Bốn tàu cá Kiên Giang bị hải tặc nước ngoài bắn hồi tuần trước làm một người chết và một người bị thương nặng.
Các tàu này lúc đó đang đánh bắt trên ‘ngư trường truyền thống giáp ranh giữa Việt Nam, Malaysia và Thái Lan’ thì bị hai ca nô xả súng tấn công.
Chưa rõ hai ca nô này là của nước nào.
Một nhà báo địa phương đề nghị không nêu tên, người tiếp cận với nạn nhân trong bệnh viện, cho BBC biết vụ nổ súng khiến tài công của một tàu là Ngô Văn Sinh, 38 tuổi, chết tại chỗ.
Tài công Nguyễn Hùng Cường của một tàu khác, bị gãy xương đùi và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Hôm 13/9, VnExpress dẫn lời thuyền viên Đỗ Nhật Nam, người có mặt trên một trong các tàu bị tấn công, cho hay "trên ca nô hải tặc có khoảng sáu người được trang bị nhiều vũ khí, có cả súng lớn. Tất cả hải tặc đều dùng mặt nạ che kín mặt".
Bốn chiếc tàu ‘bị trúng nhiều đạn hư hỏng nặng’ đã được đưa sửa chữa ở cảng Sông Đốc, Cà Mau.
Trong khi đó, Đại tá Phạm Quang Oánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam, xác nhận với BBC Tiếng Việt rằng có vụ tấn công. Tuy vậy, ông nói:
“Vụ việc đang trong quá trình điều tra và xác minh lời khai của ngư dân nên chúng tôi hiện chưa thể công bố chi tiết có mấy tàu cá Việt Nam gặp nạn và hải tặc là của nước nào. Tôi chỉ có thể nói rằng các báo trong nước đưa tin về vụ tấn công này quá sớm với những chi tiết chưa thật chính xác”.
‘Đang trong quá trình điều tra’
Hôm 14/9, báo Thanh Niên mô tả: “Thời điểm bị tấn công, tàu KG 49059 do ông Sinh làm tài công đang đánh bắt trong vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam, Malaysia và Thái Lan thì bất ngờ bị một ca nô có trang bị súng máy rượt theo”.
Báo này dẫn lời ngư dân Chao Văn Sáng, 37 tuổi, ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, người có mặt trên tàu khi xảy ra vụ nổ súng:
“Nhìn qua khe cửa hầm tôi thấy chiếc ca nô cắm cờ Thái Lan, trên ca nô có ba người, trong đó có hai người mặc đồng phục màu xanh, một người không mặc đồng phục, đội mũ tai bèo ôm súng máy. Chiếc ca nô lao về phía trước song song với tàu của chúng tôi, chỉ cách khoảng 15 - 20m. Họ không nói một tiếng nào rồi chĩa súng máy bắn thẳng vào ca bin”.
Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cho hay "ông Sáng khẳng định với Công an huyện Châu Thành, Kiên Giang, rằng cách đây gần hai tháng, chính ông cũng từng bị chiếc tàu cao tốc nói trên bắn dọa xuống nước, sau đó khống chế kéo đi lòng vòng ngoài biển để đòi tiền chuộc tàu lên tới 3,2 tỷ đồng".
“Trên tàu cao tốc có một người mặc thường phục nói tiếng Việt rất rành. Mấy lần trước họ chỉ bắn dọa đòi tiền chuộc, lần này không ngờ họ ra tay bắn thẳng vào buồng lái”, ông Sáng được Tuổi Trẻ dẫn lời.
‘Cần lên tiếng mạnh mẽ hơn’
Hôm 14/9, trả lời phỏng vấn của BBC, luật sư Lê Quốc Quân, nhà hoạt động chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam và nhiều lần lên tiếng về việc bảo vệ ngư dân, cho biết:
“Vụ tấn công ngư dân mới nhất cho thấy Chính phủ Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ và có hành động cụ thể hơn để bảo vệ ngư dân, lãnh hải. Trước đây, người phát ngôn bộ Ngoại giao chỉ lên tiếng phản đối và chung chung, thậm chí chỉ đề cập ‘tàu lạ, nước lạ’.
“Trong bối cảnh các nước trong khu vực đều leo thang vũ lực, như Indonesia đốt và đánh chìm tàu cá nước ngoài, theo tôi, Việt Nam cần điều tra dứt điểm các vụ tấn công ngư dân. Khi đã xác định quốc gia nào đứng sau hải tặc thì cần lên án mạnh mẽ và triệu hồi đại sứ của họ”, ông Quân nói.
Vụ tấn công ngư dân xảy ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 71/2015 cho phép lực lượng tuần tra dùng vũ khí truy đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10, Nghị định này về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Việt Nam.
Theo đó, “trong trường hợp phát hiện vi phạm, nghị định cho phép các lực lượng tuần tra, kiểm soát trong khu vực biên giới biển có quyền truy đuổi phương tiện đường thủy nước ngoài trong nội thủy và lãnh hải Việt Nam.
Việc truy đuổi có thể tiến hành liên tục, không ngắt quãng ra đến ngoài ranh giới lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam, và chấm dứt khi phương tiện bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia, vùng lãnh thổ khác”.
“Khi các lực lượng chức năng đã sử dụng tín hiệu yêu cầu đối tượng vi phạm dừng lại để kiểm tra nhưng đối tượng không chấp hành, người chỉ huy lực lượng truy đuổi có quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, vũ khí theo quy định của pháp luật”, Nghị định do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 3/9 nêu rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét