Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Lan man về danh từ “cộng sản”

Hôm nọ một bạn đọc (không có trong friend list) phàn nàn riêng với tôi là tại sao dùng chữ “Tàu cộng” và “đảng CSVN” trong những bài viết về những tranh chấp với Tàu. Theo người này thì những danh từ đó mang tính kém thân thiện và có thể xem như là miệt thị. Thật ra, người phàn nàn đó không phải là người đầu tiên, vì trước đây thỉnh thoảng tôi cũng bị than phiền như thế, và người than phiền có vẻ không phải là DLV, mà họ rất thành thật, có ý tốt. Kể ra cũng ngạc nhiên! Tôi chỉ viết đúng hay viết tắt thôi, chứ đâu có gì để nói là thiếu thân thiện hay miệt thị.
Tên của đảng Cộng sản Việt Nam thì viết tắt là “đảng CSVN” là chẳng có gì sai. Còn “Tàu cộng” là viết tắt của Tàu và “cộng sản”, đâu có gì để gọi là xúc phạm. Có lẽ người than phiền muốn tôi phải viết là “Trung Quốc”? Nhưng ở miền Nam, nơi tôi lớn lên và trưởng thành, hễ nói đến China thì người ta gọi là “Tàu”. Báo chí miền Nam thời đó có khi gọi là “Trung cộng” (Trung Hoa Cộng sản). Do đó, các bạn đọc không nên hiểu chệch đi rằng tôi có ý miệt thị nước Tàu của các bạn.

Tôi thấy hình như có một nghịch lí về chữ “cộng sản” ở Việt Nam. Một mặt, trong nội bộ đảng viên rất tự hào là người cộng sản. Chẳng hạn như “Bác Hồ của chúng ta cũng tỏ ra là một người cộng sản kiên định, thủy chung, nghĩa khí, thắng không kiêu, bại không nản, vô cùng khiêm tốn nhưng cũng rất mực tự hào về danh hiệu người cộng sản của mình” (1). Biết bao bài báo với tựa đề như “Đảng Cộng Sản Việt Nam – Niềm tự hào của Dân tộc”. Nhưng mặt khác, chính người cộng sản lại rất nhạy cảm với hai chữ “cộng sản”! Cứ mỗi lần có ai nhắc đến hai chữ này trên báo chí lề dân thì họ tỏ vẻ tức tối, giãy nảy lên cứ như là đỉa phải vôi vậy. Từ tức tối, họ cáo buộc người dùng chữ đó là “miệt thị” và “kém thân thiện”. Hình như họ nghĩ rằng hai chữ “cộng sản” chỉ dành cho người cộng sản dùng, còn người ngoài thì không được dùng? Thật là một nghịch lí rất thú vị.
Thật ra, một cách khách quan, hai chữ “cộng sản” hay “communism” chẳng có gì để xem là tiêu cực hay xấu cả. Nó cũng như bao nhiêu danh từ và thuật ngữ khác như “tư bản”, “xã hội chủ nghĩa”, “dân chủ”, “tự do”, v.v. thôi. Có lẽ hậu quả và những cái tên gắn liền với nó mới làm cho công chúng ghê sợ. Những cái tên như Stalin, Mao Trạch Đông, Nicolae Ceaușescu, v.v. làm cho người nghe liên tưởng đến những cuộc giết người hàng loạt. Chưa biết chủ nghĩa đó hay ra sao, nhưng trong thực tế không có một nước trong thế giới cộng sản nào được xem là giàu có. Chính vì thế mà ở các nước như Úc hay Mĩ, hay phương Tây nói chung, cứ nghe đến hai chữ này là người ta rất khó chịu và kinh sợ. Trong các cuộc vận động tranh cử, tôi để ý thấy người ta chỉ cần gán cho đối phương là “tên đó có chính sách như xã hội chủ nghĩa” là người dân hồn kinh thất vía ngay, dù chưa chắc họ biết rằng Úc là một dạng … xã hội chủ nghĩa!
Chẳng hiểu từ lúc nào chữ “cộng sản” có ý nghĩa xấu xa. Tôi đoán rằng hai chữ này trở nên xấu xa từ lúc Thượng nghị sĩ Mĩ Joseph McCarthy khởi động phong trào tố cộng vào thập niên 1950 bên Mĩ. Thời đó, với sự cộng tác của vua tuyên truyền của Mĩ là Edward Bernays (thời đó, Mĩ có xuất bản cuốn sách gọi là “Propaganda”), họ đã biến danh từ “cộng sản” thành một cái gì ghê tởm và xấu xa cho đến ngày nay. Trong thực tế thì quả thật những kẻ giết người không gớm tay như Stalin và Mao Trạch Đông đã góp phần còn lớn hơn Bernays trong việc làm cho danh từ cộng sản trở nên kinh tởm trong cái nhìn của công chúng.
Đối với người Việt, nhất là người Việt tị nạn ở nước ngoài, hai chữ “cộng sản” có khi nguy hiểm. Từ trước 1975 ở miền Nam, bộ máy tuyên truyền của VNCH tô vẽ cộng sản như là một cái gì rất đáng sợ và kinh tởm. Nói đến cộng sản là người ta nghĩ ngay đến phim “Chúng tôi muốn sống” nói về cuộc Cải cách ruộng đất mà người dân bị chôn sống, bị du kích đập đầu chết, nói chung là những hành động giết người rất kinh. Đến khi sau 1975 và chạy trốn, ngay từ trong thời còn ở trại tị nạn, chỉ cần câu “thằng đó là cộng sản” là người đó có thể bị đánh đến chết, hay dù có sống thì cũng không có nước thứ ba nào dám nhận cho đi định cư. Sau khi đi định cư, trong cộng đồng, chỉ cần một vu khống vu vơ rằng “cộng sản” thì tính mạng của nạn nhân cũng ở trong tình trạng nguy hiểm. Đã có nhà báo bị chết vì hai chữ đó. Ngay cả hiện nay, nhiều người trong cộng đồng dù đã “hội nhập” với bên nhà, nhưng vẫn có những người cực đoan đem “cộng sản” ra như là con ngáo ộp đe doạ người bất đồng ý kiến. Có thể nói rằng hai chữ “cộng sản” có hàm ý xấu đã đi vào tâm khảm của đại đa số người Việt ở nước ngoài. Mà, cái gì đã đi vào tâm khảm thì rất khó xoá bỏ một sớm một chiều.
Nói tóm lại, hai chữ “cộng sản” chẳng có gì đáng sợ hay nhạy cảm cả. Những người cộng sản nên tự hào về chí hướng của họ, và không nên khó chịu khi người khác đề cập đến mình là “người cộng sản” hay “theo cộng sản”. Chỉ có những người mang danh là “cộng sản” mà hành động tham nhũng, bóc lột, đàn áp lương dân, và đi đêm với giặc mới là đáng xấu xa và chính những người này cảm thấy “nhột” khi nghe người khác gọi họ là người cộng sản.
====

Không có nhận xét nào: