Pages

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

TQ lại nhắc Công hàm Phạm Văn Đồng

Trung Quốc nói không có tranh chấp với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa
Một nhà ngoại giao và một học giả Trung Quốc nói Công hàm 1958 là bằng chứng Việt Nam công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.
Công hàm 1958 gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại được Trung Quốc đề cập trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đối đầu vì vụ giàn khoan HD-981.


Hôm 20/5, đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post để biện hộ cho Trung Quốc.
Căng thẳng Việt – Trung đã gia tăng, với việc nổ ra các cuộc bạo động ở Việt Nam, sau khi Việt Nam lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại khu vực biển Hoàng Sa.
Ông Lưu Hồng Dương nói quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc dùng để chỉ Hoàng Sa) là “lãnh thổ vốn vẫn thuộc về Trung Quốc”.
“Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai.
“Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc.”
Ông Lưu Hồng Dương cáo buộc “việc chính phủ Việt Nam gần đây thay đổi và từ chối công nhận Tây Sa là của Trung Quốc thật vô cùng gây sốc”.
“Việt Nam rõ ràng vi phạm nguyên tắc ‘estoppel’ [không được nói ngược],” ông Lưu cáo buộc.
Bày tỏ lập trường chính thức của Trung Quốc, ông Lưu nói tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ tồn tại ở quanh quần đảo Trường Sa.
Ông Lưu cáo buộc Việt Nam có “tiêu chuẩn kép” khi đã “đánh dấu 57 lô dầu khí ở trong vùng biển tranh chấp”.
Nói về cuộc đối đầu quanh giàn khoan HD-981, ông Lưu nói Việt Nam “phải bỏ mọi ảo tưởng và tiến hành hai biện pháp quyết định”.
“Một, ngay lập tức dừng mọi hoạt động nguy hiểm chống lại giàn khoan Trung Quốc và rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển thuộc Trung Quốc.
“Hai, thực thi lời hứa dừng mọi bạo lực trong nước để bảo vệ công dân và tài sản công ty Trung Quốc ở Việt Nam.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về bài báo của ông Lưu Hồng Dương.
Trong một diễn biến liên quan, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có bài trả lời phỏng vấn hãng tin Đức Deutsche Welle (DW), được đăng trên mạng hôm 20/5.
Ông này cũng nhắc lại về Công hàm Phạm Văn Đồng.
“Năm 1958, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa trong công hàm gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
“Hà Nội chỉ thay đổi lập trường sau khi đất nước thống nhất năm 1975,” tiến sĩ Ngô nói.
“Nhưng theo nguyên tắc estoppel, Trung Quốc không tin rằng Việt Nam có thể thay đổi lập trường về vấn đề chủ quyền.”

Công hàm Phạm Văn Đồng vẫn gây tranh cãi sau 50 năm
Công hàm tranh cãi
Công hàm ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958 để phúc đáp tuyên bố của CHND Trung Hoa hôm 04/9 năm 1958 về hải phận 12 hải lý của nước này.
Viết trên BBC, Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, cho rằng công hàm “không liên quan gì đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, càng không có nghĩa là Việt Nam thừa nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”.
“Bởi thời điểm này 2 quần đảo đang do chính thể Việt Nam Cộng hòa, đại diện cho nhà nước Việt Nam quản lý, thực thi chủ quyền,” ông Trục giải thích.
Tuy vậy, tranh luận trên BBC, ông Lý Thái Hùng, một lãnh đạo của đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, lại nói công hàm “vẫn đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay”.
Nói như một nhà nghiên cứu khác, Dương Danh Huy, công hàm có gây ra nghĩa vụ ràng buộc cho Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa hay không là một vấn đề “còn tranh cãi”.

Không có nhận xét nào: