“Những gì chúng ta làm hôm nay là làm cho xã hội của chúng ta hạnh phúc, tiếp cận với nhau không phải bằng nắm đấm, bằng sự thù hận, mà bằng vòng tay mở rộng.”
ựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dự lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt-Mỹ và nâng ly chúc mừng cùng với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhấn mạnh như trên khi kết thúc bài phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao mang tính lịch sử giữa Hòa Kỳ và Việt Nam tại Hà Nội chiều 2-7.
Chính ông vào ngày 11-7-1995 đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thúc đẩy tinh thần hòa giải giữa hai nước cựu thù và cùng nhau hướng tới tương lai, bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Ôn lại quá khứ
Ông Bill Clinton nói: “Việc bình thường hóa quan hệ vừa có những lý do cá nhân, vừa chính trị và địa chính trị. Nó giúp ta hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo dựng mối quan hệ thiết thực.”
“Bản thân tôi nghĩ nước Mỹ còn đạt được nhiều hơn trong tình hữu nghị của hai nước,” ông nói.
“Hai mươi năm trước đây khi nói đến bình thường hóa, với thế hệ như tôi vô cùng khó khăn. Chúng tôi gần như ai cũng biết một người nào đấy bị thương ở chiến trường Việt Nam. Ai cũng nghĩ đó là điều điên rồ,” ông nhớ lại những trải nghiệm cách đây hai thập kỷ ở Mỹ.
“Nhưng thực sự khi những người bạn Việt Nam chấp nhận chúng tôi và chúng tôi chấp nhận những người bạn Việt Nam, thì chúng ta đã giải phóng chính mình,” ông nói.
Ông nhắc lại những người Mỹ đã có công lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ như cựu đại sứ Pete Peterson, con rể Tổng thống Johnson, các thượng nghị sỹ John McCain, John Kerry..., và cảm ơn họ vì đã tạo ra động lực cho ông thực hiện điều này.
Ông kể lại câu chuyện xúc động mà ông chứng kiến khi đến thăm Việt Nam năm 2000.
Lần đó, ông đến thăm một khu vực mà người Việt Nam và Mỹ đang tìm kiếm hài cốt một phi công Mỹ. Người con của viên phi công còn nằm trong nôi lúc bố hy sinh. Khi nhìn những người Việt Nam lăn lộn trong vũng bùn để tìm những mảnh xương của bố, anh đã rơi nước mắt. Còn vợ ông, bà Clinton, đã gục vào vai chồng.
“Chưa bao giờ trong một khoảng đất nhỏ như thế lại thấy nhiều như vậy người Việt Nam và Mỹ cùng nhau tìm những mảnh xương, mảnh xác của một quân nhân Mỹ,” giọng ông cựu Tổng thống trầm lại.
“Tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cùng hợp tác với Mỹ để rà phá bom mình, tẩy độc còn lại và chúng ta phải cùng hợp tác để làm những điều này,” ông nói.
Tương lai tươi sáng
Ông nhắc lại kỷ niệm 20 năm trước đã cùng hai thượng nghị sỹ McCain và Kerry lập ra quỹ cung cấp 100 học bổng cho sinh viện Việt Nam, con số mà ông từng nghĩ đã là nhiều.
Song, số lượng sinh viên Việt Nam ngày nay theo học tại các trường đại học Mỹ lên tới hơn 17.000 người, nhiều hơn cả số lượng sinh viên Canada và Mexico ở Mỹ, và đứng thứ 8 trên thế giới.
“Những thành tựu mà Việt Nam đạt được cách đây 20 năm, từ mức thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 1 đô la Mỹ/ngày [đến mức hơn 2.000 đô la Mỹ/người/năm hiện nay] là rất đáng trân trọng,” ông nói, và nhận xét ngày nay Việt Nam chi 20% tổng ngân sách hàng năm cho giáo dục, nhiều hơn tỷ lệ của Chính phủ Mỹ; học sinh Việt Nam đứng 12 trên thế giới về toán học là “thành quả rất đáng tự hào.”
Hai mươi năm trước, thương mại hai nước là 500 triệu đô la Mỹ, nay đã lên tới 35 tỉ đô la Mỹ; Việt Nam vượt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của ASEAN vào thị trường Mỹ.
“Tổng thống Obama đang muốn thúc đẩy quan hệ này thông qua TPP. Tôi hy vọng hiệp định được ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội cũng như (họ) đã ủng hộ bình thường hóa 20 năm trước. Nếu vượt qua được rào cản về lao động, môi trường, nhân quyền, giải quyết tranh chấp… thì tôi hi vọng chúng ta đạt được thỏa thuận mà người dân Mỹ chào đón,” ông Clinton nói.
Ông nhắc lại sáng kiến hồi tháng Giêng vừa qua của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc, người nêu ý tưởng thúc đẩy quan hệ ngoại giao từ song phương lên hợp tác đa phương, và toàn cầu; và cho biết Chính phủ Mỹ ủng hộ điều này.
“Là đối tác của Việt Nam trong những vấn đề như chống khủng bố, các vấn đề toàn cầu, giải quyết tranh chấp trong hòa bình rất quan trọng,” ông nói.
“Tôi tin rằng quốc gia nào trong khu vực cũng cần đối xử công bằng và cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Mỹ trong cách tiếp cận này.”
Ông Clinton nói ông vui mừng vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ trong thời gian rất gần tới đây.
Ông nhắc nhở các phóng viên Mỹ: “Ngoài đưa tin chuyến thăm của Tổng Bí thư, hy vọng các bạn đưa tin Việt Nam thay đổi thế nào trong 20 năm qua, đất nước của những con người thông minh, cần cù, cảnh đẹp tuyệt vời, đất nước của một tương lai sán lạn.”
Ông cũng ôn lại chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. “Sớm thôi chương trình sẽ thành đại học Fulbright và sẽ là đại học tư nhân phi lợi nhuận đầu tiên của nước này. Chương trình đã cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên đến học ở Mỹ".
Ông Clinton cũng nhắc lại việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng từng là sinh viên Fulbright khóa đầu tiên của Việt Nam đã nhận bằng luật quốc tế ở một trong những đại học hàng đầu của Mỹ.
Trong lời chào mừng trước đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại thời khắc 20 năm trước, khi cựu Tổng thống Clinton bãi bỏ cấm vận, rồi tuyên bố thiết lập ngoại giao với Việt Nam, mở ra trang sử mới trong lịch sử quan hệ hai nước.
Ông Minh nói, trong lịch sử bang giao giữa hai dân tộc, 20 năm như khoảnh khắc, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều bước tiến, vượt lên quá khứ, và định hình tương lai.
Tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 20 của sự kiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ có hơn 1.000 khách mời, trong đó có rất nhiều đại sứ, các nhà ngoại giao, và doanh nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét