Pages

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Hoa Kỳ nên trấn an đồng minh và kiên quyết với Trung Quốc tại Đông Á

Khi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các lân quốc còn tiếp tục trong các vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam [Biển Đông], thì Hoa Kỳ cần có một chiến lược khu vực rõ ràng hơn. Đồng thời, Hoa Kỳ phải duy trì quyền lợi và kết ước liên minh của mình và tránh đối đầu phản tác dụng hay ngay cả xung đột.

Làm được như thế có khó khăn, đặc biệt nhất là vì nếu phải công nhận yêu sách của ai về các hải đảo còn đang tranh chấp trong khu vực là vấn đề không sáng tỏ, và Hoa Kỳ không có ý định cố áp đặt một giải pháp nào. Cùng thời gian này, Hoa Kỳ phải hiện đại hoá lực lượng vũ trang ngõ hầu đáp ứng những thách thức mới – đặc biệt nhất là sự trổi dậy của Trung Quốc. Khi Trung Quốc triển khai những loại vũ khí chính xác hiện đại để tạo ra một khả năng mới được gọi là chống thâm nhập và loại trừ khỏi khu vực (anti-access/area-denial, A2-AD), Hoa Kỳ phải nghiên cứu làm thế nào để các căn cứ và lực lượng hải quân của mình trong khu vực đáp ứng được vấn đề khả dĩ tổn thương đang gia tăng.

Không có một đối sách dễ dàng nào trước những thách thức này. Điều thiết yếu là có một phương cách mang nhiều sắc thái mà chúng tôi đã triển khai trong sách mới của chúng tôi là Strategic Reassurance and Resolve (Trấn An Về Chiến Lược và Kiên Quyết).

Khảo hướng của chúng tôi là sự thích nghi về sách lược trường kỳ của Hoa Kỳ “dù kết ước nhưng có rào cản”. Thông qua sách lược này, Hoa Kỳ và Đồng Minh dùng những phương tiện kinh tế, ngoại giao và đôi khi bằng quân sự để tạo khích lệ cho Trung Quốc trổi dậy trong an bình, trong khi duy trì những khả năng quân sự hùng mạnh trong trường hợp mà cam kết tỏ ra không thành tựu.

Vấn đề là ngăn chận nguy hiểm thường được giải thích là nhằm duy trì ưu thế quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng triển khai và tiếp nhận những vũ khí hiện đại, kể cả những tên lửa chính xác chống chiến hạm, của Trung Quốc không làm thuyết phục đựơc là Hoa Kỳ có thể duy trì tình trạng bất khả tổn thương lực lượng vũ trang của mình trong khu vực như từ hơn thập niên qua, kể cả khả năng hành quân cận duyên hải của Trung Quốc mà không bị trả đủa. Đứng trước việc khả năng tổn thương của Trung Quốc do can thiệp của ngoại bang từ trong lịch sử, những nỗ lực đơn phương của Hoa Kỳ để duy trì ưu thế tấn công chỉ tạo thêm cuộc chạy đua vũ trang làm gia tăng bất ổn.   

Một vài nhà chiến lựơc Hoa Kỳ cổ vũ một giải pháp thiên về kỹ thuật cho trình trạng tiến thoái khó xử này. Phương cách của họ, một khái niệm còn gọi là “Không-Hải Chiến“, bao gồm một sự phối hợp giữa phương tiện phòng thủ và tấn công để giải quyết những thách thức mới do việc mở rộng các loại vũ khí chính xác mang lại.

Theo quan điểm chính thức, Lầu Năm Góc không chỉ đạo khái niệm “Không Hải Chiến“ nhằm chống lại một quốc gia nào đặc biệt. Thí dụ, việc sở hữu của Iran về các loại vũ khí chính xác – và mối quan hệ ngày càng thù nghịch hơn với Hoa Kỳ – sẽ biện minh cho Hoa Kỳ về những sáng kiến mới trong việc giải quyết vấn đề an ninh khi các khả năng tổn thương đang gia tăng.

Nhưng chuyện đã rõ là Trung Quốc có các nguồn lực để triển khai chiến lược khả tín A2/AD, gây quan ngại nhất cho những nhà kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ. Một vài thành phần này cổ vũ cho khái niệm “Không-Hải Chiến“ đề nghị những trận đánh phủ đầu có tính chiến thuật trên những bệ phóng tên lửa, những lá chắn phòng ngự, các trung tâm chỉ huy và có thể tại các căn cứ không quân và các cảng của tàu ngầm. Hơn thế, một vài cuộc tấn công này có thể được thực hiện với những vũ khí viễn liên, đặt trên lãnh thổ của Hoa Kỳ, mà thực ra là trên biển hoặc trên lãnh thổ của Đồng Minh, vì những loại vũ khí này ít bị tổn thương đối với những trận tấn công phủ đầu.

Điều không may là lý luận cơ bản cho khái niệm “Không-Hải Chiến“ gây ra những nguy hiểm trầm trọng của việc ước lượng sai lầm, mà khởi đầu là với tên của khái niệm này. Hiển nhiên, Không-Hải Chiến là một khái niệm về một trận đánh. Dù Hoa Kỳ cần rõ rệt những kế hoạch chiến tranh, nhưng Hoa Kỳ cũng đồng thời phải cảnh giác trong việc gởi thông điệp cho Trung Quốc và các đối tác địa phương là những khái niệm quân sự mới và nóng bỏng nhất của mình dựa trên sự đe doạ chủ yếu là khả năng đánh thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng và kiên quyết bằng cách leo thang quy mô ngay từ đầu trong xung đột.

Không-Hải Chiến gợi lại khái niệm Không- Địa Chiến của Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) được chấp nhận từ cuối thập niên 70 và đầu 80 nhằm đối đầu với mối đe doạ châu Âu của Liên Xô đang tăng lên. Trung Quốc không phải là Liên Xô, và mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc cần tránh những âm hưởng vang động của thời Chiến Tranh Lạnh.

“Hành quân hỗn hợp Không và Hải quân“ sẽ là một tên gọi phù hợp hơn cho một phương cách hữu hiệu hơn. Một học thuyết như thế có thể bao gồm những kế hoạch bí mật về chiến tranh, nhưng gồm có một phạm vi rộng lớn hơn của những hoạt động hàng hải trong thế kỷ XXI, mà một vài hoạt động này quy tụ cả Trung Quốc (thí dụ như các cuộc tuần tra hiện nay để chống hải tặc tại vùng vịnh Aden và thực tập quân sự tại Thái Bình Dương).

Hơn nữa, những kế hoạch chiến tranh cần tránh lệ thuộc vào việc leo thang quá sớm, đặc biệt nhằm chống lại những vũ khí chiến lược trong lục điạ Trung Quốc hay một nơi nào khác. Nếu một cuộc đụng độ nhỏ xãy ra trong vùng đảo còn tranh chấp hay trên hải lộ, Hoa Kỳ cần có một chiến lược tạo nên một giải pháp thuận lợi mà không gây chiến toàn diện. Thực ra, trong bối cảnh toàn diện hơn của mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngay cả “chiến thắng” trong cuộc giao tranh như thế có thể đắt giá, bởi vì nó có thể gây ra một cuộc huy động quân sự của Trung Quốc để đảm bảo kết quả khác nhau của bất cứ một đụng độ nhỏ nào đi theo sau.

Thay vì thế, Hoa Kỳ và các Đối tác của mình cần có những đáp ứng với tầm mức rộng lớn hơn, cho phép họ chấp nhận những biện pháp hữu hiệu và phù hợp với từng tình trạng huy động liên hệ – những biện pháp này cho thấy là Hoa Kỳ muốn áp đặt cho đối phương phải gánh chịu những chiến phí nặng nề mà không gây ra leo thang phản tác dụng.

Tương tự như vậy, chương trình hiện đại hoá quân sự của Hoa Kỳ cần có sự cân đối. Phản ứng trước đe doạ từ các công xưởng vũ khí hiện đại của Trung Quốc đang gia tăng cho thấy có một vài loại vũ khí mà Hoa Kỳ không cần mở rộng các bệ phóng vũ khí viễn liên. Thực ra, nếu làm như vậy, chuyện không tránh được là tạo thêm khích lệ cho các nhà kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ đặt trọng tâm về giải pháp đánh ngăn chận trong các kế hoạch đối phó bất ngờ hơn là duy trì sự hiện diện thường xuyên của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực gần biên giới Trung Quốc, nơi mà quân đội có thể đóng góp quan trọng cho việc duy trì ngăn chận. Và hành vi này tạo thu hút cực mạnh cho các nhà kế hoạch chiến tranh của Trung Quốc triển khai sâu rộng hơn về khả năng A2/AD.

Kết ước liên tục của Hoa Kỳ trong khu vực đòi hỏi nhớ lại bài học thời Chiến Tranh Lạnh: Không có một giải pháp kỹ thuật nào sẽ mang đến một tình trạng bất khả tổn thương toàn diện. Nếu Hoa Kỳ cần phải đối đầu những hành động của Trung Quốc đe doạ những quyền lợi quan trọng của mình, thì những biện pháp kinh tế, chính trị cũng như duy trì sự hiện diện quân sự sẽ hữu hiệu hơn là chỉ thuần dựa vào việc leo thang tấn công. Thực ra, dựa vào khả năng tấn công lục địa Trung Quốc để bảo vệ tự do hải hành và kết ước với liên minh tại Đông Á có thể đẩy những nhà lãnh đạo Trung Quốc tới việc thử thách ý muốn của Hoa Kỳ là dám chấp nhận nguy hiểm cho Los Angeles mà bảo vệ cho các đảo Điếu Ngư không.

Một chiến lược quân bình hơn để gia tăng ổn định khu vực đòi hỏi một sự kết hợp có cân nhắc cẩn trọng giữa quyết tâm và trấn an, và việc bố trí quân sự phản ảnh sự kết hợp này. Phương cách này giúp cho Hoa Kỳ cơ hội tốt nhất để thúc đẩy cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận một đường lối hợp tác hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ thuộc khu vực.

TS Đỗ Kim Thêm dịch, CTV Phía Trước
James Steinberg & Micheal O’HanlonProject-Syndicate 

________
James B. Steinberg, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ (2009-2011), hiện là Trưởng KhoaMaxwell School of Citizenship and Public Affairs và là Giáo sư Khoa học Xã Hội, Quan hệ Quốc tế và Khoa Luật, Đại học Syracuse. Michael O’Hanlon là chuyên gia cao cấp tại Brookings Institution.
Tựa đề bản dịch là của người dịch  

© 2014 Bản tiếng Việt TS Đỗ Kim Thêm

Không có nhận xét nào: