JAKARTA 21-5 (NV) - Hải quân Indonesia đã đánh chìm hôm Thứ năm 21/5/2015 hàng chục tàu đánh cá nước ngoài bị bắt giữ mà họ cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của họ.
Một trong số 41 tàu đánh cá ngoại quốc bị Hải quân Indonesia đánh chìm ngày 20/5/2015 tại vùng biển Bitung. (Hình:Inayah Azmi Atifah/Pacific Press/ Getty Images) |
Theo báo Jakarta Post, hôm Thứ Năm 20/5/2015, Hải Quân Indonesia đã đánh chìm tại nhiều địa điểm khác nhau tổng cộng 41 tàu đánh cá nước ngoài từng bị bắt giữ những năm qua trong vùng biển đặc quyền kinh tế của họ.
Trong số đó có 5 tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, 2 tàu của Thái Lan và 11 tàu của ngư dân Philippines. Chiếc tàu đánh cá lớn nhất bị đánh chìm vào dịp này là tàu Gui Xei Yu 12661 trọng tải 300 tấn của Trung Quốc đã bị bắt giữ từ năm 2009 tại một khu vực gần với Biển Đông.
Theo báo mạng VNExpress, "Việt Nam đang phối hợp với đại sứ quán tại Indonesia xác minh việc các tàu cá Việt Nam bị đánh chìm do bị cáo buộc đánh bắt trái phép và đề nghị Indonesia xử lý vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, tinh thần nhân đạo."
Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “bầy tỏ quan ngại sâu xa” về tin nói trên và đòi chính phủ Indonesia phải giải thích.
Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “bầy tỏ quan ngại sâu xa” về tin nói trên và đòi chính phủ Indonesia phải giải thích.
Nói trên báo Jakarta Post, bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia, biện minh hành động đánh chìm các tàu đánh cá nước ngoài là nhằm “bảo vệ quyền lợi ngư dân” của họ.
Từ khi lên cầm quyền từ năm ngoái, tổng thống Indonesia là ông Joko Widodo có vẻ cứng rắn trên một số vấn đề, trong đó có chuyện đối phó với tội phạm ma túy và vấn đề bảo vệ nguồn thủy sản. Ông đã ra lệnh xử tử một số người ngoại quốc bị bắt liên quan đến ma túy bất chấp lời kêu gọi của chính phủ các nước.
Ông Widodo kêu rằng người ngoại quốc đánh cá lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia đã làm cho nước ông thất thu kinh tế mỗi năm nhiều triệu đô la. Chính phủ Indonesia còn cáo buộc rằng nhiều tàu đánh cá lậu đã dùng cả chất nổ và chất độc cyanide để khai thác thủy sản, những hành vi bị coi là bị cấm dù bất cứ ở đâu.
Việc gài chất nổ và bắn chìm các tàu đánh cá ngoại quốc hôm Thứ Năm không phải là lần đầu tiên Indonesia bầy tỏ quyết liệt với ngư dân nước ngoài bị cáo buộc đánh cá bất hợp pháp. Khi bị tàu tuần của Indonesia bắt, ngư dân nước ngoài đã bị kết án tù và tàu bị tịch thu.
Ngày 5/12/2014, Hải Quân Indonesia đã bắn chìm một số tàu đánh cá ngoại quốc trong đó có ba chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Cuối Tháng Mười năm ngoái, báo chí Việt Nam cho hay 29 người cuối cùng trên tổng số 61 ngư dân trên 8 tàu đánh cá tỉnh Kiên Giang bị hải quân Indonesia bắt giam đã về nước.
Theo tờ Tiền Phong ngày 27/10/2014 tường thuật, “Trong khuôn khổ chương trình hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và Indonesia, được sự cho phép của Tổng cục Thủy sản, ngày 30/8/2013, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức trao giấy phép cho hai chủ tàu cá, ông Trần Hon và Trương Văn Ngữ, đưa tám tàu cá cùng 61 ngư dân đi khai thác thủy sản tại ngư trường Indonesia. Ngày 4/1/2014, trong lúc khai thác tại vùng biển đảo Tagempa thì bị lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ. Sau hơn 10 tháng bị bắt giữ, 61 ngư dân mới được thả về.”
Cho tới nay, không thấy có sự giải thích nào từ phía nhà cầm quyền tỉnh Kiên Giang hay Tổng Cục Thủy Sản Việt Nam về sự “hợp tác” này. Theo tờ Tiền Phong thuật lại lời chủ tàu Trương Văn Ngữ khi bị bắt ra tòa thì người ta nói “Hợp đồng đánh bắt là giả mạo.” (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét