Hôm 26/8 diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Đỗ Văn Đương lại có phát biểu về quyền im lặng, ông dẫn ra ví dụ về vụ thảm án 6 người chết ở Bình Phước rồi đặt vấn đề rằng nếu nghi can đòi quyền im lặng thì sẽ ra sao?
Ông Đương là người phản đối quyền im lặng, ông đã nhiều lần phát biểu đưa ra đủ mọi lý do phản đối. Với khẩu khí hùng hồn và kiến thức am hiểu, những phát biểu của ông đã tạo được ảnh hưởng tới nhận thức của nhân dân lao động.
Không chỉ vấn đề quyền im lặng, ông cũng phản đối đề xuất quy định ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, ông cho rằng việc ghi âm ghi hình để chống bức cung nhục hình là lạc quan tếu.
Từng là cán bộ ngành kiểm sát nên ông Đương là đại biểu đại diện cho giới cán bộ tư pháp. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ông Đương hiểu rõ các vấn đề của nền tư pháp. Mặc dù vậy ông lại phản đối những chế định pháp lý tiến bộ giúp cho nền tư pháp được công minh.
Điều này là vì những ý kiến của ông xuất phát từ động cơ quyền lợi của nhóm người mà ông đại diện.
Ví như giới cán bộ điều tra chẳng hạn, những đề xuất mới về quyền im lặng hay quy định buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung sẽ là những kiểm soát trói buộc khiến việc làm của họ không được tùy tiện phóng túng như trước, cho nên hẳn là họ không thích.
Và chính đại biểu Đỗ Văn Đương là người đại diện nói lên thay quan điểm cho giới cán bộ điều tra về những vấn đề này.
Cho nên cải cách tư pháp sẽ gặp phải trở lực từ chính giới cán bộ tư pháp, những người muốn giữ nguyên trạng và không muốn thay đổi vì quyền lợi. Không nhận ra điều này là nể nang tránh né sự thật, không thừa nhận điều này là không trung thực trước các vấn đề của nền tư pháp.
Từ một vụ án thực tế
Năm 2005 ở Bắc Giang xảy ra vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em, bị can là Hàn Đức Long đã nhiều lần bị tuyên tử hình và nay vụ án đang trong quá trình điều tra lại. Thời điểm xảy ra vụ án vào lúc chập tối và không ai nhìn thấy hung thủ, cơ quan điều tra thu giữ được ở hiện trường một số lông tóc và tinh trùng nhưng giám định lại không cho ra kết quả.
Vụ án do vậy không có nhân chứng vật chứng, cơ quan điều tra kết tội chỉ dựa vào lời khai nhận của bị can. Hồ sơ vụ án trước đây thể hiện bị can đã khai nhận và tự viết đơn xin đầu thú, nhưng đến khi ra tòa lần đầu và cho tới bây giờ bị can kêu oan khai rằng đã bị đánh đập buộc phải nhận tội.
Bản thân tôi là luật sư bào chữa, trong khi cố gắng xác định đâu là sự thật của vụ án đã nhiều lần tiếc rẻ, giá mà lúc bị can tự thú được ghi âm ghi hình lại thì tốt biết mấy. Khi đó sẽ biết được ngay việc tự thú có phải tự nguyện không, bị can có phải thủ phạm không, vụ án có lẽ đã không kéo dài tới 10 năm, các cơ quan tố tụng đã không vất vả xác định sự thật như hiện nay.
Đó là điều nhận thấy từ thực tế một vụ án cho thấy tác dụng hữu ích cần thiết của việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung, chỉ một việc làm không tốn kém bao nhiêu nhưng có khả năng giúp ích rất nhiều. Những trang thiết bị cơ sở vật chất trở thành nguồn bổ trợ cho hoạt động điều tra, bù đắp cho năng lực có giới hạn của con người.
Tác dụng hữu ích cần thiết của việc ghi âm ghi hình là không thể phủ nhận, song nền tư pháp hiện nay mặc dù còn tồn tại nhiều bất cập dễ chỉ ra nhưng vẫn có những người muốn giữ nguyên trạng từ chối mọi thay đổi.
Chính do mối bận tâm quyền lợi nội tại nằm trong giới cán bộ tư pháp là chướng ngại cản trở những cải cách đổi mới, những chính sách trái quyền lợi rất khó được những người bị ảnh hưởng chấp nhận triển khai.
Ngay khi chính sách còn đang trong giai đoạn xây dựng đã có những ý kiến lên tiếng ngăn cản thông qua những đổi mới cải cách. Là những người am hiểu ngành lĩnh vực của mình nên tiếng nói phản đối không dễ gì phản bác.
Đến khi quyết sách đã thành luật rồi thì việc triển khai thực hiện cũng phải qua những người phản đối. Với thẩm quyền lớn họ có thể tự ban hành thêm những văn bản như thông tư, đưa thêm những quy định bổ sung khiến những tiến bộ tích cực theo tinh thần của luật bị méo mó xóa bỏ.
Bản chất của cải cách tư pháp
Các quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp xét cho cùng cũng chỉ bao gồm một cơ số các quyền nhất định, nhưng lâu nay việc phân bổ thực hiện các quyền không hợp lý dẫn đến nền tư pháp còn xộc xệch.
Ví như quyền bắt giam giữ nằm trong tay cơ quan cảnh sát điều tra, điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng bắt bớ khiến quá tải ở những trại giam giữ.
Cải cách tư pháp thực chất nhằm căn chỉnh phân bổ lại việc thực hiện các quyền sao cho hợp lý, điều này tất yếu dẫn đến hệ quả là cơ quan nào lâu nay nhiều quyền thì phải giảm bớt (như cơ quan điều tra), cơ quan nào yếu quyền thì tăng lên (như luật sư và tòa án).
Cần phải nhận thấy điều này để giới luật sư và cán bộ tòa án có động lực tích cực tham gia vào cải cách tư pháp, không chỉ vì quyền lợi của giới mình mà đó còn vì sự nghiệp chung, vì một nền tư pháp được trở lên công minh tiến bộ.
Từng thẩm phán và thư ký tòa án cần tích cực tham gia tránh tình trạng thụ động tiêu cực trông chờ sự thay đổi đến từ bên ngoài, ỉ lại vào cấp trên, tự nguyện đặt vận mệnh của giới mình vào tay người khác.
Ngoài việc hành nghề chuyên môn xét xử, các thẩm phán và thư ký tòa án cần chịu khó học hỏi xem những vướng mắc bất cập hiện nay có nguyên nhân từ đâu, giải pháp thế nào. Vì thực tế trong nền tư pháp hình sự hiện nay tòa án có vai trò rất yếu trong việc phán quyết hình phạt cho bị cáo, lẽ nào không nhận ra?
Một mặt tòa án làm việc phụ thuộc vào kết quả hồ sơ điều tra (quá trình này không được tham gia kiểm soát), nên khi hồ sơ xây dựng theo hướng kết tội thì tòa án hầu như không thể làm gì khác ngoài việc tuyên có tội.
Tòa án yếu kém nên ít dám tuyên án vô tội, khi vụ án có điểm chưa rõ thay vì tuyên án không kết tội bị cáo thì tòa lại trả trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Điều này không chỉ bộc lộ yếu kém mà còn thể hiện nhận thức coi trọng theo đuổi xử lý tội phạm mà xem nhẹ quyền công dân. Tòa án phải dám tuyên vô tội mới giữ được ‘phẩm giá’ của mình.
Mặt khác, phán quyết về hình phạt của tòa án lại bị làm suy yếu ở khâu thi hành án bởi hoạt động ân xá thả tù trước thời hạn, hoạt động này cũng nằm ngoài khả năng kiểm soát của tòa án.
Ví như dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9 vừa rồi cả nước có tới 18.000 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn. Hoạt động này bản chất là cơ quan khác đã lấy đi một phần quyền phán quyết hình phạt của tòa án, tranh giành một phần quyền phán quyết hình phạt với tòa án, làm suy yếu vai trò của tòa án.
Giới cán bộ tòa án cần nhận ra điều này và thúc đẩy cho loại hình phạt tù không giảm án, có như thế mới giữ được vị thế của mình. Còn nhiều vấn đề khác nữa, giới cán bộ tòa án cần nhìn sâu vào lại bản thân mình nghĩ xem cần cải cách những gì.
Đẩy lùi ý kiến không thích
Cải cách tư pháp là thay đổi nguyên trạng, có người mừng ủng hộ có người lo chống đối vì ảnh hưởng quyền lợi. Vậy làm thế nào để thúc đẩy tiến bộ gạt bỏ đi những ý kiến thiên lệch xuất phát từ quyền lợi hẹp hòi?
Có thể đạt được thông qua bàn luận công khai. Bàn luận công khai giúp lộ rõ động cơ đằng sau mỗi ý kiến, giúp phơi bày các vấn đề bị che giấu. Ánh sáng của sự công khai giúp công luận thấy được nguyên nhân và giải pháp cho mỗi vấn đề.
Bàn luận công khai giúp những người liên quan nhận ra mối quyền lợi của mình được mất như thế nào trước những đổi mới. Khi những điều mất là mối quyền lợi không chính đáng nó sẽ bị bộc lộ đẩy lùi, ngược lại những mối quyền lợi chính đáng sẽ có động lực để thúc đẩy cho đổi mới.
Kết quả cuối cùng đúc rút ra sau khi đã trải qua thử thách tranh luận công khai, chính là những điều hợp lý đúng đắn là cơ sở xây dựng nên các thiết chế mới.
Bàn luận công khai cũng giúp lưu chuyển dòng tri thức, tránh tình trạng tự che mắt, tự ngu hóa mình do thiếu vắng bàn luận công khai. Trong khi cải cách tư pháp là làm mới làm khác, đòi hỏi những tư duy tri thức mới vượt quá những khuôn khổ tri thức chật hẹp trong hiện tại.
Bàn luận công khai còn giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng, giáo dục và khơi dậy tinh thần trách nhiệm của công chúng, hình thành thói quen quan tâm tham gia thảo luận các vấn đề sự nghiệp chung.
Khi cộng đồng có hiểu biết sẽ tăng cường khả năng kháng ngừa, tạo sức mạnh đẩy lùi những luận điệu ngụy biện mị dân của những người không thích cải cách tư pháp.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét