Pages

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Phương pháp chọn nhân sự Đảng đã hỏng?


“Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong Đại hội và trong Quốc hội”. – Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội
Ngọc Trân, thông tín viên RFA – Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã bắt đầu phần thảo luận, xem xét, quyết định nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
AFP – Ban lãnh đạo Bộ chính trị ĐCSVN. Ô. Nguyễn Tấn Dũng-Ô.Nguyễn Phú Trọng-Ô.Nguyễn Sinh Hùng-và Ô. Nông Đức Mạnh (từ trái sang phải)



Theo điều lệ đảng, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và BCH này sẽ bầu Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong số ủy viên Bộ Chính trị.

Phương pháp tuyển chọn nhân sự của đảng theo cách này liệu có bảo đảm những người được chọn, là những người có đủ tài và đức để điều hành đất nước? Các lãnh đạo đảng đã được bầu chọn từ trước tới nay, có phải là những người tài giỏi nhất, xứng đáng nhất để lãnh đạo đất nước chưa? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân giải đáp các thắc mắc trên.

175 người sáng suốt hơn 87 triệu?
Tin tức cho biết, Đại hội Đảng XI đã tán thành số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới, gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Các ủy viên chính thức này sẽ bầu ủy viên Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Đảng CSVN. Khác với các nước dân chủ trên thế giới, lãnh đạo của các nước cộng sản không do toàn dân bầu ra. Các chức vụ lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam như: Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải là ủy viên Bộ Chính trị và các ủy viên Bộ Chính trị này phải do BCH Trung ương Đảng bầu ra. Liệu 175 ủy viên BCH Trung ương Đảng có đủ sáng suốt hơn 87 triệu dân Việt Nam để lựa chọn những người xứng đáng nhất làm lãnh đạo của mình?


Biểu ngữ cổ động của Đảng CSVN được treo khắp các thành phố. AFP


Phương pháp bầu chọn những người điều hành đất nước hiện nay không thông qua người dân bầu cử trực tiếp, không có sự tranh tài thật sự, cho nên rất khó có thể tìm người xứng đáng nhất cho các vị trí lãnh đạo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội đã trả lời báo Vietnamnet hôm thứ Bảy vừa qua, như sau:

“Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong Đại hội và trong Quốc hội”.

Sai lầm từ gốc
Cùng ý kiến với ông Nguyễn Văn An, GS Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ chế tuyển chọn lãnh đạo cấp cao có vấn đề. Hơn ba tháng trước, tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng, GS Vũ Huy Từ, phát biểu:

“Cơ chế sử dụng và cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao, thì bây giờ cũng không biết tuyển chọn bằng cách nào? Chúng tôi cảm thấy dường như có mấy vị cấp trên cao nhất là quyết định cái nhân sự của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không có công khai, không có minh bạch, không có cạnh tranh, không có… Nghĩa là có bầu cử, có nói chuyện nhưng là hình thức, là hình thức cả.

Thậm chí có một Đại hội Đảng bộ của thành phố rất là lớn, sau khi bầu xong thì ông Bí thư nói là bầu ‘đúng như dự kiến’, ‘thành công rất lớn’. Thế thì tức là chúng ta có tất cả mọi chuyện bầu cử, tất cả giới thiệu, thăm dò ý kiến đủ tất cả. Nhưng xét cho cùng cái người chúng ta đưa lên vừa kém về tài và đức cũng kém nốt. Vậy vấn đề cơ chế của chúng ta là hỏng rồi. Bầu cử, mọi chuyện đều có nhưng hoá ra cuối cùng kết quả chả ra gì, chứng tỏ rằng cái cơ chế tuyển chọn nhân sự mới quan trọng”.

Trong khi cơ chế tuyển chọn nhân sự ở cấp cao nhất trong bộ máy đảng không công khai, thiếu minh bạch, thế nhưng lãnh đạo hàng đầu Đảng CSVN dường như không quan tâm đến điều này, mà chỉ quan tâm đến vấn đề công tác tuyển chọn cán bộ ở các cấp thấp hơn.


Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng (từ trái qua phải từ trên xuống). Ảnh AFP


Thứ Tư vừa qua, báo cáo trước các đại biểu Đại hội Đảng XI, ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã phát biểu:

“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ; thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tập trung vào đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trọng dụng người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được quy định, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu.

Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỷ luật của Đảng. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ. Coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng những vấn đề chính trị hiện nay”.

“Nguyên khí quốc gia” bị xem thường
Liên quan đến công tác cán bộ, tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng, PGS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, cựu Thành viên ban Nghiên cứu Thủ tướng, đã cho biết các sai phạm trong chính sách tuyển dụng nhân sự của đảng như sau:

“Về nguồn nhân lực thì nói rất ghê gớm, nhưng mà thưa các đồng chí là hiện nay trong nguồn nhân lực thì cái quan trọng nhất là nhân tài. Nói có nguồn nhân lực chúng ta có thể có mấy chục triệu, không có ý nghĩa nếu như có mấy trăm ngàn nhân tài tinh hoa của đất nước này, mà ông không dụng cho tốt thì những anh kia chỉ toàn là lao động giản đơn và chỉ làm phó suốt đời ở đất nước chúng ta, làm thuê suốt đời.

Thì cái chính sách nhân tài của chúng ta có thể sẽ bị hỏng, cho đến giờ này. Tức là người tài trong nước anh không dùng, còn những anh Việt kiều học trò bên Harvard thì ở lại hết cả không thèm về. Và người tài trên thế giới thì không bao giờ vào Việt Nam để làm. Thế thì làm sao phát triển được?

Cho nên chúng tôi cho rằng trong mục về nguồn nhân lực thì phải đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách nhân tài. Mà cái đấy phải cụ thể hóa ra, chứ hiện nay chúng ta xem như chưa có một chính sách nhân tài, nghĩa là thủ khoa thì rất đông, nhưng tôi nghe báo cáo là có năm thủ khoa về cơ quan Hà Nội làm, năm năm sau không còn thằng nào cả. Bỏ hết. Thế thì, là nhân tài mà như thế này”?


Một lính đứng gác trước biểu ngữ có ảnh Ô. Hồ Chí Minh. AFP




Bởi do “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, “Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, cho nên, mặc dù trong các báo cáo, Đảng CSVN đề cập đến chính sách trọng dụng người tài, thế nhưng trên thực tế, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở các khâu quan trọng, không qua thi tuyển, không chú trọng vào năng lực công tác, phẩm chất đạo đức của người được bổ nhiệm, mà tiêu chuẩn “bản lĩnh chính trị vững vàng”, “tuyệt đối trung thành với đảng” được đưa lên hàng đầu.

Và do vậy, rất khó cho những nhân tài của đất nước trung thành với mục tiêu của đảng, bởi do các đường lối, chủ trương của đảng như: “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, “lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động”, đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Kết quả là, mặc dù Việt Nam có rất nhiều người tài nhưng đa số không được trọng dụng.

*

Do cách bầu chọn nhân sự của Đảng CSVN không công khai, thiếu minh bạch, nên những người tài giỏi, tinh hoa của dân tộc không có cơ hội phục vụ đất nước. Hệ quả của việc này là gì?
AFP photo Ông Nguyễn Phú Trọng (giữa), ông Nguyễn Tấn Dũng (P) và Trương Tấn Sang (T) bỏ phiếu bầu BCH mới của ĐCS tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, hôm 17/1/2011.

Mua quan, bán chức trong nội bộ đảng
Bởi do Đảng CSVN đã mắc phải sai lầm ở phương pháp bầu chọn lãnh đạo từ cấp cao nhất, dẫn đến tình trạng mua quan, bán chức từ trung ương đến địa phương. Điều này đã làm cho người dân không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng.

Cách nay ba tháng, tại hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, GS Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã cho biết như sau: “Và hiện tình bây giờ thì các đồng chí cũng thấy là công tác cán bộ hết sức luộm thuộm và có thể nói là nguy hiểm. Bởi vì sao? Vì tình trạng mua quan bán chức diễn ra quá phổ biến. Một chức trưởng phòng một triệu đô, có người nói rằng chức chủ tịch là cả chục triệu đô v.v…

Người ta kể ra là bây giờ, thưa các đồng chí, là cái chức hiệu trưởng của một trường đại học cũng là tiền tỷ. Và như vậy là quá nguy hiểm! Tức là người ta dùng tiền để mua cái chức tước đó và cái đó là con đường để tiến lên cấp cao, thì quá nguy hiểm rồi!”

Cũng bởi do lỗi hệ thống, cho nên tình trạng mua quan, bán chức trong lãnh đạo đảng đã và đang diễn ra khá phổ biến. Và do vậy, hiện nay rất khó tìm những người trong sạch, liêm khiết, không dính tới tham nhũng, để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Phát biểu với báo Pháp Luật TP HCM, hôm thứ Bảy vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, và là đại biểu Đại hội Đảng, đã nói:

“Tôi rất đồng tình với việc đưa tiêu chí không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để lựa chọn nhân sự khóa này. Nhưng bây giờ tìm được người gọi là ‘sạch sẽ’ một tí thì chắc là cũng khó, cũng hiếm”.

“Đã đi vào con đường suy đồi”
Liên quan đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng, TS Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đã phát biểu:

Từ phải sang: Các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử BCH mới của đảng cộng sản tại Hà Nội ngày 17 tháng 1 năm 2011. AFP photo

“Thể chế là một vấn đề sống còn và nếu như không có một tiến bộ về thể chế, thì không có sự tiến bộ thực chất nào hết cả. Và thể chế ở đây là thể chế của bản thân đảng, đảng phải đổi mới, phải có sự giám sát, mọi người phải tự nguyện đặt mình dưới sự giám sát chứ không thể là, ở đây, bây giờ mọi người ở đây đều biết cả, vì ông này là đồng hương với mình, gọi điện thoại: ‘đấy nhé, cậu chú ý chú ấy nhé’. Thế ít lâu sau chưa thấy có gì cả. Ngày hôm sau: ‘Sao mình nhắc mà cậu không chú ý’? Thế là hôm sau thấy lên cấp thứ trưởng rồi.

Nếu như vậy một chính sách cán bộ không trọng dụng người tài, mà đưa lên tất cả những người như vậy, thì nó làm nản lòng người tài và dẫn đến người ta chạy đi nơi khác người ta làm”.

Bởi do cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo của đảng không thông qua bầu bán, thi tuyển, không trọng dụng người tài, cho nên rất khó có thể tìm được những người lãnh đạo xứng đáng để điều hành đất nước, và điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của đất nước, thế nhưng, phát biểu tại Đại hội Đảng XI, hôm 12 tháng 1 vừa qua, ông Nông Đức Mạnh đã khẳng định:

“Đại hội XI của Đảng khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, triệu người như một, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Những người tài giỏi không được Đảng và Nhà nước tạo cơ hội để tham gia điều hành đất nước, làm sao đội ngũ trí thức có thể phát huy hết khả năng của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước như Tổng Bí thư đã nói? Làm sao có thể “phát huy sức mạnh của toàn dân tộc”, để toàn dân Việt Nam có cùng ý chí, triệu người như một, đưa đất nước đi lên? Rất nhiều trí thức, cựu lãnh đạo cao cấp của đảng đã trăn trở về vấn đề này.

GS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Thủ tướng, đã nói lên những nỗi lo ngại của mình trong một buổi hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng như sau:

“Điều thứ hai là bầu nhân sự. Mình đi bầu một trăm rưỡi ông thì mình đâu có biết gì đâu, tôi có quen biết gì thì cũng chỉ đến được ba chục ông là cùng, thế là bầu mò cho nên Đại hội là tiểu hội mà là giả hết, không dân chủ. Cho nên bi kịch của cái Đảng này là như thế.

Cuối cùng tôi nói thế này, cái cảnh ngộ hiện nay của nước ta nó suy đồi nếu nói là từ nhiệm kỳ lãnh đạo Đại hội VI đã bắt đầu đi vào con đường suy đồi rồi, rất khó gỡ. Bây giờ tìm nhân tố tháo gỡ trong khu vực lãnh đạo cao không có, không có nhân tố. Thế còn bây giờ trông dựa vào quốc dân, dựa vào quốc hội, dựa vào quốc dân, có thể có cái chỗ dựa đấy.

Mà cũng không loại trừ khả năng là chúng ta phải chịu cái đau đớn này nhiều năm, kinh tế tàn lụi đi, xã hội đau đớn thì lúc đấy mới cướp được hành trang ghê gớm kia. Nó khó thế”.

Tổng Bí thư phải chịu sự giám sát
Cùng nỗi lo lắng với GS Đào Xuân Sâm, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng, cho rằng, đã là Tổng Bí thư Đảng, là người đứng đầu bộ máy đảng, thì phải công khai, minh bạch trước quốc dân. Phát biểu tại hội thảo góp ý với đảng, ông Nguyễn Trung đã nói:

“Vấn đề nhân sự, tôi xin đề nghị thế này. Tôi xin lỗi, tôi có theo dõi các chuyện bầu cử bây giờ, báo chí nói rất nhiều về cách thức mới, dân chủ v.v.. và v.v… Tôi cứ tạm thời là cứ tin báo chí nói thật đi, mặc dầu chuyện đó là không thật. Tôi chỉ đề nghị thế này, bây giờ nên ghi vào nghị quyết của Đại hội, bây giờ cái nhân sự quan trọng nhất là cái nhân sự Tổng Bí thư.

Thôi được, Đại hội muốn bầu ai đấy là quyền của Đại hội, nhưng Tổng Bí thư, tôi đề nghị nên có mấy việc. Một, phải là người gương mẫu thực hiện công khai, minh bạch. Chứ Tổng Bí thư mà không công khai, minh bạch thì làm sao mà kêu gọi cả nước công khai minh bạch được, phải không? Công khai, minh bạch cái gì thì tùy. Nhưng anh cứ công khai minh bạch, khả năng công khai, minh bạch của anh đến đâu thì xin anh cứ nói đến đấy.”

Không chỉ công khai, minh bạch, mà Tổng Bí thư còn phải có chương trình hành động, thực hiện các cương lĩnh, nghị quyết của đảng đề ra và phải chịu sự chế tài của luật pháp.
Ông Nguyễn Trung nói tiếp: “Việc thứ hai, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước càng tốt. Nên có một chương trình hành động, cam kết, nếu mà tôi trúng, nghị quyết Đại hội như thế này vào những vấn đề của 5 năm tới nó có những chuyện này, tôi cam kết sẽ giải quyết hoặc góp phần giải quyết A, B, C thế này, cam kết đàng hoàng, rõ ràng ra.

Cái thứ ba là đề nghị với Đại hội, có hẳn một cái tổ chức hay cơ chế hay luật gì đó thì tùy, giám sát việc thực hiện cái cam kết này và nên làm từ nay trở đi nó thành một cái nếp như vậy”.

Phải chăng đã đến lúc Đảng CSVN nên trao lại quyền quyết định vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc cho người dân Việt Nam?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Problems-with-the-Methods-of-Picking-Leaders-in-the-CPV-01182011091355.html

Không có nhận xét nào: