André Menras Hồ Cương Quyết
Nhà văn Nguyên Ngọc dịch
Sáng nay là một trong những ngày nỗi căm hận công dân bộc lộ vì không thể kìm nén được nữa. Căm hận một cuộc gây hấn ngày càng công khai, càng dấn sâu, càng xúc phạm, của các nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam. Cùng với niềm căm hận ấy là sự ủng hộ chan chứa lòng yêu nước mạnh mẽ của những người công dân đối với những ai, trong hàng ngũ những người lãnh đạo, trong các tầng lớp xã hội khác, trong các môi trường nhân dân còn có ý thức về tầm mức nghiêm trọng của mối uy hiếp ngoại bang và muốn ngăn chặn nó lại.
Xuống đường lúc này đối với tôi còn là một cách nhắc nhở các vị quan chức cao cấp ở Hà Nội (Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Điện ảnh) mà nhiều tuần trước tôi đã trao thư yêu cầu được lặp lại đã nhiều lần đỏi hỏi được chiếu bộ phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”. Tôi chỉ đơn giản đòi rằng bộ phim này, bây giờ càng nóng bỏng tính thời sự hơn bao giờ hết, phải được chiếu tại hai trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn, cũng như trên vô tuyến truyền hình Quảng Ngãi, nơi xuất phát của các ngư dân vốn là nạn nhân của các cuộc tấn công của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Dầu có những nụ cười thân thiện của vị Thư ký Bộ trưởng, của bà Cục phó Cục Điện ảnh khi tôi trao tận tay họ các bức thư; dầu đã có một cuộc gặp gỡ thẳng thắn hơn một giờ với bà này, cuối cùng chỉ duy nhất có im lặng đáp lại các yêu cầu rất vừa phải và rất lịch sự của tôi, các yêu cầu vả chăng lại được họ ghi chép rất cẩn thận. Cái lối im lặng nặng nề đến kinh khủng ngăn cản và cấm đoán đó, khiến ta không thể không nghĩ rằng người ta đang chơi trò mèo vờn chuột với mình. Và người ta khinh mình.
Kỹ thuật ở đây rất đơn giản: khi không tìm ra được lý lẽ lô gích, dân chủ, đối với một vấn đề nghiêm trọng và khẩn bách, thì người ta cứ để
cho thời gian phát huy tác dụng bào mòn của nó. “Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Nhưng cũng thường khi từ trong bùn lại nở ra đóa hoa rất đẹp và con gà trống lại cất tiếng gáy ngay cả khi chân còn đứng trong đống phân!
Không bao giờ có thể dập tắt mãi những câu hỏi thật sự, mà chỉ làm tăng lực của chiếc lò xo một ngày nào đó sẽ bung lên càng mạnh hơn.
Phương cách thứ hai để từ chối trả lời cho các câu hỏi thật sự, khi không có lý lẽ lô gích và hợp pháp, là vận đến chính sách dùi cui. Cũng như cách trên thôi, lại cũng chỉ kéo căng lò xo để nó càng bùng nổ dữ dội hơn. Tôi vẫn luôn khẳng định rằng cả hai phương sách ấy đều là của kẻ yếu mà cứ tưởng mình mạnh, những kẻ vô trách nhiệm, những kẻ sợ sệt, thậm chí hèn nhát bất kể thế nào cũng không hề xứng đáng với cương vị lãnh đạo chính trị.
Vậy nên sáng nay tôi đã chuẩn bị các khẩu hiệu của tôi bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên một tấm bảng mà tôi đã mua hôm trước ở một hiệu sách đường Nguyễn Huệ. Ai cũng biết viết trên một tấm bảng là thói quen nghề nghiệp thường gặp nhất của một người giáo viên cũ như tôi. Và tôi đã viết: “Trung Quốc: Thế giới căm ghét bọn ăn cướp!”, “Trung Quốc không có một ‘chữ vàng;, một chữ ‘tốt’ nào cho bọn ăn cướp đâu!”, “Trung Quốc: phải tôn trọng luật pháp quốc tế, phải tôn trọng nhân dân Việt Nam!”, “Trung Quốc, quay về Hải Nam của các ngươi đi. Cút đi!”.
Tôi muốn biểu lộ một cách đơn giản nhất nỗi căm hận của tôi chống lại những cuộc gây hấn hỗn hào ngày càng dấn tới và chống lại cả sự mềm yếu mà nhiều người gọi là đồng lõa hay hèn nhát của một nhóm lãnh đạo Việt Nam đang độc quyền quyết định đời sống chính trị và tương lai của đất nước.
Bởi vì, nếu trách nhiệm chủ yếu của bi kịch cận kề của Việt Nam chắc chắn là do từ đám cầm quyền bành trướng Bắc Kinh, thì cũng phải nói rõ rằng thái độ của Trung Quốc là kết quả của sự thất bại hoàn toàn của chính sách cúi đầu “mười sáu chữ vàng” với lại “bốn tốt” mà những người lãnh đạo Việt Nam đã chịu nhượng bộ trước áp lực của Bắc Kinh, và áp đặt cho nhân dân Việt Nam. Những nhân nhượng che giấu, những dàn xếp kín, những vụ áp phe, những vụ tòng phạm trên cơ sở tham nhũng trực tiếp hay được bảo trợ đã dần dần trao vào tay Trung Quốc những khoảng không gian trọn vẹn của đời sống kinh tế, của lãnh thổ trên đất và trên biển của tổ quốc Việt Nam.
Cho đến tình thế cực kỳ nguy hiểm hiện nay của chúng ta. Hoàn toàn có thể có một đường lối khác. Một đường lối dân chủ công khai, ôn hòa mà kiên quyết. Đường lối ấy chỉ có thể có được khi có dân chủ.
Dù đã có những tiến bộ đáng ghi nhận như việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển gần đây, tình trạng thiếu dân chủ đó đã quá rõ ràng trước mắt mọi người Việt Nam và trước toàn thế giới. Nó làm suy yếu đất nước bằng đàn áp, sợ sệt, tham nhũng và trao đất nước vào tay Bắc Kinh bằng cách ngăn cản sức mạnh dân tộc duy nhất có hiệu quả: sức mạnh của hành động và kiểm soát của nhân dân. Mất đi sức mạnh này, chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ chỉ còn là ngôi sao thứ sáu trên lá cờ Trung Quốc. Nếu không có thay đổi cơ bản thì không còn cách gì tránh được tình huống đó.
Vậy nên, dù có nhưng cú điện thoại thân tình nhưng nhằm can ngăn của đôi vị quan chức thành phố vào ngày hôm trước, sáng nay tôi đã xuống đường cùng với những người bạn cũ thời trai trẻ những năm 70 của tôi nay tóc đã muối tiêu và không còn cường tráng nữa. Đã quá liều đối với chúng tôi rồi, chúng tôi, những kẻ phản kháng già! Chẳng có tổ chức nào hết. Tôi gần như là người duy nhất chuẩn bị các khẩu hiệu. Chúng tôi nhìn thấy những người trẻ tiến đến, những gia đình, đi bộ hay đi xe máy… Đôi khi dầu đã biết mình có lý, vẫn cần phải có gì đó nữa để mà vững tin hơn. Và sự có mặt tự nguyện của hàng trăm bạn trẻ đã củng cố niềm tin của chúng tôi.
Chúng tôi cũng ước lượng rõ tầm quan trọng của hành động công dân khiêm tốn của mình khi nhận ra môi trường cảnh sát chung quanh. Màu xanh cỏ của Công viên 30-4 đang ghen với những mảng màu của nhiều loại đồng phục khác nhau từ xanh nhạt đến xanh đậm, cả màu ka ki nữa… Đủ sắc cảnh sát tập trung, mũ sắt ấn tượng, lon gù oai phong. Như một ngày hội. Thật đẹp. Xin cám ơn.
Tất nhiên tôi biết tấm bảng nhỏ của tôi, hàng ngàn lần được chụp ảnh và được bình phẩm qua điện thoại, rõ ràng là người ta chẳng ưa gì. Người ta dọa tôi là sẽ gọi cơ quan xuất nhập cảnh, khiến tôi phải chìa chứng minh thư ra. Bốn hay năm tên “đầu trâu mặt ngựa” mặc thường phục, giống như bọn tôi đã từng biết quá rõ thời chế độ cũ, cùng lúc xuất hiện từ nhiều phía, đã cố giật lấy tấm bảng quý của tôi. Nhưng cái ông già xấu xa là tôi đã kháng cự thành công.
Và chúng tôi đã có thể đi tiếp qua các phố, lần này được cảnh sát hộ tống gần hơn cho đến đường Hai Bà Trưng, cách Lãnh sự quán Trung Quốc 100 mét, vừa đủ tầm để chúng tôi gọi báo cho đám đại diện Trung Quốc biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Rồi chúng tôi đàng hoàng quay lại điểm xuất phát và tự giải tán. Đầy cảm xúc, và tận đáy lòng thấy mình đã làm tròn nhiệm vụ.
Tôi thoáng có cảm giác đang ở chính quê mình, sau một cuộc biểu tình, trong cái thành phố miền Nam nước Pháp của tôi. Đôi chút cảm giác dân chủ… và một suy nghĩ: sau đạo luật Biển, cần dự kiến một đạo luật dân chủ về quyền biểu tình của nhân dân. Cả hai gắn liền với nhau, khắng khít.
Tất nhiên khi chia tay các bạn tôi biết tôi kéo theo sau mình một cái đuôi. Một cái đuôi có hai chân và một cái tai đỏ nhừ vì áp mãi chiếc điện thoại vào đấy. Nhưng với tôi không còn quá xúc động như lúc đầu: cả cái chuyện này nữa cũng đã bắt đầu trở thành bộ phận của môi trường quanh tôi rồi…
Và thậm chí thật vui nếu các công dân chúng ta, đã bị vật giá tăng tốc hằng ngày bóc lột, không còn phải trả thêm thuế để nuôi hàng vạn cái đuôi và cái tai phi sản xuất, thậm chí tai hại này nữa.
A. M. H. C. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(*) Do nhầm lẫn, André Menras Hồ Cương Quyết gửi cho BVN một bản dịch chưa hoàn chỉnh của nhà văn Nguyên Ngọc và hôm qua BVN đã đăng tải. Tác giả nhận ra nhầm lẫn đó và nhờ chúng tôi thay bằng bản này (chú thích của BVN).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét