Pages

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Chuyện gì đang diễn ra?


Lê Vĩnh Trương, Quỹ Nghiên cứu biển Đông
Trích từ PLTP
Phản đối luật nước khác, đem biển Việt Nam đi mời thầu, can thiệp vào ASEAN, đưa tàu cá vào Trường Sa là những bước đi độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây.
Gần đây, Trung Quốc (TQ) lớn tiếng phản đối Luật Biển Việt Nam (VN) và sau đó công nhiên mời thầu phi pháp chín lô dầu khí thuộc vùng biển VN. Tuần vừa qua, TQ gây áp lực khiến AMM 2012 không có tuyên bố chung và những ngày này (15-7-2012) ào ạt đưa số lượng lớn tàu cá vào đánh bắt ở Trường Sa! Những hành động của TQ mang ý nghĩa nghiêm trọng đối với không chỉ chủ quyền của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến hòa bình của khu vực.

Những mưu đồ không còn che đậy
Hành động của TQ đã được thảo luận về nhiều phương diện trên truyền thông. Các học giả quốc tế, các nhà luật học VN và các giới đã có những phát biểu khẳng định tính chính đáng của Luật Biển VN và sự vô lý của lời mời thầu và hành động lấn biển quái dị của TQ.
TQ đã có bước đi quá xa trong cuộc độc chiếm biển Đông. Họ đã sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh “tổng lực” hiện thực hóa đường chữ U bằng tuyên truyền ngụy biện, bằng sức mạnh đội lốt những lời chào mời kinh tế đến giới kinh doanh dầu mỏ quốc tế.
TQ liên tục tranh chấp hóa vùng không tranh chấp để làm phai nhòa các tranh chấp quan trọng tại Hoàng Sa và Trường Sa, đánh lạc hướng quan tâm của VN và thế giới. Việc lấn sâu vào các vùng lãnh thổ của nước khác rồi sau đó sửa sai (rút ra khỏi “vùng tranh chấp”) của TQ nhằm tạo cảm giác làm an tâm giả tạo và hài lòng cho các bên khác, từ đó sẽ chiếm thế thượng phong trong giải quyết các vấn đề tranh chấp đang có. Một ví dụ cho thành công của chiến lược này của TQ là có vẻ như nay TQ đã dễ dàng hơn trong việc thiết lập cái gọi là TP Tam Sa trong khi ba năm trước bị phản đối kịch liệt từ hàng triệu người Việt khắp nơi trên thế giới.
Trước mắt, có thể chưa có công ty dầu khí quốc tế nào đánh liều hợp tác với TQ để thăm dò và khai thác trong biển VN nhưng sự việc cũng khiến các công ty muốn hợp tác với VN phải cân nhắc. Mục đích của TQ vào những lần gây sức ép có nhịp điệu, có tính toán cần phải được vạch rõ để người Việt không mất cảnh giác.
Cho đến giai đoạn hiện nay, TQ tiến từ yêu sách đến khẳng định đường chữ U tại biển Đông là “chính đáng” và sử dụng công cụ thông tin đại chúng để tẩy não dân TQ, khẳng định “chủ quyền” của mình, bóp méo sự thật. Ngoài ra, có thể nói TQ khiêu khích có hệ thống để VN giảm kiềm chế, từ đó họ có thể đánh lừa thế giới và làm lu mờ tính chính đáng pháp lý bất biến của VN tại Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.
Góc nhìn khác
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, sự kiện ban hành luật Biển của VN cho thấy khi ý chí cộng đồng của một quốc gia được luật hóa một cách hòa bình, công khai thì sẽ là một sức mạnh có tác động lớn. Pháp luật và sự thượng tôn pháp luật là một sức mạnh trong hợp lực mà kẻ mạnh phải tự vấn và quyết định trả giá nào cho việc phá luật.
Điểm tích cực mà các nhà quan sát trong và ngoài nước có thể nhận ra ở sự kiện này là kẻ mạnh TQ đã không còn cần, không còn khéo che đậy dã tâm độc chiếm biển Đông bằng các ngôn từ hữu nghị (với VN) và hài hòa (với thế giới).
TQ không coi UNCLOS, DOC là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp dù về hình thức vẫn quảng bá cho toàn thế giới về sự “trỗi dậy hòa bình” của mình bằng cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và DOC. Do vậy, các nhà đàm phán VN sẽ được trang bị tinh thần linh hoạt hơn khi xây dựng các văn bản tiếp nối như COC tại các hội nghị tiếp theo…
Khiêu khích, mua chuộc, lấn dần và hiện nay là ngang nhiên đưa đội ngư binh vào Trường Sa, có vẻ như giới chức TQ đang chịu sức ép của chính dư luận cảm tính mà mình tạo ra và để vuột khỏi tầm kiểm soát.
Công lý và thế giới đang đứng về phía VN và ASEAN. Có lẽ vẫn có nhiều góc nhìn không hẳn chỉ là tiêu cực cho những sự kiện ngang ngược của TQ. Nhưng cảnh giác thường trực và tinh thần sẵn sàng hành động của VN là điều không bao giờ thừa.

Không có nhận xét nào: