Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tấn công Syria : Pháp buộc phải chờ Mỹ

Tổng thống François Hollande (trái) và Ahmad al-Jarba, lãnh đạo
Liên minh đối lập Syria ngày 29/8/2013 tại điện Elysée.
AFP PHOTO / KENZO TRIBOUILLARD
Đức Tâm
Tổng thống Pháp François Hollande, người luôn tỏ ra quyết tâm tấn công Syria ngay lập tức, giờ đây đành phải chờ đợi đồng minh Hoa Kỳ và phải chịu áp lực ngày càng lớn của phe đối lập cũng đòi phải có một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, giống như ở Mỹ và Anh.

Nếu như Tổng thống Hollande có được sự đồng thuận tương đối lớn của giới lãnh đạo chính trị Pháp khi quyết định can thiệp quân sự vào Mali hồi đầu năm nay, ông lại không có được sự ủng hộ tương tự trong hồ sơ khủng hoảng Syria.
Sau khi Thủ tướng David Cameron tuyên bố chấp thuận ý nguyện của Quốc hội Anh không đồng ý tấn công Syria, nước Pháp, trong những ngày qua, đột nhiên trở thành đồng minh lâu đời và thân thiết nhất của nước Mỹ, đành phải chờ đợi quyết định của Hoa Kỳ, và bị cáo buộc là chạy theo đuôi nước Mỹ, theo như lời của cựu thủ tướng François Fillon.Hôm qua, Tổng thống Barack Obama thông báo ý định tham khảo Quốc hội lưỡng viện và theo lịch trình, các cuộc thảo luận của lập pháp Mỹ chỉ bắt đầu từ ngày 09/09. 
Bà Elisabeth Guigou, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Pháp thừa nhận : « Nếu Mỹ quyết định không can thiệp, điều rõ ràng là Pháp sẽ không thể một mình can thiệp, bởi vì cần có một liên minh để bảo đảm tính chính đáng ». Tại Paris, một nguồn tin thân cận với hồ sơ khủng hoảng Syria tỏ ra lo ngại là việc trừng trị Damas càng cách xa ngày 21/08, ngày xẩy ra vụ tấn công được cho là có sử dụng vũ khí hóa học, thì hiệu quả quân sự và chính trị của can thiệp quân sự càng giảm bớt đi. Mọi việc đã sẵn sàng, đã xác định được mục tiêu, thế mà bây giờ, Paris đành phải theo nhịp độ của Washington. Một nguồn tin quân sự Pháp ngạc nhiên về việc từ 10 ngày qua, Paris đã làm ầm ĩ về khả năng đánh Syria ngay tức khắc.
Trong khi chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Pháp phải hứng chịu nhiều áp lực của phe đối lập. Tiếp theo những tuyên bố báo động về nguy cơ tham chiến của Pháp đến từ cựu thủ tướng François Fillon và Chủ tịch đảng UMP Jean François Copé, đến lượt ông Jean Louis Borloo, Chủ tịch đảng cánh trung thiên hữu UDI, tối qua, đã gây áp lực, ngay sau khi Tổng thống Mỹ thông báo ý định để Quốc hội bỏ phiếu về hành động quân sự tại Syria. Ông nói : « Như Tổng thống Mỹ đã quyết định tham khảo Quốc hội nhân danh các nguyên tắc dân chủ, Tổng thống Pháp phải làm tương tự và sau cuộc thảo luận, phải tổ chức bỏ phiếu chính thức tại Quốc hội ». Trong ngày hôm qua, đại diện các đảng phái đối lập khác, như MoDem, Mặt trận Cánh tả, Nền Cộng hòa vùng lên, cũng đòi phải để cho Quốc hội bỏ phiếu.
Theo lịch trình ban đầu, chiều thứ Tư, 04/09, Thượng và Hạ viện Pháp họp phiên đặc biệt để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria, Sau đó, Thủ tướng Jean Marc Ayrault ra tuyên bố và trên nguyên tắc, sẽ không có cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Pháp. Hôm qua, các cộng sự thân cận của Tổng thống Hollande từ chối mọi bình luận. Nguyên thủ Pháp và Mỹ lại có một cuộc điện đàm và cả hai bên khẳng định lại quyết tâm phải hành động. Ngoại trừ đảng Xã hội của Tổng thống Hollande, nhiều lãnh đạo cánh hữu cũng như cánh tả, bày tỏ sự dè dặt hoặc lo ngại về một hành động quân sự « trừng phạt » chế độ của Tổng thống Bachar al Assad, mà theo Washington và Paris, phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/08, ở ngoại ô Damas.
Ba ngày sau khi tán đồng thái độ của Tổng thống Hollande trong hồ sơ này, Chủ tịch đảng đối lập UMP Jean François Copé, ngày hôm qua, đã thay đổi thái độ, giữ khoảng cách, trong lúc theo thăm dò dư luận của BVA thì có tới 64% dân Pháp phản đối can thiệp quân sự. Theo ông Coppé, « nước Pháp cần phải giữ quyền tự do hành động » trong quan hệ với Mỹ và « hội chứng Irak vẫn còn hiện diện trong tâm trí mọi người ». Chủ tịch đảng UMP cho rằng phải trừng trị hành động dùng hơi ngạt giết hại thường dân vô tội, đàn bà và trẻ em, nhưng ông nhấn mạnh : Nếu và chỉ trong điều kiện là nếu có bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học, thì mới có thể bàn đến khả năng tiến hành một cuộc can thiệp có hạn chế, với mục tiêu rõ ràng, nhưng không nhằm lật đổ chính quyền Syria.
Trước đó, hôm thứ Sáu, ông François Fillon, cựu thủ tướng Pháp, người đang tranh giành chức Chủ tịch đảng đối lập UMP cũng phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Theo ông Fillon, nước Pháp không thể hành động bộp chộp và theo đuôi bất kỳ nước nào, cho dù đó là đồng minh hay quốc gia hữu hảo Hoa Kỳ. Ông kêu gọi Tổng thống Pháp cân nhắc kỹ các mối nguy hiểm của một hành động quân sự tại Trung Đông, một khu vực rất nóng bỏng như thùng thuốc súng. Cũng như ông Copé, cựu thủ tướng Fillon và Chủ tịch đảng cánh trung UDI Borloo, đều nêu ra một loạt điều kiện và đặc biệt là đòi phải có bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học, trước khi Paris quyết định can thiệp quân sự vào Syria.
Do các động thái tại Mỹ, Thủ tướng Pháp, vào ngày mai, sẽ tiếp các lãnh đạo Nghị viện để thông báo về tình hình Syria. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến trưa nay, 01/09, dường như chính quyền của Tổng thống Hollande không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Theo Hiến pháp của Pháp, với tư cách là Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, Tổng thống có quyền điều động quân đội can thiệp ở nước ngoài mà không cần có sự đồng ý của Quốc hội. Chính phủ có trách nhiệm thông báo cho Quốc hội trong vòng ba ngày, sau khi xẩy ra can thiệp quân sự. Việc bỏ phiếu tại Nghị viện chỉ bắt buộc nếu hành động quân sự này kéo dài quá bốn tháng.
Ngày hôm nay, nhiều quan chức đảng cánh tả Xã hội đã lên tiếng bênh vực cho lập trường của Tổng thống François Hollande và kêu gọi phe đối lập hãy tôn trọng Hiến pháp.

Không có nhận xét nào: