Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã đề nghị Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương nhằm chứng tỏ quan hệ song phương được bình thường hóa đầy đủ, trong cuộc thảo luận hiếm có giữa đại sứ hai nước tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái) và Đại sứ Ted Osius trong cuộc thảo luận tại CSIS ngày 24/3.
|
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius ngày 24/3 đã có cuộc thảo luận “Diễn đàn Việt Nam” tại trụ sở của CSIS ở Washington, DC về tầm nhìn trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Cuộc thảo luận do ông Murry Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS dẫn dắt, với sự tham gia của đông đảo cử tọa.
Đại sứ Vinh cho hay cuộc thảo luận là một cơ hội hiếm hoi để đại sứ của 2 nước gặp nhau và chia sẻ quan điểm về quan hệ Việt-Mỹ những năm qua và viễn cảnh của mối quan hệ này trong tương lai.
Theo ông Vinh, năm nay là dịp đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa (1995-2015). Quan hệ song phương đã trải qua một chặng đường dài và chứng kiến nhiều thành công.
Đại sứ Việt Nam cho biết kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã phối hợp để giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại. Hai nước đã tăng cường giao lưu nhân dân để hiểu nhau hơn.
Việt Nam và Mỹ cũng tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, công nghệ và các lĩnh vực khác. Ông Vinh lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, với số lượng sinh viên đang học tập tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm qua. Vào năm 1995, chỉ có khoảng 500 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ, nhưng giờ đây có 16.500 sinh viên, đứng đầu các nước Đông Nam Á và thứ 8 trong số các quốc gia có đông sinh viên du học tại Mỹ.
Đại sứ Vinh cho hay, hai bên đã rất nỗ lực để đạt được những tiến triển đó. Ông dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng hai nước đã gác lại quá khứ, nỗ lực và hợp tác cùng nhau để hướng tới tương lai và không có hai nước nào trên thế giới làm được như vậy.
“Chúng ta có mối quan hệ tốt và có nền tảng tốt để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ. Khi trình quốc thư lên Tổng thống Barack Obama hồi tháng 1, ông Obama nói rằng năm nay là cơ hội đặc biệt để hai nước hợp tác cùng nhau và đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013 đã tạo nền tảng tốt nhằm thúc đẩy tất cả lĩnh vực trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, ông cho rằng tiềm năng vẫn còn lớn và còn nhiều lĩnh vực để hai nước có thể hợp tác cùng nhau.
Đại sứ Việt Nam đã nhắc lại câu nói “Không có gì là không thể” của người đồng cấp Mỹ Ted Osius trong bài phát biểu tại Đại học quốc gia Hà Nội tháng trước.
Ông Vinh đặt ra một loạt các câu hỏi cho quan hệ Mỹ-Việt. Liệu hai nước có thể tăng gấp đối thương mại song phương từ mức 36 tỷ USD hiện nay lên 50 tỷ USD? Hai nước có thể đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ, biến đổi khí hậu, cứu trợ thảm họa? Hai nước có thể hợp tác về công nghệ hạt nhân dân sự, chứng kiến lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ hoàn toàn? Liệu Việt-Mỹ có thể tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN, trong lĩnh vực an ninh biển và các thách thức chung mà hai nước phải đối mặt? Hai nước có thể kết thúc đàm phán TPP trong năm nay hay không?
Đại sứ Việt Nam tin tưởng rằng Washington và Hà Nội hoàn toàn có thể làm được những điều đó nhờ có nền tảng tốt trong quan hệ song phương.
Về phần mình, Đại sứ Ted Osius nhất trí với người đồng cấp Phạm Quang Vinh về nhận định của ông đối với viễn cảnh quan hệ hai nước. Theo Đại sứ Mỹ, năm nay quan trọng cho quan hệ, với các chuyến thăm cấp cao. Hai bên sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ ở một số lĩnh vực.
Theo Đại sứ Mỹ, 5 lĩnh vực ưu tiên của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam là thương mại, hợp tác an ninh biển và quốc phòng, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và nhân quyền. Ông Osius cũng mong muốn đưa quan hệ toàn diện phát triển hơn nữa so với mức hiện nay.
Về thương mại, Đại sứ Mỹ cho rằng TPP là một cơ hội lớn. Nó cho phép Việt Nam thực hiện các bước đi nhằm hội nhập với nền kinh tế thế giới. TPP tạo cơ hội cho doanh nhân hai nước, tăng thương mại song phương và tạo việc làm. Ông hi vọng việc đàm đàm sẽ kết thúc để biến TPP thành hiện thực trong năm nay. Đại sứ Mỹ cũng nói tới kế hoạch mở đường bay thẳng giữ hai nước, tạo điều kiện để người dân hai nước, các sinh viên, khách du lịch đi lại dễ dàng.
Về hợp tác về quốc phòng và an ninh biển, Đại sứ Mỹ cho hay các mục tiêu của hai nước giống nhau ở nhiều khía cạnh, trong đó có Biển Đông. Ông Osius đã dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng “Chúng tôi rất quan tâm tới cách thức các quốc gia hành xử và theo đuổi các tuyên bố chủ quyền, và việc bất kỳ bên liên quan nào sử dụng sự họa, ép buộc hoặc vũ lực đều không thể chấp nhận được”.
Có 5 lĩnh vực chính trong hợp tác quốc phòng và an ninh: an ninh biển, đối thoại cấp cao, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm và cứu trợ thảm họa và lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Về hợp tác an ninh biển và quốc phòng, ông Osius cho rằng do vấn đề lịch sử nên việc hợp tác trong lĩnh vực này sẽ thận trọng hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tin tưởng rằng hai nước sẽ đạt tiến triển trong tương lai.
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua và năm nay sẽ rất quan trọng khi có các chuyến thăm cấp cao. Khi nghĩ về chương mới trong quan hệ hai nước, ông Osius rất kỳ vọng về khả năng hai nước sẽ trở thành các đối tác lớn trong tương lai như Đại sứ Vinh đã đề cập.
Mọi điều cần được bình thường hóa
Theo ông Ted Osius, có những khác biệt giữa hai nước về một số vấn đề, nhưng cách tốt nhất để đạt được tiến bộ là tiếp tục đối thoại.
Còn Đại sứ Vinh cho hay, chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam là ngoại giao độc lập. Theo Đại sứ Vinh, Việt Nam không để quan hệ với bất kỳ nước nào gây hại tới bên thứ 3. Đây là chính sách quan hệ đối tác và hữu nghị được áp dụng đối với tất cả các nước.
Đại sứ Vinh cho biết thêm, Việt Nam mở cửa các cơ sở cho tất cả các nước về dịch vụ hậu cần. Việt Nam đã nói rõ với Mỹ rằng Việt Nam không để các sân bay và các địa điểm khác được sử dụng để làm tổn hại tới các nước thứ 3.
Báo chí Mỹ trước đó đưa tin, Washington đã bày tỏ các lo ngại về việc Nga tiếp dầu cho các máy bay quân sự tại căn cứ Cam Ranh của Việt Nam.
Ông Vinh nhấn mạnh rằng hai nước sẽ hợp tác theo hướng có lợi cho cả hai bên. Hai nước có thể trở nên mạnh hơn, độc lập hơn, nhưng cũng phải vì an ninh, hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Còn Đại sứ Osius cho biết, Mỹ gần đây đã cung cấp các tàu tuần tra nhanh cho Việt Nam để phục vụ an ninh hàng hải và việc này đã trở nên dễ dàng hơn việc nới lỏng một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. "Giờ đây tôi cho rằng có một cơ hội tốt cho việc chia sẻ và chuyển giao một số khả năng và công nghệ cho Việt Nam", ông Osius.
Bình luận về việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, ông Vinh nói đó là một dấu hiệu tốt và kêu gọi Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này.
"Chúng tôi mong muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Điều đó mang tính tượng trưng chính trị. Năm nay kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, vì vậy mọi điều cần được bình thường hóa, trong đó có vấn đề vũ khí sát thương", ông Vinh nói.
Đại sứ Mỹ cho biết việc dỡ bỏ hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào các tiến bộ trong các lĩnh vực, trong đó có nhân quyền.
Ông Osius nói thêm, dù đã nới lỏng lệnh cấm nhưng hiện chưa có hợp đồng nào được ký kết, có thể là vì các quy trình của Mỹ phê chuẩn việc bán vũ khí cho Việt Nam. Cũng có thể do Việt Nam có các đối tác truyền trong khi Mỹ lại là "người mới", "vì vậy điều này không thể diễn ra nhanh được. Đây là điều sẽ diễn ra từ từ", nhà ngoại giao Mỹ nói.
Theo ông Vinh, hai nước cũng cần xem nhu cầu của cả hai bên, bên này muốn gì và bên kia có thể cung cấp gì. Hai nước phải tìm hiểu về nhau nhiều hơn.
Đại sứ Vinh nhấn mạnh rằng dù cấm vận vũ khí được dỡ bỏ hoàn toàn thì chính sách của Việt Nam vẫn nhất quán là chỉ nhằm mục đích phòng vệ và sự giúp đỡ của Mỹ cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng của lực lượng cảnh sát biển hiện cũng đúng theo tinh thần với chính sách này.
Cuối buổi thảo luận, Đại sứ Osius cho hay ông đã có lần nghe đến một ý tưởng về việc tổ chức thảo luận bàn tròn thẳng thắn dạng kín để tìm hiểu về các hệ thống vũ khí của Mỹ và ông cho rằng đây là một đề xuất hữu ích đối với hai nước.
An Bình
(Theo Dân Trí)
(Theo Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét