Đội hình chiến hạm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore nhân cuốc tập trận Malabar năm 2007. Ảnh tư liệu chụp ngày 05/09/2007.US Navy
Hôm nay 05/07/2015, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản khai mạc cuộc tập trận lớn tại miền đông nước Úc, ven bờ biển nam Thái Bình Dương. Lần đầu tiên Tokyo tham dự tập trận chung. Mặc dù Trung Quốc không được nhắc đến, nhưng theo nhiều nhà quan sát, đối thủ chung của liên minh Mỹ-Úc-Nhật chính là Bắc Kinh, quốc gia đang chủ trương phát triển sức mạnh quân sự bên ngoài biên giới nhằm hậu thuẫn cho các yêu sách lãnh thổ, đặc biệt tại Biển Đông.
Khoảng 30.000 binh sĩ tham gia vào cuộc tập trận phối hợp ba binh chủng hải, lục, không quân, kéo dài trong hai tuần tại hai bang Queensland và Northern Territory. Ngày 04/07/2015, có mặt trên tàu USS Blue Ridge, chiến hạm chỉ huy của hạm đội 7 Thái Bình Dương, Thủ tướng Úc Tony Abbott nhắc lại « liên minh rất quan trọng » với Hoa Kỳ, giúp cho nước Úc đối mặt với « các thách thức lớn tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông».
Thủ tướng Úc không dẫn tên Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Canberra, mà hai bên vừa ký kết một hiệp định tự do thương mại song phương, nhưng nhiều người không khỏi nghĩ đến Bắc Kinh, một đối thủ tiềm tàng của liên minh quân sự Mỹ-Úc-Nhật. Ông John Lee, giáo sư đại học Sydney, một chuyên gia về an ninh quốc tế, cho rằng « Hoa Kỳ và các đồng minh hợp tác mật thiết chủ yếu là để ngăn chặn Trung Quốc ». Giáo sư đại học Sydney nhấn mạnh : thực tế này có liên hệ với nhận thức rằng « Trung Quốc đang ngày càng gia tăng yêu sách chủ quyền và dường như Bắc Kinh đang phát triển sức mạnh quân sự để hậu thuẫn (cho tham vọng này), đặc biệt tại Biển Đông ».
Lập trường của Trung Quốc là đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Trong những năm gần đây, theo các nhà quan sát, nhiều biến cố có nguy cơ bùng phát thành xung đột tại Biển Đông. Hồi 2013, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cáo buộc một tàu chiến Trung Quốc cố tình cắt đường tàu chở tên lửa Mỹ Cowpens, suýt gây tai nạn.
Hồi tháng 5/2015, căng thẳng dâng cao, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng mở rộng đảo và xây cất nhiều công trình quân sự tại Trường Sa, giới chức Hoa Kỳ khẳng định tàu chiến và phi cơ Hoa Kỳ có quyền đi vào khu vực phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo Trung Quốc đóng quân.
Ngân sách quân sự Trung Quốc trong nhiều năm gần đây liên tục tăng hơn 10%. Riêng về hải quân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết xây dựng một « hạm đội mạnh », có thể « chiến đấu và giành chiến thắng ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét