Pages

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Kỷ niệm về một anh bộ đội

Cuối năm 1981, vì một xung đột với Công An địa phương, chuyện xảy ra có tính cách hình sự, do hiểu lầm. Nhưng họ cố tình qui thành tội chính trị: “Đánh công an, cướp vũ khí lật đổ chính quyền cách mạng.” Người cùng liên can với tôi tên: Lê Văn Thái, anh ta sợ qúa trốn khỏi địa phương, về sau vượt biên qua Úc, họ qui tội rất kinh khủng, nhưng trước chính quyền tôi hỏi: Chỉ có tôi và Thái nếu cướp đưọc chính quyền, rồi ai sẽ phụ trách hàng khối công việc khác? Chuyện dây dưa vài tuần lễ, họ biết khó làm gì được, cũng phải tạm thả, tôi lo sợ thù vặt “súng cướp cò.” Nên định trở về Vĩnh Long sinh sống, nơi đây dân tình hiền hòa, hy vọng tôi xin lại được căn nhà, lại nghĩ rằng, thân cô thế cô, bạc tiền không có, biết nương tựa vào đâu, rốt cuộc tôi rời Bình Tuy vào Long Thành, Đồng Nai.

Ý định ban đầu vào đây, tìm rẩy hoang hóa miệt Cẩm Đường, Chốt Thái, Suối Trầu khai khẩn. Số phần may mắn tới Long Thành, tôi gặp người cùng quê Quảng Nam, đưa về nhà cho ở, ông bà chủ nhà có mối xã giao rộng lớn, nhờ đó họ làm giấy tờ tạm trú, rồi hộ khẩu. Cảm khái ơn nghĩa của họ, tôi tận lực làm việc nhà, không từ nan bất cứ thứ gì: Lau nhà, giặt quần áo, xếp đặt đồ vật thứ tự, bửa củi, tắm hai em Vân Anh, Quế Anh, trừ nấu ăn chịu thua, có bà cụ thân mẫu ông chủ nhà quán xuyến, gia đình họ cả thảy năm người, hai vợ chồng, hai Tố Nga đầu lòng, và bà cụ thân sinh ông chủ nhà, nay thêm tôi nửa, ngoài công việc vặt như đã nói, nhà nầy còn làm sinh tố, bỏ vào tủ kem bán cho trẻ em, sinh tố là quậy một thau nước đường lớn, chia ra nhiều thau nhỏ pha màu, muốn màu gì cũng được, sau đó vô bịch ny lông, cột giây thun, bỏ tủ kem đông lạnh, 11, 12 giờ đêm xong sinh tố, đi ngủ, khuya rạng sáng tới gõ cửa nhà ông ba Tàu ra đá, ông bà chủ nhà có phần hùn “tổ họp đá cây” tủ đá có 52 cây đá lớn, gần sáng 3, 4 giờ, đá đủ độ đông, tôi ra đá xếp hàng trên sân sau, xe lam ở Bình Sơn, Cẩm Đường ra chở về bán lại. Thân tôi có cơm ăn, thỉnh thoảng được may một vài bộ đồ, nhất là nơi ở bình yên không lo sợ chính quyền o ép. Công ơn người ta lớn qúa, tôi làm hoài hoài ngày đêm, mà cơ hồ như ơn nghĩa vẫn bao trùm ra ngoài công việc, tôi nhìn quanh thị trấn chưa biết tìm việc gì làm thêm, ky cóp tích lũy độ chừng 6 tháng ăn, tôi sẽ vào Chốt Thái phá rẫy, qua một năm trời vẫn ngữa lòng nương náu, tôi rầu qúa. Thỉnh thoảng ngắm cây rựa be mang theo từ Bình Tuy mà thở dài…Giữa tình cảnh như thế, một hôm ông bà chủ kêu tôi ngồi lại, bàn chuyện làm ăn. Thì ra ông bà đã hình thành một tổ họp xay xát: Xay bắp, xay bột mì, họ giao cho tôi quán xuyến và thêm hai người phụ việc.

Từ thập niên 80, việc buôn bán, kinh doanh vẫn còn rất khó khăn, ai làm được việc gì cũng đều phất lên như diều gặp gió, tổ hợp chỉ là hình thức trá hình, bằng cách ghi danh sách dài thòng từ bốn tới năm chục người, làm đơn xin mở tổ hợp, tất nhiên tên tuổi con người có thật, điều không thật là không ai hùn vốn, số tiền hùn là tiền “âm phủ,” chỉ có ông bà chủ của tôi mới thật sự bỏ tiền, muốn dùng tên ai, cho người đó ít qùa, muốn có giấy phép phải biết “bôi trơn”- 100% tổ họp và những sinh hoạt thời đó đều như vậy. Công việc đang ngon lành, vì một ngựa một thương, đùng một phát Tư Trí, thư ký huyện Long Thành cũng mở thêm “tổ hợp” xay xát y chang, tiếp theo trong Bình Lâm có bí thư phục viên khai trương tổ hợp xay xát. Nhưng có điều các tổ hợp mới họ chưa biết cách nào xay bắp không qúa nát, phải đạt yêu cầu trên 75% bắp, còn lại cám, nhờ vậy tổ hợp nơi tôi làm vẫn không kịp xay cho bạn hàng, họ xay bắp đem bán cho mấy lò rượu từ Cát Lái tới Tam An, hầu hết bạn hàng là phụ nữ sồn sồn, khoảng phần ba các bà có chồng đi theo thồ bắp mua từ trong rẫy, liếc qua khuôn mặt mấy ông chồng này, tôi biết ngay là loại “anh hùng lỡ vận!” tháng ngày qua đi, lợt đợt mấy bà đem chồng ra giới thiệu: “Ông xã tui mới về…” rồi sát nhập đoàn thồ bắp, thồ củi…Chiều chiều mấy bà tính sổ, trúng mánh lì xì cho đức lang quân, còn hè theo câu “Nhớ dắt Bút nhậu với á” Đúng, tình đời thương là hại, tôi tập sự uống rượu từ đây, mới đầu cay sè, về sau thấy được được! Uống ngà ngà ngâm thơ giòn hết biết, hết thơ kể chuyện tếu, cười nghiêng ngã.

Làm nhà máy chà chưa đầy một năm, để dành dành được hơn một chỉ vàng, tôi mua căn nhà nho nhỏ, trong khu Văn Hải, chừng 40 m2, đưa mẹ tôi vào ở, và nghĩ rằng đời mình sẽ gắn bó dài lâu với nhà máy, lương thu nhập so với giáo viên, y tá mình hơn nhiều, còn mơ chi nữa, chuyện khai hoang, lập rẫy kể như quên. Song sự đời ai biết được ngày hên chảng bền cho số khổ, ông bà chủ tôi trước kia chưa giàu sang, cửa nhà vắng hoe. Khi cơ ngơi phất lên, không biết từ đâu bà con nội, ngoại của họ ở tuốt trên Tí Sé, Dùi Chiêng, Hiên Giằng tràn vô như thác lũ, bao nhiêu thì bao, ổng bả tống hết vào nhà máy chà, người mình có câu nói rất thực tế : Ít thầy đầy đãy, làm nhà máy ăn theo thành phẩm, mỗi tấn bắp hưởng lương 8 đồng, trung bình mỗi ngày làm10 – 12 tiếng đồng hồ, lãnh được năm, sáu chục đồng, chia cho ba người, nhưng số “bị chia” cứ to dần, sự sống phải co thắt lại, nếu một mình đi tìm nơi khác không khó, đằng này mới mua nhà, mới đưa mẹ vào ở, thật ngặt chưa biết tính sao.

Một hôm mấy đàn anh, (lính) chồng các bà bạn hàng xay bắp, vẽ ra kế hoạch đi Bình Long cưa củi, tôi xin theo, mới đầu họ tưởng nói dốc, sau tỏ bày hoàng cảnh anh em đều ưng ý, tôi xin ông bà chủ nghỉ dài hạn, lý do đi theo anh em đội quân thứ nhất: Phá Sơn Lâm, kiếm sống.

Ngày đó vé Long Thành – Sài Gòn 1 đồng 1 vé, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến xe, lúc uống cà phê chờ xe, ông Lâm người đầu đàn nói: Ê thằng Bút đưa giấy tờ tùy thân tau giữ, để giải thích chung cho cả nhóm biết, ổng nói thêm: Cái thằng này chuyện như Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí…Xa lơ xa lắc tận bên Tàu nó nhớ, nhớ từng sợi lông, chuyện trước mắt nó quên! Mới tuần rồi hắn đi mua đồ phụ tùng sửa máy chà, khi đi bằng xe đạp, mua xong nó cút bộ, ôm túi đệm về, bắt tui chở lên chợ, may xe đạp chưa mất, sợ nó qúa, giữ giấy tờ của hắn cho chắc ăn, lên trên đó còn trình cớ chính quyền, nếu nó làm mất phiền lây anh em, đưa đây! Chứng minh nhân dân, giấy tạm vắng… Đưa hết đây! Được anh em thương lo, hạnh phúc biết mấy, tôi móc túi đưa sạch, đưa luôn tiền chẵn, ông Lâm trao cái vé xe và dặn: Bút lên xe đi, tụi anh bắt xe ngoài, xuống Sài Gòn cứ đi tiếp, lên quốc lộ 13, tới ngã tư Chơn Thành ở đó đợi anh em, nghe chưa.

Lên Sài Gòn, chen mua được vé Bình Long, tài xế nói 2 giờ rưởi chiều mới lăn bánh, tôi thủ ổ bánh mì, ghé vào quán nước kêu ly trà đá, coi như mướn chổ ngồi, ngồi nhìn ra trước quán thấy đám người bu quanh như xem mãi võ Sơn Đông, cả tiếng đồng hồ đám đông tan hàng, lòi ra anh bộ đội, nón cối dép dâu, tôi tiến lại mời anh vào quán uống nước, khuôn mặt hiền lành của một nông dân, lời ấm, chậm rãi, anh kể rằng: Ở quê anh khó nghèo qúa, bà con trong thân tộc, cùng xóm làng đậu cho anh một số tiền, vào Nam “thăm quan” để chọn một vùng kinh tế mới tự túc, đi tàu lửa mệt qúa, anh ngủ quên lúc nào không hay, lúc xuống tàu mới biết chúng móc lấy sạch, giờ không biết làm sao.

Tôi kể chuyện đi Bình Long cưa củi và an uỉ anh , gợi ý anh về Long Thành sống tạm, nếu đến Bình Long làm ăn được, và anh em trong nhóm bằng lòng, tôi sẽ chỉ đường…. Anh mừng lắm, tôi móc trong ba lô lấy ra cuốn tập, vẽ đường anh đến Long Thành, và viết thư giới thiệu anh với mẹ tôi.

Đến Bình Long, tôi chờ hoài không thấy toán Long Thành lên, tôi đi tìm họ, trước hết rẽ bên phải ngã tư Chơn Thành, về hướng đông là Minh Thành, đi tới tối vẫn không tăm hơi, ngày sau đi về hướng tây, tôi gựt mình vì bên tây là Minh Thạnh, tối tăm mặt mày, đầu óc lùng bùng, giờ không nhớ anh em đã nói cưa tại Minh Thành hay Minh Thạnh!? Đi mãi hỏi người dân cho biết sắp tới Bưng Biền Tây Ninh! Trời chạng vạng sợ qúa, bụng đói ở đây hơn cây số mới thấy nóc nhà, tôi vào kể lể, ông chủ nhà cho một tô miếng chỉ có váng dầu, hay mở heo, ăn thật ngon, cảnh tượng qúa hoang sơ, tiêu điều, ông chủ cho biết trước 75 hành nghề đạp xích lô, ông từ Sài Gòn đi kinh tế mới, dở sống dở chết, muốn trở lại Sài Gòn cũng không được, nhà cửa không còn, ở đây thì khốn nạn, nhìn nhà cửa cheo leo, tôi hỏi: Sao ông ở đây một mình? Ông nói vợ con về thành phố móc bọc, ngủ vĩa hè, nhìn ra sân thấy ngôi mộ mới đắp, chân nhang còn màu đỏ tươi, đoán người qua đời chắc chưa lâu, hỏi mộ ai kia, ông nói đứa con gái mới 6 tuổi, chết vì sốt rét! Tôi ngao ngán dời gót, xin ghi ơn lòng tốt của ông.

Thật không hiểu đất trời linh thiêng thế nào, trên đường rừng, chỉ một lối mòn lu mờ, cây cỏ rậm rạp, trời lại sập tối, tôi lại nhặt được một cuộn tiền! Không dám đếm, vừa lo ai đó tìm lấy lại, vừa sợ tưởng như ma trêu mình, vì không có tiền này, không biết lấy gì đi xe về nhà!

Về đến Long Thành, tôi đưa anh bộ đội đi làm củi trong Suối Quýt, sáng sớm cưa, chiều hai anh em thồ ra sắp vào sân của một chủ vựa kiêm luôn bán tạp hóa, sau khi họ đo đạt ghi sổ, chúng tôi mua thuốc lào, mì tôm, gạo và các thứ khác, mua xong họ cũng ghi sổ nợ. Thấm thoát trời sang xuân, bấy giờ dân tình còn nghèo xơ xác, nhưng tết cổ truyền vẫn luôn ấp ủ trong tâm hồn mọi người, càng ngày không khí tết càng siết vòng vây, làm ai nấy bồn chồn, trên khuôn mặt anh bộ đội có vẻ trầm lắng, không mơ màng tết nhất, có lẽ từ lâu anh không thấy mùa xuân, nên đã quen. Một hôm sau khi suy nghĩ, tôi nói: Còn độ ba tuần nửa tới tết, anh có muốn về quê không? Hay anh muốn ăn tết trong Nam, được như thế gia đình tôi vui lắm, anh nói ngay: Tôi muốn về qúa chú ơi, chắc giờ này gia đình, bà con tôi đang trông đợi dữ lắm.

Chiều hôm ấy anh em chúng tôi thồ củi ra sớm, kết toán sổ sách, số tiền còn lại cũng kha khá, tôi giữ một ít, đưa tất cả cho anh, anh khẳng khái không nhận và tự chia số tiền làm bốn phần, một phần trừ lưỡi cưa cá mập, một phần xe thồ, hai phần này anh bảo của tôi, sau đó còn hai phần anh lấy một phần gọi là tiền công, tôi thêm một phần tiền công nửa bằng với của anh.

Tranh luận thêm chỉ mất thì giờ, anh em chúng tôi đèo nhau về Long Thành, nhờ mẹ tôi phân nói hết lời anh mới chịu nhận 2 phần tư số tiền.

Hôm sau tôi chở mẹ tôi đi chợ, làm cơm đãi anh về Bắc, và mua cho anh vé xe Sài Gòn, lúc về thấy anh nằm xây mặt vào vách, tưởng đâu anh ngủ, khi nghe soạn đồ chợ sột soạt anh vùng ngồi dậy hai mắt ướt sũng, đỏ hoe. Tôi nói đùa: Ngày mai, ngày mốt gặp chị với mấy cháu, lâu lắc gì mà anh khóc, anh lắc đầu vừa đưa cuốn sách văn học sử vừa nói: “Giời ơi chú biết không, cái ông Nguyễn Khuyến này cùng làng vơí tôi, thế mà bao nhiêu năm nay tôi nào có biết!” tôi mạng phép hỏi anh thời trẻ có đi học không? Anh lớn tiếng: Có chứ sao không chú, tôi học lớp 10 đấy. Thế anh có học môn văn không? Có cả đấy, nhưng chúng nó dạy toàn đồ kít gì không à, toàn là Tố “Hiểu” với thơ bác, đố chúng nó có dạy gì như sách Miền Nam. À còn nữa, chú là lính Sài Gòn phải không? Tôi xem ảnh chú rồi, trên kia…Anh chỉ tay lên đầu kệ sách, nơi để cuốn album, tôi cười khà khà, đúng, tôi là lính “Sài Gòn” anh nói: Tiên sư cha cúng nó tuyên truyền lính Sài Gòn ăn thịt người, hiếp dâm, cướp của…

Tôi pha ấm trà, mời anh ra gốc cây vú sữa tâm tình, tôi nói: Chúc mừng anh tìm được đồng hương của anh trên đất Miền Nam nầy, một đồng hương danh giá, tiếng tăm lẫy lừng, còn người lính Sài Gòn, vì sao anh nghĩ họ tốt? Anh nói: Thời gian qua tuy không nhiều ngoài tôi (Bút) ra, trong lúc cưa củi anh gặp nhiều anh em khác cũng lính Sài Gòn, họ rất dễ thương và hầu hết đều học thức, tôi nói anh gặp một ít người tốt, có học thức chưa chắc cả triệu quân nhân đều như vậy, mai đây nếu anh gặp nhiều người xấu, anh sẽ thay đổi cách nhìn hay sao? Tôi xác nhận với anh rằng lính Miền Nam nhiều người phạm tội như trên, quân lao nhốt thiếu gì. Có điều anh cần ghi nhớ chính phủ Miền Nam rất tốt, họ chủ trương dân giàu nước mạnh, không tước đoạt tài sản của bất cứ ai. Còn các anh bộ đội tới đâu cũng giúp dân lợp nhà, chẻ củi, quyét tước sạch sẽ, cây kim sợi chỉ của dân cũng không lấy. Nhưng khi cướp được chính quyền, đảng các anh lấy sạch, từ tài sản tới vợ con của người ta. Cái xấu của lính Miền Nam, cái xấu ngoại lệ mà rất thông thường, cái xấu không có chủ trương từ chính phủ. Trái lại còn bị pháp luật trừng trị, hơn nữa các anh ở trong rừng không va chạm với người dân, lính Miền Nam sau chuyến hành quân về phố làm sao tránh khỏi, nếu thay đổi vị trí chắc các anh cũng không hơn gì. Ngày nay hai năm rõ mười….Tóm lại hai anh em chúng tôi cạn bình trà, hết bịch thuốc lào và tố Cộng tơi bời!

Anh về Bắc gởi thư vô, tôi hồi âm, tất cả 18 cái thư của anh từ Yên Đổ, Hà Nam tiếc rằng đời cơ cực tiếp nối, dời nhà hoài không giữ được kỷ vật của người anh bộ đội sinh năm 1947, cấp bậc Thượng Úy.

Tôi thường kể về anh với bạn bè, hy vọng anh cũng như vậy, mong con cái, hoặc người thân của anh đọc bài nầy. Biết đâu chừng “trái đất tròn” anh em mình gặp nhau.

Phàm là người khi giáp mặt sự thật, bắt buộc phải thay đổi suy nghĩ của mình, cho dầu Cộng Sản có hàm hồ, gian ngoa nhồi nhét cỡ nào thì sự thật cũng vẫn là ánh sáng soi đường.

Anh em khác chuyến tuyến còn cảm thông được nhau, lẽ nào mình cùng hoàng cảnh tha phương tỵ nạn Cộng Sản, chỉ vì khác nhau cách hành động tranh đấu, cứ chụp mũ nhau hoài. Thiết tưởng người am hiểu sâu sắc chính trị, người có nhiệt tâm tranh đấu cho quê hương đâu có làm như vậy? Họ là cá nhân, là đoàn thể, gọp chung họ chỉ là người, chưa phải là thánh, lý nào không có điều sai, cái sai đó không thể nâng ngang tầm với quân thù Việt gian Cộng Sản được.

Ông Bút.

Không có nhận xét nào: