Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Ai biết ai là ai


Lý Lan – Thầy giáo hỏi: “Ai đánh cắp nỏ thần An Dương Vương?” Cà lớp im phăng phắc. Thầy tức giận chỉ vào mặt một trò lập lại câu hỏi: “Ai đánh cắp nỏ thần An Dương Vương?” Trò lắc đầu xua tay lia lịa: “Thưa thầy, hổng phải em.” Thầy về phòng họp giáo viên than phiền cái lớp gì mà không trò nào biết ai đánh cắp nỏ thần. Thầy giám thị bảo: “Để đấy, tôi sẽ điều tra ra.” Thầy hiệu trưởng dỗ dành: “Không tìm ra thì trường xuất quỹ mua cái khác, thầy chớ nói ra ngòai, trường mình là trường điểm…”
*


Hồi tôi học trung học, thầy giáo sử địa có ra một bài tập: Đi một vòng quanh nơi mình ở, ghi lại tên đường và tìm hiểu những người được đặt tên cho đường phố ấy là ai. Nhờ bài tập đó đến bây giờ tôi có thể nói không nhầm lẫn lắm ai là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phan văn Trị, Nguyễn Hùynh Đức và Bùi Hữu Nghĩa. Một bạn học với tôi hồi đó nay là giao viên trung học, vừa rồi nhắc lại bài học cũ, chị nói: “Tôi cũng muốn ra bài tập tương tự cho học trò của mình, nhưng không dám. Thành phố bây giờ nhiều tên đường mới quá, chẳng những thầy không thể biết hết mà cũng không thể chỉ ra được cho trò nguồn tra cứu. Giả dụ trong bài làm trò ghi những Nguyễn Thị Nhỏ, Trần văn To, Đòan văn Bơ, Lâm thị Mắm, thì thầy cũng không dám chắc có những tên đường đó hay không, chứ đừng nói là biết những Nhỏ, To, Bơ, Mắm đó là ai?”

Một người bạn nhà báo an ủi: chẳng trách làm gì, đến kẻ đánh cắp nỏ thần của An Dương Vương còn không ai biết là ai nữa là! Mọi người cười xòa vì chuyện tếu lâm đó khá phổ biến. Thầy giáo hỏi: “Ai đánh cắp nỏ thần An Dương Vương?” Cà lớp im phăng phắc. Thầy tức giận chỉ vào mặt một trò lập lại câu hỏi: “Ai đánh cắp nỏ thần An Dương Vương?” Trò lắc đầu xua tay lia lịa: “Thưa thầy, hổng phải em.” Thầy về phòng họp giáo viên than phiền cái lớp gì mà không trò nào biết ai đánh cắp nỏ thần. Thầy giám thị bảo: “Để đấy, tôi sẽ điều tra ra.” Thầy hiệu trưởng dỗ dành: “Không tìm ra thì trường xuất quỹ mua cái khác, thầy chớ nói ra ngòai, trường mình là trường điểm…” Và anh bạn nhà báo vui vẻ kể thêm với lời cam đoan chuyện thật trăm phần trăm: con trai của đồng nghiệp anh đi thi đại học, sau khi bình một bài thơ của Xuân Diệu, đã cảm thán rằng “tội nghiệp bà ấy, người tài hoa mà bị tai nạn ô tô chết với cả chồng lẫn con.” Ông bố của chàng sinh viên tương lai hỡi ôi kêu lên: “Cái bà bị ô tô đâm chết ấy là Xuân Quỳnh chứ có phải Xuân Diệu đâu!” Chàng trai trẻ nhún vai: thì xuân nào chả là xuân!

Tôi nghĩ chàng trai trẻ này đáng cảm thông. Xuân Quỳnh là người cùng thời với bố anh, còn Xuân Diệu thì thuộc thế hệ ông nội anh, anh biết lóang thóang như vậy cũng là giỏi rồi. Và cái sự anh ta tỉnh bơ trước sự nhầm lẫn hai nhà thơ (nhà nào cũng đã chết!) cũng dễ hiểu: thời buổi lạm phát thông tin này, cái gì biết thì biết, cái gì không biết thì thôi, làm sao biết hết? Vả chăng, anh ta không phải cá biệt. Mà tình trạng giới trẻ cả xứ mình cũng không cá biệt tuốt. Thử nhìn ra nước ngòai coi!

Ở một nơi có tỷ lệ cư dân có bằng tiến sĩ đông nhất nước Mỹ (tính trên dặm vuông) là Chapel Hill thuộc bang North Carolina, không hiếm gì những bữa ăn tối tụ tập những giáo sư, học giả, nhà văn. Một trong những buổi ăn tối như thế được J. Peder Zane thuật trong một bài viết đăng trên Triangle.com ngày 5/11/2005: Tiểu thuyết gia Lawrence Naumoff kể một câu chuyện não lòng: Ông hỏi sinh viên trong lớp nhập môn viết văn của ông ở trường đại học North Carolina ở Chapel Hill xem chúng đã đọc Jack Kerouac chưa. Chẳng ai giơ tay. Ông bèn hỏi coi có ai từng nghe nói đến Jack Kerouac không. Cả lớp ngồi trơ ra. Ông Naumoff mới kể giai thọai về một gã cuồng văn chương. Một sinh viên bèn nói anh ta từng học với một giáo sư cũng cuồng như vậy. Ông Naumoff mới hỏi tên của vị giáo sư đó. Anh sinh viên nói anh không biết. Ông Naumoff bèn hỏi chàng thông thái đãng trí ấy: “Anh có biết tên tôi không?” Anh ta ngập ngừng một lát rồi nói “Không.” Ông Naumoff tâm sự với các thực khách trong bữa cơm tối hôm đó: “Tôi cũng biết là nhiều sinh viên vào học lớp tôi chẳng qua để cho đủ cua theo qui định. Nhưng thiệt là nản lòng khi có những sinh viên mà thậm chí cái tên của người đang đứng lớp dạy mình cũng chẳng thèm biết.”

Chuyện ông Naumoff kể chẳng khác nào cái nắp cống xả được mở ra, để cho nỗi lòng của các giáo sư khác tuôn theo ào ào như nước lũ. Rằng sinh viên thì luôn luôn dốt hơn là chúng tưởng. Nhưng mà hồi xưa (thời các giáo sư đi học ấy) sinh viên mà ‘không biết’ thì khốn đốn hơn nhịều, vì ‘không biết’ thì thiệt là nhục, và ai cũng phải cố học cho biết. Chuyện sinh viên bị lủng kiến thức lỗ chỗ nào có gì mới, và thực ra cũng không phải là vấn đề khiến các giáo sư lo lắng. Vấn đề đáng lo không ở chỗ chúng không biết, mà ở chỗ chúng chẳng thèm bận tâm đến cái sự chúng không biết. Thì chúng có khác gì chàng trẻ tuổi vốn dòng Lạc Việt của chúng ta vừa kể ở trên?

Chàng ta đáng được bệnh vực như vầy: Thời ông nội chỉ cần đọc một cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hòai Thanh là đủ để biết hết các nhà thơ thời danh; thời của bố thì đọc thêm danh sách hội viên hội nhà văn là kể như được cập nhật hóa tri thức về văn nghệ sĩ. Chứ thời của con ngày nay ấy hả? Tên tuổi siêu sao trong mọi lãnh vực cứ như pháo hoa đêm giao thừa, hết đợt này đến đợt khác, tỏa sáng bầu trời trong phút chốc rồi … tiêu. Phương tiện truyền thông nhan nhãn các tên tuổi đang lên, chỗ này bơm, chỗ kia thổi, chỗ nọ chọc xì căn đan, chưa kịp biết ai là ai thì đã không cần biết ai là ai nữa rồi. Lại nữa, xu hướng truyền thông bây giờ khai thác đời tư cá nhân nhiều hơn tính xã hội của lao động văn chương nghệ thuật, mà đời tư người ta, mình biết hay không biết, hoặc biết nhập nhèm, thì đã sao?

Với tư cách là một học sinh sinh viên, anh chàng này thực ra đã đang trải qua nỗi ớn sợ bội thực tri thức. Thời bố môn lịch sử dừng lại ở chiến thắng Điện Biên Phủ, thời con chỉ thêm chương đánh Mỹ cũng đủ nhức đầu, nói chi đến phần xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi thêm đổi mới và kinh tế thị trường. Môn sinh vật thời bố chỉ học tới thuyết tiến hóa của Darwin, bây giờ thì đủ thứ giải mã gien với nhân bản vô tính. Riêng môn tin học thì hòan tòan mới toanh đấy, bố nhé. Chắc chắn là con học nhiều hơn bố nên bố đừng tưởng bố biết nhiều hơn con. Chẳng qua kiến thức nhiều quá, nên hơi lộn xộn một tý. Nhưng mà bố đừng lo, ôn bài thì có ‘trọng tâm’ và ‘định hướng’, để làm bài thi đạt yêu cầu, qua được các ải bằng cấp, vào đời rồi mới biết bản lĩnh ai là ai.

Nói cho cùng, học để nên người là quan niệm xưa lơ xưa lắc, học để biết thì hơi xa xỉ, học để làm việc là thực tế nhất. Nhiều trường đại học và các viện giáo dục đào tạo trên thế giới đều đang có những chuyển động theo hướng ứng dụng thực tiễn này. Xứ mình cũng vậy. Còn người học văn không phải vì văn chương hay văn sĩ có gì hay ho, mà vì nghề viết báo xứ này còn thịnh, nên kỷ năng thu thập tin giật gân quan trọng hơn cảm nhận mỹ học thơ ca. Đa số người trẻ chọn ngành nghề thời thượng như tin học, quản trị kinh doanh, y, dược, một khi ‘đi làm’ là bị buộc phải trở thành ‘chuyên viên’, theo nghĩa anh phải biết thiệt nhiều và luôn cập nhựt, cả tri thức chính thống lẫn râu ria, trong lĩnh vực mình họat động để có thể cạnh tranh, để không bị thua thiệt, bị lừa đảo, bị chèn ép, không bị đuổi việc hay sạt nghiệp. Chỉ có giới văn nghệ tào lao mới nói đời là sân khâu, sân chơi. Không, đời là một chiến trường đẫm máu!

Vào đời, người bạn trẻ cần gì biết những ‘Nhỏ, To, Bơ, Mắm’ là ai, (đại khái là anh hùng liệt sĩ) hay Xuân nào là Xuân nào (nói chung là nhà thơ đã chết). Ai là xếp ai, ai đang tiến trên đường đua của ai, ai tiêu thụ sản phẩm của ai, ai trả lương cho mình, ấy mới là câu hỏi. Thái độ ‘chỉ biết thông tin cần biết cho chuyên môn, nghề nghiệp’ này đang ảnh hưởng đến văn hóa của hầu hết các nước trên cái thế giới tòan cầu hóa này, chứ không riêng gì xứ mình. Cho nên ở đâu cũng có những người như người bạn giáo viên của tôi hay anh bạn đồng nghiệp của nhà báo nọ, đành ngậm ngùi buông tay cho giới trẻ tự bơi theo dòng thời đại của chúng. Để chia sẻ với những ông bố bà thầy ấy, tôi xin trích dịch đọan kết bài viết của J. Peder Zane:

Một chân lý cơ bản về người ta là họ được định hình bởi cái thế giới chung quanh họ. Ở đây và bây giờ, tức là cái môi trường làm-cho-xong-việc của nước Mỹ hiện đại, cái học kiến thức vị kiến thức vốn là đặc tính nền tảng của nền giáo dục nghệ thuật khai phóng – và một đời sống phong phú và viên mãn – đã bị gạt ra lề. Thiệt là kỳ lạ, trong một thế giới mà mọi thứ đều đáng biết, lại không có gì đáng biết.

Nguồn: Lý Lan blog

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2011/05/12/ai-bi%E1%BA%BFt-ai-la-ai/

Không có nhận xét nào: