Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN: Trung Quốc đã phản ứng thế nào?


Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho phép lập bộ tư lệnh của đơn vị đồn trú tại cái gọi là TP Tam Sa.
Sau khi Campuchia với tư cách nước chủ tịch ASEAN công bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã có phản ứng nước đôi rất đáng lo ngại.
Theo Tân Hoa xã (Trung Quốc), ngày 20-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc mong muốn làm việc với các nước ASEAN để thực thi một cách toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, đồng thời cởi mở trong việc tham vấn với ASEAN để hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Tuy nhiên, dù khẳng định Trung Quốc cam kết sẽ cùng nỗ lực với ASEAN bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, người phát ngôn Hồng Lỗi vẫn cố chấp cho rằng cái gọi là “các chứng cứ lịch sử và luật pháp” đã chứng minh Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Nhận xét về Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), người phát ngôn Hồng Lỗi thừa nhận UNCLOS được xem như một hiệp ước quốc tế dùng để giải quyết các bất đồng lãnh thổ giữa các nước nhằm thiết lập một trật tự luật pháp đối với các vùng biển và đại dương dựa vào chủ quyền của các nước.
Tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam đêm 17-7. Ảnh: THX
Dù vậy, người phát ngôn Hồng Lỗi lại sử dụng luận điệu nước đôi khi khẳng định bên cạnh luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, các nước liên quan cũng cần phải giải quyết tranh chấp theo đường phân giới lãnh hải ở biển Đông phù hợp với thực tế lịch sử.
Trên Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) ngày 21-7, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á Dương Bao Vân tại ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận định nguyên tắc sáu điểm của ASEAN đã khôi phục tính chất trung lập và vị thế thiết kế khu vực của ASEAN, đồng thời thể hiện sự thống nhất của ASEAN với cộng đồng quốc tế.
Ông cho rằng nguyên tắc sáu điểm của ASEAN không đề cập cụ thể đến tranh chấp hiện nay giữa Philippines, Việt Nam với Trung Quốc, như vậy có thể tạm thời làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Hãng tin AP khen ngợi nguyên tắc sáu điểm của ASEAN đã thể hiện tiếng nói chung của ASEAN về vấn đề biển Đông và giúp ASEAN giữ gìn uy tín.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của ông Dương Bao Vân, AP nhận định thật đáng tiếc khi nguyên tắc sáu điểm của ASEAN không nhắc đến tình hình tranh chấp hiện tại giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, chuyên gia Sở Hào thuộc Viện Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng nguyên tắc sáu điểm của ASEAN còn thiếu sót khi không quy định cụ thể điều gì các nước thành viên ASEAN nên làm để giải quyết vấn đề biển Đông, vì vậy khả năng giải quyết vấn đề biển Đông còn tùy thuộc vào cách hiểu và cách thực hiện nguyên tắc của từng nước.
Hãng tin Reuters ghi nhận nguyên tắc sáu điểm của ASEAN chưa tạo được thống nhất trong các nước thành viên về cách thức đối phó với thái độ ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo TTXVN, ngày 20-7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã cho phép Bộ Tư lệnh Quảng Châu thành lập bộ tư lệnh của đơn vị đồn trú tại cái gọi là TP Tam Sa mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa và huyện đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng của Việt Nam. Đây sẽ là bộ tư lệnh cấp phân khu phụ trách quản lý công tác huy động về quốc phòng, quân dự bị và hoạt động quân sự tại Tam Sa. Bộ tư lệnh của đơn vị đồn trú sẽ trực thuộc bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam và chính quyền Tam Sa.
ĐĂNG KHOA

Không có nhận xét nào: