Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Thông điệp gửi báo “Thanh Niên”: Giấy rách phải giữ lấy lề!



Ảnh biếm hoạ trên Facebook về báo chí đi theo lề phải


Ngày 6/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi kháng thư tới Bộ Ngoại giao Việt Nam, đồng thời cũng đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Washington Lê Công Phụng để phản đối việc công an thành phố Huế hành hung ông Christian Marchant, tùy viên chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Im lặng và giả thiết

Trong cuộc họp báo chiều 6/1 tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói sẽ “xem xét sự việc” và “Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho ngoại giao đoàn hoạt động, nhưng các viên chức ngoại giao nước ngoài cũng cần phải tuân thủ pháp luật nước sở tại”.

Đã hơn hai tuần trôi qua, với một sự vụ không có gì phức tạp, xảy ra giữa thanh niên bạch nhật, trước mắt nhiều nhân chứng, sự “xem xét” của Bộ Ngoại giao Việt Nam có lẽ đã kết thúc.

Có thể đặt ra hai giả thiết.

Một. Tôi ngờ rằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những nỗ lực dàn xếp hậu trường với phía Hoa Kỳ, xin lỗi và lấy làm tiếc về sự việc xảy ra, hứa hẹn kỷ luật những nhân viên an ninh thừa hành công vụ sai và muốn phía Hoa kỳ không làm ầm ĩ gì thêm nữa. Một sự thoả thuận kiểu này không phải đã không có tiền lệ trong sinh hoạt ngoại giao giữa các nước.

Nhưng nếu hai bên đã thoả thuận ngầm mà không thông báo gì cho công luận, chứng tỏ Hà Nội cảm thấy bẽ bàng vì đã chót phản ứng làm như vô can, thông qua phát biểu của bà Nguyễn Phương Nga và cách đưa tin của báo chí lề phải.

Hai. Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn còn suy tính. Tạo ra nhân chứng để đổ lỗi cho ông Christian Marchant? Thế còn các nhân chứng khác không chịu áp lực thì sao? Những người công an xúm lại, xô đẩy, lôi ông Christian Marchant ra xe, khó có thể dựng kịch bản biến thành thường dân và giải thích rằng họ đã mạnh tay vì còn căm thù “đế quốc Mỹ”! Hơn nữa, bối cảnh xung đột có khả năng đã được quay phim, ví dụ bằng điện thoại di động, và không nằm ở trong tay công an, nếu bị tung ra phản bác lại mưu toan đổi trắng thay đen, hậu quả sẽ còn bi kịch hơn cả chuyện đã xảy ra!

Cần phải tìm ra lỗi hợp lý, dù nhỏ nhất, chứng minh ông Christian Marchant sai phạm thì mới tạo được thế đối thoại với phía Hoa Kỳ, cho nên tôi đồ rằng, phía Việt Nam sử dụng biện pháp câu giờ, vừa để sự việc nguôi ngoai, vừa nghĩ mưu và chọn thời điểm thích ứng, ví dụ, trong buổi tiếp xã giao tân đại sứ Hoa Kỳ David Shear qua Việt Nam thay ông Michael Michalak. Những buổi tiếp “tống cựu nghinh tân” thường là cơ hội có thể chia sẻ dễ dàng hơn.

Cần lưu ý rằng, vào thời gian trước khi đại sứ Micheal Marine mãn nhiệm, cũng đã xảy ra việc đụng độ giữa công an và vợ nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn trong sự chứng kiến của bà dân biểu Loretta Sanchez. Vì thế, có thể hoài nghi vụ này với vụ công an Huế không trùng hợp ngẫu nhiên mà có chủ ý: Hà Nội muốn gửi thông điệp cứng rắn về sự hợp tác trong tương lai tới tân đại sứ David Shear!

Nhưng bất luận từ góc độ quan sát nào, các giả thiết trên đây đúng hay sai, gộp luôn cả trường hợp ông Christian Marchant đã làm gì đó thất thố mà phía Việt Nam cho là “không tuân thủ luật của nước sở tại” đi nữa, lực lượng công an Huế – được xem là những người đại diện cho pháp luật – sử dụng bạo lực, gây chấn thương cho người mang Thẻ ngoại giao đang làm việc tại Việt Nam, là điều không thể chấp nhận được.

Dân biểu Ed Royce của Hạ viện Hoa Kỳ đã tố cáo Việt Nam “vi phạm các quy định của công ước quốc tế trong việc bảo vệ an ninh cho các nhân viên ngoại giao”. [1]

Đưa tin theo lề phải?

Nhiều hãng tin quốc tế như AP, AFP, BBC, RFI, RFA, VOA và các nhật báo lớn như “New York Times”, “Wall Street Journal”, “Washington Post”, và ngay cả Tân Hoa Xã của Trung Quốc, đều nhất loại đưa tin nhà ngoại giao Hoa Kỳ bị công an cộng sản Viêt Nam tấn công. [2]

Riêng tờ “Thanh Niên”, một mình một ngựa, múa gậy vườn hoang, đăng tin ngược 180 độ với tất cả các cơ quan thông tấn, báo chí thế giới và nội dung công hàm phản đối chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bài “Một nhân viên Đại sứ quán Mỹ gây rối trật tự” đăng trên Thanh Niên Online, ngày 07/01/2011 viết như sau:

“… Có một người đàn ông ngoại quốc, tay xách cặp tự xưng là nhân viên ngoại giao tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội quát tháo ầm ĩ bằng cả tiếng Mỹ và tiếng Việt với một số người VN bằng những ngôn từ rất tục tĩu. (…) Tiếp đó, ông này còn gạt người nhân viên (Sở Ngoại vụ Huế) ngã dúi dụi, sau đó đấm vào mặt một người dân đứng gần đó, xô đẩy cả một số người đang đứng xem, khiến nhiều người dân phẫn nộ và nghi ngờ đây hẳn là mạo danh chứ một viên chức ngoại giao không thể hành xử như vậy”(…) “Theo nguồn tin Thanh Niên, tại Sở Ngoại vụ Thừa Thiên – Huế, người đàn ông ngoại quốc xuất trình thẻ chứng nhận nhân viên ngoại giao là Christian Marchant, viên chức chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các cán bộ ngoại vụ giải thích các quy định pháp luật VN nhưng ông Marchant vẫn tỏ thái độ bất hợp tác, sau đó tự ý bỏ về…”. [3]

Nhiều bạn đọc trên Facebook hài hước nói rằng, con người mà tờ “Thanh Niên” mô tả ắt hẳn phải là một gã điên thì mới hành xử như vậy. Và, có lẽ Hoa Kỳ thiếu nhân sự nên mới chọn người điên làm nhà ngoại giao!

Thế nhưng, “người điên” này, ông Christian Marchant, là người trong năm nay được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trao giải thưởng “Human Rights and Democracy Award” về hoạt động bảo vệ nhân quyền. Ông Christian Marchant đã có lần từng lấy thân mình che chắn công an Việt Nam cho những phụ nữ khiếu kiện bị đàn áp, theo tờ “Richmond Register” của tiểu bang Kentucky.

Ngoài cách hành văn rất “lá cải”, còn một số điểm khác rất đáng phê phán từ bài báo của tờ “Thanh Niên”.

Thứ nhất. Các nguồn nhân chứng khác, đặc biệt của Linh mục Nguyễn Văn Lý [4], cho thấy tờ “Thanh Niên” đã tường thuật sai với sự thật.

Một nhà báo không có mặt tại hiện trường, hấp tấp đưa tin chưa được xác minh kỹ lưỡng, không cho biết nguồn tin hay nhân chứng cung cấp, là đồng nghĩa với sự vu khống, bịa đặt. Điều này không gì khác hơn là thái độ vô trách nhiệm, ngớ ngẩn về kiến thức nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thứ hai. Có gì đó khuất tất, thiếu lương thiện ở chỗ, trong một bài viết đụng đến sinh hoạt ngoại giao giữa hai nước, đăng trên một tờ báo chính thống, mà tác giả lại sử dụng bút danh viết tắt “N.T.”.

Trao đổi với tôi, ký giả Trần Đông Đức thấy cần khám phá cho ra lẽ, nên đã tìm hầu hết các tên tuổi phóng viên của báo “Thanh Niên” theo phương pháp dò đề mục và kết quả cho thấy “N.T.” chỉ có thể rơi vào ông Trần Ngọc Thọ, người phụ trách phần Chính Trị – Xã Hội, chuyên viết các mảng tin về công an, ký tên Ngọc Thọ.

Anh Trần Đông Đức lưu ý rằng, báo “Thanh Niên” còn có các đề mục khác như Du Lịch, Giáo Dục, với các tên Như Thảo, Nguyễn Thắng… cũng có thể viết tắt thành “N.T.” Thế nhưng, thông thường ký giả “Thanh Niên’ phụ trách theo chuyên mục và mỗi chuyên mục thường có đến vài chục bút hiệu khác nhau và các bút hiệu đều chuyên trách và không đi ngoài chuyên mục.

Tìm hiểu sâu thêm về nhân vật Ngọc Thọ, mới hay ông Trần Ngọc Thọ đã từng bị côn đồ doạ giết, đã 5 lần đuổi bắt cướp. Với nghiệp vụ “bổ sung” này, phải chăng ông Ngọc Thọ là công an–nhà báo hoặc là đặc phái viên của công an trong toà soạn? [4]

Ở đây tôi muốn cắt nghĩa thái độ của tờ “Thanh Niên”. Nếu đưa thông tin sai, thì vì sao cho tới nay vẫn bài viết của “N.T” vẫn truy cập được và chưa thấy có cải chính nào? Phải chăng bài báo phản ánh quan điểm của nhà nước Việt Nam? Nhưng chả lẽ nhà nước Việt Nam lại thể hiện quan điểm qua một bài viết tệ hại như thế? Nếu đúng vậy, nhận định của luật sư Lê Thị Công Nhân rằng, “nhà nước này quả thực rất mờ ám và hành xử rất côn đồ” [5] có thêm bằng chứng!

Song song, sự im lặng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước công luận sẽ tiếp tục góp thêm vào chuỗi các sự kiện dối trá, thiếu lương thiện, mà báo chí trong nước đã phạm phải liên tục trong thời gian mới đây:

- Loan tải như một tin nóng về “hai bao cao su” và “gái mại dâm” trong vụ bắt giữ tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, nhiều tờ báo lề phải đã ác độc tấn công anh Cù Huy Hà Vũ với những lời miệt thị và bôi nhọ. Còn báo “An ninh Thế Giới” khi viết về gia thế anh Cù Huy Hà Vũ cho thông tin không đúng vơi thực tế, xúc phạm đến “nhân phẩm, danh dự, tình cảm của anh Cù Huy Hà Vũ và gia đình” (theo kháng thư gửi Tổng biên tập Nguyễn Hữu Ước ngày 12/12/2010 của bà Cù Thị Xuân Bích).

- Dẫn nguồn từ “nhật báo Đức Firmenpress”, báo “Pháp Luật Việt Nam” đã bóp méo thông tin, làm bạn đọc ngộ nhận qua bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”, bởi vì “Firmenpress” không phải là nhật báo mà chỉ là trang web đăng quảng cáo dịch vụ của Công ty xử lý rác của Đức RES-Resources, Ecology, Services GmbH.

- Trong khi đó Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam với bài “Tác giả Đức ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” lấy cùng nguồn trên, nhưng lại nhào nặn tác giả Olaf Jüttner “thuộc tổ chức RES (Resources, Ecology, Services GmbH)”! và không hề biết ngượng khi viết rằng, “các website như business-presse.de, onlinepresse.info… đăng nguyên văn bài viết trong đó nhấn mạnh rằng Thủ tướng Dũng đã thành công trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, khi đưa ra những chính sách “nhìn xa trông rộng” không chỉ giúp Việt Nam đạt được những thành quả to lớn mà bản thân ông cũng được đánh giá cao trên trường quốc tế”. [6]
Khi bị tố giác đăng tin sai sự thật, tự gỡ bài xuống, không hề đính chính, không một lời xin lỗi – một việc làm bình thường được dư luận ghi nhận và thông cảm – các tờ báo lề phải đã thể hiện thái độ trịch thượng, coi thường bạn đọc, chà đạp lên nguyên tắc và tập quán lương thiện của báo chí, truyền thông.

Giấy rách hãy giữ lấy lề!

Có lẽ bức xúc về những vấn đề đã nêu, trong một bài phân tích sâu sắc với tựa đề “Truyền thông Việt Nam năm 2010: Tấm gương phản ánh xã hội”, nhà báo Đoan Trang viết:

“Một trong các nguyên tắc mà bất kỳ nhà báo nào cũng phải thấu triệt và thực hiện nghiêm ngặt là: trung thực, công bằng, khách quan.

“Trung thực” có nghĩa là viết đúng sự thật. “Công bằng, khách quan” nghĩa là phản ánh đầy đủ ý kiến các bên (nhà báo thực hiện “đúng sự thật” bằng cách sử dụng nguyên vẹn, chính xác thông tin từ một bên nào đó, là chưa đủ, vì như thế vẫn là đưa tin một chiều, không khách quan”).

“Trung thực, công bằng, khách quan còn đòi hỏi nhà báo tuân thủ luật pháp: chừng nào chưa có phán quyết cuối cùng của một tòa án hợp lệ, chừng đó không thể coi ai đó là có tội. Mọi thông tin do cơ quan điều tra cung cấp theo hướng bất lợi, hay nhằm chống lại “đối tượng” đều chỉ có tính tham khảo”. [7]

Tôi thông cảm và hiểu tường tận điều kiện tác nghiệp khó khăn của các đồng nghiệp và bạn hữu của làng báo trong nước, được bộc bạch qua tâm sự của nhà báo Trương Duy Nhất:

“Trong nhiều năm liền, với chức phận là một nhà báo ăn lương, tôi luôn phải viết cả những điều không muốn viết. Ừ thì cũng như muôn vàn nhà báo khác thế thôi. Đó là những bài báo viết không cần suy nghĩ, không động não, không tư duy, viết khoán cho đủ chỉ tiêu bài vở nhận lương hàng tháng. Những bài báo vô thưởng vô phạt mà tự thân mình phải xấu hổ khi núp dưới bút danh khác”. [8]

Nhưng, chia sẻ nhận định trên không có nghĩa vơ đũa cả nắm, đánh giá thấp những việc làm của báo chí trong nước trên bình diện đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội Việt Nam hiện nay. Đã có rất nhiều nhà báo can đảm, chấp nhận mạo hiểm, tiên phong trên mặt trận này.

Tuy nhiên, kể cả khi phải làm việc với chức phận-thân phận lệ thuộc của người làm công ăn lương, chịu sự quản lý của nhà nước, một người cầm bút chân chính phải cương quyết nói “không!” với dối trá, vu khống và được phép cho mình quyền xúc phạm người khác! Phải giữ lấy lương tri, nhân cách và lòng tự trọng tối thiểu của kẻ cầm bút, những con người mà trong xã hội hay thể chế nào cũng được dân chúng quý mến và gửi gắm lòng tin. Giấy rách, xin hãy giữ lấy lề!

Lời nhắn

Nghị định của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 6/1/2011, có hiệu lực kể từ ngày 25/2/2011, quy định xử phạt các nhà báo và blogger, trong đó các hành vi như không viện dẫn nguồn tin, không ghi rõ tên họ thật hay bút danh tác giả; hoặc sử dụng tin bài nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả… có thể bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Tôi không nghĩ Thủ tướng Dũng ký nghị định chỉ để nhắm riêng vào báo chí lề trái!

Khi dư luận đòi được biết quan điểm của ban biên tập và đề nghị công khai tên tác giả của bài viết nói về sự một việc nghiêm trọng, xúc phạm tới tư cách đạo đức của một nhà ngoại giao cụ thể, thiết nghĩ một tờ báo tử tế không thể khước từ.

Tôi tin rằng, đã từng được bạn đọc yêu mến qua nhiều bài chống tiêu cực xuất sắc, qua người phóng viên đầy bản lĩnh Nguyễn Việt Chiến trong vụ án PMU18, và cũng đúng với tinh thần của nghị định của Chính phủ, tờ “Thanh Niên” sẽ có động thái thích ứng nhằm giải toả thắc mắc của bạn đọc, bảo vệ uy tín của mình.■

—————————————-

[1]: Phát biểu của dân biểu Ed Royce, RFA 6/01/2011:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/congressman-ed-royce-introduce-new-human-right-sanction-act-on-vietnam-vha-01062011195208.html

[2] : “Báo chí đưa tin gì về vụ ông Christian Marchant”, BBC 7/01/2011:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/01/110107_press_review_marchant.shtm

[3]: “Một nhân viên Đại sứ quán Mỹ gây rối trật tự”, “N.T.”:

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201102/20110107013824.aspx

[4]: “Phóng viên báo thanh niên bắt cướp”:

http://www.tin247.com/phong_vien_bao_thanh_nien_bat_cuop-6-40713.html và Ký giả Ngọc Thọ từng bị côn đồ doạ giết:

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=136205&fb_xd_fragment#?=&cb=f2425e79697d0d6&relation=parent&transport=fragment&frame=ffa7f11ba522de

[5]: “Công an đối xử thô bạo với luật sư Lê Thị Công Nhân”, RFA, 20/01/2011:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-crackdowns-on-lawyer-le-thi-cong-nhan-again-tq-01202011194549.html

[6]: “Tác giả Đức ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, Vietnamplus:

http://www.vietnamplus.vn/Home/Tac-gia-Duc-ca-ngoi-Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung/20111/74848.vnplus

[7]: “Truyền thông Việt Nam năm 2010: Tấm gương phản ánh xã hội”, Đoan Trang: http://trangridiculous.blogspot.com

[8]: “Trương Duy Nhất: Nghỉ báo viết Blog”: http://www.truongduynhat.vn/2011/01/nghi-bao-viet-blog.html

© 2011 Radio Free Asia

Không có nhận xét nào: