Cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã nói trước khi bị lộ những căn biệt thự: ‘Tôi đã từ chối nhiều quà bất thường’; ‘Nhiều cán bộ trung ương có tài sản lớn’; ‘Minh bạch là vấn đề xương sống’; ‘Khó xác định ranh giới tiền hoa hồng và hối lộ’; ‘ Ưu tiên thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt’…Nếu không ‘từ chối nhiều quà bất thường’, ông Trần Văn Truyền, sẽ có bao nhiêu biệt thự?https://www.facebook.com/notes/tin-không-lề/nếu-không-từ-chối-nhiều-quà-bất-thường-ông-trần-văn-truyền-sẽ-có-bao-nhiêu-biệt-/593132177447223
——–
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho báo trong nước hay một số trung ương ủy viên và đại biểu Quốc hội có tài sản lớn trong tay.
Ông Truyền nói chuyện với một nhóm phóng viên tại cuộc gặp bên hành lang Quốc hội.
Trao đổi ngắn chủ yếu tập trung vào trường hợp ông Đặng Hạnh Thu, người vừa bị thôi chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế vì sở hữu 26 lô đất “vàng” ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nội dung của cuộc phỏng vấn nhanh sau đó được đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Về tài sản của cán bộ, ông Truyền được trích lời nói như sau:
“…ngay trong Trung ương hoặc ngay trong Quốc hội này, cũng có nhiều người đã trình bày có tài sản rất lớn, rất nhiều, chẳng ai có đối xử gì, có ý kiến gì, đúng không?”
Ngày 4/6 ông Đặng Hạnh Thu thôi giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Ông được đưa về Bộ Tài chính để chờ phân công công tác mới.
Tháng Tư năm nay, trong cuộc họp thường lệ, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương đã thảo luận về trường hợp “có nhiều nhà đất” của “đồng chí tổng cục trưởng một tổng cục thuộc Bộ Tài chính”. Nhiều người cho rằng đây là ông Đặng Hạnh Thu.
Tin nói đến gia đình ông Thu sở hữu một khu đất lớn, địa thế đẹp, rộng 2.155 thước vuông, chia thành 26 lô. Tọa lạc trên đường Đồng Khởi, tp Biên Hòa, khu này được phê duyệt làm nhà ở. Tuy nhiên một quán nhậu đã mướn 23 lô đất của ông Thu làm địa chỉ kinh doanh.
Giá một lô hiện giờ khoảng 2,5 tỷ đồng, theo báo Người Lao Động. Trước đây ông Đặng Hạnh Thu mua 26 lô chỉ mất có 4 tỷ đồng.
Trước câu hỏi có bao nhiêu cán bộ có nhiều tài sản như ông Đặng Hạnh Thu, ông Trần Văn Truyền trả lời, “có nhiều”.
“Nói chung thì có nhiều nhưng tôi không được phép nói lúc này vì muốn công khai tài sản của cán bộ phải theo quy định chứ không thể hỏi và trả lời như thế này được.”
Quyết định thôi chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế của ông Đặng Hạnh Thu đã được mọi người biết đến từ tháng Tư, qua kết luận của UBKT Trung ương.
“UBKT Trung ương kết luận: đồng chí là một cán bộ giữ chức vụ trong một ngành có trọng trách nhưng chưa thực sự giữ gìn, đã làm ảnh hưởng đến uy tín bản thân. UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét về mặt tổ chức.”
Tuy nhiên ông Truyền không cho rằng ông Thu bị mất chức vì sở hữu nhiều đất, rồi buôn bán cho thuê gây dư luận không tốt.
“Tôi cũng có nghe thông tin này nhưng đó là theo yêu cầu bố trí công tác của các cơ quan chức năng đã bàn, còn theo tôi hiểu thì nó không phải do lỗi từ chuyện đất đai này.”
Dù ngay phần đầu của cuộc phỏng vấn ông Truyền có nhắc tới đất là lý do ông Thu gặp khó khăn trong đường quan lộ: “…việc này không có vấn đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng. Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà mua quá nhiều đất.”
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100619_rich_communist_officials.shtml
———-
———-
Tổng Thanh tra Chính phủ: Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn
TT – Sáng 14-6, bên hành lang Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ðặng Hạnh Thu, người vừa bị cho thôi chức tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
* Công an nhân dân: Thưa ông, dư luận và báo chí phản ánh ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan). Về việc này, Thanh tra Chính phủ đã xem xét bản kê khai tài sản của ông Thu, vậy bản kê khai đó có đầy đủ?
- Trong việc này, sở dĩ đặt vấn đề xem xét vì người ta có tố cáo anh Thu, nói rằng anh là cán bộ mà có nhiều đất nên Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng xem và đã có kết luận rồi.
Thứ nhất, về đất mua như vậy là đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Thứ hai là có kê khai tài sản, và nói chung trong việc này nếu xét trên nhiều góc độ cũng không có vấn đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng. Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà mua quá nhiều đất.
* Công An Nhân Dân: Câu hỏi đặt ra là: tiền đâu mà ông Thu mua được nhiều đất vậy?
- Việc đó lại là việc khác. Nếu cơ quan chức năng có yêu cầu giải trình thì anh Thu sẽ giải trình. Bây giờ tiền thì thiếu gì nguồn, chứ đâu phải mình hỏi lấy tiền đâu chung chung vậy. Hơn nữa vì gia đình vợ anh Thu làm doanh nghiệp, làm ăn kinh tế, có khả năng thì mua cũng là điều bình thường. Chỉ có chuyện trong thời điểm đó mà mua nhiều nền đất như thế thì người ta không đồng tình thôi. Chứ còn về tiền nong thì không có vấn đề gì khuất tất.
* Tuổi Trẻ: Thưa ông, có phải bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có quyết định điều ông Ðặng Hạnh Thu về cơ quan Bộ Tài chính chờ phân công công tác và chính thức thôi giữ chức vụ tổng cục trưởng Tổng cục Thuế?
- Tôi cũng có nghe thông tin này nhưng đó là theo yêu cầu bố trí công tác của các cơ quan chức năng đã bàn, còn theo tôi hiểu thì nó không phải do lỗi từ chuyện đất đai này.
* Tiền Phong: Chúng ta khuyến khích cán bộ kê khai tài sản, ông Ðặng Hạnh Thu đã có bản kê khai, phải chăng cũng chính vì vậy mà có dư luận?
- Không nên suy luận từ việc này sang việc kia. Ở đây anh Thu bị tố cáo, tố cáo cái gì thì xem việc đó.
Kê khai tài sản thì nhiều hay ít là do tài sản, khai phải trung thực chứ không lo khai nhiều thì sẽ có ý kiến này ý kiến khác. Bởi vì ngay trong trung ương hoặc ngay trong Quốc hội này cũng có nhiều người đã trình bày có tài sản rất lớn, rất nhiều, chẳng ai có đối xử gì, có ý kiến gì, đúng không?
Ở đây, trong trường hợp này (ông Thu), người ta nói là mua đất nhiều bởi “cậy quyền cậy chức” để mua đất trái pháp luật nhằm vụ lợi cá nhân, nhưng khi xem thì không phải như thế.
* Tuổi Trẻ: Trong quá trình Thanh tra Chính phủ xem xét các bản kê khai tài sản, đã bao giờ thấy có bản kê khai nào nhiều tài sản như bản kê khai của ông Ðặng Hạnh Thu?
- Nói chung thì có nhiều nhưng tôi không được phép nói lúc này vì muốn công khai tài sản của cán bộ phải theo quy định chứ không thể hỏi và trả lời (như thế này) được. V.V.Thành ghi
———
Tổng thanh tra: ‘Tôi đã từ chối nhiều quà bất thường’
“Đối tượng bị thanh tra thường ‘chạy’ từ dưới lên, thậm chí ‘chạy’ tới những người bên ngoài để tác động. Không ít người tìm đến tôi. Cũng có những trường hợp mang phong bì hàng chục nghìn USD”, Tổng thanh tra Trần Văn Truyền tâm sự với VnExpress sau khi tái đắc cử.
- Một năm trước (6/2006), ông chuyển từ cơ quan Đảng sang Thanh tra Chính phủ đúng lúc có hàng loạt vụ thanh tra nổi cộm như Vietnam Airlines, Ngân hàng nhà nước. Ông nói gì về tâm trạng và những áp lực của mình lúc đó?
- Chuyện vất vả thì tôi đã ý thức từ trước khi nhận nhiệm vụ nên không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đứng trước công việc này phải thừa nhận là áp lực rất lớn, áp lực từ kỳ vọng của nhân dân, từ phía đối tượng bị thanh tra. Ngay yêu cầu của lãnh đạo với thanh tra cũng là áp lực, đó là thanh tra phải nhanh hơn, chính xác hơn, tạo niềm tin hơn.
Thời điểm năm 2006, xảy ra vụ tiêu cực liên quan đến một số cán bộ thanh tra Chính phủ. Tôi để tâm rất nhiều đến việc tổ chức lại hoạt động thanh tra, làm có hiệu quả, không để sơ suất, tiêu cực, làm mất uy tín. Ngay chính lĩnh vực này tôi cũng bị áp lực. Nếu để nguyên lực lượng thì không hoàn thành nhiệm vụ, nếu bổ sung, cơ cấu lại thì đụng chạm quyền lợi cá nhân, nhiều khi dẫn tới sự sứt mẻ nhất định. Vấn đề này có lẽ mình cũng phải dũng cảm, phải chiến đấu.
- Trong vụ án của cựu Vụ phó Thanh tra Chính phủ Lương Cao Khải, có trường hợp đối tượng bị thanh tra dùng tiền, vật chất mua chuộc cán bộ. Trong cuộc chiến chống tham nhũng một năm qua, ông đã ứng xử thế nào với những món quà đáng ngờ?
- Thứ nhất, ngay trong nội bộ ngành thanh tra, tôi đã nói rõ với anh em, trong quan hệ công việc thì nghiêm túc, không có vấn đề riêng tư, mua chuộc ở đây. Với đối tượng bị thanh tra, họ thường chạy từ dưới lên, từ thanh tra viên đến trưởng đoàn. Thậm chí họ chạy với những người ở ngoài đoàn thanh tra nhưng có quan hệ với đoàn thanh tra để từ ngoài tác động vào.
Nói thật là cũng có không ít người đã tìm đến tôi hoặc qua trung gian để nói với tôi. Cũng có những trường hợp người ta mang phong bì hàng chục nghìn USD, tôi đã yêu cầu các đồng chí có trách nhiệm đến để báo vụ việc. Tôi nói với đối tượng đó là nếu các bạn có lỗi thì không ai có thể giải quyết được, còn nếu các bạn không có lỗi thì không có gì phải lo. Các bạn càng “chạy” như thế này càng làm cho chúng tôi suy nghĩ là các bạn có vấn đề.
Thú thực là từ khi làm Tổng thanh tra, không chỉ cá nhân mình mà tôi cũng phải canh giữ cả vợ con. Nhiều khi người ta tác động vào vợ con mình.
- Còn với tác động không hợp lý của cấp trên, ông ứng xử thế nào?
- Với cấp trên, có thể có chuyện nhìn nhận, quan điểm về từng vấn đề đôi khi chưa gặp nhau. Tuy nhiên, chuyện áp lực theo nghĩa buộc tôi làm sai lệch vấn đề thì chưa có.
- Trong Hội nghị tổng kết của ngành thanh tra năm ngoái, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nói một ý là “một số kết luận thanh tra còn thiếu bản lĩnh”. Ông nghĩ gì nếu người ta nghĩ rằng thời gian qua Thanh tra Chính phủ ngại va chạm, đặc biệt là vụ việc liên quan đến người có chức có quyền ?
- Đúng là trình độ một bộ phận cán bộ chưa tới, hoặc có trình độ về chuyên môn nhưng khi xem xét những vấn đề thực tiễn lại không sát, không phân tích thực tiễn một cách thấu đáo nên khi kết luận, đối chứng với luật pháp thì đúng, nhưng đối chứng với thực tiễn thì chưa sát. Tôi thừa nhận một điều là khi thanh tra, làm chưa đến cùng việc cá nhân có liên quan đến tham nhũng, việc làm sai đến mức nào, có tư túi không, tư túi đến mức nào.
Tuy nhiên, ở đây có vấn đề là chúng tôi đã kết luận thanh tra là kiểm điểm trách nhiệm cán bộ đơn vị đó, nhưng đến khi chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm thì đâu phải chúng tôi.Chúng tôi kiến nghị về xử lý về tài chính nhưng khi các cơ quan báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý tài chính, người ta cho rằng có thể châm trước chỗ này, chỗ khác, điều đó làm giảm dần kết luận của thanh tra.
Hoặc có lần chúng tôi kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự nhưng xử lý hình sự thì chúng tôi chưa đủ yếu tố. Vì vậy muốn chuyển sang hình sự phải qua điều tra. Rõ ràng có những việc mình kiến nghị, chuyển sang điều tra thì cơ quan điều tra làm đến nơi đến chốn, nhưng có những việc sau khi xem xét không có điều kiện để làm.
- Ông sẽ giải thích thế nào khi 2 vụ thanh tra được người dân rất quan tâm là Ngân hàng nhà nước và VN Airlines thực hiện quá chậm?
- Đối với Ngân hàng Nhà nước, theo tôi Thanh tra Chính phủ đã làm đầy đủ trách nhiệm và có những kết luận chính xác, Thủ tướng đánh giá rất cao việc này. Còn việc khi kết luận từng vấn đề cụ thể để công khai thì do tính nhạy cảm của ngành này nên có những vấn đề chúng ta không rốt ráo hết được.
Vụ VN Airlines, Thủ tướng đã có kết luận rõ, tất cả những nội dung thanh tra đều có sai phạm, những sai phạm cũng gây ra những tổn thất rất lớn. Thủ tướng cũng kết luận phải kiểm điểm, phải xử lý trách nhiệm của tập thể cá nhân và đặc biệt phải chấn chỉnh của hoạt động của ngành để làm tốt và hiệu quả hơn. Mục đích của thanh tra chính là chỉ ra được những sai trái gây phương hại đến đất nước, cho ngành.
Kết luận thanh tra VN Airlines sở dĩ chậm là do giữa Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thanh tra Chính phủ chưa tốt. Văn phòng Chính phủ đã dự thảo, bên thanh tra tham gia hơi chậm nên thiếu sót này thuộc về Thanh tra Chính phủ. Nói chung không có vấn đề gì rích rắc cả, có thể công bố trong nay mai.
- Trả lời báo chí sau khi tái đắc cử, ông đã chọn lĩnh vực đất đai và tài sản công là những ưu tiên để thanh tra. Vậy, vấn đề trụ sở, văn phòng của các bộ tại TP HCM và một số tỉnh, thành sẽ được xem xét thế nào?
- Hiện, tôi chưa xác định cụ thể địa chỉ thanh tra nhưng đây là lĩnh vực mà chúng tôi sẽ quan tâm Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất là cơ ngơi, tài sản của các bộ, ngành tại địa phương còn nhiều, lãng phí và dễ xảy ra tiêu cực. Vấn đề thứ hai là có khả năng tài sản, đất đai của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa sẽ bị tham nhũng.
Chúng tôi cũng sẽ để ý đến việc triển khai dự án của các bộ ngành, nhiều dự án lớn lắm. Lĩnh vực thuế, hải quan cũng nằm trong tầm ngắm của lực lượng thanh tra thời gian tới. Thời gian qua, vấn đề thuế, thanh tra chưa làm được nhiều.
Việt Anh thực hiện
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-thanh-tra-toi-da-tu-choi-nhieu-qua-bat-thuong-2087604.html
——–
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Ưu tiên thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt
Bên hành lang kỳ họp QH, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ảnh) đã dành gấp đôi thời gian giải lao (15 phút) để trả lời nhiều câu hỏi của PV liên quan đến lĩnh vực phòng chống tham nhũng.
* Chính phủ báo cáo tham nhũng nghiêm trọng nhưng số liệu các vụ việc lại ít đi, điều này có mâu thuẫn gì không, thưa ông?
- Đánh giá tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là vì xét về quy mô, thì biểu hiện, dấu hiệu tham nhũng có ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Thăm dò trong cán bộ công chức và người dân thì thấy họ còn lo lắng; tình trạng nhũng nhiễu trong công việc vẫn là điều bức xúc. Nhưng xét về mặt vụ việc ngày càng ít đi thì đó cũng là tất yếu của quá trình tiến lên. Nhưng vẫn còn điều đáng lo là còn một bộ phận tổ chức, cá nhân hô hào chống tham nhũng thì nhiều nhưng thực tế làm thì chưa tốt.
* Một tỷ lệ lớn mức án trong các vụ án tham nhũng là án treo (tới 37%), có phải hình phạt của luật pháp về loại tội danh này còn chưa đủ nghiêm minh, thưa ông?
- Nguyên tắc của mình là vi phạm đến đâu xử lý đến đó, mức độ tội phạm nghiêm trọng đến đâu thì đưa ra hình phạt tương ứng đến đó. Vừa qua ta xử thì phần lớn là những người ở cấp thực hành, trong đó rất nhiều cán bộ ở cấp phường xã, quản lý dự án cụ thể. Do vậy mức độ vi phạm rất nhỏ, thấp. Số cán bộ cấp thấp chiếm tỷ trọng nhiều trong các vụ án thì án xử nhẹ phải nhiều.
Án treo xuất phát từ mức độ vi phạm và trong pháp luật hình sự của mình là xem xét 2 yếu tố: một là người ta tự giác báo cáo để nộp lại tài sản thì mình cũng xem đó là một yếu tố giảm nhẹ; thứ hai còn xét đến nhân thân, cũng có cân nhắc. Có một cái quan trọng trong các vụ án tham nhũng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng đã. Nếu hình phạt nặng và người ta không khắc phục được thì coi như mình mất tất. Mất cả con người, cả vật chất. Cho nên phải ưu tiên thu hồi cho được tài sản đã bị chiếm đoạt. Khi người ta nhận ra lỗi lầm rồi thì phải nộp lại số tiền này.
* Những vụ án lớn như PMU 18, PCI có quá trình xét xử khá lâu, nhiều vụ đã mở ra nhiều năm nhưng chưa “kết” được. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- PMU 18 cũng đã xử rồi đấy, nhưng chỉ trục trặc kỹ thuật trong quá trình xử mà thôi. Nội dung vụ án cũng đã đưa ra, truy tố trách nhiệm nhiều người, chính vì vậy, xử lý cũng có phần kéo dài.
Còn PCI, trước nhất là xử lý về mặt trách nhiệm, việc lạm dụng trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, cũng có dấu hiệu tham nhũng ở đây. Phần đó thì xử rồi, còn phần liên đới với nước ngoài thì phải chờ tiến hành điều tra riêng vì đây là một lĩnh vực khác. Phía Nhật cung cấp cho mình rất nhiều tài liệu, nay đã xong việc dịch thuật.
Các cơ quan chức năng bây giờ sẽ xem xét khai thác các yếu tố có dấu hiệu để tiến hành điều tra. Nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là phải tiến hành điều tra để tìm ra chứng cứ. Có chứng cứ thì mới có thể xét xử. Còn tài liệu bên kia người ta lấy từ khai báo của nhân viên của họ, các nhân viên của họ chỉ khai với cơ quan chức năng của họ là có đưa tiền. Nhưng mà chứng cứ đưa cho ai, ở đâu thì phải rõ ràng. Nguyên tắc là trọng chứng hơn trọng cung. Do vậy, mặc dù ở ngoài họ nói thế, họ khai trước cơ quan chức năng của họ là như thế nhưng ta chưa có chứng cứ thì chưa kết luận được.
Káp Thành Long (thực hiện)
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200943/20091024005202.aspx
——–
Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền: “Minh bạch là vấn đề xương sống”
09:15:00 04/12/2007
“Chiến lược phòng chống tham nhũng là một chương trình hành động chiến lược tương đối dài hạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ. Trong đó, công khai minh bạch chính là vấn đề xương sống. Có công khai, minh bạch mới kiểm soát được bộ máy nhà nước, công việc của cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…”, Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền, nói.
Sáng nay, 3/12/2007 Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức cuộc “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng 2007” tại Hà Nội.
Đây là lần đối thoại thứ 2 (lần 1 vào tháng 5/2007) giữa các cơ quan Việt Nam với các đối tác phát triển. Cuộc đối thoại đã diễn ra trên tình thần tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng.
Bên lề cuộc đối thoại, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về công tác điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng?
Có thể nói, việc tiến hành điều tra các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kể cả thanh tra, kiểm toán… đã được Chính phủ và các địa phương chỉ đạo ráo riết. Hiện cả nước có trên 400 vụ việc đã được các địa phương phản ánh, đang được xem xét giải quyết.
Riêng 8 vụ án trọng điểm của TƯ, đã có 5 vụ đưa ra xét xử, còn 3 vụ nữa sẽ từ nay đến tháng 12 sẽ xử hết. Tuy nhiên, trong quá trình này đã phát hiện thêm nhiều vụ việc khác, hiện đã khởi tố 7 vụ việc quan trọng, đang tiến hành nghiên cứu, thụ lí 5-6 vụ việc nữa.
Chúng ta đã xử nghiêm theo luật, chứ không phải xử nặng và rõ rang có tác dụng răn đe rất tốt.
- Thưa ông đâu sẽ là điểm mấu chốt trong chiến lược phòng chống tham nhũng sắp tới là gì?
- Đây là một chương trình hành động chiến lược tương đối dài hạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ.
Trong đó, công khai minh bạch chính là vấn đề xương sống. Có công khai, minh bạch mới kiểm soát được bộ máy nhà nước, công việc của cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…
Tiếp đến là phát huy vai trò tổng hợp của toàn dân, tìm sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Sắp tới, phải có cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của công dân, làm cho người dân vừa ý thức được trách nhiệm công dân. Nói chung là có dũng khí, giám chịu trách nhiệm khi phát hiện các vấn đề liên quan đến tham nhũng…
Việc nữa, Thủ Tướng cũng đã góp ý với chúng tôi là tiếp tục cải cách chế độ tiền lương cũng liên quan đến việc phòng ngừa và chống tham nhũng. Chúng ta không dùng tiền lương để giải quyết mọi thứ, nhưng đồng lương là một động lực để thôi thúc cán bộ, công nhân viên cống hiến nhiều hơn…
- Vậy, ông đánh giá thế nào về vai trò của “cộng đồng” của “tập thể” trong vấn đề phòng chống tham nhũng trong thời gian qua?
Việc phòng chống tham nhũng chúng ta đã triển khai từ lâu, nhưng đến khi có luật thì mới có thể chế, vai trò của xã hội. Việc ban hành Nghị định 47/2007/NĐ-CP của Chính phủ, phía Mặt trận cũng có đề án nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong việc phát hiện các hành vi tiêu cực.
Trong năm qua, Văn phòng ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng đã nhận đến hơn 700 nghìn đơn thư có liên quan đến khiếu kiện, tố cáo cán bộ, công chức. Thanh tra Chính phủ cũng xử lý hơn 4 nghìn đơn thư.
Như vậy, bước đầu đã tạo khí thế cho nhân dân, phản ánh, phát hiện, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ công chức…. Gần đây, lĩnh vực giáo dục, nhiều giáo viên và nhân dân đã có nhiều phát hiện, tố cáo nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng như ở Hà Tây, Bạc Liêu…
- Với những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tham nhũng, hiện nay Thanh tra Chính phủ đã có những hướng triển khai như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, chúng ta chống tham nhũng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực quan trọng cần tập trung.
Năm qua, các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát lực lượng cảnh sát, nhất là trên lĩnh vực giao thông, Thuế và hải quan… và đã phát hiện và xử lý không ít các hành vi tiêu cực…
Thủ tướng cũng chỉ dạo, trọng tâm sắp tới sẽ hướng vào các lực lượng: công an, các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án…
Tuy vậy, chúng ta phải triển khai biện pháp chung chứ không làm riêng lẻ.
- Với những loại tham nhũng mới như: rửa tiền qua chứng khoán ảo, tham nhũng tập thể… Thanh tra Chính phủ đã có những biện pháp như thế nào?
- Nền kinh tế xã hội phát triển theo chiều hướng nào, các hành vi tham nhũng cũng phát triển theo chiều hướng đấy. Quan trọng là chúng ta nhìn thấy được, phát hiện và xử lý. Ngay trong lĩnh vực cổ phẩn hóa, cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực. Trong đó, việc định giá tài sản nhà nước không đúng, sau đó cổ phần hóa làm lợi cho một số người. Vì thế khi phát hành cổ phiếu làm chưa minh bạch, nên đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp.
Thủ tướng cũng chỉ đạo phải chấn chỉnh việc này. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng chấn chính quy trình, nhất là các cơ quan tham gia vào giám định tài sản phải làm chặt chẽ, công khai hơn.
Cổ phần hóa đi liền với thị trường chính khoán. Tuy nhiên thị trường này đang có nhiều kẽ hở, bị các đối tượng lợi dụng đưa lên cổ phần ảo…, làm lợi cho một số người, một số người phải phá sản.
Chính phủ cũng đã lập ban giám giám sát chặt chẽ việc này. Từ năm tới trở đi chúng tôi sẽ Thanh tra ráo riết việc này
- Xin cám ơn ông!
Hoàng Thắng
Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2009/6/80380.cand
——-
Tổng thanh tra: ‘Khó xác định ranh giới tiền hoa hồng và hối lộ’: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-thanh-tra-kho-xac-dinh-ranh-gioi-tien-hoa-hong-va-hoi-lo-2138424.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét