Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Clinton ‘phá bĩnh’.

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm thứ Bảy ngày 14/7 đã đăng bài xã luận chỉ trích chuyến Á du mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là gây căng thẳng trên Biển Đông.
Dưới tiêu đề ‘Sự can dự của Mỹ không có lợi cho ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương’, Tân Hoa Xã cho rằng việc Clinton ‘nhúng mũi’ vào Biển Đông ‘một lần nữa làm dậy sóng Nam Hải’.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton bị Tân Hoa Xã chỉ trích nặng nề sau khi vừa kết thúc chuyến thăm châu Á
‘Bao vây ngoại giao’

“Gây sức ép chiến lược không có lợi cho sự phát triển của châu Á cũng như lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ,” bài xã luận viết.
Theo Tân Hoa Xã thì chuyến công du của bà Clinton đến một loạt nước láng giềng của Trung Quốc như Afghanistan, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Lào và Campuchia là ‘chẳng gì khác hơn mà hiển nhiên là bao vây ngoại giao’ đối với Trung Quốc.


Tân Hoa Xã cáo buộc ngoại trưởng Mỹ đã ‘chõ mũi’ vào vấn đề Biển Đông với việc nhiều lần nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trên vùng biển này và công khai hậu thuẫn các quốc gia Asean đơn lẻ ‘làm phức tạp thêm tranh chấp’.
"Trong nhiều thập nhiên qua, vấn đề Nam Hải đại thể vẫn yên ổn vì Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp khác đều tìm kiếm giải pháp dựa trên sự đàm phán hữu hảo song phương."
Tân Hoa Xã

Cũng theo hãng tin này thì chính Hoa Kỳ là thủ phạm gây ra sóng gió trên Biển Đông trong thời gian qua.
“Trong nhiều thập nhiên qua, vấn đề Nam Hải đại thể vẫn yên ổn vì Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp khác đều tìm kiếm giải pháp dựa trên sự đàm phán hữu hảo song phương,” bài xã luận viết.
Tuy nhiên kể từ khi Ngoại trưởng Clinton loan báo rằng Washington có ‘lợi ích quốc gia’ ở Biển Đông và sẽ quay trở lại châu Á thì ‘căng thẳng đã ngầm sục sôi’.

Bài báo đưa ra các dẫn chứng cho việc căng thẳng bùng phát là Philippines ‘đòi chủ quyền ở Hoàng Nham Đảo’, ‘trò hề của Nhật Bản để mua lại Điếu Ngư Đảo’ và ‘Viêṭ Nam thực thi một đạo luật khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa’.
“Nhiều sự việc đã chứng tỏ rằng trên vấn đề Nam Hải đã có những đổi thay to lớn kể từ khi Washington ‘xoay trục’ quân sự và kinh tế về phía châu Á – một chiến lược mà nhiều người cho rằng là nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực,” bài báo cáo buộc.

‘Hành động một chiều’



Tân Hoa Xã cáo buộc Mỹ đang ve vãn các nước láng giềng của Trung Quốc để 'bao vây' họ

Theo phân tích của Tân Hoa Xã thì mặc dù ‘Hoa Kỳ một mặt tuyên bố không đứng về phía ai nhưng mặt khác họ lại có những hành động một chiều’.
Tân Hoa Xã viện dẫn việc Washington ‘không những tiến hành tập trận chung với Philippines mà còn bán hai chiến hạm lớp Hamilton cho nước này’ kể từ khi bùng phát cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough hồi tháng Tư để chứng minh cho lập luận trên.
Một bằng chứng nữa, theo Tân Hoa Xã, là việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới đây loan báo thay đổi cán cân sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương theo tỷ lệ 5-5 như hiện nay thành 6-4 nghiêng về Thái Bình Dương cho đến năm 2020.

“Tục ngữ Trung Quốc có câu ‘Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng’. Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế và nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao nhưng một số nước vẫn tiếp tục thách thức Trung Quốc mà điều này chắc chắn có liên quan với việc tái can dự của Washington vào khu vực,” bài xã luận cáo buộc.
"Washington nên hiểu rằng quay trở lại châu Á bằng cách diễu võ giương oai về quân sự, can thiệp về ngoại giao trong các tranh chấp song phương là sai lầm và thiển cận."
Tân Hoa Xã

Cũng theo Tân Hoa Xã, thì Bắc Kinh ‘hoan nghênh’ việc chuyển hướng của chính quyền Tổng thống Barack Obama sang châu Á-Thái Bình Dương ‘miễn là điều này có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực’.
Tuy nhiên, những gì xảy ra hai năm qua đã cho thấy kết quả ‘rõ ràng là đi ngược lại ổn định khu vực’, Tân Hoa Xã nhận định.
“Washington nên hiểu rằng quay trở lại châu Á bằng cách diễu võ giương oai về quân sự, can thiệp về ngoại giao trong các tranh chấp song phương là sai lầm và thiển cận,” bài xã luận viết.
“Sai lầm vì nó tạo điều kiện cho đối đầu thay vì hợp tác mà điều này thì không có lợi cho sự phát triển của châu Á và cũng đi ngược lại lợi ích lâu dài của Mỹ.”
Bài xã luận kết luận rằng Mỹ nên làm việc nhiều hơn để thúc đẩy ‘hợp tác cùng có lợi’ còn hơn là ‘gây rối loạn cho hòa bình và phát triển’ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./BBC

Không có nhận xét nào: