Pages

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Nhân vật quân sự TQ lãnh đạo Tam Sa



Ông Bố Tráng
Tân Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tam Sa xuất thân từ quân đội
Tân Hoa Xã đưa tin cuộc họp đầu tiên của 'hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa' đã kết thúc hôm thứ Hai 23/7 với việc bầu ông Bố Tráng làm Chủ tịch, ông Tiêu Kiệt làm Thị trưởng thành phố.
45 thành viên Hội đồng Nhân dân, vừa được bầu lên một hôm trước đó, đã bỏ phiếu ủng hộ ông Bố, một nhân vật hoạt động lâu năm trong quân đội, làm người đứng đầu cơ quan lập pháp của thành phố cũng mới được thành lập.

Theo Tân Hoa Xã, ông Bố Tráng sinh tháng 1/1956, hiện đang giữ chức Phó Giám đốc cơ quan Phòng không của tỉnh Hải Nam.
Việc đưa người có kinh nghiệm quân sự lên đứng đầu thành phố tỏ ra là nhất quán với quyết định lập bộ chỉ huy và đặt quân đồn trú tại Tam Sa của chính phủ Trung Quốc.

Ông từng kinh qua các chức vụ: trưởng phòng quân bị Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Nam; Phó chỉ huy trưởng bộ binh quân dự bị tỉnh Hài Nam; Phó chỉ huy trưởng đoàn bộ binh số 132; Phó tham mưu trưởng Quân đoàn Hải Nam; Chỉ huy trưởng Binh đoàn Hải Khẩu và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu Hải Nam.
Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm các quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa) hồi tháng Sáu.
Phía Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc vì cho rằng ‘thành phố Tam Sa’ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ đó tới nay, trong chỉ có một tháng, Trung Quốc đã cấp tập thực hiện nhiều động tác như bầu hội đồng nhân dân, thiết lập bộ chỉ huy quân sự... để khẳng định chủ quyền.

Tuyên truyền

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền cho hoạt động tuần tra của nước này tại Biển Đông, mà Việt Nam cho là 'vi phạm chủ quyền lãnh thổ' của mình.
Cư dân mạng Việt Nam đang chuyền nhau một đoạn phóng sự chiếu hôm 22/7 trên kênh CCTV-13, tức kênh thông tin đối nội bằng tiếng Trung của Truyền hình Trung ương Trung Quốc, nói về cuộc tuần tra của tàu hải giám nước này ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Đoàn phóng viên của CCTV đã được bố trí theo tàu hải giám số 83, được cho là tàu chủ lực của biên đội hải giám Hải Nam, để trực tiếp theo dõi đưa tin với mục đích tuyên truyền.
Điều đáng chú ý là cũng chuyến tuần tra của tàu hải giám 83 nói trên đã được phản ánh trong một phóng sự hồi đầu tháng trên kênh CCTV bằng tiếng Anh, với nội dung 'Tàu Trung Quốc chặn đuổi tàu Việt Nam', khiến Việt Nam phải lên tiếng bác bỏ.
Trong đoạn phóng sự mới bằng tiếng Trung, CCTV-13 mô tả chi tiết cuộc tuần tra vào lúc khoảng 10h sáng 27/6 tại khu vực Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa cũng như cuộc điện đàm giữa nhân viên hải giám Trung Quốc và phía Việt Nam.
Người phụ trách bộ đàm nói bằng tiếng Việt với phía Việt Nam và dịch lại bằng tiếng Trung cho đồng nghiệp của anh ta cũng như phóng viên có mặt trên tàu.
Có thể nghe thấy nhân viên hải giám Trung Quốc nói rõ bằng tiếng Việt: "Tàu Việt Nam, chúng tôi là tàu chấp pháp hải giám Trung Quốc 83... xin cung cấp tên gọi, số hiệu và vị trí của tàu [các] anh. Over".
Phía Việt Nam, được nói là tàu cảnh sát biển ở cách tàu Trung Quốc chừng 2,5 hải lý, trả lời gì đó không rõ. Tàu Trung Quốc nhắc lại: "Chúng tôi là tàu công vụ chính phủ Trung Quốc, chúng tôi rất tiếc về những ngôn ngữ thô lỗ và mất lịch sự của tàu anh. Tàu anh nên chú ý thân phận (?) và ngôn ngữ của mình".
Phía Việt Nam phản ứng bằng một số câu chửi về việc Trung Quốc 'quấy nhiễu hết trên bờ lẫn xuống biển' và một người tuyên bố: "Đề nghị Trung Quốc cút ngay khỏi lãnh thổ Việt Nam, không chúng tao bắn chết!".
Tàu 83 nằm trong đội tàu hải giám mà Trung Quốc đã điều từ Tam Á, Hải Nam, xuống Trường Sa bắt đầu từ ngày 26/6.
Trước đó, ngày 21/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không có nhận xét nào: