Pages

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Bàn cờ chiến lược ở Đông Á


Oliver Hensengerth Gửi cho BBCVietnamese.com từ Newcastle, Anh quốc
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Phnom Penh
Bà Hillary Clinton đã quan tâm Đông Nam Á từ khi làm ngoại trưởng
Chuyến thăm cao cấp của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Đông Nam Á tuần này theo sau tuyên bố đầu năm của chính quyền Obama về chính sách “chuyển hướng về châu Á”.
Nhưng ba năm trước chính sách “chuyển hướng” này, bà Hillary Clinton đã thiết lập quan hệ đối tác quan trọng về chiến lược với vùng này rồi. Đó là Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong với Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan.


Hợp tác Hạ nguồn sông Mekong
Tập trung vào sự hợp tác trong môi trường, sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng, Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong là phương tiện quan trọng thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ.
Nó ra đời tháng Bảy 2009, khi bà Clinton đến Thái Lan. Tại đó, bà ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Asean, và công bố Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong – tất cả cùng trong một ngày. Cuộc họp đầu tiên trong Sáng kiến này diễn ra ở Phuket hôm 23/7/2009.
Cũng cần nhắc lại, vào tháng Ba 2010, Đối thoại Mỹ – Lào lần thứ ba được tổ chức, với sự có mặt lần đầu tiên của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell, người cũng đồng chủ trì cuộc họp lần sau vào tháng Sáu năm nay. Các lần đối thoại trước đó năm 2006 và 2008 chỉ có phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ dự.
Năm 2010, bà Clinton có hai ngày ở Campuchia, đánh dấu chuyến thăm lần đầu của một ngoại trưởng Mỹ từ khi Colin Powell dự Diễn đàn Khu vực Asean năm 2003.
Như vậy, chuyến công du Đông Nam Á hiện tại của bà Clinton vẫn là một phần của chính sách tăng cường quan hệ của Mỹ với khu vực hạ Mekong.
Chuyến thăm Lào
Tuần này, chuyến thăm Lào của bà Clinton cũng ghi dấu lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ thăm nước này sau 57 năm.
“Lưu vực hạ Mekong thuộc khu vực mà Trung Quốc từ lâu xem là thuộc trung tâm an ninh quốc gia, vì các đại cường nước ngoài từng thiết lập đế chế và tiền đồn ở đó.”
Việc tái củng cố quan hệ với Lào và Campuchia nhằm thảo luận các vấn đề song phương hóc búa, đặc biệt là rà phá bom mìn chưa nổ ở Lào và khoản nợ 440 triệu đôla mà Campuchia còn nợ Mỹ từ thời chính phủ Lon Nol.
Nhưng nó cũng có một mục tiêu lớn hơn, là chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nhà tài trợ lớn thứ hai của Campuchia, chỉ sau Nhật Bản. Ở Lào, Trung Quốc cũng luôn nằm trong ba nhà đầu tư lớn nhất, bên cạnh Thái Lan và Việt Nam. Thế hệ lãnh đạo trẻ hơn của Lào ngày càng nhìn sang Trung Quốc thay vì Việt Nam, xem đó là nguồn tăng trưởng kinh tế. Còn Campuchia đã mở cửa cho cả tài trợ và đầu tư Trung Quốc, trong khi phê phán việc phương Tây đặt điều kiện khi viện trợ.
Cần biết rằng chính phủ Campuchia và các nhà tài trợ phương Tây, nhất là World Bank và Mỹ, đã mâu thuẫn nhiều năm quanh các dự án ở Campuchia. Ví dụ, World Bank, vào tháng Tám năm ngoái, đóng băng tiền vay cho Campuchia vì các vụ trục xuất người dân ở vùng hồ Boeung Kak ở Phnom Penh. Tháng Sáu năm nay, bà Hillary Clinton công khai kêu gọi Campuchia thả 13 phụ nữ còn bị giam sau khi biểu tình ở vùng hồ Boeung Kak. Nhưng có vẻ Thủ tướng Hun Sen không lo ngại. Có tin nói ông này tuyên bố mình chẳng lo mất tài trợ của phương Tây vì Campuchia hứng thú hơn với các khoản vay không điều kiện của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã công bố Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, vì vùng này có tầm quan trọng chiến lược ngày thêm quan trọng. Lưu vực hạ Mekong thuộc khu vực mà Trung Quốc từ lâu xem là thuộc trung tâm an ninh quốc gia, vì các đại cường nước ngoài từng thiết lập đế chế và tiền đồn ở đó.
Trung Quốc và Hoa Kỳ tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á 

Ảnh hưởng Trung Quốc
Hồi tháng Tư năm nay, khi hội nghị Asean tổ chức ở Phnom Penh, ban đầu Campuchia không đặt vấn đề Biển Đông vào nghị trình – nghe nói là vì Trung Quốc yêu cầu. Nhưng do sức ép của các nước khác trong Asean, Phnom Penh sau đó đưa vấn đề vào ngày cuối cùng của hội nghị. Biển Đông cũng trở thành chủ đề quan trọng của Asean tuần này, khi cả Mỹ và Trung Quốc tham dự.
“Sự hiện diện gia tăng về chính trị, nếu chưa phải là kinh tế, của Mỹ ở Lào và Campuchia nhắc người ta về cuộc xung đột giữa mô hình quản trị độc đoán và dân chủ mà Trung Quốc và Mỹ là đại diện.”
Cho dù không phải nước lớn, Lào và Campuchia có vị trí chiến lược quan trọng. Dĩ nhiên, từ lâu Trung Quốc nhận ra điều này. Họ không chỉ gia tăng sức nặng kinh tế ở đây mà còn sử dụng các tổ chức cấp vùng. Đáng chú ý nhất, Bắc Kinh liên tục dùng Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) – với số thành viên trùng lắp với Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong – làm diễn đàn loan báo tiền viện trợ và đầu tư cho các nước.
Sự hiện diện gia tăng về chính trị, nếu chưa phải là kinh tế, của Mỹ ở Lào và Campuchia nhắc người ta về cuộc xung đột giữa mô hình quản trị độc đoán và dân chủ mà Trung Quốc và Mỹ là đại diện.
Với Việt Nam, nước này trước đó cũng đã chơi lá bài chiến lược Mỹ. Ví dụ, cứ mỗi năm từ 2003 lại có tàu hải quân Mỹ thăm Việt Nam. Nhưng Hà Nội cũng chủ động lời qua tiếng lại với Trung Quốc, như việc ký Bản Ghi nhớ năm 2011 giữa PetroVietnam và ONGC Videsh của Ấn Độ về thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Việc Ấn Độ đặt chân vào vùng biển tranh chấp, cũng tức là vào bàn cờ chiến lược ở Đông Á, khiến Trung Quốc nổi giận.
Sự từ bỏ các lô tranh chấp 127 và 128 của ONGC Videsh với l‎ý do không khả thi về kinh tế không giúp gì nhiều để quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tốt lên. Và ngay trước hội nghị ở Phnom Penh, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế chín lô dầu khí mà Việt Nam xem là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Như thế, chuyến thăm khu vực của bà Hillary Clinton diễn ra vào thời điểm bất an gia tăng. Bàn cờ chiến lược ở Đông Á lại tiếp tục.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện là giảng viên ở Đại học Northumbria, Newcastle, Anh quốc.

Không có nhận xét nào: