Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Cần lật mặt những kẻ cố tình bưng bít thông tin nhằm mục đích có lợi cho Trung Quốc



Nguyễn Thông

Thông thường tôi rất khó chịu với những cái tít dài, mà chỉ thích đặt tít ngắn, vài ba chữ càng tốt, dù viết bài đăng báo chí chính thống hay blog cá nhân đều vậy. Nhưng lần này phá lệ, phá bỏ lối riêng bởi cái tít phải dài như ở trên kia thì mới trút ngay được sự bực bội, khinh bỉ. Và có nhẽ mang cả cảm giác nếu chậm hơn một tí, một tí thôi, thì sẽ không kịp nói. Phải cho tiêu đề gánh ngay nội dung mới hả.

Nhưng chuyện gì, chuyện ra sao, đầu cua tai nheo ra sao, bình tĩnh kể nghe xem nào. Uống hớp nước đi, kể đi, đừng nóng giận quá dễ hại tâm can. Ừ thì nói.

Chả là cái vụ 4 chiếc tàu hải giám Trung Quốc vào vùng biển Trường Sa (lưu ý là Trường Sa chứ không phải Hoàng Sa nhé) thuộc chủ quyền nước ta quậy phá. Ta phái tàu cảnh sát biển ra, hai bên đấu với nhau thế nào chưa rõ, nhưng sau đó thằng Tàu công bố một cái video clip rất mất dạy. Chẳng đặng đừng, cơ quan ngôn luận chính thức của Việt Nam, tức TTXVN, đã lên tiếng cãi lại. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Còn dư luận thì bàn tán om sòm.

Vụ này, tôi thấy có điều cần trao đổi, nhất là vấn đề chủ động thông tin, trách nhiệm của người giữ vai trò cho phép mở miệng.

Trước hết cần đặt câu hỏi “tại sao khi nhà cầm quyền Trung Quốc tiến thêm một bước hung hăng bằng cách điều cùng lúc 4 tàu hải giám ra vùng biển Trường Sa của Việt Nam “làm nhiệm vụ”, tuyên bố công khai trên Tân hoa xã, trên Nhân dân nhật báo, Hoàn cầu thời báo, trên đủ loại phương tiện truyền thông, qua cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lưu Vi Dân thì về phía Việt Nam, ngoài phản ứng của ông Lương Thanh Nghị, gần như báo chí, truyền thông không có phản ứng gì tức thì?”. Có vẻ như hệ thống báo chí, thông tin nước nhà nhất nhất chờ chỉ đạo từ trên, nên rất thụ động. Người dân biết được hành động khiêu khích trắng trợn ấy của Trung Quốc chủ yếu qua báo đài nước ngoài và các mạng xã hội. Vậy thì đừng trách họ nếu thông tin bị xuyên tạc, lợi dụng.

Vùng biển quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, nếu nhà nước, quân đội Việt Nam có điều tàu cảnh sát biển hoặc tàu hải quân ra đó làm nhiệm vụ cũng là chuyện bình thường và hợp đạo lý, luật pháp, chả có gì phải giấu giếm. Sao người dân chỉ biết sự hiện diện của tàu ta sau khi video clip đểu được Trung Quốc công bố? Sự chậm trễ cố ý như thế chả khác gì nhận sai về mình, lạy ông tôi ở bụi này, làm ngay cả nhân dân trong nước lẫn dư luận, bạn bè quốc tế hồ nghi hành động chính đáng của chúng ta.

Vụ “đụng độ” giữa tàu cảnh sát biển Việt Nam với 4 tàu hải giám Trung Quốc, hầu như người dân không được biết cụ thể. Tàu VN có làm điều gì vi phạm đâu mà phải giấu? Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền ngay chính vùng biển của nước mình mà cũng phải bưng bít ư? Chả nhẽ đó là biển Trung Quốc? Và xấu hổ nhất là đợi cho đến khi Trung Quốc tung ra video clip thì những người phụ trách truyền thông của ta mới phản ứng lại một cách rất yếu ớt, chậm chạp, theo kiểu nói cho có, thậm chí hơi khôi hài: "chúng tôi bác bỏ thông tin tàu hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa". Từ vị thế chính nghĩa, chủ động, với kiểu cách thông tin như thế, VN đã tự đặt mình vào thế bị động, bị chê trách, lên án; nhường quyền chủ động, thế thượng phong cho Trung Quốc. Nếu do thói làm việc vô trách nhiệm thì sẽ không nghiêm trọng lắm, nhưng nếu ai đó cố ý trong việc này nhằm mục đích có lợi cho Trung Quốc, chúng ta cần phải lật mặt, làm rõ, lên án. Là một công dân, tôi ít nhiều vẫn còn tin rằng đảng cầm quyền, nhà nước ta có sách lược mềm dẻo, khéo léo để không đẩy quan hệ giữa hai nước đến thế đối đầu không có lợi; đang chờ thời cơ, điều kiện thuận lợi để giành lại chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà cân nhắc, chứ cứ để kẻ nào đó lộng hành, mất lòng dân như trường hợp trên thì quả là rất nguy hiểm.

Hãy học lại bài học cách đây 48 năm. Khi Mỹ liên tiếp ngày này ngày khác cho tàu khu trục Maddox vào vịnh Bắc bộ, sát bờ biển ta khiêu khích, binh chủng hải quân (khi đó chưa phải quân chủng) ngày 2.8.1964 đã điều ngay 3 tàu phóng lôi 333, 336, 339 ra đánh đuổi, mặc dù chịu tổn thất khá nặng nhưng đã bắn bị thương Maddox, đuổi được nó ra khỏi vùng biển miền Bắc. Ngay tối 2.8 và ngày 3.8, đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân đã tường thuật chi tiết, công bố thông tin, giúp nhân dân vừa nắm được tức thời mưu đồ kẻ thù, vừa cảm phục tinh thần chiến đấu hy sinh của bộ đội, khơi dậy tinh thần cách mạng, sẵn sàng chiến đấu của hàng triệu người. Đó chính là sức mạnh mềm của cách mạng mà những người được giao quyền công bố thông tin đã thấu hiểu và thực hiện xuất sắc. Họ nắm vững nguyên tắc mà bác Hồ đã chỉ đạo “luôn phải công khai và chủ động”, phải minh bạch các thông tin có lợi cho cách mạng, cho nhân dân. Có như vậy mới tạo được sự đồng lòng, đoàn kết nhất trí của toàn đảng toàn dân trong sự nghiệp thiêng liêng bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nay thì hậu sinh của họ làm hoàn toàn ngược lại. Buồn thay.

Khi tôi viết những dòng này, các cơ quan ngôn luận Trung Quốc cho biết tàu hải giám của chúng vẫn đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển quần đảo Nam Sa (Trường Sa của VN). Có lẽ nhiều người đã hình dung được cái kết cục lăng loàn như thế, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những kẻ cố tình bưng bít thông tin nhằm có lợi cho “bạn vàng”.

Ghi thêm: Tôi viết bài này xong từ tối 5.7 nhưng mãi đến khuya 6.7 mới đưa lên “cờ lốc” cá nhân được bởi các nhà cung cấp dịch vụ, chả biết theo chỉ đạo của ai, ngăn chặn quyết liệt, tôi không thể vào “nhà” mình, dù mình “có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý” về chủ quyền. Và sẽ có nhà yêu nước chân chính nào đó vặn tôi rằng cứ leo lẻo nói chặn này chặn nọ, sao vẫn đưa bài lên được đấy thôi. Xin thưa, vẫn đưa lên được, nhưng phải nhờ người am hiểu tường lửa tường nước chỉ cho cách vượt đó, chứ không thì còn dài cổ. Lẩn thẩn nghĩ, chính những “chặn tặc” này cũng cùng giuộc với bọn tay sai Trung Quốc mà tôi đã đề cập ở trên thôi. 

6.7.2012

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: