Pages

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Vụ niêm phong 559 lượng vàng: Đẩy nghĩa vụ chứng minh cho dân?

"...Như vậy, luật pháp đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm, trách nhiệm chứng minh có vi phạm (để làm căn cứ xử lý) là của cơ quan công quyền, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, mình không phạm tội (mà là có quyền chứng minh)..."

Việc tiệm vàng Hoàng Mai được bỏ niêm phong 559 lượng vàng là do chứng minh được đó là tài sản của gia đình, nhưng nếu họ không chứng minh được thì sao? Vì sao lại đẩy trách nhiệm "chứng minh" cho người dân?



Tiệm vàng Hoàng Mai bị công an Bình Thạnh kiểm tra, niêm phong 559 lượng vàng

Một câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ trong những câu chuyện thường ngày của cuộc sống: 100 USD được bán cho tiệm vàng và sau đó là một cuộc khám xét toàn diện đối với tiệm vàng này, kết thúc bằng việc tạm giữ một số lượng lớn ngoại tệ và niêm phong 559 lượng vàng SJC có tại tiệm. Tất cả các "tang vật" vàng, USD bị tạm giữ trên là do tình nghi liên quan đến việc kinh doanh trái phép.



Sau khi chứng minh được 559 lượng vàng SJC chỉ là tài sản riêng của gia đình thì chủ tiệm vàng Hoàng Mai mới được cảnh sát giải tỏa niêm phong số vàng trên. Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là tin vui cho bà Mai và những người trong gia đình của bà.

Từ hành vi hành chính của công an quận Bình Thạnh và quyết định khám nơi cất giấu tang vật là chỗ ở (tiệm vàng Hoàng Mai) của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, nghĩ về nguyên tắc suy đoạn vô tội của pháp luật...

Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định "Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính"

Như vậy, luật pháp đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm, trách nhiệm chứng minh có vi phạm (để làm căn cứ xử lý) là của cơ quan công quyền, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, mình không phạm tội (mà là có quyền chứng minh).

Trong khi luật không cấm người dân giữ vàng và ngoại tệ, thì vì sao toàn bộ số ngoại tệ và vàng có tại tiệm vàng Hoàng Mai, dù không liên quan đến giao dịch mua bán 100 USD mà vẫn bị niêm phong, tạm giữ? Là do tại thời điểm công an kiểm tra, chủ tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản trên, trong khi công an đang nghi ngờ tiệm vàng này có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh.
Làm sao người dân có thể chứng minh được nguồn gốc tài sản (tiền, vàng, ngoại tệ) cá nhân của mình theo yêu cầu của cơ quan điều tra? Luật nào buộc người dân cất giữ tài sản do cha mẹ người thân để lại, hoặc do tích góp từ mồ hôi nước mắt... lại phải lưu giữ kèm theo giấy tờ nào đó xác nhận rằng đây là tài sản hợp pháp?

Một lần nữa, vấn đề nguyên tắc suy đoán vô tội, người dân không buộc phải chứng minh mình vô tội, chứng minh mình không vi phạm lại được đặt ra - để không còn những sự việc tưởng chừng là quá nhỏ, nhưng hệ quả lại khôn lường.

Thay vì cơ quan công quyền phải chứng minh tài sản đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không để có thể đưa vào diện phải tạm giữ thì sao lại đẩy nghĩa vụ cho người dân phải chứng minh đó là tài sản hợp pháp của họ?

Đối với số ngoại tệ đang bị tạm giữ (không liên quan đến hành vi mua bán 100 USD) nên được trả lại ngay cho chủ sở hữu, vì không thể xem đó là tang vật của hành vi vi phạm hành chính (theo luật xử phạt vi phàm hành chính có hiệu lực từ 1-7-2013) để bị tạm giữ, trừ khi cơ quan công an, vào thời điểm lập biên bản tạm giữ đã có đủ bằng chứng chứng minh số ngoại tệ này là do mua bán trái phép mà có, để tránh một tiền lệ không hay là tạm giữ trước rồi mới đi chứng minh đó là tang vật.

Theo điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, để xác minh mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính...

Thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần, uy tín và danh dự của chủ tiệm vàng Hoàng Mai với tư cách là một người dân và là chủ doanh nghiệp có lẽ là không nhỏ. Có ai nghĩ đến điều này giúp cho người dân, cho doanh nghiệp?

Luật khiếu nại quy định khi người dân có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì họ có quyền khiếu nại đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Và khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Quy định của luật đã có, nhưng làm sao để quyền và lợi ích hợp pháp của người dân luôn được pháp luật bảo vệ và được tôn trọng, luôn là câu hỏi nhức nhối.

Luật sư NGUYỄN SA LINH
Đoàn Luật sư TP.HCM

***

Hậu 'vụ Hoàng Mai': Các tiệm vàng tư nhân trước nguy cơ bị niêm phong tài sản

Rất nhiều chủ tiệm vàng đã tỏ ra lo lắng và theo dõi sát thông tin về "vụ Hoàng Mai" vì nguy cơ bị kiểm tra, bị phạt, bị tịch thu tài sản sai quy trình nhà nước...

Dư luận đang ồn ào về cách làm việc của cơ quan công quyền sau khi tiệm vàng Hoàng Mai tại quận Bình Thạnh, TP.HCM bị niêm phong 559 lượng vàng vì tội quy đổi 100 USD trái phép. Rất nhiều chủ tiệm vàng đã tỏ ra lo lắng và theo dõi sát thông tin về "vụ Hoàng Mai" vì nguy cơ bị kiểm tra, bị phạt, bị tịch thu tài sản sai quy trình nhà nước.

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM trao đổi với phóng viên về vấn đề này và khẳng định việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét tiệm vàng Hoàng Mai là trái thẩm quyền.





Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho biết từ việc cho rằng tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán 100 USD được cho là trái phép, Công an quận Bình Thạnh thực hiện quyết định khám xét này của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh niêm phong 14.000 USD khác và 559 lượng vàng là thiếu căn cứ.

Thưa ông, qua vụ kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh vàng Hoàng Mai hay còn gọi là tiệm vàng Hoàng Mai, ông thấy có những vấn đề khúc mắc nào liên quan đến luật?

Trước hết là cần xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật về vi phạm hành chính mà cụ thể là việc quy đổi 100 USD được cho là trái phép. Nếu phát hiện có hành vi đó thì trước hết là lập biên bản hành chính và áp dụng một số quy định về quy định tiền tệ ngân hàng như Nghị định 24, Nghị định 95 của Chính phủ về việc kinh doanh ngoại tệ và vàng. 

Lẽ ra vụ việc chỉ dừng lại ở việc xem xét vi phạm hành chính về hoạt động tiền tệ ngân hàng để xử lý hành chính. Theo Nghị định 95 của Chính phủ, việc vi phạm hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng trái phép có thể bị phạt đến 150 triệu đồng.

Chủ tiệm vàng Hoàng Mai khẳng định không biết nhân chứng nào đã vào tiệm vàng để đổi 100 USD. Cơ quan chức năng cũng không đưa ra được biên bản vi phạm hành chính để chứng minh cho việc mua bán 100 USD trái phép của tiệm vàng Hoàng Mai. Như vậy, vai trò nhân chứng ở đây được hiểu như thế nào?

Vụ việc diễn ra phải có những nhân tố khách quan để xác định hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng. Nếu không xác định được có người đã đến tiệm vàng Hoàng Mai đổi 100 USD, cũng như cơ quan chức năng không xuất trình được biên bản vi phạm hành chính về việc mua bán ngoại tệ trái phép tại tiệm vàng này đồng nghĩa với việc tiệm vàng Hoàng Mai không thực hiện hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. 

Nếu nói tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán 100 USD là trái phép thì cần xác định được người bán 100 USD đó và phải được lập biên bản vi phạm hành chính ngay khi việc mua bán diễn ra và có người bán ký tên xác nhận.

Trong khi không xác định được người bán 100 USD và cũng không có biên bản vi phạm hành chính được người bán, người mua xác nhận mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận lại ra quyết định khám xét là tùy tiện. 

Mặt khác, diễn biến cho thấy sự vụ diễn ra ngày 24.4, trong khi đó công an đã đề xuất ra quyết định khám xét vào ngày 22.4 và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định vào ngày 23.4 thì quả là có khả năng "tiên tri".

Ông nói gì về những điều “tiên tri” kiểu như thế này?
Công an quận Bình Thạnh đã tiến hành khám xét theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh là trái pháp luật. 

Thứ nhất là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận không có thẩm quyền ban hành quyết định khám xét. Thứ hai, đây là quyết định hành chính nhưng không có căn cứ biên bản vi phạm hành chính mà quyết định của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ký ngày 23.4 đăng trên báo chí ghi rõ "Xét đề nghị của Công an quận Bình Thạnh tại công văn số 246/CAQ ( KT-CV) ngày 22/4."

Điều này cho thấy việc cho rằng ngày 24.4 tiệm vàng Hoàng Mai có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là thiếu căn cứ. Bởi văn bản đề nghị của Công an quận Bình Thạnh đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định “khám xét” từ hai ngày trước đó và văn bản quyết định “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở” của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh được ký trước đó một ngày.

Nhưng trung tá Đặng Ngọc Vinh, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thạnh giải thích trên báo Tuổi Trẻ ngày 27.4 rằng: “Lệnh khám xét ghi ngày 23.4, tức một ngày trước khi bắt quả tang vụ mua bán ngoại tệ trái phép, là do sơ suất của bộ phận thư ký hành chính". Ông nghĩ gì về điều này?

Tôi cho rằng đây là cách giải thích để xoa dịu dư luận vì xét về trình tự thời gian thì chính Công an quận Bình Thạnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét. 

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì sao Công an quận Bình Thạnh lại đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét mà không tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm quyền ban hành quyết định khám xét cũng như là trình tự thủ tục của nó đã được quy định của Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tôi càng ngạc nhiên hơn vì sao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh lại có thể ban hành quyết định và có thể ghi rõ "khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở".

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính đều không đề cập đến thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận ra quyết định khám xét nơi ở. Quyết định khám xét này là trái pháp luật.

Nếu nơi nào cũng khám xét các tiệm vàng tư nhân như Công an quận Bình Thạnh và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh thì theo ông sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Cần phải ngăn chặn ngay việc tái diễn tình trạng giống như vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai. Ngay sự việc Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định trái pháp luật khám xét tiệm vàng Hoàng Mai thì không chỉ đối với người kinh doanh và mọi gia đình công dân đều bất an bởi ai cũng có thể bị khám xét vô cớ và bị niêm phong tài sản cá nhân. 

Muốn giải tỏa tài sản thì phải chứng minh trong khi như trường hợp của tiệm vàng Hoàng Mai thì chẳng những vi phạm về quyền sở hữu tài sản mà còn vi phạm cả quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người dân và một số quyền công dân khác. 

Chỉ một “vụ Hoàng Mai” đã tạo ra bất ổn về tâm lý xã hội vì ai nấy đều lo sợ sẽ đến lượt mình bị kiểm tra, khám xét vô căn cứ.

Các cơ quan chức năng ở những nơi khác mà “học tập” Công an quận Bình Thạnh và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh để khám xét tất mọi cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn mình quản lý nói riêng cũng như khám xét nơi ở, phong tỏa tài sản bất kỳ công dân nào nói chung sẽ dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng.

Theo ông thì vụ khám xét từ một quyết định trái luật như vậy khiến tiệm vàng Hoàng Mai phải tạm dừng kinh doanh sẽ dẫn đến những thiệt hại nào, họ có quyền khởi kiện không và kiện ai?

Việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai bản thân nó đã gây thiệt hại về uy tín doanh nghiệp. Chẳng những vậy, theo thông tin báo chí thì việc khám xét này đã làm cho chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Hoàng Mai bị hoảng loạn phải nhập viện và làm đơn thông báo dừng kinh doanh lại là thiệt hại về sức khỏe, tâm lý và cả doanh thu của cơ sở kinh doanh.

Chủ tiệm vàng Hoàng Mai có quyền khởi kiện hành chính để hủy quyết định khám xét của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, đồng thời chứng minh các thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnam+

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

người dân VIỆT bao nhiêu năm đau khổ quằn quại trước ách độc tài tham lam tàn độc chế độ CS . Nào cải cách ruộng đất , cải tạo công thương nghiệp , thu hồi đất nào bán rừng bán biển hi sinh xương máu đồng bào để rồi hèn với giặc ác với dân .... hôm này dân tộc này sẳn sàng độ lượng tha thứ tất cả cho bọn chúng với đều kiện nho nhỏ thôi . TẤT CẢ CÁNBỘ ĐỎ HÃY CHỨNG MINH TÀI SẢN NHƯ TIỆM VÀNG VẬY ! NẾU KHÔNG TỊCH THU...