Pages

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Vì sao dân oan phải tự thiêu?

Hải Ninh, phóng viên RFA

p.txt.jpg

Dân oan khắp nơi ở Việt Nam
 Files photo




Ngày càng có thêm những người cho rằng tình cảnh bất công họ phải gánh chịu do chính quyền gây ra mà không giải quyết thấu đáo, lên tiếng sẽ dùng biện pháp tự thiêu để phản đối. Tại sao họ phải đi đến quyết định được xem là ‘đường cùng’ như thế?

Trên trang web của báo Lao Động hôm 6/5 đưa tin và hình ảnh hai người phụ nữ vấn khăn tang đòi tự thiêu trước cổng Viện Kiểm Sát tỉnh Long An. Cả gia đình của hai phụ nữ này cho rằng người thân của họ bị chết oan đòi viện kiểm sát tỉnh làm rõ sự thật.
Một trường hợp cũng là dân Long An phải ra tận Hà Nội và cũng tuyên bố sẽ tự thiêu nếu như con của bà này bị hành quyết vì tội giết người mà bà này cho rằng hoàn toàn oan ức. Đó là bà Nguyễn thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải.
Ông Mai Xuân Dũng, một người trong nhóm thiện nguyện giúp đỡ những người dân oan ở Hà Nội, cho biết “dân oan” có hai biện pháp phản kháng, một là đi biểu tình hoà bình hai là tự thiêu để đòi lại quyền lợi. Ông Dũng cũng phải thừa nhận hiện tượng người đòi tự sát hoặc thậm chí tự thiêu ngày càng nhiều. Ông Dũng nêu ra một trường hợp tự thiêu vì oan ức mà ông tường tận:
Chị Nguyễn Minh Tân đã ra khiếu kiện ở Hà Nội rất nhiều lần. Khi chị ấy đến ban tiếp dân ở số 1 Ngô Thì Nhậm, tôi cũng có gặp chị ấy vài lần và chị ấy có nói đến chuyện tự thiêu. Tôi nói chị đừng thiêu, chị làm như vậy thì không được gì hết, có khi cái chết của chị sẽ bị rơi vào thinh không. Sau khi nói chuyện với chị, chúng tôi hỏi có thể giúp đỡ được chị hay không thì chị ấy rất là buồn. Chúng tôi ở Hà Đông thì thường gửi đồ ăn, thực phẩm giúp đỡ chị ấy chung với những người khác. Rất buồn là sau một tháng thì tôi nghe tin chị ấy tự thiêu ngay tại Quảng Nam. Sau này chị ấy được đưa về Hà Nội chữa trị, may mà chị không chết.
Ông Dũng sau đó còn liệt kê những vụ tự thiêu ở Đà Nẵng, Lâm Đồng hay trước cửa Dinh Độc Lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụm từ “dân oan” xuất hiện liên tục trong những năm gần đây, nói tới những người gặp oan ức trong xã hội như bị mất đất hoặc bị xử bất công. Một bộ phận lớn những người này là các nông dân bị thu hồi đất đai.
Việt Nam bỏ hình thức hợp tác xã kiểu Liên Xô từ hồi thập niên 80. Năm 1993, Việt Nam thông qua một đạo luật đất đai sửa đổi cho phép người dân quyền được sử dụng đất trong vòng 20 năm, song không cho phép tư nhân sở hữu đất đai. Các cấp chính quyền tùy tiện giải thích luật và cưỡng chế thu hồi đất bằng bạo lực, không chỉ dành cho các dự án công cộng như xây đường, xây cầu mà còn các dự án chung cư cao cấp, khu công nghiệp và vui chơi. Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 cũng chưa giúp cho người mất đất có thể lấy lại những phần đất bị trưng thu một cách phi pháp.
Bà Phạm Chi Lan, cựu cố vấn kinh tế của thủ tướng, từng trả lời AP cho biết luật đất đai có rất nhiều lỗ hổng, và nó đã tạo ra môi trường mầu mỡ cho nhiều người hưởng lợi.
Bà Bùi Thị Thành, từng bị thu hồi căn nhà ở ngay mặt đường Kha Vạn Cân ở quận Thủ Đức, Sài Gòn một cách oan ức như vậy. Bà cho biết:
Khi nhà nước giải toả, [ngôi nhà] có diện tích còn lại là 30 mét vuông. Họ giải toả và trả 15 triệu một mét, nhưng trên thực tế họ chỉ trả 16 mét, còn 14 mét họ không trả. Với số tiền 300 triệu được trả, tôi không thể mua căn nhà mà mình đang sống được và cũng không tái định cư được.
Không còn lựa chọn nào khác
Bà Thành cho biết ngôi nhà của bà bị giải toả năm 2010, và cũng kể từ đó, bà xuống đường biểu tình cùng những người dân oan mất đất khác. Có nhiều người bức xúc quá cũng tìm tới đường cắt máu tự tử để mong đòi lại được quyền lợi.
Ông Mai Xuân Dũng ở Hà Nội cho hay, sở dĩ những người dân oan kể trên tìm tới con đường cùng là cái chết là bởi vì họ không còn cách nào khác. Những người dân địa phương tìm tới chính quyền Trung ương ở Hà Nội, tuy nhiên, khiếu kiện của họ không được đáp ứng. Ông Mai Xuân Dũng nói:
Việc họ kêu oan lên tới cấp Trung ương là hoàn toàn vô vọng. Họ đã nhìn nhận ra là chính Trung ương lại chuyển đơn kiện về địa phương để giải quyết. Một khi địa phương nơi gây ra oan sai được giao giải quyết, thì điều đó là quả bóng đá đi đá lại, hoàn toàn không giải quyết được điều gì. Họ đã bị cưỡng chế, cướp mất tài sản, con cái thì nheo nhóc, mà họ thì rơi vào hoàn cảnh gần như trắng tay mà kêu xin thì không được đáp ứng.
Phần lớn người dân xung quanh thì lo sợ, vô cảm và không chia sẻ với người dân oan. Thử hỏi trong trường hợp vô cùng bi đát thì họ có thể làm được điều gì khác hơn nữa? Có người không nghĩ được nữa, họ cảm thấy khủng hoảng tinh thần, và họ cảm thấy là thôi cái chết đối với họ không còn gì đáng sợ nữa, cho nên họ chọn con đường tự tiêu, tự thiêu để phản kháng, tự thiêu để tố cáo tội ác của nhà cầm quyền cộng sản.
Bà Bùi Thị Hằng, một người dân oan, cũng từng tự thiêu, cho biết bà làm vậy là để phản đối việc chính quyền đối xử với người dân. Bà nói:
Tôi chọn con đường tự thiêu vì thực sự trong một thời gian rất dài tôi đi khiếu kiện về chuyện mất đất, mất nhà từ lúc đó tôi đã chứng kiến cách hành xử rất tồi tệ của chính quyền dành cho người dân, nhất là những người được gọi là dân oan bây giờ. Ngay buổi chiều hôm nay tôi tiếp một cô gái thì cô này nói rằng cô từng đi đấu tranh với dân oan trong 7 năm trời nhưng bây giờ thì cô nhận thức vấn đề hoàn toàn khác. Trong 7 năm cô đi đòi công lý thì rõ ràng không có công lý trên đất nước Việt Nam này cho nên thay vì tiếp tục đi đòi công lý thì cô sẵn sàng tự thiêu, dùng cái chết của cô cho mục đích chung cho cả dân tộc phải dành được tự do dân chủ và nhân quyền trước khi đất nước này có thể có pháp quyền.
Ông Nguyễn Tường Thuỵ, một blogger từng viết nhiều về chuyện dân oan, cho hay số phận của dân oan Việt Nam gần như là tăm tối và chỉ có thể thay đổi khi thể chế ở Việt Nam thay đổi. Ông Mai Xuân Dũng thì kêu gọi người dân bình thường bớt vô cảm đối với những người dân oan vì ông cho rằng chính sự vô cảm của những người xung quanh khiến những người bị oan ức cảm thấy họ không còn lối thoát nữa
.

Không có nhận xét nào: