Mặc Lâm (RFA) - Lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra, trường Đại học Hoa Sen tuyên bố tổ chức cuộc thi sáng tác logo chống đối Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Thế nhưng chỉ trong vòng một tuần lễ, cuộc thi này đã bị đình chỉ.
Qua những hình ảnh đau thương của bà con ngư dân Lý Sơn kiên quyết bám biển bất chấp sự tàn hại của Trung Quốc, người Việt khắp nước xốn xang vì tình nghĩa đồng bào và đã có những quyên góp cứu giúp ngắn hạn mỗi khi tàu đánh cá của huyện đảo này bị tàu Trung Quốc bắt hay tấn công.
Những đóng góp riêng lẻ này không thể hàn gắn nổi mất mát của ngư dân khi sự bao vây của Trung Quốc ngày một hẹp lại. Muốn ngư dân bám biển, không cách nào khác hơn là tạo được sự quân bình trong đời sống để họ yên tâm ra khơi, vừa đánh bắt cá vừa trông chừng kẻ lạ vào nhà.
AFP photo - Đoàn tàu đánh cá của ngư dân Phan Thiết, Bình Thuận
Nỗi đau của ngư dân
Tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị đã đi tiên phong nhận trách nhiệm tổ chức quyên góp nhằm giúp đỡ bà con ngư dân huyện đảo Lý Sơn trong tinh thần này. Người dân khắp nước chắc chắn sẽ thêm một lần có cơ hội chung tay trực tiếp giữ gìn biển đảo qua mỗi đóng góp, dù ít hay nhiều cho chương trình này.
Là một trí thức canh cánh với những nỗi đau của người ngư dân, TS Nguyễn Quang A có cái nhìn xa hơn, và với ông thì Đường lưỡi bò chính là nguyên nhân gây tai họa cho người dân nghèo khó Lý Sơn. Trung Quốc đã chuẩn bị Đường lưỡi bò tai ác này từ nhiều chục năm qua để hôm nay có cớ ngăn cấm người ngư dân Việt hành nghề trên vùng biển của quê hương mình.
TS Nguyễn Quang A đề nghị in 20 triệu áo, mũ có in chữ hay logo chống đối Đường lưỡi bò với lòng tin rằng khi người dân cả nước nhận ra biểu tượng này cũng chính là lúc khuấy động tình yêu nước của một số lớn người dân chưa có thông tin về việc cướp tàu lấn biển của Trung Quốc. TS Nguyễn Quang A kể lại việc này như sau:
"Thực sự đấy là sáng kiến của Sài Gòn Tiếp Thị. Họ vận động một phong trào góp tiền để giúp bà con ngư dân giữ biển. Thật sự biên cương đất nước có giữ được không là nhờ người dân. Biển có giữ được hay không là nhờ ngư dân.
Ý kiến của tôi chỉ là một phần của chương trình lớn của Sài Gòn Tiếp Thị. Tôi nghĩ rằng cốt lõi nhất là cái lưỡi bò đang hại bà con ngư dân. Nó gây khó khăn cho bà con ngư dân đấy là cái đòi hỏi đường lưỡi bò rất là phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Bây giờ nếu mà có một phong trào tuyên truyền rộng rãi trên khắp thế giới về đòi hỏi đường lưỡi bò của Trung Quốc là phi pháp thì sẽ góp phần giúp bà con nông dân hữu hiệu nhất.
Không phải bằng tiền mà sẽ khôi phục lại môi trường làm ăn từ hàng ngàn năm nay của bà con ngư dân, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn Philippines, Malaysia, Indonesia nữa."
Chung tay giữ nước
Nguời dân biểu tình ở Hà Nội hôm 05/6/2011 phản đối đướng lưỡi bò phi pháp. AFP photo
Sau khi ý kiến của TS Nguyễn Quang A công bố rộng rãi trên các trang blog quen thuộc thì trường Đại Học Hoa Sen ra một thông báo kêu gọi sinh viên tham gia cuộc thi sáng tác logo có nội dung chống lại Đường lưỡi bò với những giải thưởng tương đối lớn.
Đây là lần đầu tiên một trường Đại học phía Nam nhập cuộc vào phong trào chống Đường lưỡi bò của Trung Quốc. Động thái này vượt qua sự cấm đoán sinh viên tham gia vào các sinh hoạt chống Trung Quốc như biểu tình hay viết blog đang bao trùm các trường đại học khác sau khi các vụ biểu tình đầu tiên nổ ra từ ngày 5 tháng 6 vừa qua.
Chẳng những sinh viên đại học Hoa Sen phấn khích mà sinh viên của những trường khác cũng rục rịch chuẩn bị dự thi. Không phải giải thưởng hay bằng khen thúc đẩy họ vào cuộc mà chính bầu nhiệt huyết của họ sôi lên khi nghĩ tới tương lai mong manh của đất nước trước bóng đen Trung Quốc. Góp một bàn tay, một ý tưởng vào công cuộc chung là niềm hạnh phúc của rất nhìêu bạn trẻ, hơn nữa đây là cuộc thi do một trường đại học chính thức tổ chức thì còn gì bằng.
TS Nguyễn Quang A nhận xét về những mẫu Logo chống Đường lưỡi bò đã được nhiều hoạ sĩ Hà nội sáng tác nếu được phổ biến rộng rãi trong dân chúng thì kết quả sẽ rất bất ngờ, ông nói:
"Tôi phải nói thật là trước khi trường Hoa Sen có sáng kiến làm cuộc thi logo như vậy thì đã có rất nhiều hoạ sĩ vẽ những biểu tượng rất đẹp chẳng hạn như hoạ sĩ Văn Sáng ở Hà Nội. Hoạ sĩ biếm hoạ rất nổi tiếng không những tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới là Lý Việt Dũng. Kiến trúc sư Võ Thành Lân ở Sài Gòn đã tham gia rất tích cực và tôi nghĩ rằng họ đã đóng góp những biểu tượng hết sức xúc tích, ngắn gọn nói lên được điều phản đối về đường lưỡi bò."
Niềm vui sớm tắt
Niềm vui về cuộc thi logo chống Đường Lưỡi bò của mọi người chưa được bao lâu thì bẽ bàng đã ập tới. Sáng ngày Thứ Tư 5 tháng 7 vừa qua, một người trong Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác logo đã viết tin nhắn gửi cho một thành viên của Ban Giám khảo rằng cuộc thi có sự thay đổi vào phút cuối nên tạm thời ngưng không phát tán tin tức về cuộc thi này nữa.
Mẩu tin nhắn này lập tức được cư dân mạng loan tải và kết quả dễ thấy nhất là cảm giác chán nản phát ra từ những người đang kỳ vọng một sự thay đổi thái độ của nhà cầm quyền. Giáo Sư Hà Văn Thịnh là một trong hàng ngàn người hiểu chuyện cho biết cảm giác của ông:
"Tôi đọc báo nên đã biết rồi. Sự việc Hoa Sen thật đáng buồn vô cùng. Mặc dù tôi không đồng ý cái gạch chéo đó trên đường lưỡi bò hai lần chạm tới lãnh thổ Philippines. Chắc chắn là có sự áp lực, chính quyền cấp nào tôi không biết nhưng chắc chắn là có áp lực, điều đó là đáng buồn! Bởi vì sao? bởi nó thể hiện một sự xốn xang vì nhân nhượng quá mức độ của những người có trách nhiệm, khi không cho người dân thể hiện lòng yên nước. Bởi vì lòng yêu nước trong thời buổi này phải mua, phải bán, phải sợ hãi thì có lẽ trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ được chứng kiến cả."
TS Nguyễn Quang A cũng nghi ngờ về tác động phía sau của một thế lực nào đó, mà ông muốn tránh dùng danh từ nhà nước, sẽ nhanh chóng bị đào thải vì họ chỉ lá số ít mà nhân dân có tới hàng triệu người, ông nói:
"Tôi nghĩ rằng một tổ chức nào đó làm. Thực sự phải nói rằng cũng có những lực lượng phản động này phản động kia họ tìm cách cản trở việc làm chính đáng của tổ chức này hay tổ chức nọ, nhưng cái tinh thần tôi muốn nêu lên là hàng trăm ngàn người hay triệu người tham gia vào cái đó tôi nghĩ không có một lực nào cản trở được cả."
Những thao thức của trí thức, những cuồng nhiệt của thanh niên cùng sự tin tưởng keo sơn vào tinh thần yêu nước chung của mọi con dân Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua được tất cả các thế lực muốn độc quyền trao đổi riêng với phương Bắc bất kể hậu quả lâu dài gây ra cho dân tộc.
Mặc Lâm
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anti-u-shape-story-ml-07062011173411.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét