Dư luận tiếp tục chú ý đến hiệu quả thực sự của chuyến công du của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam- Nguyễn Phú Trọng, sang Hoa Kỳ trong những ngày này.
Ngoài một số ý kiến nêu ra các tiến triển đạt được trong quan hệ Việt- Mỹ sau 20 năm bình thường hóa; nhiều người khác vẫn cho rằng còn quá sớm để nói đến kết quả của chuyến đi. Thậm chí có ý kiến còn thẳng thừng cho là không đánh giá cao về chuyến đi này.
Hồi hộp chờ đợi!
Trước khi lên đường sang Hoa Kỳ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ ngay tại trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào chiều ngày 3 tháng 7 vừa qua.
Theo nhiều người thì dù trong bài trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Phú Trọng có thừa nhận vai trò của Hoa Kỳ trong tình hình hiện nay ở khu vực Biển Đông nhưng nhiều vấn đề quan trọng khác cũng mang tính chung chung như lâu nay.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một trí thức gần đây có nhiều bài viết phản biện về chủ thuyết Mác- Lê Nin và đường lối của đảng cộng sản Việt Nam, nói về quan tâm đối với chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như đánh giá về khả năng có thay đổi gì nơi nhân vật này:
“Nói chung chuyện này cả nước đang hồi hộp theo dõi thôi, cũng chưa biết thế nào! Tại vì ông Trọng trong một thời gian dài vừa rồi tỏ ra là con người gắn kết với Trung Quốc, ông tỏ ra kiên trì (với) chủ nghĩa Mác- Lê Nin, ông tỏ ra là con người như ở đây người ta xếp vào loại ‘bảo thủ’. Không biết có gì xui đẩy ông để như thế nào!? Thành ra hiện nay người ta cũng đang còn theo dõi thôi, chứ còn những lời phát biểu của ông mà tôi nghe được cũng chỉ nói chung chung thôi; chưa có gì để chứng tỏ ông ta trở cờ cả. Vì ‘cờ’ và ngọn gió của ông Trọng thì từ trước đến nay trong nước đều cho ông thuộc nhóm bảo thủ. Nhất là trong vụ 100 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Linh vừa rồi. Tôi theo dõi thì thấy ông Trọng ca ngợi ông Linh hết điều về những điều mà người ta cho rằng ông Linh là người bảo thủ ví dụ như kiên trì đường lối Mác- Lê nin, không bao giờ chấp nhận tam quyền phân lập, không thể chấp nhận đa nguyên- đa đảng; và vấn đề nhân quyền chẳng hạn thì mấy hôm nay cũng chưa thấy có chuyển biến gì cả. Thành ra trong nước cũng phập phồng theo dõi thôi, chưa dám đánh giá gì cả.”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cũng bày tỏ một tâm trạng hồi hộp tương tự của giáo sư Nguyễn Đình Cống; đồng thời cũng có những nhận định về tình thế hiện nay của Việt Nam:
Những lời phát biểu của ông mà tôi nghe được cũng chỉ nói chung chung thôi; chưa có gì để chứng tỏ ông ta trở cờ cả. Vì ‘cờ’ và ngọn gió của ông Trọng thì từ trước đến nay trong nước đều cho ông thuộc nhóm bảo thủGiáo sư Nguyễn Đình Cống
“ Hiện nay tình hình Biển Đông sôi sục; trước tình thế như vậy ban lãnh đạo Việt Nam không thể nào giữ nguyên lập trường mà người dân mỉa mai là ‘lập trường Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc’ được. Và phải có cái gì đó để thể hiện để còn giữ được chút gì trong cái gọi là ‘niềm tin’ của nhân dân. Họ cố tình giữ cho được cái đó, chứ nếu không giữ được thì sẽ bùng phát những chuyện rất lớn và có thể đổ ngay trong ngày một ngày hai. Do đó họ phải có chính sách chìa bàn tay ra nắm lấy bàn tay của Mỹ và của một số các quốc gia khác đã chìa ra để hợp tác trong vấn đề Biển Đông, khống chế tham vọng ngông cuồng và nguy hiểm của Trung Quốc.”
Phó giáo sư Vũ Tường thuộc Đại học Oregon, Hoa Kỳ trong bài viết tựa đề ‘Chính trị Việt Nam qua chuyến đi Mỹ của ông Trọng” đăng trên BBC nêu rõ “Xin phép được tiết lộ trước kết luận của bài viết: Nói chung chúng tôi không đánh giá cao chuyến đi của ông Trọng”.
Hy vọng nơi thế hệ lãnh đạo mới!
Một luật sư hiện sống tại Canada, ông Vũ Đức Khanh thì nói rõ nếu có gì thay đổi ở Việt Nam thì chỉ có thể xảy ra vào năm tới sau khi đại hội đảng 12 kết thúc với thành phần lãnh đạo mới mà thôi.
“Thế hệ lãnh đạo mới ví dụ như thế hệ của ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hay ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân. Những người đó được đào tạo khá cơ bản và bài bản ở các quốc gia Phương Tây. Họ đang ở trong giai đoạn bước vào Bộ Chính Trị hay đã ở trong Bộ Chính Trị như ông Nguyễn Thiện Nhân rồi. Thế hệ đó ở thời điểm mấu chốt của Việt Nam mà theo tôi nghĩ sẽ có những thay đổi rất quan trọng từ năm 2016 trở đi.”
Vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc
Trong thời gian tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang thăm Mỹ thì tại Tòa án Trọng tài thường trực ( PCA) ở La Haye, Hà Lan diễn ra phiên điều trần đầu tiên về vụ kiện do Philippines đứng đơn về đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sinh sống tại Pháp, ông Trương Nhân Tuấn, nói về diễn tiến của vụ kiện này và ý nghĩa của nó:
“Theo lịch trình, ở phiên họp đầu tiên này, Tòa sẽ làm hai việc: thứ nhứt là tuyên bố về thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện. Thứ hai là về sự hợp lệ của hồ sơ Phi. Dĩ nhiên là vụ kiện này có quan hệ mật thiết đối với với VN.
Nói chung chúng tôi không đánh giá cao chuyến đi của ông TrọngPhó giáo sư Vũ Tường
TQ đã tuyên bố không tham gia vụ kiện. Lập luận đáng ghi nhận của TQ qua bản tuyên bố nhằm trả lời vụ kiện :thứ nhất Tòa không có thẩm quyền vì cốt lõi của vụ kiện liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ” mà điều này không thuộc phạm trù của Công ước Quốc tế về Biển 1982. Thứ hai vụ kiện liên quan đến vấn đề “phân chia ranh giới biển” mà điều này TQ đã bảo lưu năm 2006 ( loại trừ mọi biện pháp trọng tài có mục đích phân chia ranh giới biển).
Theo tôi, rất có thể Tòa sẽ không có thẩm quyền để phân xử ở một số điều trong hồ sơ của Phi vì các điều này liên quan đến chủ quyền cũng như một số việc phân định biển mà TQ đã bảo lưu. Nhưng ở các điều như về hiệu lực pháp lý của đường chữ U, hay một số điều liên quan các bãi đá chìm, nổi mà TQ đã chiếm và mới xây dựng, thì tuyên bố của Tòa liên quan trực tiếp đến VN. Đường chữ U chín đoạn, cũng như hành vi của TQ ở các đảo TS, là nhưng quan ngại hàng đầu của VN hiện nay.
Về mối liên quan giữa việc xây dựng một cách gấp rút các bãi đá và vụ kiện của Phi, tôi cho rằng nó có quan hệ với nhau. Hành vi xây dựng và mở rộng các bãi đá của TQ đã đặt Tòa vào việc đã rồi. Việc xây dựng của TQ có một không hai trong lịch sử thế giới.
Hành vi xây dựng đảo của TQ đã xóa hết những vềt tích, những bằng chứng, chắc chắn sẽ đưa Tòa vào thế khó xử. Theo tôi đây là hành vi cố ý của TQ. Họ muốn đặt quốc tế vào việc đã rồi. Dầu thế nào thì mọi sự mập mờ về pháp lý đều có lợi cho TQ.”
Tin cho biết đích thân ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario dần đầu phái đoàn nước ông đến để trình bày tại phiên tòa.
Việt Nam là quốc gia bị đe dọa trực tiếp bởi tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông của Trung Quốc; thế nhưng cho đến nay chính quyền Hà Nội vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt như Philippines là kiện Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế.
Ngoài những tuyên bố phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, gần đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị cấp cao Mê Kong- Nhật Bản tại Tokyo có phát biểu về việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng quy mô những đảo nhân tạo ở Trường Sa. Theo ông Dũng đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét