Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Mơ hồ đường 9 đoạn của Trung Quốc


Giám đốc Trung tâm Luật pháp quốc tế Đại học Quốc gia Singapore Robert C Beckmand:
Chủ nhật, 22/07/2012, 01:02 (GMT+7)
LTS: Những tuyên bố không có cơ sở cùng với những hành động cố tình gây căng thẳng tại các vùng tranh chấp ở biển Đông của Trung Quốc không chỉ gây phẫn nộ cho các quốc gia láng giềng mà còn làm trò cười đối với giới học giả quốc tế. Mới đây trên một trang thông tin điện tử của Trung Quốc có đăng bài viết “Những mơ hồ trong lập trường đường 9 đoạn của Trung Quốc” của ông Robert C Beckmand, Giám đốc Trung tâm Luật pháp quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore. Báo SGGP xin lược trích bài viết này.

Nhịp sống yên bình của người Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Chiến Dũng

Tuyên bố quá… xa
Mở đầu bài viết đăng trên trang tin điện tử “Người quan sát” (Trung Quốc), ông Robert C Beckmand cho rằng sự mơ hồ về đường 9 đoạn (trên biển Đông) của Trung Quốc là một trong những mối quan tâm của các nước đang có tranh chấp trên vùng biển này. Trung Quốc đang làm phức tạp thêm các tranh chấp trong khu vực, việc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Bắc Kinh là quá xa so với bất kỳ hòn đảo nào của Trung Quốc.
Biển Đông được đánh giá mang tầm quan trọng không chỉ vì nó là đường thủy quan trọng hàng đầu khu vực Đông Á thông qua Trung Đông từ châu Âu, mà còn vì nó rất giàu tài nguyên thủy sản và các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt dưới đáy biển. Tranh cãi hiện nay đang nằm ở quần đảo Trường Sa (phía Trung Quốc gọi là Nam Sa). Về mặt địa lý, quần đảo Trường Sa nằm gần bờ biển của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa có khoảng 150 hòn đảo, đá ngầm, bãi cát ngầm. Nhưng chỉ khoảng 40 hòn đảo phù hợp với định nghĩa theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). UNCLOS đã trù định toàn bộ các quy định liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, cũng như những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa (khu vực đáy biển của quốc gia) trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Thềm lục địa có thể kéo dài ít nhất là 200 hải lý từ bờ biển.
Không có cơ sở pháp lý
Đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao gồm hầu hết toàn bộ khu vực biển Đông. Các quốc gia có thềm lục địa giáp với vùng biển này là Philippines và Việt Nam đều cho rằng tuyên bố của Trung Quốc rất vô lý, trái luật pháp quốc tế và UNCLOS. Các quốc gia này tin rằng không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này. Trong khi đó, Trung Quốc lại liên tục khẳng định mình có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận nhưng lại không thể định nghĩa cái được gọi “vùng biển gần”. Trung Quốc đến nay cũng vẫn không làm rõ thực ra đường 9 đoạn là gì. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới trên biển lại tỏ ra rất mập mờ.
Thái độ này của Trung Quốc càng làm các quốc gia ASEAN tăng thêm nghi ngờ về việc Bắc Kinh muốn có thêm nhiều lợi ích trên biển Đông. Đến nay ngay cả UNCLOS không thể giải quyết các khu vực chồng chéo đặc quyền kinh tế và các vấn đề khác. Phía Việt Nam và các quốc gia có vùng lãnh hải trên biển Đông nên dựa trên luật pháp quốc tế, các công ước hàng hải quốc tế, sự hỗ trợ của dư luận quốc tế để đòi hỏi chủ quyền đích thực của mình. Về phía Trung Quốc, mặc dù đã sử dụng các thủ đoạn trong các cuộc đàm phán lẫn tham vấn để giải quyết vấn đề biển Đông cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ luật pháp quốc tế trên cơ sở yêu cầu đòi chủ quyền nhưng đến nay họ vẫn chưa đạt được mục đích của mình.
Sau khi ASEAN thông qua lập trường chung 6 điểm về biển Đông, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman và người đồng cấp Philippines Albert Del Rosario đã có cuộc hội đàm tại thủ đô Manila của Philippines, trong đó hai bên tuyên bố ủng hộ “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông”. Hai bộ trưởng cũng đề cập đến định hướng của các nước ASEAN sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 vừa qua tại Phnom Penh, Campuchia. Hai bên nhất trí rằng ASEAN cần hợp tác chặt chẽ hơn để đạt được mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và ASEAN cần tiếp tục đoàn kết, nhất trí và sẵn sàng đóng vai trò tích cực và xây dựng trên trường quốc tế.
Thanh Hằng (ghi)

Không có nhận xét nào: