Pages

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Người Hà Nội có cứu được cây xanh?

Gia Minh, biên tập viên RFA

Bãi tập kết hàng ngàn cây đã bị đốn hạ

Bãi tập kết hàng ngàn cây đã bị đốn hạ
 Photo Minh Duc/ Tienphong



Nhiều người dân Hà Nội trong tuần qua tỏ ra bức xúc trước tin sẽ có 6700 cây xanh tại thủ đô sẽ bị chặt và thay thế theo kế hoạch 2014-2015. Và trước thực tế một số cây lớn không hề mục ruỗng bị đốn hạ, những người Hà Nội quan tâm đến môi trường và cảnh quan của thành phố nơi họ đang sinh sống đã lên tiếng và có hành động cụ thể kêu gọi ngưng hoạt động đốn hạ cây một cách tràn lan như thế của cơ quan chức năng.

Có thể nói đây là lần lên tiếng mạnh mẽ vì cây xanh, vì môi trường tại thủ đô Hà Nội và phần nào mang lại hiệu quả là trước mắt được Ủy ban Nhân dân thành phố lắng nghe cho dừng hoạt động chặt cây lại để nghe ngóng them.
Kế hoạch của chính quyền
Câu chuyện đốn cây để phục vụ công trình hạ tầng đô thị được nói đến đầu năm nay ở Hà Nội cũng như vào năm ngoái ở Sài Gòn. Sở Xây Dựng Hà Nội vào ngày 22 tháng giêng chủ trì cuộc họp báo cho biết công tác chặt cây nhằm bảo đảm an toàn cho thi công, vận hành tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông cũng như bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão.
Cụ thể theo Sở Xây Dựng thành phố Hà Nội thì tính đến trung tuần tháng hai vừa qua có gần 150 cây trên dải phân cách Nguyễn Trãi- Trần Phú đã bị đốn hạ. Từ tháng 11 năm ngoái cho đến trung tuần tháng 2 vừa qua có gần 400 cây xà cừ cổ thụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi- Hà Đông bị chặt.
Chừng một tháng sau, có thông tin về tờ trình của Sở Xây Dựng gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về Dự án Cải tạo, Thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội giai đoạn 2014- 2015. Theo đó cơ quan này đã lọc ra 6700 cây cần phải chặt bỏ. Đó là những cây bị xếp vào diện cong hỏng, dễ đổ, dễ gây tại nạn, gây hại cho sức khỏe con người, không có tác dụng cho cuộc sống.
Dân lên tiếng vì chưa được hỏi
Thông tin về Dự án vừa đưa ra và hoạt động chặt cây cũng được tiến hành khiến nhiều người quan tâm tại Hà Nội tỏ ra sửng sốt. Những người quan tâm đưa lên các trang mạng xã hội hình ảnh những cây thân gỗ lớn không hề bị mục ruỗng bị cưa ngang gốc.
Anh Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động tại Hà Nội, cho biết quan sát về những cây bị chặt trong đợt mới tuần qua:
Thực tế tôi thấy những cây đã chặt đi phần lớn là những cây rất to, và đang sống rất khỏe chứ không phải những cây mục. Chúng tôi đi trên đường thấy những cây mục thì họ chưa chặt mà chặt những cây to, khỏe trước. Việc chặt của họ cho người dân cảm giác như chặt để lấy gỗ chứ không phải chặt để thay thế những cây hợp lý. Thứ hai nữa những cây mà họ thay thế vào ( những cây đã chặt) không hợp lý vì vòng đời sinh trưởng rất lâu, hằng chục năm mới lớn được mà tán rất bé. Tôi đảm bảo khi những cây đó mọc lên thì Hà Nội sẽ nắng chói chang chứ không phải có bóng mát như hiện nay. Mà cây xanh là một trong những nét đẹp của Hà Nội mà không phải dễ gì chúng ta có được, nó đã có lịch sử hằng trăm năm nay rồi. Tôi thấy nếu để họ làm thì sau này hậu thế còn lâu mới có thể khôi phục được những cảnh quan như thế.
Cây xanh là một trong những nét đẹp của Hà Nội mà không phải dễ gì chúng ta có được, nó đã có lịch sử hằng trăm năm nay rồi. Tôi thấy nếu để họ làm thì sau này hậu thế còn lâu mới có thể khôi phục được những cảnh quan như thế
Anh Lã Việt Dũng
Một người nhân danh là công dân Hà Nội là ông Trần Đăng Tuấn, nguyên phó giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và hiện là phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam, ngay sau khi nhận được tin về dự án thay thế 6700 cây xanh tại Hà Nội, viết một bức thư ngỏ gửi cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nói về vấn đề chặt bỏ 6700 cây như thế.
Sau khi có thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn, một thư ngỏ khác của các tổ chức và công dân thành phố Hà Nội cũng được đưa ra về việc hặt và thay thế 6700 cây xanh ở thủ đô. Nhóm khởi xướng kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ, và chỉ sau một ngày công khai, thư ngỏ nhận được hơn 7 ngàn chữ ký.
Cô Dương Ngọc Trà, người liên lạc của nhóm khởi xướng thư ngỏ vừa nêu cho biết tính cấp bách của sự việc và quan tâm của cộng đồng khiến phải ra thư ngỏ gửi đến Hội đồng Nhân dân Thành phố, chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và giám đốc sở Xây dựng Lê Văn Dục như sau:
Theo như chúng tôi được nhìn thấy trên phố thì trong mấy ngày nay việc chặt hạ cây xanh diễn ra rất quyết liệt. Nhiều tuyến phố mà trước đây rất nhiều cây xanh như Quang Trung ở ngay trung tâm Hà Nội cũng đã bị chặt hạ hết rồi, và người ta đang tiếp tục chặt hạ cây ở đường Nguyễn Chí Thanh, hôm qua ở Ngô Thì Nhậm- những con đường lớn. Và theo những thông tin mà chúng tôi vừa nhận được thì người ta còn chặt hạ nhiều cây nữa ở các tuyến phố trung tâm của thủ đô. Nên đây là việc rất cấp bách và chúng tôi đang làm mọi điều để dừng việc này lại.
Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là phải dừng ngay dự án này lại, và phải làm rõ, minh bạch hơn, và trả lời những câu hỏi, quan tâm của người dân về dự án này. Đó là quan tâm của chúng tôi mà vẫn chưa được đáp ứng; mặc dù có một số trả lời của cơ quan có chức năng về vấn đề này như của ông Phan Đăng Long, Nguyễn Thế Thảo đã trả lời nhưng điều mà chúng tôi cần nhất là hành động dừng việc chặt cây lại và giải trình rõ ràng hơn những thắc mắc rất cụ thể của người dân. Vì chúng tôi chưa đạt được nên tiếp tục tiến hành chiến dịch này.
Điều mà chúng tôi cần nhất là hành động dừng việc chặt cây lại và giải trình rõ ràng hơn những thắc mắc rất cụ thể của người dân. Vì chúng tôi chưa đạt được nên tiếp tục tiến hành chiến dịch này
Cô Dương Ngọc Trà
Cô Dương Ngọc Trà cũng cho biết những hoạt động được người quan tâm tiến hành nhằm kêu gọi cơ quan chức năng ngưng biện pháp chặt bỏ cây xanh còn tốt tại thủ đô:
Ngoài việc ký kiến nghị thư ra, chúng tôi cũng có yêu cầu mọi người dân thể hiện quyền kiểm soát của mình. Ví dụ khi thấy những cây trên tuyến phố mình sinh sống hay nơi làm việc bị chặt thì có thể ra để hỏi, ghi lại hình ảnh những cây đó có bị cong vênh, mục ruỗng như người ta nói hay không và hỏi những công nhân làm việc đó là tại sao làm như thế, có cơ sở, văn bản gì hay không.
Ngoài ra chúng tôi có phát động một số chiến dịch khác trên mạng như gắn nơ vàng trên những cây nằm trên các tuyến đường trong qui hoạch chặt. Rồi những chiến dịch truyền thông và những gì mà mình có thể làm được với tư cách cá nhân, đúng tinh thần pháp luật.
Phản hồi của cơ quan chức năng
Trong vụ việc chặt 6700 cây theo đề nghị của Sở Xây Dựng, lần này chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Thế Thảo đã có ý kiến kịp thời sau khi người dân lên tiếng.
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 18 tháng 3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo, rà soát việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố.
Vào chiều ngày 20 tháng 3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành cuộc họp báo do phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chủ trì. Tin cho biết các nhà báo tham dự đã nêu nhiều câu hỏi tuy nhiên theo thuật lại có 21 câu không được người đại diện ủy ban trả lời.
Người Pháp rất thông minh chọn những cây để trồng trên hè phố: cây ít rụng lá, không có sâu mọt...Thế nhưng từ sau chiến thắng ĐBP, nói một cách công minh rằng mình là người nông dân giành được chính quyền, ‘rũ bùn đứng dậy thắng lòa’, trình độ lớp 3-4 thôi nên cứ cây nào ‘ngon’ là trồng. Vì thế để lại những ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay
Một cư dân Hà Nội
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng chủ trương thay thế cây xanh tại Hà Nội không nhận được sự đồng thuận của người dân là vì người thực hiện chưa cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân và nhà tài trợ nôn nóng.
Đề nghị và ý kiến
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam, đưa ra nhận định về tình hình vừa qua như sau:
Có nhiều luồng thông tin khác nhau. Đến nay có phát biểu chính thống của ông chủ tịch thành phố nói hình như có sự hiểu không đúng đắn về chuyện này và cơ quan chức năng cũng không làm tròn phận sự của mình; tức không thông tin đầy đủ nên người ta có thể hiểu khác nhau.
Thực tế có nhiều nội dung, kế hoạch làm trong một thời gian dài chứ không phải một lúc, một nhát mà làm. Trong kế hoạch đó có thay thế những cây sâu, bệnh, những cây không đúng chủng loại, trồng không có tổ chức, những cây gây cản trở giao thông, cũng như một số qui hoạch buộc phải chặt hạ một số cây… Vì người ta không được thông tin đầy đủ nên có một số hiểu lầm. Chúng tôi chưa có điều kiện để xác minh hết, nhưng cũng có thể cả hai phía.
Một cư dân Hà Nội khác bày tỏ ý kiến về hoạt động chặt cây tại Hà Nội như sau:
Hiện nay ở Hà Nội trong thời kỳ làm con đường mới, có thể nói có khoảng 6 ngàn cây bị bức tử. Tất nhiên có những cây bị mối mọt như Giao thông- Công chính, nhiều cơ quan đã thông báo. Điều đó có thể đúng. Đúng vì có thể nói một cách công minh, chứ không phải vì vấn đề chính trị, thời kỳ Pháp thuộc người Pháp rất thông minh ở chỗ họ chọn những cây để trồng trên hè phố: cây ít rụng lá, không có sâu mọt, sâu róm, muỗi… Có thể nói họ chọn những cây trồng ở đô thị là văn minh. Thế nhưng từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nói một cách công minh rằng mình là người nông dân giành được chính quyền, ‘rũ bùn đứng dậy thắng lòa’, trình độ lớp 3-4 thôi nên cứ cây nào ‘ngon’ là trồng. Vì thế để lại những ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay.
Tôi nói một cách rất sòng phẳng và trong sáng như thế này: bây giờ con đường từ Hà Đông về Hà Nội rộng mỗi bên ba làn đường với đường xe điện trên cao ở giữa, thì những cây quá tuổi hay sâu mọt thì phải chính sửa và trồng lại cây mới đại diện cho thế hệ mới. Bây giờ chúng ta đã có đủ tri thức chọn những cây nào trồng ‘chuẩn’; tôi nghĩ được.
Nói thẳng, trong cơ thể con người có những mụn nhọt nào thì phải cắt bỏ để thân thể khỏe mạnh.
Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng cũng đề cập đến cách làm trong thời gian tới cần tránh:
Rõ ràng có những cây mục ruỗng thì họ phải thay thế thôi nhưng cần phải công khai, phải có ý kiến của dân. Cũng như nước khác làm thôi nếu muốn chặt một cành cây thôi cũng phải hỏi ý kiến của dân xung quanh đó. Chứ còn nếu họ thích thì cứ làm mà không hỏi ý kiến của dân là không được.
Tôi thấy họ chỉ thông báo một chiều mà không hỏi ý kiến của nhân dân, hỏi ý kiến của các nhà khoa học. Thứ hai nữa cách làm của họ là thay thế một cách đồng bộ, thì nhiều người phân tích rằng thay đồng bộ sẽ rất dở vì thay đồng bộ thì sau này sẽ chặt đồng bộ, đoạn đường đó sẽ chỉ có những cây rất nhỏ.
Theo những người quan tâm đến mảng xanh của thành phố Hà Nội, thì quyết định cho dừng chặt cây xanh, kiểm điểm Sở Xây dựng mà Ủy ban Nhân dân Thành phố đưa ra là đúng dù có hơi muộn. Những người được hỏi ý kiến đều mong muốn qui trách nhiệm rõ ràng đối với những ai làm sai khi tiến hành chặt những cây tốt, khỏe đang là tàng bóng mát của thủ đô.
Hãng thông tấn Reuters vào ngày 20 tháng 3 loan tin về quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho ngưng việc tiến hành kế hoạch chặt 6700 cây của Sở Xây Dựng.
Theo Reuters thì biện pháp đảo ngược tức thì đó cho thấy mạng xã hội như Facebook tại Việt Nam đóng vai trò ra sao khi xoi sét những quyết định của chính quyền tại một đất nước mà suốt bốn thập niên qua bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước độc đảng.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới
.

Không có nhận xét nào: