Pages

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Trung Quốc bắt đầu ‘đánh’ các phe phái lớn

Sau đại chiến dịch “đả hổ đập ruồi” đình đám năm 2014, dự kiến Bắc Kinh sẽ mở rộng “đánh bè phái” - hang ổ của những “con hổ, con ruồi” tại Trung Quốc.

Mới đây, dù chưa từng có tiền lệ nhưng hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã (Trung Quốc - TQ) đã công khai sự thật nội bộ Đảng Cộng sản TQ hiện tồn tại tình trạng phe phái. Nhìn lại năm 2014, chiến dịch “đả hổ đập ruồi” của chính quyền Tập Cận Bình được ví là “bàn tay sắt” tấn công không ít các quan chức “tai to mặt lớn”, nổi tiếng có quyền lực khét tiếng. Hàng trăm “con ruồi” cũng bị ông Tập đè bẹp.

Với tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo năm 2015, chiến dịch chống tham nhũng không chỉ “chỉa mũi súng” đến những cá nhân riêng lẻ. “Càn quét tham nhũng” một cách tổng thể hơn, ông Tập Cận Bình muốn thanh trừng cả một hệ thống bè phái để thống nhất quyền lực.

Thâu tóm quyền lực về một mối

Cây bút Robert Marquand của tạp chí The Christian Science Monitor (Mỹ) có bài xã luận nhận định “Tập Cận Bình đang viết lại luật chơi quyền lực của TQ”. Robert nhận định kể từ năm 2012, ông Tập Cận Bình và các “đồng sự” đã và đang tiến hành xóa bỏ mô hình “lãnh đạo tập thể” - được đưa vào áp dụng bởi nhà cải cách đất nước Đặng Tiểu Bình. Mục đích nhằm xóa bỏ nạn “sùng bái cá nhân” như kiểu người TQ từng tôn sùng nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Mô hình “lãnh đạo tập thể” giúp nhà nước trấn an nội bộ, bởi không có một cá nhân lãnh đạo nào trở nên quá mạnh trước sự kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Qua nhiều thập niên, mô hình này khiến quyền lực tối cao tại TQ được chia sẻ theo đường lối phân tán. “Căn bệnh” phát sinh hiện tại chính là hiện tượng các nhóm lợi ích va chạm, không kiểm soát được nạn tham nhũng khiến quyền lãnh đạo của Đảng và tiến bộ kinh tế TQ bị ảnh hưởng.

Chiến dịch “đả hổ đập ruồi” của chính quyền Tập Cận Bình được ví là “bàn tay sắt” tấn công không ít các quan chức “tai to mặt lớn”, nổi tiếng có quyền lực khét tiếng. Ảnh: CHINADAILY

Đó là lý do tại sao vào năm 2014, TQ chính thức hạ bệ Chu Vĩnh Khang (cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp); cựu Chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch; cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu; Phó Chủ tịch Chính Hiệp TQ Tô Vinh. Tân Hoa xã gọi các nhân vật cộm cán này là chủ trì của các nhóm lợi ích hay các phe phái.

Ưu tiên “triệt tiêu phe phái” trong năm 2015

Mới đây, 25 ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ đã tuyên bố thẳng thừng rằng Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho bất kỳ quan chức nào “kết bè kéo cánh” theo kiểu phe nhóm chính trị để trục lợi cá nhân. Báo South China Morning Post đưa tin Tân Hoa xã đã xác định được những thành viên trụ cột của “phe thư ký”, “phe dầu khí” và “Sơn Tây hội”.

“Phe thư ký” bao gồm các quan chức tham nhũng có gắn mác “thư ký”, nổi bật là các trợ lý hàng đầu và thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang, trong đó có cựu Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, cựu Chủ tịch Chính Hiệp Tứ Xuyên Lý Sùng Hy, cựu Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm.

Tiếp theo là “phe dầu khí”, một sự liên hệ đến các quan chức tham nhũng trong ngành công nghiệp dầu khí của TQ. Ngoài Chu Vĩnh Khang, những nhân vật cốt cán trong đường dây tham nhũng này là Tưởng Khiết Mẫn - cựu chủ tịch Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước, đồng thời là cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia TQ (CNPC). Ông Tưởng Khiết Mẫn cũng là thành viên đầu tiên của Bộ Chính trị TQ bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng sau khi ông Tập trở thành bí thư Đảng Cộng sản TQ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 hồi tháng 10-2012. Sau “cú ngã” của ông Tưởng, lần lượt nhiều quan chức cấp cao của CNPC, kể cả đương nhiệm và cựu, đã bị bắt giữ như Vương Đại Xuân - phó chủ tịch CNPC, Li Hualin - cựu tổng giám đốc CNPC và Wang Daofu - cựu giám đốc địa chất của PetroChina.

Phe phái cuối cùng được Tân Hoa xã nhấn mạnh là “Sơn Tây hội”, ám chỉ đến những quan chức tham nhũng có quê ở Sơn Tây hoặc đã từng đảm nhiệm chức vụ ở đây. Những “thành viên” mới nhất bị điều tra gồm Lệnh Kế Hoạch, người được biết đến như là “cố vấn chính trị cao cấp” của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào. Lệnh Kế Hoạch đã từng tính đến chuyện có “chân” trong Bộ Chính trị. Anh trai của ông Lệnh, ông Lệnh Chính Sách, cựu phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Sơn Tây, cũng đã bị điều tra tham nhũng hồi tháng 6-2014. Một quan chức đáng chú ý khác có dính líu đến “bè lũ Sơn Tây” là Du Shanxue - cũng sinh ra ở Sơn Tây, từng giữ nhiều chức vụ khác nhau như tổng bí thư tỉnh ủy và phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây - có “dính líu” đến “con hổ” Chu Vĩnh Khang.

Tập Cận Bình không chỉ “giết gà dọa khỉ”

Chỉ trong vòng 18 tháng, ông Tập Cận Bình đã hạ bệ các đối thủ chính trị của mình trong một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn “từ trên xuống dưới”. Hơn 2.000 cán bộ, đảng viên ở các cấp đã bị thay thế. Ông Tập đã gieo sự sợ hãi và bất an vào lòng các quan chức cao cấp lẫn nhân viên bình thường. Người châu Á có câu “giết gà nhát khỉ” nhưng ông Tập còn “xử” luôn cả khỉ. Hạ bệ Chu Vĩnh Khang, xem ra không còn ai mà ông Tập không dám “đụng” đến.

Robert Marquand (bình luận viên tờ 
The Christian Science Monitor)

ĐẠI THẮNG - BẢO DUY

(Pháp Luật)

Không có nhận xét nào: