Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Bắc Kinh dùng tiền mua chuộc sự im lặng của các nạn nhân của sự bất công

Minh Anh - RFI - điểm báo
Cũng tại Trung Quốc, nhưng đề tài xã hội lại là mối bận tâm của tờ Libération. Vụ cưỡng chế phá thai hai phụ nữ đã mang thai đến tháng thứ 7 và thứ 8 hay như vụ một nhà đối lập bị sát hại trong thời gian vừa qua đang làm dấy lên sự bất bình trong dân chúng. Để bịt miệng người dân, báo Libération cho biết chính quyền Bắc Kinh ưu tiên giải pháp « hỗ trợ tài chính » để mua chuộc sự im lặng. 

« Bắc Kinh dùng cây gậy và củ cà rốt » là tựa đề của bài viết. Theo thông tín viên Philippe Grangereau tại Bắc Kinh, « bất kể là họ đúng hay sai, thì những kẻ cứng đầu nhất thường kết thúc bằng việc rơi vào tay công an. Nhưng khi nạn nhân của sự bất công, những người đi kiện chính quyền, chấp nhận hòa giải, thì Bắc Kinh thích dùng tiền để mua chuộc sự im lặng ».



Điển hình là vụ cô Phùng Giản Mỹ, bị cưỡng chế phá thai ở tháng thứ 7. Vụ việc gây nổi đình nổi đám tại Trung Quốc. Thế nhưng, vụ việc đã được dàn xếp êm đẹp sau khi vợ chồng cô nhận được một cái séc trị giá 70 600 nhân dân tệ (tương đương với 8 825 euro). Vấn đề là số tiền này không được nhận dưới hình thức tiền bồi thường thiệt hại mà là dưới dạng tiền « trợ cấp ». Gia đình nạn nhân ký một hợp đồng có ghi rõ không được tiếp xúc giới báo chí.

Trên thực tế, cưỡng chế phá thai được quy định rõ trong luật pháp và được áp dụng rất rộng rãi tại Trung Quốc. Bị đe dọa, vợ chồng cô Phùng Giản Mỹ đã tìm cách liên hệ được với một luật sư tại Bắc Kinh để kiện chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, các tòa án tại Trung Quốc vốn không độc lập và đơn kiện của họ đã bị tòa án Trấn Giang từ chối. Do đó, chỉ còn một giải pháp duy nhất là phải chấp nhận tiền « trợ cấp » để đổi lấy sự im lặng.

Theo luật sư Trương Khải, « nhìn chung, các nạn nhân không hiểu rõ quyền lợi của mình. Họ chỉ nghĩ đến chuyện làm sao xin được ít tiền bù lại từ chính phủ ». Một lý do nữa là, nếu tòa án chấp nhận đưa ra một phán quyết có lợi cho phía nạn nhân, thì điều này có khả năng châm ngòi cho một làn sóng hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu đơn kiện khác. Một cơn ác mộng cho Bắc Kinh. Trong trường hợp này, chính quyền ưu tiên cho giải pháp mở rộng hầu bao.

Trong các trường hợp hiếm hoi, đảng Cộng sản Trung Quốc cho tiền rất hậu hĩnh. Tác giả nhắc lại vụ dân làng Vũ Hán, thuộc tỉnh Quảng Đông. Vào năm 2011, 13 ngàn dân làng đã nổi dậy chống lại chính quyền địa phương tham nhũng, muốn chiếm đoạt đất đai. Các quan chức địa phương đã bị dân tống cổ ra khỏi làng. Và trong nhiều tuần liền, người dân đối đầu chống lực lượng an ninh dưới sự chứng kiến của các nhà báo. Sau đó, người đứng đầu làn sóng bạo động, ông Tuyết Tân Ba đã bị công an bắt giữ và chết ngay tại đồn công an do bị đánh đập.

Nhằm đối phó với việc loan tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cuối cùng chính quyền Trung Quốc cũng chấp nhận một cuộc bầu cử « dân chủ », đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đồng thời, chấp nhận bồi thường cho gia đình ông Tuyết Tân Ba một số tiền lớn chưa từng có : 3,8 triệu nhân dân tệ, với điều kiện con gái ông Tuyết Tân Ba không ra tranh cử, không kiện những viên công an đã đánh chết cha cô, cũng như việc thi thể ông Tuyết Tân Ba không được chôn cất trong làng, do e sợ mộ phần của ông sẽ biến thành điểm tụ tập.

Một điểm kỳ lạ là bản hợp đồng mà Liberation có dịp được xem qua đã không ghi rõ nguyên nhân gây tử vong, ngoài thông báo chính thức là bị đột quỵ và cũng không có một dòng xin lỗi. Tác giả bài viết nhận xét rằng, đối với chính quyền, những kẻ đi mua công lý, thì coi như sĩ diện đã được cứu vãn.

Không có nhận xét nào: