Trao đổi với BBC từ Hà Nội, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, một trong những nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói rằng nói Việt Nam và Singapore giống nhau về hoàn cảnh lịch sử ‘là không thỏa đáng’.
“Singapore có địa kinh tế, địa chính trị thuận lợi với eo biển Malacca là nơi mà tất yếu tàu bè phải đi qua và Singapore đã tranh thủ tối đa lợi thế trung chuyển giữa hai đại dương,” ông Giang nói.
“Singapore là một đất nước không rộng lớn, dân không đông lắm. Sự cất cánh và chuyển động của một quốc gia không quá lớn cũng có những thuận lợi hơn (Việt Nam).”
“Singapore phát triển nhanh cũng liên quan rất chặt đến cá nhân ông Lý Quang Diệu, người có học vấn tốt, có ý chí cao, có quyết tâm mạnh mẽ để đưa nguyện vọng của nhân dân thành hiện thực,” ông nói thêm.
“Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử phải trải qua thời kỳ đấu tranh giành độc lập, chiến tranh phía nam rồi phía bắc, phía tây nam,” ông nói, “Điều này đã đưa Việt Nam vào tình thế khó khăn trong nước và trên thế giới.”
Tuy nhiên, ông Giang cũng thừa nhận là Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực nhưng do ‘đặc điểm kinh tế Việt Nam trong lịch sử là thiên về nông nghiệp’ nên không khai thác được lợi thế này như Singapore.
Ngoài ra, ông Giang cho rằng Việt Nam ‘không có được sức ép phải vươn lên như Singapore’ vì là một đất nước ‘có đủ điều kiện nội tại như đất đai, tài nguyên’.
“Thiếu nhi (Việt Nam) thường được học là tài nguyên đất nước ta nhiều lắm. Điều này tạo ra suy nghĩ trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên,” ông giải thích, “Điều này không tạo ra sức ép đủ mạnh để năng lực người ta phát huy chứ không phải vấn đề là có người tài hay không có người tài.”
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Việt Nam tụt hậu là do ‘có những giai đoạn tự làm chậm’.
“Việt Nam có những lúc không nhận thức hết sự khó khăn, phức tạp của tình hình, có sự duy ý chí nên phải trả giá,” ông nói và thừa nhận đây là ‘nguyên nhân chủ quan từ phía lãnh đạo’.
Ông Giang cho rằng người Việt Nam nên học cách nghĩ, cách làm và ý chí của người Singapore.
“Việt Nam có sự nể trọng đối với Singapore và đặc biệt là đối với cá nhân cố Thủ tướng Lý Quang Diệu,” ông cho biết, “Rất nhiều quyết sách lớn của các lãnh đạo Việt Nam đều tìm đến sự tư vấn, gợi ý của ông Lý Quang Diệu.”
Theo ông Giang thì Việt Nam nên học ở Singapore việc chú trọng giáo dục, có chính sách để tạo sự minh bạch và quyết tâm trong quyết sách và ‘phải nghiên cứu và ý thức sâu sắc vị trí địa lý của mình’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét