Pages

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

TBT Nguyễn Phú Trọng tạo dấu ấn nào tại Hoa Kỳ?

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Chuyên cơ chở Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay quân sự Andrew, bang Maryland Chiều ngày 6/7 theo giờ Hà Nội

Máy bay chở Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay quân sự Andrew, bang Maryland Chiều ngày 6/7 theo giờ Hà Nội
 Courtesy VOV



Chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 10/7/2015 của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có ý nghĩa gì khác biệt với 4 cuộc viếng thăm nước Mỹ trong 20 năm qua của các Thủ tướng và Chủ tịch Nước Việt Nam.


Tiếp tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nhà Trắng?
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón ở Nhà Trắng ở Thủ đô Washington vào ngày 7/7/2105, thì rõ ràng ông là người đầu tiên trong vai trò nhà lãnh đạo thể chế độc đảng toàn trị Việt Nam thực hiện việc này. Đây có thể là điểm khác biệt cốt lõi, theo nhận định của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân trên truyền thông nhà nước, chuyến đi của Tổng Bí thư cho thấy Washington đã có sự tôn trọng đối với thể chế chính trị của Việt Nam. Hoặc như một số ý kiến khác cho rằng Hoa kỳ không còn đặt nặng vấn đề ý thức hệ.
Cách đây 20 năm vào ngày 11/7/1995 hai nước cựu thù Việt Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ xuất phát điểm trao đổi thương mại hai chiều trị giá chỉ 451 triệu USD năm 1995 đã tăng lên mức 35 tỷ USD năm 2014.
Trong 20 năm quan hệ Việt Mỹ, đã có hai vị Tổng thống Hoa kỳ chính thức viếng thăm Việt Nam, đó là Tổng thống Bill Clinton cuối năm 2000 và Tổng thống George W Bush năm 2006. Ngược lại các nhà lãnh đạo Việt Nam được chính thức đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc bao gồm Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013.
Được đón tiếp tại Nhà Trắng cách đây hai năm, tháng 7/2013 ông Trương Tấn Sang để lại dấu ấn quan trọng khi Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Theo quan niệm Việt Nam, vị thế của một Tổng bí thư Đảng Cộng sản lớn hơn các Chủ tịch nước hay Thủ tướng, nhưng liệu ông Nguyễn Phú Trọng sẽ để lại được dấu ấn đặc biệt quan trọng hơn hẳn các ông Khải, Dũng, Triết, Sang khi chính thức viếng thăm Hoa Kỳ hay không? Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang một nhà phản biện độc lập từ Hà Nội nhận định:
Đây có thể là điểm khác biệt cốt lõi, theo nhận định của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân trên truyền thông nhà nước, chuyến đi của Tổng Bí thư cho thấy Washington đã có sự tôn trọng đối với thể chế chính trị của Việt Nam. Hoặc như một số ý kiến khác cho rằng Hoa kỳ không còn đặt nặng vấn đề ý thức hệ
“ Những chuyến đi trước của ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng đã đầy lên được một quan hệ hợp tác toàn diện. Đáng lẽ chuyến này đi phải đẩy lên một bước tiến mới là hợp tác chiến lược toàn diện, nhưng tôi không tin là ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm được. Hơn nữa, trong tình hình này thì phải thiết lập được liên minh toàn diện trong đó có liên minh toàn diện về quân sự và có việc đàm phán mở cửa cho Hoa Kỳ vào Cam Ranh. Nhưng tôi không tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm được những việc cần phải làm đó. Tôi hy vọng từ đây sẽ đặt ra thông lệ để mà sau Đại hội Đảng XII Hoa Kỳ sẽ lại mời ông Tổng Bí thư mới sang Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ may ra mới có được một cái gì tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn với lòng mong đợi của nhân dân Việt Nam về mối liên minh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.”
Hy vọng gì ở cuộc gặp gỡ
Đáp câu hỏi của chúng tôi là kỳ vọng gì vào chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, một cơ quan tham mưu của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Hà Nội đưa ra nhận định:
“Những nội dung cụ thể thế nào thì tùy thuộc chương trinh nghị sự và bao giờ cũng vậy về mặt ngoại giao thì không phải tất cả mọi người đều được biết. Riêng cá nhân tôi có hy vọng sau chuyến đi này quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ phát triển thêm một bước mới, đặc biệt là chuyến đi thăm của người đứng đầu đảng Cộng sản chứ không phải là một người đứng đầu Nhà nước như Chủ tịch nước hay Thủ tướng. Việc Tổng thống Barack Obama cũng như chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận vai trò của đảng Cộng sản qua việc đón tiếp trọng thị ông Tổng Bí thư cũng là một chuyển biến mới trong mối quan hệ hai nước. Ở đây nhìn vào sự đặc thù chính trị của hai nước chứ không phải đem những cái suy đoán tiên quyết của mình để chiếu vào các quan hệ ngoại giao, tôi nghĩ rằng ở góc độ Hoa Kỳ như vậy thì nó có tác động tích cực đến mối quan hệ của hai nước trong tương lai.”
Nghị trình gặp gỡ Barack Obama – Nguyễn Phú Trọng được báo chí cho là có thể có đột phá về đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên để hoàn tất đàm phán thì Việt Nam phải vượt qua nhiều điều kiện liên quan tới nhân quyền
Cô Phạm Đoan Trang, một nhà báo tự do người đã trở về Việt Nam hồi đầu năm nay, dù có thể ở lại Hoa Kỳ sau khóa học về Chính sách công ở Đại học Nam California, từ Hà Nội blogger Đoan Trang nêu ý kiến:
“ Quan tâm nhất là chuyện agenda chương trình nghị sự của ông Trọng ở Mỹ. Tóm lại là họ sẽ làm gì họ sẽ nói gì với nhau…Obama có đề nghị gì, có gây sức ép gì với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay có lời khuyên gì hay không… Mục đích của chuyến đi là do ai khởi xướng, Mỹ mời hay Việt Nam đề nghị và mục đích của lời mời hay đề nghị ấy là gì. Cách đón của Mỹ với ông Trọng là nguyên thủ hay người bình thường không đúng cấp nguyên thủ…nếu vậy tại sao họ lại có cách tiếp đón đó…”
Trong tất cả các chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ của các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa qua như Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, phía Việt Nam đều cam kết thúc đẩy và đảm bảo đảm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người, mặc dù tình hình trên thực tế lại thể hiện trái ngược với những sự vi phạm về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Chính quyền Việt Nam có thói quen phóng thích một số tù chính trị, tù nhân lương tâm để đổi lấy các Hiệp định kinh tế thương mại với phương Tây.
Nghị trình gặp gỡ Barack Obama – Nguyễn Phú Trọng được báo chí cho là có thể có đột phá về đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên để hoàn tất đàm phán thì Việt Nam phải vượt qua nhiều điều kiện liên quan tới nhân quyền, chẳng hạn như vấn đề công đoàn độc lập, người lao động có quyền thành lập nghiệp đoàn và tham gia quá trình thương lượng với giới chủ.
Như lời TS Nguyễn Thành Giang nhà phản biện độc lập ở Hà Nội thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không tạo được những dấu ấn đặc biệt quan trọng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của mình. Nhưng điều chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng là vị Tổng Bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam được vinh dự đàm luận với Tổng thống Hoa Kỳ tại Tòa Bạch ốc
.

Không có nhận xét nào: