Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Việt Nam xích lại gần Ấn Độ trước đe dọa của Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại một buổi ký kết thỏa thuận ở New Delhi, 20/5/2013. REUTERS/Adnan Abid
Một chuyên viên nghiên cứu về Ấn Độ cho rằng đe dọa của Trung Quốc khiến cho Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần Ấn Độ hơn.

Trong một bài báo được phổ biến trên trang mạng dnaindia.com, Tiến sĩ Harsh Pant, chuyên viên nghiên cứu các chính sách ngoại giao và quốc phòng đương đại của Ấn Độ tại trường đại học King ở London gợi ý rằng trước những lời chỉ trích của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam cần giữ vũng lập trường của mình.

Ông nhắc lại lịch sử cho thấy Ấn Độ đã từng ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hiện nay, chính sách Hướng về Phương Đông của Ấn Độ đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, khiến cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam mang thêm ý nghĩa.

Tiến sĩ Pant nêu lên dự định của Ấn Độ cho Việt Nam vay 100 triệu đôla để mua vũ khí của Ấn Độ, và hai nước đã ký thỏa thuận để Ấn Độ khai thác dầu khí ở Biển Đông bất chấp phản đối của Trung Quốc.

Ông cho rằng Việt Nam đang ngày càng trở thành nền tảng của chính sách Hướng về Phương Đông của Ấn Độ, và Ấn Độ có thể dùng Việt Nam để đối trọng với Trung Quốc, giống như Trung Quốc đang dùng Pakistan để đối trọng Ấn Độ.

Tiến sĩ Pant cho rằng cả Ấn Độ và Việt Nam đều hiểu là muốn phát triển quan hệ song phương, hai nước cần phát triển kinh tế. Ông kêu gọi hai nước gia tăng thương mại và đầu tư, bởi vì hiện nay vẫn chưa đạt hết tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, sắt thép và dược phẩm.

Ông nói rằng Ấn Độ và Việt Nam có một điểm chung, đó là muốn xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ. Ấn Độ đã làm chuyện này từ 10 năm qua, còn Việt Nam đang xúc tiến quan hệ với Hoa Kỳ kể từ khi tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ngày càng nóng lên.

Tác giả bài báo nói rằng Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu cho thấy họ khó chịu trước sự cạnh tranh của Ấn Độ tại Đông Nam Á, nhưng nếu Ấn Độ và Việt Nam giữ vững lập trường, họ có thể buộc Bắc Kinh giảm bớt những đòi hỏi chủ quyền mang tính cách bành trướng ở Biển Đông, và buộc Bắc Kinh phải có một lập trường hòa dịu hơn đối với các vấn đề khác trong khu vực.

(VOA)

Không có nhận xét nào: