Phạm Trần – Ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động chiến dịch tô hồng điểm phấn cho “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)”, nhưng lại không giấu được cái đuôi xâm lược miền Nam Việt Nam.
Bằng chứng này ghi trong Nghị quyết 15 xác định “mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam “ tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) lần thứ 15 (mở rộng) họp tại Hà Nội từ ngày 12 đến 22-1-1959.
Đề cương tuyên truyền ca ngợi Nghị quyết đã: “Xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 – 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.”
Nhưng đâu là lý do khiến miền Bắc Cộng sản (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) có quyết định phải thực hiện cuộc “cách mạng miền Nam”?
Nghị quyết 15 bịa chuyện: “Do lực lượng so sánh giữa ta và địch, nhân dân ta chỉ mới giải phóng được miền Bắc. Ở miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ đã lấn dần và hất cẳng thực dân Pháp, tập hợp các thế lực phản động, sử dụng chính quyền Ngô Đình Diệm làm công cụ để khôi phục và duy trì ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Nhân dân miền Nam ngày càng lâm vào cảnh cùng khốn và mất hết quyền tự do. Vì vậy, nhân dân miền Nam còn phải tiếp tục làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ ách thống trị đế quốc và phong kiến, chủ yếu là đánh đổ chế độ Mỹ – Diệm.”
Những người Việt Nam của miền Nam đã sống qua giai đọan này và còn sống chắc phải bịt mũi trước luận điệu tuyên truyền gỉa dối này. Nhân dân miền Nam từ 1954 đến thời điểm ra đời của Nghị quyết 15 tháng 01 năm 1959, dù có bị hạn chế một số quyền do tình trạng an ninh, chưa bao giờ “lâm vào cảnh cùng khốn và mất hết quyền tự do” như đồng bào miền Bắc trong thời gian này.
Càng phỉ báng lịch sử hơn khi Nghị quyết viết rằng: “Do sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam, nước ta bị tạm thời chia làm hai miền: miền Bắc đã được giải phóng và độc lập hoàn toàn, còn miền Nam vẫn là một thuộc địa (kiểu mới) của đế quốc Mỹ…. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam, mà còn ráo riết chuẩn bị chiến tranh hòng xâm chiếm cả nước ta, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.”
Ai xâm chiếm ai thì phương châm đề ra trong Nghị quyết 15 “củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam” đã lột mặt nạ ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ.
Để biện minh cho hành động hiếu chiến, đẩy dân tộc hai miền Bắc-Nam vào nội chiến nồi da xáo thịt, Nghị quyết đã hô hào: “Tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam để thực hiện thống nhất nước nhà.”
Nhưng gây chiến với miền Nam để làm gì và cho ai thì Nghị quyết 15 đã để lộ chân tướng tay sai khi khẳng định rằng: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á.”
Nghị quyết viết: “Vấn đề thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta trước hết là vấn đề đấu tranh giữa dân tộc ta chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, đồng thời cũng là vấn đề đấu tranh giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa. Phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, càng tranh thủ giữ vững hoà bình được lâu dài thì càng có điều kiện thuận lợi để tăng cường mau chóng lực lượng của mình về mọi mặt trên toàn thế giới, càng làm suy yếu mau chóng thế lực của chủ nghĩa đế quốc. Chủ trương của Đảng ta giữ vững hoà bình ở Việt Nam, thực hiện thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình, chủ trương ấy gắn liền với chủ trương chung nói trên của phe xã hội chủ nghĩa.”
Nhưng miền Bắc không “thực hiện thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình” mà đã nhận lệnh và vũ khí, lương thực của Liên Xô-Trung Cộng để xâm lăng miền Nam Việt Nam.
Thực tế này đã phản ảnh trong câu nói lịch sử ô nhục của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.” ? (theo Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 422, phần chú thích)
Như vậy đã rõ ràng Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN khóa II, đứng đầu bởi Hồ Chí Minh thời bấy giờ đã ngụy tạo ra đủ điều để xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa.
Chẳng hạn như họ viết trong Nghị quyết 15 rằng: “Chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, chế độ thực dân và nửa phong kiến ở miền Nam là một chế độ phản động, tàn bạo và đen tối….Chính quyền miền Nam hiện nay là một chính quyền phản bội lợi ích dân tộc; nó đại biểu cho lợi ích của đế quốc Mỹ, của bọn phong kiến và bọn tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất ở miền Nam….Thành phần cốt cán trong chính quyền đó gồm những phần tử phong kiến và tư sản mại bản phản động nhất và những phần tử lưu manh, côn đồ và phản bội, quyết tâm làm tay sai cho đế quốc Mỹ, do gia đình và phe cánh họ Ngô cầm đầu.”
Tưởng bằng đó lời bịa đặt chưa đủ, Nghị quyết 15 còn đặt điều vu khống thêm: “Chính quyền đó là một chính quyền độc tài hiếu chiến. Nó là công cụ xâm lược của đế quốc Mỹ, đế quốc cầm đầu các lực lượng hiếu chiến trên thế giới hiện nay; đồng thời, nó cũng mang nặng tính chất phục thù của giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ ở miền Bắc nước ta. Do bản chất phi nghĩa, thế cô lập và chỗ yếu căn bản của nó, nó thực hiện một chế độ độc tài, hung bạo, dùng chính sách đàn áp bằng vũ lực, và dựa vào bộ máy cảnh sát mật thám để tồn tại.”
MẶT TRẬN TAY SAI
Đáng lẽ ra những chữ “độc tài, hung bạo, dùng chính sách đàn áp bằng vũ lực, và dựa vào bộ máy cảnh sát mật thám để tồn tại” phải dành cho đảng CSVN mới đúng với lịch sử.
Nhưng có bao giờ người Cộng sản Việt Nam dám nhìn thẳng vào mặt dân để thừa nhận họ đã nhân danh người dân miền Nam để giết hại đồng bào từ sau Hiệp định chia đôi đất nước 1954 ?
Bằng chứng là họ đã ghi vào Nghị quyết 15 việc thành lập một “Mặt trận riêng cho miền Nam” do họ chỉ huy để tiến hành cuộc chiến cho ngọai bang Nga-Tầu. Vì vậy mà cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1960 để sau đó bị bức tử không kèn không trống vào ngày 31 tháng 01 năm 1977, hai năm sau kết thúc chiến tranh ngày 30/04/1975.
Nghị quyết 15 biện bạch: “Củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng và toàn dân ta. Nhưng vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, cho nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần Mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có Mặt trận riêng cho miền Nam.
Cách mạng Việt Nam ở miền Nam hiện nay là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cho nên Mặt trận ở miền Nam hiện nay có tính chất dân tộc dân chủ, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc và phong kiến. Thành phần của nó bao gồm bốn giai cấp trong nhân dân miền Nam (giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc) và những nhân sĩ yêu nước, lấy liên minh công nông làm cơ sở, và do Đảng ta lãnh đạo.”
Bàn tay chủ động gây ra cuộc chiến dài gần 21 năm ở miền Nam Việt Nam của đảng CSVN còn được xác nhận trong phần kết luận của Báo cáo Chính trị tại Hội nghị Trung ương 15.
Báo cáo viết: “Hội nghị Trung ương lần này quyết định đường lối đấu tranh thống nhất và đường lối cách mạng miền Nam, sẽ soi sáng phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam, tăng thêm tin tưởng và ý chí phấn đấu anh dũng của các đảng bộ miền Nam tiến lên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Toàn Đảng ta sẽ vô cùng phấn khởi, vì Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ 14 đã đề ra nhiệm vụ ba năm cho các đảng bộ miền Bắc, và Hội nghị Trung ương mở rộng lần này quyết định về đường lối đấu tranh thống nhất và đường lối cách mạng miền Nam.”
MÁU ĐỔ CHO AI?
Cuộc nội chiến Việt Nam mới do người Cộng sản Việt Nam gây ra cho nhân dân miền Nam bắt đầu từ đây.
Nhưng cho đến nay, sau 40 năm kết thúc chiến tranh, không có thống kê nào có thể xác nhận có bao nhiêu quân và dân người Việt của hai miền Nam-Bắc đã chết.
Tài liệu của Bách khoa tòan thư (mở) viết rằng: “Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 2 đến 5 triệu người Việt (tùy từng nguồn khác nhau). Trong số các nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa, người Mỹ có số thương vong cao nhất với hơn 58.000 người chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế). Vào khoảng từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ Hàn Quốc bị chết; Úc có khoảng 500 chết và hơn 3.000 bị thương; New Zealand 38 chết và 187 bị thương; Thái Lan 351 chết và bị thương; còn Philippines vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.”
“Tổn thất trực tiếp và gián tiếp trong Chiến tranh Việt Nam được chia ra như sau:
Theo tài liệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (của CSVN) có: 1,1 triệu quân nhân chết; trong số đó có 300.000 quân nhân mất tích (chưa tìm được xác) ; 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa:
* 250.000-316.000 tử trận hoặc mất tích * 1.170.000 bị thương
Bấy nhiêu con người, nhưng đã có bao nhiêu ao máu để do lường cho tội ác của chiến tranh do đảng CSVN chủ động bắt nguồn từ Nghị quyết 15 năm 1959?
Tổn thất con người Việt Nam của cuộc nội chiến “ý thức hệ” Cộng sản cuồng tín và vô nghĩa này đã có bao giờ khuấy động được con tim chai đá và những khối óc mù lòa của lãnh đạo CSVN trước lịch sử ?
Đấy là chưa kể đến tổn thất của Quân đội CSVN và thường dân trong 4 cuộc chiến sau ngày 30/04/1975: biên giới phía bắc Việt-Trung 2 lần (1979-1987); Tây Nam Việt-Kampuchea (1975 đến 1978) và Cuộc xâm chiếm Kampuchea của quân Việt Nam (từ 7/1/1979 đến 1989).
Trên 40,000 quân và dân 6 tỉnh biên giới đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của quân Trung Cộng vào Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Riêng tổn thất xung đột với quân Khmer đỏ của Pol Pot từ 1975 đến 1989 được chia ra 2 giai đọan:
Giai đọan 1, từ các cuộc đột kích tấn công qua biên giới của quân Khmer đỏ vào các vùng lãnh thổ Tây nam (Tây Ninh-Châu Đốc-An Giang-Hà Tiên-Phú Quốc) sau 30/04/1975 đến các cuộc giao tranh cấp sư đòan trên lãnh thổ Việt Nam kết thúc tháng 12/1978.
Giai đọan 2, bắt đầu từ cuộc tấn công chiếm đóng Cao Miên của Việt Nam từ tháng 1/1979 đến năm 1989. Lý do Việt Nam phải rút quân theo đòi hỏi của Bắc Kinh để được tái lập quan hệ ngọai giao Việt-Trung sau 11 năm gián đọan vì cuộc tấn công qua biên giới Việt Nam năm 1979 của 600,000 quân Trung Cộng.
Tuy nhiên cái gía máu xương người Việt mà đảng Cộng sản Việt Nam phải trả cho cuộc chiến với người láng giềng Khmer đỏ, một thời là đồng minh trong chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng hòa, qúa cao.
Tài liệu trên Bách khoa tòan thư (mở) ghi lại như sau:
- Từ 1977 tới trước tháng 12-1978: Khoảng 3.000 chết, 5.500 bị thương.
- Từ tháng 12-1978 tới tháng 1-1979: 8.000 chết hoặc bị thương.
- Toàn cuộc chiến (tới năm 1988, bao gồm cả thời kỳ chiếm đóng Campuchia) : từ 10.000 tới 15.000 quân nhân chết và 30.000 bị thương.
Tính chung ước lượng có 55.300 người chết hoặc bị thương (kể cả dân thường) từ năm 1977 tới tháng 10-1989
Tài liệu cũng ghi lại: Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30 ngàn người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới.
Việt Nam đã gửi 180.000 quân để hỗ trợ khoảng 20.000 quân KNUFNS ( Kampuchean National United Front for National Salvation, Cộng hòa Nhân dân Kampuchia) để đánh tan quân Khmer đỏ của Pol Pot.
Nhưng thật oái oăm, Vương quốc Kampuchia ngày nay do nhà vua Norodom Sihamoni, con của cựu hoàng Norodom Sihanouk , trị vì nhưng quyền hành nằm trong tay Thủ tướng Hun Sen, một người không giấu diếm là “bạn thân thiết của Trung Quốc” và luôn luôn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong tranh chấp biển đảo với Việt Nam!
MẮT MÙ LỊCH SỬ
Với bối cảnh lịch sử chiến tranh bắt nguồn từ Nghị quyết 15 của đảng CSVN, cả dân tộc Việt Nam ở hai miền đất nước Bắc-Nam đã chìm đắm trong máu lửa gần 21 năm.
Nhưng đau thương chồng hơn núi cao của dân tộc sau 40 năm vẫn chưa lành thì Đề Cương “kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)” của Ban Tuyên giáo Trung Ương lại chỉ muốn “bới đống tro tàn tìm máu đổ”!
Một trong những phô trương khơi dậy hận thù dân tộc của Đề cương viết rằng: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.
Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.”
Ai cũng biết, nhất là nguyên Tổng Bí thư đảng Lê Khả Phiêu và các Tư lệnh chiến trường Trị-Thiên của Quân đội nhân dân, có trên 5,000 thường dân vô tội đã bị lính Cộng sản giết hay hành quyết, kể cả chôn sống trong các hố tập thể từ đêm Giao thừa Tết Mậu thân (ngày 31 tháng 1 năm 1968).
Trong 28 ngày giao tranh trong thành phố, quân Cộng sản địa phương đã được lực lượng chính quy của miền Bắc yểm trợ ra sao và ai đã nhúng ta vào máu dân lành Huế thì hàng ngàn nhân chứng và thân quyến các nạn nhân đã kể hết với lịch sử. Chỉ có những kẻ không dám đối diện với sự thật đã được phơi bầy mới tìm cách che đậy.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, khi xẩy ra trận Mậu Thân mới có 15 tuổi (Ông sinh ngày 15 tháng 5 năm 1953 tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) nên có lẽ ông không thấu được nỗi đau của dân xứ Huế khi bản Đề Cương ca ngợi “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968” là bước ngoặt mở đầu cho chiến thắng cuối cùng ngày 30/04/1975 của đảng CSVN.
Điều thứ hai Đề cương tuyên truyền nói không thật khi viết rằng: “khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị – xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững…”
Trước hết khi nói về “đại đòan kết dân tộc” thì Ban Tuyên giáo Trung ương có biết nỗ lực “hòa hợp, hòa giải dân tộc” giữa người dân hai miền Nam-Bắc sau 40 năm vẫn chỉ bằng mặt mà chưa bằng lòng?
Trách nhiệm chưa hàn gắn được vết thương chiến tranh phải đến từ hai phiá, nhưng đảng CSVN hãy sờ lên gáy xem đã đòan kết nhân dân được đến đâu hay chỉ gây chia rẽ, hận thù thêm bằng những chủ trương, chính sách kỳ thị, phân biệt “kẻ thắng người thua”?
Đảng cũng cần bình tĩnh dò xét xem những hành động bắt bớ tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng các quyền căn bản của người dân, kể cả tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do biểu tình, lập hội và tự do tôn giáo đã được thực thi đúng đắn như quy định trong Hiến pháp chưa?
Thứ hai, xã hội ổn định làm sao khi mỗi ngày Việt Nam có ít nhất 30 người chết vì tai nạn lưu thông và tình hình tội ác xã hội càng ngày càng nhiều, trẻ hoá và tinh vi, luân thường đạo lý bị đảo lộn?
Hãy đọc: “Theo nhiều nghiên cứu và thống kê của cơ quan chức năng, trong hơn 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Đây thật sự là con số đáng báo động về tình hình trẻ hóa tội phạm. Số vụ vi phạm pháp luật do tội phạm vị thành niên gây ra cũng ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi, cũng như bộc lộ sự manh động và liều lĩnh. Không chỉ là những vụ trộm cắp, cướp giật, hành hung mà còn rất nhiều vụ án giết người cướp của, hoặc do thù hằn mâu thuẫn cá nhân. Thậm chí còn có cả những vụ án mà những “cậu nhóc” sử dụng công nghệ cao, mạng Internet, điện thoại di động để lừa đảo, tống tiền nhiều người.” (Trích báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 30/01/2015)
Về chuyện Mại dâm ở Thanh phố Hồ Chí Minh thì Ban Tuyên giáo nên đọc báo Việt Nam Express viết ngày 15/9/2014: “Kết quả điều tra thống kê cho biết ở thành phố lớn nhất nước có khoảng 5.500 tiếp viên nữ bị nghi bán dâm tại cơ sở kinh doanh và 200 người bán dâm nơi công cộng.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 của UBND TP HCM, trong những năm qua, tình hình tệ nạn mại dâm tại địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Thành phố cho biết, hoạt động mại dâm diễn ra không chỉ bằng hành vi giao cấu giữa kẻ mua và người bán tại khách sạn hoặc một số nhà hàng, vũ trường, karaoke mà phổ biến là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các điểm kinh doanh cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, xông hơi, cạo gió, giác hơi, spa…”
Gần đây, thành phố tiếp tục xuất hiện một số đường dây mại dâm “gái gọi hạng sang” với những người xưng danh là diễn viên, người mẫu tham gia bán dâm với giá hàng nghìn USD, đồng thời hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam, mại dâm có yếu tố nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm ngày càng gia tăng. Cá biệt, tại một số cơ sở spa có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính của giới “gay”.
Ngày 04-03-2013, mạng báo Zing.VN viết về tệ nạn này ở Hà Nội: “Tại Hà Nội, thời gian gần đây, thành phố đã rất mạnh tay xử lý các tụ điểm “nóng” về hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều tuyến đường, tình trạng gái đứng đường mời gọi khách làng chơi vẫn không giảm. Đoạn đường Phạm Văn Đồng qua xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm chỉ dài khoảng 1km nhưng có hàng chục tụ điểm mại dâm. Các cô gái công khai đứng xếp hàng trước cửa quán, tràn cả ra đường mời gọi, chèo kéo khách làng chơi. Cũng trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần công viên Hòa Bình, cứ tối đến, gái mại dâm lại tụ tập ở bãi đất trống để chờ khách. Ở khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, hoạt động mại dâm tại ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) diễn ra rất tấp nập. Chỉ cần có khách gọi, tài xế xe ôm kiêm bảo kê sẽ kẹp 3 – 4 gái mại dâm, phóng với tốc độ kinh hoàng để đưa “hàng” đến các quán bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ. Nhiều “phố vẫy” khác ở Hà Nội cũng hoạt động nhộn nhịp, công khai, gây nhức nhối dư luận những năm gần đây, như: đường Nguyễn Trãi gần chợ Phùng Khoang (huyện Từ Liêm), đường Giải Phóng gần bến xe Giáp Bát, khu vực Cố Thổ (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), xã Tây Mỗ (Từ Liêm)”
Về tình trạng nghiện ngập, một tài liệu phổ biến ngày 5/11/2014 viết: “Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, số vụ, số lượng, số loại ma túy bị cơ quan chức năng bắt giữ ngày càng tăng. Việc buôn bán ma túy ngày càng tăng kéo theo tình trạng gia tăng số lượng người sử dụng loại chất cấm này.
Đến cuối tháng 9/2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trên thực tế số người sử dụng ma túy còn lớn hơn rất nhiều). Kết quả thống kê cho thấy số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 là 55.445 người, trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người). Những năm gần đây số người nghiện ma túy của Việt Nam luôn gia tăng, mức tăng trung bình mỗi năm khoảng 6% (Năm 2000, có khoảng 60.000 người nghiện thì năm 2014 có trên 200.000 người nghiện).
Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động… Trong số người nghiện ma túy: 96% là nam giới, 4% là nữ giới, 74% ở độ tuổi 18-35, có 1% dưới 18 tuổi. Người nghiện sử dụng heroin là 72% và có xu hướng giảm dần, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng Amphetamin (ATS) ngày càng gia tăng (2,5% năm 2005, 14,5 % đến tháng 9/2014). Tại một số địa phương, tỷ lệ học viên trong Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội (Trung tâm) đã từng sử dụng ma túy tổng hợp cao như: Đà Nẵng 74%, Tây Ninh 61%, Trà Vinh 49%.”
Với một xã hội đen tối như thế thì làm sao mà “ổn định” được? Đấy là chưa kể đến tình trạng suy đồi đạo đức trong giới trẻ và lãnh đạo đang ngày một lên cao trong nhiều lĩnh vực.
Quốc nạn tham nhũng, nặng nhất là tình trạng tham nhũng vặt thì đông hơn dịch cào cào châu chấu từ thành phố về nông thôn. Đảng đã thất bại. Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói ông cũng rất khó chịu khi thấy tham nhũng vặt lộng hành.
Ông nói với cử tri Hà Nội: “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi , như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu.” (ViệtnamNet, 27/09/2013)
Cuối cùng là câu tuyên truyền “độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững” của Ban Tuyên giáo trong Đề cương kỷ niệm 40 năm ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Độc lập thì có những “chủ quyền quốc gia” ở Biển Đông bây giờ đang do Việt Nam hay Trung Quốc “qủan lý giúp” ở Quần đảo Hòang Sa?
Một vùng biển lớn khác bao quanh 8 bãi đá, quan trọng nhất là Gạc Ma,của quần đảo Trường Sa bị Trung Cộng đánh chiếm ngày 14/03/1988, đã được Bắc Kinh tân tạo thành các căn cứ quân sự ở Trường Sa thì ai đang làm chủ ở đó?
Vậy ông Đinh Thế Huynh và cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể nói rõ hơn cho dân biết, thay vì chỉ biết tuyên truyền nhảm như viết trong Đề cương mà mang tội với lịch sử.
Nếu không thì dù có tô son điểm phấn bao nhiêu, ý nghĩa của “Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” cũng vô nghĩa.
Phạm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét