tình trạng tham nhũng đang làm cho vấn đề thêm phức tạp.
Không có bằng chứng gì chứng tỏ sừng tê, vốn được cấu thành từ chất liệu giống như chất trong móng tay người, là thuốc chữa được bệnh.
"Tôi rất đau buồn khi nhìn thấy tê giác chết trong một hành vi tội ác như thế."
Võ Tuấn Nhân, phó chủ tịch ủy ban Quốc hội phụ trách môi trường
Paterson, giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ tê giác, nói rằng ‘huyền thoại’ rằng sừng tê có thể chữa ung thư lan truyền trong những năm gần đây đã làm cho nhu cầu sừng tê bùng nổ và nạn săn bắn tê giác gia tăng.
Khách hàng mua sừng tê thường dùng nó làm quà biếu cho họ hàng, đồng nghiệp hay các quan chức và họ thường cho rằng điều này đem lại cho họ cảm giác ‘an tâm’, theo một cuộc nghiên cứu về người tiêu dùng của hai tổ chức bảo tồn là WWF và TRAFFIC.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba ngày 17/9, ông Jo Shaw, điều phối viên phụ trách tê giác của WWF, tức Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã Thế giới, ở Nam Phi cho biết những người mua sừng tê thường là đàn ông thành đạt, trí thức, ngoài 40 tuổi, sống ở thành thị và có cuộc sống đẳng cấp.
Cho đến giữa tháng Chín thì con số tê giác bị giết hại ở Nam Phi trong năm nay đã là 635 con, theo số liệu thống kê của chính phủ nước này.
Nếu so với tổng số tê giác bị săn trộm trong cả năm 2012 thì còn thiếu 33 con nữa. Với tốc độ này thì tổng số tê giác bị bắn chết trong năm 2013 có thể sẽ vượt qua mốc 800 con.

Dính đến tội phạm

Phái đoàn Việt Nam được hai chiếc trực thăng chở đi xem xác tê giác tại Công viên Quốc gia Kruger hôm 12/9. Xác tê giác họ chứng kiến đã là con tê giác thứ 397 bị sát hại ở đây, ông Paterson cho biết.
Tê giác bị giết hại ở India
Tê giác bị giết hại tàn nhẫn chỉ vì cái sừng
Tổ chức mà ông Paterson là giám đốc là đơn vị đứng ra tổ chức chuyến đi này cho phái đoàn Việt Nam.
Công viên Quốc gia Kruger nằm sát bên nước láng giềng Mozambique, nơi có nhiều người nghèo khổ sẵn sàng vượt biên giới đi săn trộm tê giác và bán sừng tê cho một chuỗi tiêu thụ bất hợp pháp mà đa phần là có dính đến các tập đoàn tội phạm quốc tế.
“Tôi rất đau buồn khi nhìn thấy tê giác chết trong một hành vi tội ác như thế,” ông Võ Tuấn Nhân, phó chủ tịch một ủy ban của Quốc hội Việt Nam phụ trách vấn đề môi trường, nói.
Một người khác trong phái đoàn, diễn viên hài Xuân Bắc, người được đông đảo khán giả Việt Nam theo dõi trên mạng xã hội, nói anh đã có ý tưởng về những tiết mục tấu hài để nói cho khán giả Việt Nam biết rằng sừng tê không có công dụng chữa bệnh.
Xuân Bắc nói anh có một người bạn đang dùng sừng tê để chữa ung thư gan nhưng cuối cùng cũng phải nhập viện để điều trị.
Tham gia phái đoàn này còn có một nhà báo, một cấp phó của lực lượng cảnh sát môi trường của thủ đô Hà Nội, và một số thành viên của tổ chức phi chính phủ có tên là Edudation for Nature Vietnam.
Ông Douglas Hendrie, cố vấn của một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, cho biết truyền thông Việt Nam đã kêu gọi công chúng ngừng sử dụng sừng tê thông qua một chiến dịch nâng cao ý thức người dân về thị trường sừng tê bất hợp pháp.
Ông nói những người tiêu thụ sừng tê thường là quan chức chính phủ, các lãnh đạo doanh nghiệp và những người ốm nặng phải tìm đến sừng tê như hy vọng cuối cùng.
Ông cũng cho biết là rất khó để nhận diện những người tiêu thụ này.
“Đó chỉ là một phần nhỏ của xã hội nhưng lại gây ra tai hại,” ông nói, “Một trong những khó khăn của chúng tôi là: làm sao tiếp cập được những người này? Chúng tôi thậm chí còn không thể các định được họ là ai.”

Không có nhận xét nào: