Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Cao Huy Huân - Xăng tăng giá đến bao giờ?

Việc giá xăng tăng đột ngột thêm gần 2.000 đồng/lít khiến rất nhiều người tiêu dùng “sốc nặng”. Tuy nhiên bản thân tôi, dưới góc nhìn cá nhân, vẫn thấy đây là chuyện dễ đoán và dễ biết trước được. Hệ thống xăng dầu Việt Nam hiện đang tồn taị quá nhiều lổ hổng khiến những “quả bom về giá” vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu của những người dân vốn chật vật với cuộc sống lạm phát và giá cả đắt đỏ.

So sánh giá với các nước khác: vô lý!

Việc giá xăng giảm “nhỏ giọt” và tăng đột xuất như “nước sông Đà” không phải là chuyện mới lạ gì, khi trước đây không ít lần giá xăng tăng gấp ba, gấp bốn lần những lần giảm trước đó. Bản thân tôi cũng quan sát và tìm hiểu thì thấy giá xăng tại các quốc gia lân cận như Thái Lan, Campuchia, Lào hay xa hơn là Indonesia, Malaysia vẫn cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Đây cũng là luận điệu chính mà không ít người được dân gọi là “chuyên gia kinh tế”, hay “quan chức kinh tế” mang ra so sánh với Việt Nam, theo kiểu “lẽ ra giá xăng còn cao hơn nữa mới phải”; hay “tăng 2.000 là ít, chứ chính ra phải tăng hơn 3.000 đồng/lít mới vừa”. Nhưng xin thưa với các vị, đừng mang dân nhà mình so sánh với người dân các nước có mức sống cao gần gấp đôi chúng ta; hay các nước vốn không được thiên nhiên phú cho những mỏ dầu lớn với trữ lượng cao.

Việc nhiều vị cứ mang giá dầu thế giới (đúng là một cơ sở để tính giá dầu trong nước) ra dọa thiên hạ khiến bản thân tôi cảm giác các vị đang bị thế giới cuốn theo một cách vô thức mà không có bất kỳ dự báo hay kiểm soát mang tính tương đối nào.

Chẳng ai trong các vị biết rằng những người dân có hệ thống xe chuyên chở, máy móc vận hành xăng dầu phải “giật mình” và la lớn đến cỡ nào khi lướt qua dòng chữ giá xăng tăng, mà tăng gần mức 2.000 đồng. Và không biết có vị chức trách nào ngồi trên chiếc xe hơi lúc nào cũng xăng đầy bình với máy lạnh mở hết cỡ tỏ ra thương xót cho những người lái taxi chẳng kịp tăng giá cước, và cũng chẳng biết ăn nói với vợ con ra sao khi bữa cơm chiều nay lại vắng đi vài món ăn dù đã rất đạm bạc.

Quỹ bình ổn giá: Dân nghèo có được lợi đâu?

Tôi phải khẳng định lại là tôi không bất đồng với việc xăng tăng giá hay mức giá xăng hiện nay. Nhưng việc xăng đột ngột tăng giá mà không có bất kỳ dự báo nào trước để dân tính toán thì quả là rất khó chấp nhận, đặc biệt khi giá xăng tăng gấp nhiều lần so với những lần giảm trước đây cộng lại. Và ngay cả khi ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường nhấn mạnh Nhà nước đã đứng ra “gánh” 991 đồng cho mỗi lít xăng được bán ra thị trường.

Nhiều người dân nghèo khi nhắc đến quỹ bình ổn giá đều lắc đầu “không biết”. Biết làm sao được khi chiếc xe cà tàng của họ chạy xe ôm cả ngày cũng chỉ một vài lít xăng lẻ tẻ. Ngay cả các anh taxi cũng không cảm nhận được sức mạnh của quỹ bình ổn xăng dầu, trừ khi chính phủ có những biện pháp thiết thực hơn như làm thế nào gia tăng mức sống chung của dân. Việc này làm tôi nhớ đến chuyện “bầy kiến và một cũ khoai”. Mỗi con kiến cố bám vào cũ khoai để sống nhưng cũng chỉ “lỉa rỉa” một vài miếng đã vác về không nổi, giống như kiểu người dân nghèo có muốn xài thêm xăng thêm dầu để tận dụng ưu đãi của nhà nước cũng lực bất tòng tâm. 

Cái mà chúng ta vẫn gọi là quỹ bình ổn xăng dầu lâu nay chỉ mang lợi về cho những tay tài phiệt, hay các doanh nghiệp đại gia với mức tiêu thụ xăng dầu khủng mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để phục vụ các hệ thống vận tải lớn hoặc các hệ thống dây chuyền sản xuất. So với đa số người dân tiêu xài một vài lít mỗi ngày, tức nhận được một vài ngàn đồng từ nhà nước; thì các đại gia sản xuất có khi nhận hàng trăm triệu đồng mỗi tháng với mức tiêu thụ xăng dầu rất cao. Và xin nhớ cho, quỹ bình ổn do Nhà nước cấp cũng lấy từ mồ hôi nước mắt của dân, trong đó hơn 60 là nông dân, công nhân, dân nghèo khổ. Vậy nên nếu cứ dựa vào quỹ để cân bằng giá xăng dầu thì khác nào “vắt sức cả bầy chuột mà vỗ béo cho một vài con mèo”.

Còn nhớ một vài tháng trước, các vị chức trách còn tăng cả thuế “môi trường” vào giá xăng một cách “sòng phẳng” với cả dân nghèo lẫn giới đại gia. Môi trường ngoài kia lẽ ra phải do các đại gia gánh thông qua các cơ chế quản lý, xử phạt, đánh thuế trực tiếp do tham gia sản xuất với các dự án khủng; thì chẳng hiểu sao các vị lại nhè người dân nghèo phải đi chiếc xe máy cũ kỹ bán từng bó ra ngoài chợ, lợi 500-1000 đồng/bó để mà đánh thuế xăng vào công tác bảo vệ môi trường. Đó là chưa kể đến chuyện dân nghèo è cổ đóng thêm thuế bảo vệ cầu đường, trong khi kẻ cày nát những tuyến đường giao thông lại là những người giàu với những chiếc container khủng, các chiếc xe tải chở đầy bùn boxit, hay các đoàn xe tải chở hàng nặng xuyên nội địa quốc gia.

Độc quyền hoài, dân khổ mãi

Sở dĩ việc tăng giá xăng dầu luôn khiến dân phản ứng (tiêu cực nhiều hơn tích cực), một phần cũng là vì xăng dầu tại Việt Nam dường như vẫn còn nằm trong thế độc quyền của một vài ông lớn được nhà nước chống lưng. Cơ quan quản lý xăng dầu quản lý luôn cả doanh nghiệp do (tay chân) mình làm chủ. Tôi thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp xăng dầu tư nhân có thể chủ động về giá; sự cạnh tranh xăng dầu nằm ở đâu khi phần lớn thị trường năm trong tay những cái tên quen thuộc như Petrolimex. Các vị vui lòng nhìn sang Thái Lan, xem sự cạnh tranh nội-ngoại gay gắt đến mức nào; và dù xăng có nằm ở mức cao hơn Việt Nam thì đó là mức cân bằng giữa cung và cầu đúng theo quy luật thị trường.

Chuyện độc quyền là bài ca “xưa như diễm”, mà dân thì hát đi hát lại, còn quan thì chẳng một lần nghe. Ừ thì các vị cũng nhiều lần tuyên bố mở cửa thị trường xăng dầu, nhưng cũng chỉ hé hé cho các doanh nghiệp con nhỏ xíu vào để “vui cho có với người ta”. Chứ hễ có ai đề xuất cho doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam mở tiệm xăng dầu là các vị nôn nao, đứng ngồi không yên vì lo đứa con cưng, con cầu, con khẩn của mình – doanh nghiệp trùm xăng dầu nội địa – sẽ bị các “anh bự” đến từ nước khác làm tổn thương. Thế nên cứ lấy cớ năng lượng là ngành nhạy cảm, chẳng một doanh nghiệp ngoại nào được vào, để rồi giá xăng chẳng được dự báo, chẳng được thông báo, và cứ thế tăng giảm thất thường theo nhịp tim đập ngày càng nhanh của những người dân ngày ngày cần lao chịu khó.

Cao Huy Huân

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào: