Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Thuyền nhân tại Úc quan ngại cho gia đình ở VN

Tường An, thông tín viên RFA

thuyen-nhan1-305.jpg
Các thuyền nhân Việt Nam tại trại Yongah Hill đang tuyệt thực, cầu nghuyện để hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên hôm 5/9/2013.
Hình do thuyền nhân trại Yongah Hill cung cấp
Như bản tin của đài chúng tôi đã tường trình tuần qua về việc công an CP A18 thuôc cục xuất nhập cảnh Việt Nam vào trại giam giữ tị nạn Yongah Hill điều tra lý lich thuyền nhân gây ra hoang mang và lo sợ cho các trại viên tại đây. Hôm nay chúng tôi tiếp tục gửi đến quý vị những thông tin cập nhật về tình hình thuyền nhân tại đây.

Có lợi cho hồ sơ tị nạn?

Trong ba ngày 21, 22 và 23 tháng 8 vừa qua, 3 công an CP A18 thuộc cục xuất nhập cảnh Việt Nam đã vào trại giam giữ di trú Yongah Hill điều tra trên 100 người trong số hơn 300 thuyền nhân Việt Nam đang tạm trú tại đây để chờ thủ tục thanh lọc. Đã có khoảng từ 150-200 người bị trả hồ sơ.Ngoài việc hỏi cung lý lịch, công an còn hỏi lý do ra đi, đường đi, lý do xin tị nạn và bắt thuyền nhân ký vào bản khai. Nhân viên bộ di trú (hai thứ tiếng-bilingual) có mặt tại đó cũng khuyên họ nên ký vì họ nói ký vào đó là có lợi cho hồ sơ, một thuyền nhân kể lại:

“Người của bộ di trú nói là nếu anh ký thì hồ sơ của anh tiến triển tốt đẹp, mà nếu anh không ký thì hồ sơ anh đi theo chiều hướng tiêu cực. Họ khuyên mình ký, em thấy mọi người ký thì em cũng ký.”
Việc này đã gây ra lo lắng, hoang mang cho những người đang xin tị nạn. Đa số thuyền nhân trong trại Yongah Hill là thanh niên công giáo đến từ các giáo xứ bị đàn áp như giáo phận Vinh, giáo xứ Con Cuông, Mỹ Yên… Theo như lời khai của họ, phần lớn họ phải trốn đi vì bị lấy nhà, lấy trường và không chịu nổi sự quấy nhiễu của công an xã, huyện tại đây. Cho nên việc phải gặp lại công an Việt Nam tại trại tị nạn Úc đã gây nên một cơn sốc lớn cho toàn trại. Một thuyền nhân đã tuyệt vọng sau khi 3 ngày liên tục bị ép ký tên nên đã tự tử, nhưng được cứu thoát. Sau đó mọi người đã biểu tình đòi gặp bộ di trú và ban quản lý trại. Một trại viên trong nhóm biểu tình kể lại:
tn-250.jpg
Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.
“Khi chúng em đã trốn ra khỏi cái chế độ mà bộ di trú bắt chúng em phải đối diện với chính quyền mà chúng em đang phải trốn chạy. Sau mấy ngày phải làm việc với công an CP A18 đó thì một số người họ biết được chữ ký của họ có thể đưa họ quay trở lại quê hương cho nên một số người không ký. Còn một người bị ép ký 3 ngày liên tục cho nên anh ta lo sợ hoang mang, anh ta không biết từ chối bằng cách nào nên anh ta phải tìm cái chết để giải thoát bản thân. Như lời anh ta nói thì về Việt Nam cũng chết, ở đây cũng chết thì chết ở đây cho nó thanh thản. Và sau đó chúng em có tổ chức một cuộc biểu tình bất bạo động để đòi gặp bộ di trú Úc để giải thích tại sao công an CP A18 lại vào trại làm việc với chúng em vì như em được biết là cái đó ngược lại với công ước tị nạn quốc tế.”
Cuộc biểu tình kéo dài từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm thì nhân viên trong trại yêu cầu chấm dứt biểu tình để không gây hoang mang cho các sắc dân khác và hứa hôm sau sẽ cho gặp bộ di trú và ban quản lý trại. Tuy nhiên lời hứa này không được thực hiện.

Sách nhiễu gia đình

Riêng một thuyền nhân tại trại Villawood, Sydney cho biết bộ di trú đã gọi điện thoại về công an xã để điều tra lý lịch của anh và vì thế, công an xã đã đến gia đình anh hăm doạ, quấy nhiễu bà mẹ già của anh và hiện anh rất lo sợ cho gia đình ở Việt Nam, anh cho biết:
Mấy người công an ở xã em gây khó dễ cho gia đình em nhiều lần, thí dụ như người ta nói những lời đe dọa nọ kia với gia đình.
-Một thuyền nhân
“Mấy người di trú ở bên này gọi về quê nhà em để điều tra lý lịch. Công an nói ở bên này người ta gọi về người ta điều tra lý lịch nọ kia coi con ông nào, bà nào ở đâu thế là công an gây khó dễ ở nhà. Mẹ bảo là công an nó hỏi nọ kia nhiều lắm. Nói chung là mấy người công an ở xã em gây khó dễ cho gia đình em nhiều lần, thí dụ như người ta nói những lời đe dọa nọ kia với gia đình rồi thì đi xin giấy tờ cho cháu đi học hoặc làm giấy chứng minh mà nó gây khó dễ, nó chẳng cho.”
Ngày thứ tư vừa qua, phái đoàn của cộng đồng người Việt tại Perth gồm 6 người đã có cuộc gặp gỡ gần 2 giờ với 10 thuyền nhân trại Yongah Hill. Chị Carina Oanh Hoàng cho biết tình trạng của họ như sau:
“Thứ nhất là họ rất mừng khi có sự quan tâm của cộng đồng người Việt tự do đến thăm. Họ cảm thấy là họ không bị bỏ rơi. Và họ còn có hy vọng là kêu gọi được bên ngoài để giúp họ. Thứ hai nữa họ cho biết là về vấn đề vật chất thì không có gì phải lo hết. Nhìn thì thấy họ rất là khoẻ mạnh, nhưng mà họ rất lo lắng và hoang mang. Họ lo 2 việc: việc thứ nhất là kg biết tương lai của họ sẽ như thế nào? Không biết là có sẽ bị trả về Việt Nam hay không? Và trả về lúc nào? Thứ hai là gia đình của họ ở Việt Nam có bị ảnh hưởng gì hay không sau cuộc gặp gỡ với công an này. Họ lo rồi họ buồn, rồi bắt đầu không ăn uống”
Chị Oanh Hoàng cho biết cộng đồng đã trấn an họ và trong tình đồng hương, cộng đồng sẽ cố gắng giúp họ những gì có thể làm được. Phái đoàn đã cho họ những lời khuyên:
7505722558_48e1197444-250.jpg
Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.
“Chúng tôi có mang một số đơn để trì hoãn hồ sơ hoặc xin khiếu nại hoặc yêu cầu ban kiểm tra xuống kiểm tra thủ tục làm việc của bộ di trú, nhưng khi vào thì tôi biết là không thể phổ biến bất cứ giấy tờ hay văn bản gì cho những người trong trại giam cho nên chúng tôi không đưa. Chúng tôi phải cẩn thận, mình không thể tư vấn họ về luật pháp được nhưng mà anh chủ tịch cộng đồng người Việt Tây Úc có nói với các em là về quyền Human Right thì các em có quyền từ chối không trả lời nếu không có luật sư hoặc có quyền tư vấn luật sư trước khi trả lời hoặc đi gặp ai. Nếu họ gặp mình thì mình cũng được quyền hỏi lý do buổi gặp là về cái gì?
Đó là những cái mà mình có thể giúp cho các em. Mình không hứa là mình sẽ giúp cho cái case của họ được chấp nhận ở lại, nhưng mình cho họ thêm thông tin. Anh Dũng, chủ tịch cộng đồng ở đây thì có nói là mình đã biết hoàn cảnh của họ trong đây rồi thì sẽ có sự thăm viếng và sẽ có một nhóm người ở bên ngoài bằng cách này, cách kia sẽ nỗ lực để giúp họ.”
Ngày 29 tháng 8 vừa qua, ông Võ Trí Dũng, chủ tịch cộng đồng liên bang Úc châu đã gửi thư đến bộ di trú yêu cầu xác nhận việc công an Việt Nam vào trại giam để điều tra truyền nhân. Sau đó, ông Tony Burke, bộ trưởng bộ di trú đã gửi thư xác nhận đã cho phép một nhóm nhỏ nhân viên cục xuất nhập cảnh vào các trại Yongah Hill, Darwin, Villawood. Ông nói, nhân viên cục xuất nhập cảnh không được phép xem xét hồ sơ thuyền nhân khi chưa xác định được họ có quy chế tị nạn hay là không. Nếu chính phủ Úc trả người về thì phải làm việc với chính phú của quốc gia đó. Đây không phải là một thủ tục mới lạ của chính sách Úc và việc các nhân viên cục xuất nhập cảnh vào trại là không vi phạm hiệp định về quyền tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
Dù đang rất hoang mang về số phận của mình. Hôm 5 tháng 9 vừa qua, hơn 300 thuyền nhân trong trại cũng đã tổ chức buổi tuyệt thực và cầu nguyện để hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên:
“Tụi em có tổ chức một cuộc biểu tình bất bạo động để mong nói lên một iếng nói cho quê hương, khóc cùng quê hương khi quê hương đang bị đàn áp. Chúng em cầu nguyện từ lúc 1 giờ chiều, đến 3 giờ chiều thì có Cha vào dân thánh lễ và tối này cũng tiếp tục cầu nguyện cho quê hương, cho người thân đang bị cộng sản đàn áp. Những người bị đánh đập, bị đàn áp ở giáo xứ Mỹ Yên, đó là người thân, anh em, Bố Mẹ của những người ở đây. Đang lúc hoang mang vụ CP A18 chưa hết thì lại nghe tin từ quê hương bị đàn áp như thế cho nên họ rất buồn và lo lắng.”
Thuyền nhân trại Yongah Hill cho biết cho đến hôm nay không thấy công an vào điều tra nữa. Họ tự hỏi không biết vì sự phản đối của trại viên hay chính phủ Úc đang bận rộn với cuộc bầu cử thủ tướng ngày 7 tháng 9 sắp tới? Tin mới nhất cho biết đã có 1 số thuyền nhân xin được huỷ bỏ chữ ký trong biên bản mà họ đã ký với công an Việt Nam vì họ nghe nói rằng ký giấy đó là chấp nhận hồi hương
.

Không có nhận xét nào: