Pages

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Tại sao vị trí của HD 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam

Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam
RFA files/PTimes

Nghe Bài Này
Trung Quốc luôn luôn cho rằng giàn khoan HD 981 nằm trong vùng lãnh thổ của nước này vì chỉ cách đảo Tri Tôn 18 hải lý, mặc dù đảo này do họ đánh chiếm trái phép vào năm 1974 của Việt Nam. Mặc Lâm phỏng vần TS Trần Công Trục để tìm câu trả lời. Ông Trục nguyên là Trưởng ban Biên giới Chính Phủ và từng chứng kiến nhiều văn kiện quan trọng được ký kết với phía Trung Quốc.
Mặc Lâm: Thưa ông, Trung Quốc vẫn luôn cho rằng dàn khoan HD 981 nằm trong vùng biển của họ vì chỉ cách đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm của Việt Nam 18 hải lý trong khi cách Lý Sơn của Việt Nan tới 119 hải lý, ông giải thích việc này như thế nào?
TS Nguyễn Công Trực: Vâng, đấy là cả một vấn đề và nếu chúng ta không nói rõ, phân tích bản chất pháp lý của nó thì sẽ có những băn khoăn, những hiểu lầm. Tôi xin nói rằng cái vị trí này mà Trung Quốc họ chọn là một ví trí cực kỳ nhạy cảm, nó làm cho người ta có thể không hiểu, hay hiểu lầm rằng vị trí này gần với quần đảo mà họ gọi Tây Sa mà hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng hoàn toàn thì họ có quyền mở rộng các vùng biển ra để làm như vậy. Thậm chí có thể tạo ra việc chồng lấn các vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa Việt Nam.
Vùng đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một quần đảo của quốc gia ven biển, Việt nam với tư cách là quốc gia ven biển, chứ không phải nó là một quốc gia quần đảo, vì vậy anh không thể nào áp dụng việc đặt hệ thống đường cơ sở của quốc gia quần đảo lên vùng đảo này
TS.Trần Công Trực
Đối với Trung Quốc khi họ chiếm Hoàng Sa rồi thì họ muốn giải thích vận dụng sai công ước, bởi vì công ước người ta quy định về những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để tính sự hiệu lực của các đảo, quần đảo đối với các vùng biển liên quan, đối với các vị trí của đảo, vùng đảo nào đó. Thế thì vùng đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một quần đảo của quốc gia ven biển, Việt nam với tư cách là quốc gia ven biển, chứ không phải nó là một quốc gia quần đảo, vì vậy anh không thể nào áp dụng việc đặt hệ thống đường cơ sở của quốc gia quần đảo lên vùng đảo này.
Mặc Lâm: Thưa ông theo Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 thì một vùng đảo hay quần đảo phải như thế nào mới được công nhận là đặc quyền kinh tế?
TS. Trần Công Trực: Theo điều kiện 121: những đảo nào mà vùng đất luôn luôn nổi trên mặt nước, khi thủy triều xuống thấp nhất và từng đảo một sẽ có từng đường cơ sở để tính cho vùng biển.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ bên cạnh tấm bản đồ Việt Nam và Biển Đông tại nơi làm việc - Ảnh: Tùng Đinh/VTC
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ bên cạnh tấm bản đồ Việt Nam và Biển Đông tại nơi làm việc - Ảnh: Tùng Đinh/VTC
Đối với đảo nào có điều kiện, thích hợp cho con người sinh sống, và có điều kiện có đời sống kinh tế riêng thì mới có thể tính đến các vùng biển kinh tế mà thềm lục địa theo quy định Công ước luật biển năm 1982.
Nhưng ai cũng biết rằng quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo tập hợp những đảo đá, bãi đá những rạn san hô rất nhỏ. Đảo lớn nhất là Phú Lâm chỉ 1,6 cây số vuông thôi, mà quần đảo này nằm trong một môi trường biển hết sức khắc nghiệt cho nên rõ ràng đến bây giờ, mặc dù Trung Quốc sau khi chiếm đọat của Việt Nam đã cố gắng để tạo ra được những diện mạo đáp ứng đúng cái tiêu chuẩn mà công ước quốc tế quy định nhưng vẫn không được, vì vậy nó không thể mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế mặc dù chỉ cách đảo Tri Tôn 18 hải lý, có nghĩa là nằm ngoài 12 hải lý, nằm ngoài tiêu chuẩn tối đa, mà công ước luật biển quy định.
Tôi xin khẳng định rằng vị trí này không liên quan gì đến vai trò vị trí của quần đảo Hoàng Sa cả. Mà nó chỉ có thể nằm sâu trong vùng của lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam
TS.Trần Công Trực
Vì vậy, tôi xin khẳng định rằng vị trí này không liên quan gì đến vai trò vị trí của quần đảo Hoàng Sa cả. Mà nó chỉ có thể nằm sâu trong vùng của lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mặc Lâm: Mới đây Trung Quốc đã lên tiếng cho biết là sẵn sàng đàm phán nhưng với điều kiện là Việt Nam phải rút toàn bộ tàu bè ra khỏi khu vực giàn khoan HD 981 đang chiếm đóng. Ông nghĩ sao vể đề nghị có vẻ ngang ngược này?
TS. Trần Công Trực: Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chỉ mong giải quyết một cách êm thấm để không ảnh hưởng đến lợi ích chung của khu vực và thế giới. Giữ gìn an ninh hòa bình hợp tác và phát triển là nguyện vọng và vì vậy tất cả những đề nghị ngồi lại đàm phán giải quyết hòa bình thì chúng tôi rất hoan nghênh. Nhưng tôi xin nói rằng nguyện vọng đó và ý chí đó không có nghĩa là không có điều kiện, không bất kì một cái giá nào. Và các bạn nên nhớ rằng chúng tôi có quyền chủ quyền và có quyền tài phán trên thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của chính mình và phù hợp với luật pháp của quốc tế. Nghĩa là chúng tôi có quyền và có trách nhiệm bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng của mình.  Chắc chắn trên thế giới này không ai có thể chấp nhận cái điều kiện như Trung Quốc đưa ra cả.
Tại sao hành động TQ như vậy mà VN lại không có tiếng nói nào mạnh mẽ, không làm mạnh hơn nữa đi, không dùng tất cả những sức mạnh để ngăn cản? Tôi nghĩ rằng các bạn có sự nhầm lẫn, có sự hiểu lầm. Đây là một sự kiềm chế, không phải vì lợi ích của chúng tôi đâu, mà vì phải nghĩ đến lợi ích chung của khu vực và thế giới
TS.Trần Công Trực
Mặc Lâm: Thưa TS ai cũng biết là TQ chờ đợi sự thiếu kềm chế của Việt Nam để gây ra chiến tranh, tuy nhiên với truyền thống xem thường dư luận quốc tế, TQ có thể dàn cảnh tàu VN bắn trước và đánh chìm nó rồi tiến hành chiến tranh xâm lược. Đối phó với hành vi này Việt Nam đã chuẩn bị những gì?
TS.Trần Công Trực: Đối với người Trung Quốc, trong lịch sử Việt Nam chúng tôi đã từng rất nhiều lần chống chọi và chúng tôi đã rất hiểu cái cách làm của họ. Trong vụ này, có lẽ chúng tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như các tổ chức lãnh đạo có liên quan đã tính hết tất cả các phương án có thể xảy ra. Và rõ ràng là, dù muốn hay không muốn, sự kiềm chế, kiềm nén của chúng tôi có mức độ.
Có một số dư luận nào đó nói rằng, tại sao hành động Trung Quốc như vậy mà Việt Nam lại không có tiếng nói nào mạnh mẽ, không làm mạnh hơn nữa đi, không dùng tất cả những sức mạnh để ngăn cản? Tôi nghĩ rằng các bạn có sự nhầm lẫn, có sự hiểu lầm. Đây là một sự kiềm chế, không phải vì lợi ích của chúng tôi đâu, mà vì phải nghĩ đến lợi ích chung của khu vực và thế giới, cho nên chúng tôi phải cố gắng làm bằng mọi cách để thực hiện được mục tiêu đó.
Chúng ta phải có một khái niệm trước hết muốn nói đến được vấn đề đó, chúng ta phải nói thế nào là mạnh. Mạnh không có nghĩa là anh phải dùng nắm đấm, không có nghĩa là dùng vũ khí, nổ súng, dùng máu lửa để mà thể hiện sức mạnh. Thế mạnh của mình là về mặt pháp lý, chân lý.
Chúng ta phải phát huy được sức mạnh của đoàn kết của dân tộc này, đất nước này, của cộng đồng khu vực quốc tế. Tôi muốn nói đấy là sức mạnh tiềm năng nhất và vô địch. Bây giờ họ có thể dùng bất kỳ các biện pháp nào cứng rắn và dùng sức mạnh cường quyền để mà áp đảo, nhưng chắc chắn họ không bao giờ họ làm nhụt được ý chí của các quốc gia nhỏ bé, luôn luôn có tinh thần độc lập như ở đất nước Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Trần Công Trục
.

Không có nhận xét nào: