Chế độ độc tài cộng sản đã thống trị trên toàn cõi Việt Nam được 36 năm. Từ người Việt đến người ngoại, từ người không cộng sản đến người cộng sản sáng suốt, mọi người đều nhận thức được rằng, thể chế độc tài đó kềm hãm sự phát triển đất nước và con người về mọi mặt: kinh tế, khoa học kỹ thuật, xã hội, văn hoá, truyền thống dân tộc vv… Đặc biệt „nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“ được đảng cộng sản Việt Nam „nhào lặn“ nhằm củng cố quyền lực của họ là mầm mống của bất công, của bóc lột, của tệ nạn xã hội và của tham nhũng.
So với các dân tộc trên thế giới Việt Nam là một trong những dân tộc nghèo nàn nhất thế giới về vật chất cũng như về tinh thần. Theo các chuyên gia về chính trị học cũng như thực tế đã chứng minh rằng, bất mãn với môi trường và điều kiện sống hiện tại là nguyên nhân thúc đẩy người dân với mọi phương cách thực hiện cho bằng được một cuộc cách mạng thay đổi hoàn cảnh sống cho dù phải hy sinh mạng sống. Tại sao không có một cuộc cách mạng xảy ra tại Việt Nam khi người dân Việt phải lây lết sống trong một môi trường không đủ tiêu chuẩn cho con người? Nhiều Tôn Giáo bị nhà nước bức tử, nhiều Vị lãnh đạo bị bắt bớ cầm tù ngoài một vài chống đối đơn lẻ tại sao không có những đối kháng to lớn, nổi bật làm giảm uy tín chế độ? Tại sao hàng triệu người dân bị nhà nước và cán bộ cướp nhà cướp đất khiến họ phải sống „màn trời, chiếu đất“ nhưng vẫn can tâm chịu đựng không cam đảm „trống mái“ với giai cấp thống trị một phen? Tại sao những vi phạm quyền làm người xảy ra thường nhật tại Việt Nam và là chuyện đương nhiên dưới sự bảo hộ của luật pháp nhưng không được thế giới quan tâm bằng những vi phạm nhân quyền tại Cuba hoặc Iran? Tại sao những vi phạm nhân quyền có tầm vóc, như Bát Nhã, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Cù Huy Hà Vũ vv…, không được vận dụng một cách triệt để và lâu dài trong công việc vận động sự ủng hộ Liên Hiệp Quốc, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ?
Sau đây là một vài biện pháp then chốt mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam dùng để kiểm soát dân chúng và kềm chế lực lượng đố kháng nhằm duy trì quyền lực:
- Dùng dân kiểm soát dân, gây chia rẽ nhân dân: nhiều nơi hàng xóm phải báo cáo hành động trong ngày của nhau với công an. Với biện pháp này nhà nước không những chỉ kiểm soát được việc làm của người dân mà còn gây nghi ngờ giữa người dân với nhau. Qua đó người dân khó tạo được sự liên kết với nhau.
- khuyến khích người dân, đặc biệt là giới thanh niên ăn chơi sa đọa, nhậu nhẹt để không còn thời gian quan tâm đến tình hình đất nước,
- dung túng cho quan chức tham nhũng, hối lộ để họ bảo vệ chế độ,
- đàn áp, bắt giam, kết án những người nhận thức được lẽ phải, can đảm lên tiếng đòi hỏi chính quyền phải hành động vì ích nước, lợi dân.
- vv…
Tại hải ngoại, thành viên của lực lượng độc lập với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phân tán ra nhiều đoàn thể, đảng phái. Phần lớn các đoàn thể, đảng phái thiếu chiến lược đấu tranh hữu hiệu, thiếu kế hoạch cùng chương trình đào tạo và phát triển thành viên, thiếu hoạch định chương trình hành động cụ thể (cho ngắn hạn, trung hạn). Thêm vào đó đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tìm mọi cách làm suy yếu lực lượng độc lập bằng cách gài người, mua chuộc nhân sự, ly gián các tổ chức và thành viên các tổ chức với nhau vv…
Do không được đào tạo và học tập thường xuyên nên phần lớn thành viên thuộc lực lượng dân chủ tại hải ngoại suy nghĩ, quyết định và hành động thường không không đạt được hiệu quả nhiều cho phong trào dân chủ.
Đào tạo, huấn luyện thành viên là công tác hàng đầu của một tổ chức. Công việc này quyết định sự sống còn của tổ chức và đóng vai trò then chốt trong việc đạt mục đích chung.
Nếu thành viên của tổ chức được thường xuyên trao dồi tình yêu nước, thương dân họ sẵn sàng quên mình và hành động quyết liệt hơn để đạt mục đích chung là giành lại dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt, cho dù có phải hy sinh tính mạng.
Thành viên được rèn luyện tốt về phương thức đấu tranh sẽ nhận thức ra được rất nhiều phương tiện chiến đấu mà họ va chạm hàng ngày. Họ sẽ phân tích, gạn lọc và tận dụng những phương tiện đó và sẽ không còn nguyền rủa nhau là „hoà hợp, hoà giải“ hay „chống cộng cuội“ mà họ sẽ thấy rằng, người „đồng chí“ của mình đang tận dụng khéo léo những phương tiện vừa được khai thác. Mặt khác, lòng yêu nước và lập trường đấu tranh vững chắc giúp họ sáng suốt nhận diện được ai là „bạn“ và ai là „thù“. Do đó địch khó len lỏi vào các tổ chức dân chủ hơn.
Thành viên được rèn luyện tốt về dân vận chắc chắn sẽ có hành xử khéo léo với mọi thành phần dân chúng từ em bé đến cụ già, từ anh chị công nhân đến vị giáo sư đại học, giám đốc xí nghiệp. Qua đó tổ chức và phong trào dân chủ thu hút nhiều người tham gia hơn và mục đích được đề ra sẽ dễ đạt hơn.
Tại Việt Nam người dân không được phép tiếp cận với các nguồn thông tin độc lập nên phần lớn không so sánh được môi trường sống của họ hiện nay với các dân tộc khác các nước trên thế giới. Đồng thời như đã được nêu ở phần trên, để bảo vệ quyền lực của mình đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đeo đuổi chính sách „ngu dân, chia rẽ và kềm kẹp người dân“ do đó người dân trong nước khó có thể liên kết được với nhau.
Bất công xã hội, tham nhũng tràn lan, sự kiện bán đất, bán biển cho giặc Tầu, những lỗi lầm lớn của nhà nước trong việc điều hành đất nước đặc biệt về phương diện kinh tế vv… đồng thời điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài, với các nguồn thông tin độc lập ngày một dễ dàng hơn đã giúp người dân, đặc biệt là giới trí thức, thấy được hệ thống chính trị Việt Nam ngày nay là nguyên nhân của lạc hậu, nghèo đói và của bất công. Hệ thống chính trị đó từ hàng chục năm qua đã đưa đẩy dân tộc Việt xuông hố sâu thăm thẳm, ly cách với thế giới loài người tiến bộ. Vì trách nhiệm với quê hương, với dân tộc ngày càng nhiều người can đảm lên tiếng đòi hỏi đảng cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền tự quyết cho toàn dân vì đất nước là của hơn 88 triệu con dân Việt chứ không hề của riêng những người tự xưng là cộng sản nhưng trên thực tế là những tên tư bản kếch sù chỉ dùng chủ nghiã cộng sản là phương tiện làm giầu cho bản thân và cho phe nhóm bằng cách bóc lột công nhân và người lao động tinh vi và có hệ thống.
Thế lực các nước lớn trên thế giới được cân bằng do sự kềm chế lẫn nhau. Trung quốc đã trở thành nước có GDP cao thứ nhì trên thế giới do dân số cao đến 1,3 tỉ dân. Là một quốc gia có nhiều xí nghiệp quốc doanh nhà nước Trung quốc quản lý rất nhiều vốn do đó họ có khả năng dùng tiền để ảnh hưởng thế giới, đặc biệt là nước láng giềng Việt Nam với tham nhũng tràn lan nên chính quyền dễ mua chuộc.
Hoa kỳ hiện nay phải tập trung giải quyết những khó khăn trong nước, đặc biệt những khó khăn về kinh tế là hậu quả của cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng vừa qua nên họ không có nhiều thời gian cho công việc kềm chế Trung quốc. Đồng thời, Hoa kỳ đã gần 20 năm qua phải mượn nợ nước ngoài để chi phí cho cán cân thương mại vì họ nhập khẩu từ nước ngoài nhiều hơn xuất khẩu qua quốc gia khác. Chủ nợ của Hoa kỳ trong thập niên 90 là Nhật và ngày nay là Trung quốc. Hoa kỳ qua đó không thể hành xử một cách tự do được.
Chiều hướng hiện nay cho thấy, thế lực của Trung quốc sẽ còn tiếp tục bành trướng và Việt Nam sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào Trung quốc nếu không có một cuộc cách mạng xảy ra gần đây nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Tốt đẹp nhất cho dân tộc Việt là đảng cộng sản Việt Nam tự nguyện ly gián với chính thể hiện nay là nguyên nhân chính lệ thuộc vào Trung quốc, chấp nhận một chính thể dân chủ, đa nguyên. Trong trường hợp này, đảng cộng sản Việt Nam sẽ tự cứu mình và xoá đi những trang sử đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt mà họ đã ghi lên trong hàng chục năm qua. Tỷ lệ diễn tiến nêu trên được xảy ra gần như là con số không vì quá khứ đã cho thấy giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngày nay không phải là thành phần yêu nước mà chỉ là người ham quyền lực và tiền tài!
Cách thứ hai là người dân trong nước đồng lòng nổi lên giành lại quyền quyết định vận mạng đất nước. Biện pháp này đòi hỏi kế hoạch tinh vi và nhiều hy sinh mà các dân tộc Tunisia và Ai Cập đã từng phải trả!
Nhiều bài viết khẳng định là „người Việt vị kỷ“! Tác giả cho rằng tính chất đó là hậu quả của sự bất tín nhiệm của người dân vào chính quyền điều hành xã hội, đặc biệt là mục đích của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam nhằm chia rẽ tình liên đới giữa người dân với nhau. Tính chất này có thể thay đổi nếu mọi người nhận thức được, quyền lợi của bản thân mình, của gia đình mình gắn liền với quyền lợi của xã hội, vì nước có giầu thì dân mới mạnh. Để có thể nhận thức được điều nêu trên một cách nhanh chóng mỗi con dân Việt cần phải ôn lại các bài học yêu nước mà chúng ta đã từng được học thời niên thiếu. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tác giả cũng đã được dạy yêu nước và luôn ghi nhớ 4 câu thơ của Chế Lan Viên:
„Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,.
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng.
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…“
Chúng ta sẽ gần nhau hơn nếu chúng ta cùng thực sự yêu một Tổ Quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ giải thể thành công chế độ độc tài hiện nay và xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, giầu mạnh và công bằng một cách nhanh chóng, nếu mọi con dân nướcViệt đều suy nghĩ, quyết định và hành động trên nền tảng ích lợi của Tổ Quốc Việt Nam.
Ước mong sẽ có rất nhiều bài viết về tình yêu quê hương cùng trách nhiệm người công dân trước tình trạng đất nước hiện nay, đặc biệt được phổ biến rộng rãi trong quốc nội để đánh thức người dân Việt Nam bị chế độ đưa vào giấc ngủ triên miên từ chục năm qua.
Nguyễn Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét