“Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn” – Tư Cách Mõ , Nam Cao
Luật sư Lê Quốc Quân lại bị điệu ra tòa xử phúc thẩm tội “Trốn thuế”, kết quả là y án sơ thẩm với 30 tháng tù giam và phạt hơn 1 tỷ đồng. Chẳng ai bất ngờ với kết quả phiên tòa.
Điều bất ngờ, nếu có chăng chỉ là sau hàng loạt ý kiến của các tổ chức, cá nhân, những người có tiếng tăm, các chính phủ trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam thả ngay lập tức Ls Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh dân chủ. Thế nhưng, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn bỏ ngoài tai tất cả.
Sự bất chấp của con nghiện
Khi người ta yêu cầu thẳng thừng như vậy, nghĩa là người ta biết tỏng cái trò mèo của anh. Nghĩa là người ta không lạ gì cái trò nhố nhăng của anh trong vụ án Lê Quốc Quân. Bởi trên thế giới người ta chẳng ai đi ủng hộ hay biện minh cho việc trốn thuế, nhất là bọn “tư bản giãy chết” “chuyên bóc lột nhân dân thậm tệ” như ở những nơi đã lên tiếng. Vậy thì khi họ lên tiếng, có nghĩa là cái màn kịch dối trá “trốn thuế” cũng đã tương tự như vụ Điếu Cày, vu “hai bao cao su đã qua sử dụng” của Cù Huy Hà Vũ… Điều đó cũng chẳng có gì lạ.
Nghĩ về điều này, nó cũng tương tự như một gia đình trong làng có ông bố rượu chè, cờ bạc và ích kỷ chuyên hành hạ vợ con nhưng nhát cáy với hàng xóm làng giềng. Hễ hàng xóm dậm chân thì tim thót lên cổ, nhưng hành hạ vợ con thì bậc thầy. Mục đích chỉ nã tiền cho thỏa mãn cơn nghiện của mình mà thôi. Và hàng xóm khuyên can, ngăn cản, kiểm điểm… nhưng tất cả chẳng có chút tác dụng nào. Chứng nào vẫn tật ấy. Bởi bản chất dối trá, bạo lực, nghiện ngập của anh không thể thay đổi.
Mới đây, với 270 điểm Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo Việt Nam, chẳng khác gì việc cả làng tập trung nhắc nhở bố thằng nghiện: Hãy coi chừng, mày đối xử với vợ con mày vậy là ảnh hưởng đến sự văn minh của cả làng đấy.
Và hôm nay, những hàng động đánh đập, tra nã con cái lại tiếp tục ngang nhiên xảy ra. Tội của nó chỉ đơn giản là dám nói lên ý nghĩ và mong muốn của nó. Đơn giản thế thôi.
Chuyện gắp lửa bỏ tay người
Vẫn biết miệng lưỡi cộng sản nó là vậy, rất xứng đáng với tư cách mõ. Nhưng khi đi dự phiên tòa sáng qua, tôi mới thấy cái tư cách đó được thể hiện rõ ràng, mà không chỉ có tôi, hầu hết mọi người đều thấy điều đó.
Khi hàng loạt người dân đến phiên tòa công khai, ở đó đang túc trực sẵn hàng đoàn hàng lũ công an các loại, cảnh sát cơ động, công an chìm, nổi, du côn đu đãng… đủ cả. Ngang giữa đường Đội Cấn và ngã tư Liễu Giai – Đội Cấn, hai ba xe ô tô cảnh sát chặn ngang đường, một dây chão và dây xanh chăng từ bên này qua bên kia đường Ngã tư.
Tất cả xe cộ, người dân đi lại phía đó đều bị chặn lại. Công an đứng dày đặc chặn tất cả mà không hề có một thông báo, một biển hiệu hướng dẫn cho người dân.
Những người dân đến dự phiên tòa công khai được cảnh sát ra lệnh đứng lại, khi họ tiến về phía Tòa án. Hàng đoàn người dân đến Tòa, chỉ biết đứng chờ mà không biết đi đường nào, trên tay họ là hàng loạt biểu ngữ đòi tự do cho Lê Quốc Quân, hình ảnh Lê Quốc Quân và lên án phiên tòa ô nhục, lén lút.
Nhưng, chiếc xe cành sát với cái loa luôn kêu gào: Yêu cầu nhân dân bảo đảm an toàn, trật tự giao thông (?) và việc ách tắc giao thông là do người dân đứng giữa đường.
Thậm chí, ra rả từ sáng cho đến trưa, kể cả khi tôi đã rời khỏi đó từ lâu để đi việc khác, thì cái loa vẫn lải nhải: “Nếu xảy ra vấn đề gì về an toàn giao thông, ông Lê Quốc Quyết (Em trai nạn nhân Lê Quốc Quân) và ông J.B Nguyễn Hữu Vinh phải chịu trách nhiệm”.
Lúc đầu giữa những tiếng hô: “Lê Quốc Quân vô tội, Tự do cho Lê Quốc Quân”, và giữa những bài hát Việt Nam tôi đâu, Kinh Hòa Bình… của những người dân, tôi không nghe rõ. Cho đến khi một giáo dân nói với tôi: “Nó đang gào tên anh trên loa”, chú ý thì tôi mới nghe rõ những lời “quy trách nhiệm” kia.
Thật đáng buồn cho một lũ lỹ từ cán bộ to đến nhỏ, công an lớn đến bé có mặt ở đó nhưng hình như không mang theo bộ não để điều chỉnh cho tên phát loa.
Thử hỏi việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân là trách nhiệm của ai?
Thử hỏi khi tự nhiên chặn ngang đường người dân đang đi không một câu thông báo, thì việc gây ra lộn xộn về giao thông là trách nhiệm của ai?
Thử hỏi, với cả ngàn công an, cán bộ, cảnh sát nhung nhúc ở đó ăn lương nhân dân mà không dẹp được trật tự, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân thì họ có trách nhiệm gì?
Thử hỏi, tôi là một công dân không ăn lương nhà nước, không được giao trách nhiệm thì lấy đâu trách nhiệm để “chịu” khi người dân không đảm bảo an toàn giao thông?
Thấy ngồ ngộ và buồn cười, tôi đến bên anh chàng công an đang phát loa, gõ cửa xe và bảo:
- Này, đồ não trắng, ai trả lương cho tôi mà bảo tôi chịu trách nhiệm đấy? Nếu muốn chịu trách nhiệm, thì đưa cái loa cho tôi.
Nhưng, anh ta đóng chặt cửa không mở và ngay lập tức hàng đoàn côn đồ xông đến. Thế đấy, cái “tư cách mõ” là ở chỗ bất chấp pháp luật, bất chấp liêm sỉ và bất chấp sự thật, nói lấy được, nói như thật… đó mới là Cộng sản.
Tư cách mõ
Xưa nay, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường kết luận và ghét cay đắng, cảnh giác với cộng sản Việt Nam về thói ăn gian, nói dối trở thành bản chất. Dần dần từ chỗ còn che đậy, còn giấu diếm… họ không ngần ngại phô luôn bản chất của mình ra. Cứ như mặc định rằng đã là cộng sảnn hẳn nhiên phải dối trá không cần suy nghĩ gì hơn. Tôi chợt nhớ câu chuyện “Tư cách mõ” của Nam Cao. Ở đó, có một câu: “Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…”. Và cách hành xử ở phiên tòa vừa qua, chính là minh chứng điều này.
Ở phiên tòa này, người ta thấy những sự ngang nhiên rất “Tư cách mõ”. Sự ngang nhiên đó, thể hiện ở chỗ lật lọng giữa thanh thiên bạch nhật những khái niệm cơ bản.
Phiên tòa công khai, nhưng tất cả mọi nẻo đường đều bị cấm nếu lưu thông đến nơi xử án. Không chỉ ngăn cản đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân, mà còn là sự vi phạm trắng trợn luật pháp. Có điều là với người cộng sản khi có quyền, luật pháp chỉ là một trò đùa chỉ sử dụng khi có lợi.
Dường như, việc thay đổi khái niệm “Công khai” là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi.
Trong “Tư cách mõ” của Nam Cao, ông viết về một thằng mõ rất cụ thể, lời nói, hành động của hắn bị khinh rẻ, bị coi thường, không có ai coi trọng. Hãy nghe ông viết: “Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu dược của người ta làm khoái lắm. Nhiều người phải bực mình. Họ lại còn bực mình vì cái cách hắn ưng nịnh những người rộng rãi và tỏ vẻ xấc láo, bùng phỉu đối với những kẻ không lấy gì mà rộng rãi với hắn được. Thật hắn đã vô liêm sỉ quá. Mỗi lần hắn đi khỏi, những người đàn bà nguýt theo, chúm mỏ ra và lẩm bẩm:
- Giống mõ có khác! Không trách được người ta gọi là đồ mõ!… Trông ghét quá!…”
- Giống mõ có khác! Không trách được người ta gọi là đồ mõ!… Trông ghét quá!…”
Và dù bị khinh ghét, bị chửi bới, phỉ nhổ, thì vẫn với lý thuyết tự sướng kiểu AQ rằng ta là đỉnh cao trí tuệ, là lương tâm thời đại. Còn hành động thì: “A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!”
Chính vì thế, cái ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đã ngang nhiên như mâm cỗ về sân nhà thằng mõ.
Để rồi “Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu dược của người ta làm khoái lắm… Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:
- Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…”
- Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…”
Với tư cách đó, họ đã có những hành động bất chấp sự mỉa mai, bất chấp sự thật, luật pháp một cách công khai như ở phiên tòa xử Lê Quốc Quân và các phiên tòa khác xử những người bất đồng chính kiến, xử các giáo dân Thái Hà trước đây… để “công khai xử kín”. Và dần dần, họ coi rằng việc họ bất chấp liêm sỉ và luật pháp là chuyện hiển nhiên của… thằng mõ.
Bởi vì “Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục.”
Hà Nội, ngày 19/2/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét