Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Saigon Trong Biển Rác…

Khủng hoảng rác ở Sài Gòn
Sài Gòn với một thuở mệnh danh hòn ngọc viễn đông, một thuở mà ông Lý Quang Diệu đã từng mơ một ngày nào đó sẽ biến quốc đảo Singapore thành một Sài Gòn khác. Thế rồi câu chuyện về Sài Gòn hoa lệ cũng nhanh chóng đi vào quá khứ, thay vào đó là một Sài Gòn chằng chịt đường dây điện, nhà cửa chồng chất lên nhau, những con đường kẹt xe luôn cho cảm giác Sài Gòn là một tổ mối quá tải và khi mùa mưa đến, những con đường lại hóa thành sông đen chảy ngược chảy xuôi, mang theo rác rưởi và mùi hôi thối tiến thẳng vào nhà dân. Nỗi khủng hoảng về rác ở Sài Gòn đã lên mức báo động đỏ.

Rác khắp nơi
Một cư dân Sài Gòn tên Thủy, chia sẻ với chúng tôi về nỗi quan ngại của chị trước cảnh Sài Gòn ngày càng phì đại những con đường rác: “Nhìn chung thì thành phố bây giờ cũng tương đối khá hơn nhưng khủng hoảng nhất vẫn là những chiếc xe chở rác của các công ty môi trường. Họ cứ mở nguyên cả một hộc rác sau đuôi xe, chạy từ đầu đường đến cuối phố, để lại mùi hôi thối thật là kinh khủng…”
Thành phố bây giờ cũng tương đối khá hơn nhưng khủng hoảng nhất vẫn là những chiếc xe chở rác của các công ty môi trường. Họ cứ mở nguyên cả một hộc rác sau đuôi xe, chạy từ đầu đường đến cuối phố, để lại mùi hôi thối thật là kinh khủng.
» Bà Thủy
Theo bà Thủy, vấn đề rác ở Sài Gòn hiện nay là vấn đề đáng báo động, mọi sự đã đi quá khả năng khống chế của con người. Sở dĩ nói như vậy bởi bà căn cứ trên hai yếu tố: Rác xã hội và; Rác tư tưởng. Mà thường thì rác xã hội đến sau rác tư tưởng. Giả thích thêm, bà Thủy cho rằng Sài Gòn giống như một cái hố rác khổng lồ chất đầy rác tư tưởng. Có một thứ chủ nghĩa vốn dĩ đã thành rác của thế giới tiến bộ từ lâu nhưng không may, Sài Gòn lại thành cái hố để chứa nó.
Nhiều con đường Sài Gòn trở thành nơi tập trung của rác vào những chiều cuối tuần. Tuy đã có những qui định về việc không vứt rác bừa bãi nhưng hầu như gười dân cứ vứt rác thoải mái, nơi nào cảm thấy tiện tay thì vứt, miễn sao không vứt vào nhà, ngõ và cửa nhà mình là được.
Và hệ quả của việc này là Sài Gòn dần trở nên phức tạp, mất hẳn vẻ hào hoa và diễm lệ một thuở. Thay vào đó là một Sài Gòn đầy rác xã hội. Ở khái niệm rác xã hội, bà Thủy cho rằng đó là những thứ rác tâm hồn. Khi con người trở nên khô cằn bởi đời sống cạnh tranh khốc liệt, thiếu tình người, cộng với sự hoài nghi, tệ nạn trộm cắp cũng như nạn tham nhũng có tính hệ thống đã phát triển đến độ “phát tiết” thành loại rác hằng ngày, biểu hiện qua những bịch rác mà người ta ném một cách vô tội vạ, vô tâm và vô văn hóa.
Là một người từng du học ở Nhật, bà Thủy cho rằng người Sài Gòn, chỉ riêng việc ứng xử về rác, đến ba trăm năm sau cũng chưa chắc sánh kịp người Nhật Bản. Bởi với người Nhật, các thùng rác luôn có ba lổ để phân loại rác công nghiệp, rác thô và rác phi công nghiệp. Trong lúc du học, bà học được của người Nhật thái độ yêu quí những người lao động nghèo. Trong đó có cả việc súc thật sạch các vỏ chai, bóp thật kĩ các vỏ lon cho gọn gẽ và phân loại từng thứ rác riêng trước khi bỏ vào thùng rác
Hành vi phân loại tỉ mỉ từng loại rác không chỉ cho thấy trách nhiệm của mỗi người sau khi sử dụng một loại sản phẩm nào đó và thải những thứ phế bỏ vào xã hội, tự nhiên mà nó còn cho thấy tính sâu sắc, suy nghĩ đứng đắn của con người ở đây. Người ta không hô hào theo kiểu hãy bảo vệ, thương yêu và chia sẻ với người nghèo bằng miệng lưỡi đãi bôi mà người ta ý thức được trong từng chi tiết hành động nhằm đảm bảo người nghèo, người lao động bậc thấp không bị tổn thương. Rửa sạch vỏ chai, vỏ lon trước khi phân loại và bỏ vào thùng rác theo thứ tự từng loại là một hành vi thể hiện lòng yêu thương, nễ trọng và bình đẳng giữa con người với con người.
Còn với Sài Gòn hiện tại, người ta vứt rác vô tội vạ, chỉ cần thấy chỗ nào có thể vứt được là vứt. Đương nhiên vẫn có nhiều người ý thức và trăn trở về chuyện rác Sài Gòn. Nhưng rất tiếc con số này rất nhỏ. Con số vô tâm, vứt rác bừa bãi lại chiếm rất đông, thậm chí có người ngồi trên xe hơi mang biển số đẹp, xe hơi khủng ngang nhiên vứt rác xuống đường và họ xem thành phố giống như một bãi rác không bờ bến, muốn vứt thì cứ vứt, chẳng cần phải suy nghĩ!
Chính những nếp nghĩ hết sức ấu trĩ này đã mang lại cho Sài Gòn một bầu khí quyển chứa toàn mùi rác. Đó là chưa nói đến kiểu làm việc đậm chất cơ chế và quan liêu của một số công ty vệ sinh môi trường đã dẫn đến tình trạng đùn đẩy rác, tranh chấp bãi đổ rác nhưng lại không nghĩ đến phương án xử lý rác. Vô hình trung, rác lại thành một thứ cơ hội để người ta đút lót, tham nhũng.
Và những con sông đen
Ông Trọng, một cư dân đang sống ở gần chợ Thị Nghè, buồn bã chia sẻ: “Bây giờ nhìn cũng khá hơn đôi chút nhờ nạo vét các con kênh. Tuy nhiên nhìn chung thì việc nạo vét vẫn không tới đâu bởi còn quá nhiều con kênh và dòng sông nước đen ngòm, hôi thối. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân mình quá kém, khó có thể mà giữ được thành phố sạch đẹp nếu như ý thức người dân cứ lẹt đẹt như thế. Đó là chưa muốn nói đến những chuyện khác…”
Theo ông Trọng, mọi con sông ở Sài Gòn đã trở nên hết sức dơ bẩn, cho dù có nạo vét hay xử lý cách nào, tốn cả ngàn tỉ đồng cũng chỉ để làm sạch tạm thời rồi sau đó lại tiếp tục dơ dáy chứ không thể nào giữ được độ sạch lâu dài.
Sở dĩ có chuyện vô lý khi đất nước còn nghèo, ngân sách quốc gia còn eo hẹp nhưng nhà nước phải dùng tiền ngân sách từ thuế của dân để nạo vét sông để rồi vài năm sau đâu lại vào đó là do nhiều nguyên nhân. Ý thức người dân kém là một phần nhưng phần quan trọng hơn cả là môi trường chính trị không trong sạch.
Cũng theo ông Trọng, việc hạn chế rác rưởi tràn lan ở Sài Gòn không khó, việc đầu tiên là phải dọn sạch rác trong hệ thống chính trị. Một khi hệ thống chính trị không còn rác rưởi, tư tưởng người dân sẽ thông thoáng tỉ lệ và ý thức làm sạch môi trường chung quanh sẽ dần được phục hồi, thành phố sẽ tự dưng xanh, sạch, đẹp.
Để khẳng định vấn đề mình nói là có cơ sở, ông Trọng đưa ra mức cược gồm hai căn biệt thự ông đang sở hữu tại khu Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn. Ông nói rằng nếu như hệ thống chính trị thực sự trong sạch mà Sài Gòn vẫn còn nhiều rác thì ông sẽ chung cho chúng tôi hai căn biệt thự.
Ngược lại, nếu hệ thống chính trị còn lắm chuyện rác rưởi như hiện tại mà Sài Gòn sạch rác thì ông chỉ cần chúng tôi chung cho ông đúng hai lon bia Heiniken. Đương nhiên chúng tôi không nhận lời thách thức cá độ này vì dù thắng hay thua thì cũng chẳng hay ho gì, thậm chí thêm đau đầu.
Nhưng dẫu sao thì vấn đề ông Trọng nêu ra cũng để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
* * *

HÀNG LOẠT NGHỊCH LÝ VỀ GIÁ XỬ LÝ RÁC

Theo Hương Nguyễn – Người Tiêu Dùng/Một Thế Giới – 23 Mar 2015
Có hay không dấu hiệu độc quyền xử lý rác?
Dường như VWS đang “lừa dối” các cơ quan chức năng TP.HCM và chỉ vận hành bãi chôn lấp rác với công suất tương tự. Chi phí ước tính cho việc xử lý theo kiểu chôn lấp như VWS hiện nay có giá thành rẻ hơn rất nhiều, ước tính không quá 10 USD/tấn.
Nguồn thu từ việc xử lý rác thải đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp “nhảy” vào kinh doanh. Không chỉ có các doanh nghiệp trong nước “máu me” đầu tư lĩnh vực này mà cả những người Việt từ nước ngoài về cũng thành lập công ty “lăm le” chiếm thị phần. Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) do Việt kiều David Dương làm Chủ tịch hiện đang làm chủ đầu tư tại khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, được biết đến như một công ty lớn chiếm lĩnh thị trường xử lý rác.
Sau khi có quyết định đóng cửa bãi chôn lấp số 3, rác tại TP.HCM dồn về Đa Phước. Đa Phước hiện đang ở vị trí thống lĩnh thị trường với 45% lượng rác thải của thành phố với khoảng 3.000 tấn rác mỗi ngày. Nếu cộng thêm khối lượng rác của Phước Hiệp sẽ là 5.500-6.000 tấn/ngày. Việc Công ty VWS đề nghị được nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ chất thải rắn của thành phố sẽ dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực xử lý chất thải tại thành phố, ảnh hưởng đến quyền cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.
Hiện nay, lượng rác phát sinh của TP.HCM khoảng 6.700 tấn/ngày. Trường hợp chấp thuận cho Công ty VWS tăng công suất lên 10.000 tấn/ngày thì gần như 100% lượng rác thành phố được chôn lấp, và như vậy, đi ngược lại chủ trương tăng cường bảo vệ môi trường của quốc gia. Ngoài ra, điều nguy hiểm nhất là việc VWS xử lý 100% lượng rác TP.HCM cũng đồng nghĩa VWS hiển nhiên trở thành doanh nghiệp có vị trí độc quyền tại TP.HCM. Và khi ở vị trí độc quyền thì sẽ khó tránh khỏi việc ngân sách nhà nước phải trả cao hơn nữa, nghĩa là người dân phải bỏ tiền túi cho công ty gọi là “phục vụ công ích” nhưng thực chất công ty này có “siêu lợi nhuận”.
VWS dùng công nghệ chôn lấp, hoạt động sai giấy phép?!?
Khu xử lý Đa Phước được giới thiệu có công nghệ xử lý rác hiện đại nhất thế giới hiện nay với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật. Trong đó, bãi chôn lấp được xây dựng với các tiêu chuẩn cao nhất và an toàn nhất của Ủy ban Bảo vệ môi trường California và Hoa Kỳ – thế nhưng bãi rác này luôn bị phản ánh bởi mùi hôi thối, nhiều ruồi và quy trình không đạt chuẩn.
Được biết, đơn giá hiện tại của VWS tại bãi rác Đa Phước là 21,1 USD/tấn với công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp.
Trong khi đó, giá thành tại một số đơn vị khác như Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị – đơn vị xử lý rác tại bãi rác đã đóng của Phước Hiệp chỉ 360.000 đồng/tấn (tương đương 17,14 USD/tấn).
Một đơn vị khác được đánh giá có công nghệ xử lý rác theo công nghệ tái chế rác thải tiên tiến, hoàn toàn không chôn lấp là Tâm Sinh Nghĩa chỉ có đơn giá 20,38 USD/tấn.
Hơn thế nữa, duy nhất tại Công ty VWS, Nhà nước phải thanh toán tăng hàng năm 3% cho công ty này. Trong khi các công ty khác chỉ nhận được khoản thanh toán 70% của giá thành – vốn đã rẻ hơn đơn giá VWS.
Tìm hiểu quy trình xử lý rác của Công ty Đa Phước, theo đại diện của một số chuyên gia am tường lĩnh vực xử lý rác thải cho biết, tính đến hiện tại thì VWS đã không xây dựng nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng với công suất 2.500-3.000 tấn/ngày theo quy định trong giấy phép xử lý rác được cấp từ tháng 12-2005. Dường như VWS đang “lừa dối” các cơ quan chức năng TPHCM và chỉ vận hành bãi chôn lấp rác với công suất tương tự. Chi phí ước tính cho việc xử lý theo kiểu chôn lấp như VWS hiện nay có giá thành rẻ hơn rất nhiều, ước tính không quá 10 USD/tấn.
Bên cạnh đó, theo điều tra của PV, quy trình xử lý rác tại một công ty khác ở Củ Chi, cụ thể, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Tâm Sinh Nghĩa đang áp dụng đồng bộ, khép kín từ khâu tiếp nhận rác, phân loại, tái sinh sản xuất phân compost, tái chế nhựa, đốt rác tận thu nhiệt, đóng rắn, xử lý gần như triệt để lượng rác sinh hoạt chưa được phân loại đầu nguồn. Rõ ràng, công nghệ này hiện đại và hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chôn lấp mà Đa Phước đang áp dụng.
Trên thế giới và tại một số nhà máy xử lý rác khác tại Việt Nam, hầu hết nhà máy xử lý, tái chế rác thải điều áp dụng theo quy tắc 4T: Tái sinh (tạo ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh), Tái chế (sản phẩm nhựa tái chế), Tái sử dụng (các phế liệu hữu ích) và Tránh chôn lấp gây ô nhiễm thứ cấp cho môi trường (chôn lấp bã thải sạch với tỷ lệ dưới 5%).
Một điểm bất hợp lý là nếu thực hiện theo công nghê hiện đại, khép kín hoàn toàn không chôn lấp chi phí đầu tư khá cao, thời gian hoàn vốn dài, kéo theo chi phí khấu hao cao, nhưng giá thành vẫn rẻ hơn so với cách xử lý chôn lấp tại Đa Phước

Dân Luận.

Không có nhận xét nào: