Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Việt Nam : Cần một khung pháp lý cho tổ chức xã hội dân sự độc lập

Việt Nam : Cần một khung pháp lý cho tổ chức xã hội dân sự độc lập
Phái đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ tiếp xúc với đại diện các tổ chức XHDS về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Ảnh chụp ngày 06/05/2015@danlambao

Vài năm trở lại đây, tại Việt Nam đã xuất hiện hàng chục các tổ chức xã hội dân sự được hình thành một cách tự do. Những tổ chức tự phát như vậy chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực nhân quyền, cổ vũ dân chủ. Dù mới chỉ có những bước đi đầu tiên nhưng họ đã tạo được sự khác biệt với các tổ chức xã hội đoàn thể đã tồn tại nằm dưới sự kiểm soát của hệ thống chính trị chính thống bằng những tiếng nói phản biện về nhiều vấn đề chính trị xã hội tại Việt Nam.

Nếu như những hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự độc lập này đang gây được sự chú ý của dư luận và ngày càng thu hút được sự quan tâm của quốc tế thì ở trong nước họ không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận về mặt pháp lý. Thực tế thì một số tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, cổ vũ dân chủ tự do ngôn luận thời gian gần đây bất chấp sự cản trở của chính quyền đã có các cuộc tiếp xúc với cơ quan và tổ chức quốc tế ở Việt nam cũng như ở nước ngoài để khẳng định vai trò và nói lên tiếng nói của mình.

Hôm 6/5 vừa qua, trước khi bước vào cuộc đối thoại thường niên Mỹ-Việt về vấn đề nhân quyền tại Hà Nội, phái đoàn của Hoa Kỳ đã có cuộc tiếp xúc với đại diện hơn 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập của để tham khảo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Cuộc tiếp xúc có quy mô rộng rãi lần đầu diễn ra này đã nói lên nhiều ý nghĩa về sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam.

Ra đời và hoạt động như một thực tại khách quan, nhưng do thiếu tính pháp lý nên sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự độc lập luôn trong tình trạng bấp bênh. Chính quyền có thể mạnh tay trấn áp khi cảm thấy các hoạt động của xã hội dân sự nằm ngoài hệ thống trở nên vướng víu, gây phiền toái cho chế độ. Ngoài ra tính hiệu quả của các hoạt động cũng bị hạn chế đặc biệt trong lĩnh vực thông tin đến với dư luận trong nước, một khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, bảo vệ cho xã hội dân sự.

Vì sao chính quyền không thừa nhận tính pháp lý của các tổ chức xã hội dân sự độc lập mới hình thành trong khi những tiếng nói phản biện hay đòi hỏi của họ vẫn đi vào đời sống xã hội ở Việt Nam và quốc tế quan tâm lắng nghe ?

Chương trình tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự của RFI, có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại Hà Nội, một trong những sáng lập viên của Diễn đàn dân sự, và nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn, cũng là một sáng lập viên của Hội nhà báo độc lập.

Anh Vũ

(RFI)

Không có nhận xét nào: