Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Trung Quốc bổ nhiệm Tư lệnh Tam Sa



Đảo Phú Lâm
Trong động thái tiếp tục leo thang, Trung Quốc bổ nhiệm hai chức vụ Tư lệnh và Chính ủy Khu cảnh bị của 'thành phố Tam Sa' mới thành lập.
Việc bổ nhiệm được Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân loan báo chính thức hôm thứ Năm 26/7 tại Bắc Kinh.

Quyết định bổ nhiệm này có hiệu lực tức thì.
Theo đó, Tư lệnh khu cảnh bị là Đại tá Thái Hỷ Hồng còn Chính ủy là Đại tá Liêu Triều Nghị.
Ngày 22/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc mới chấp thuận thành lập lực lượng đồn trú ở Tam Sa và giao cho Quân khu Quảng Châu ‘thành lập một bộ chỉ huy lực lượng’.

Thông tin này đã gây phản ứng gay gắt từ các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, vốn đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Đáp lại phản đối từ các nước trên, Người phát ngôn Dương Vũ Quân nói: "Trung Quốc thành lập cơ quan tương ứng trên lãnh thổ của mình không liên quan gì với các nước khác".
Ông Dương cho biết thêm rằng phạm vi chức trách của khu cảnh bị Trung Quốc "thông thường nhất trí với địa giới hành chính".
'Thành phố Tam Sa' mới thành lập là thành phố cực nam của Trung Quốc, thuộc tỉnh Hải Nam, có diện tích lớn nhất trong các thành phố trên toàn quốc và bao gồm cả ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa.

Đảo nhỏ

Trung Quốc cho ra mắt Tam Sa trong buổi lễ được tuyên truyền rầm rộ trên đải Phú Lâm, được cho là thủ phủ của thành phố nhân tạo này, hôm 24/7.
Tam Sa được cho là chỉ có chừng 1.000 người, và đảo Phú Lâm là đảo nhỏ nằm trong quần đảo Hoàng Sa, có đường băng dành cho phi cơ nhưng nước ngọt phải chở bằng đường biển từ Hải Nam ra.
Việt Nam và Philippines đã tuyên bố việc thành lập Tam Sa và đặt quân đồn trú là vi phạm chủ quyền của hai nước này cũng như trái với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Dương Vũ Quân
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói quyết định Tam Sa 'không liên quan Việt Nam'
Báo tiếng Anh China Daily dẫn lời ông Dương Vũ Quân nói binh lính đóng ở Tam Sa sẽ chịu trách nhiệm về cả quốc phòng lẫn cứu hộ cứu nạn. Ông không nói rõ hoạt động tác chiến có được triển khai ở đây hay không và như thế nào.
Hôm thứ Năm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland khẳng định rằng Hoa Kỳ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc và nhấn mạnh cần có "ngoại giao tập thể" để giải quyết các tranh chấp chủ quyền.
Đối diện các chỉ trích, dường như Trung Quốc vẫn kiên định không thay đổi lập trường.
Cũng tờ China Daily dẫn lời ông Trương Triết Hâm, chuyên gia nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố kiểm soát chính trị và quân sự đối với Tam Sa vì đã có bài học từ các tranh chấp hàng hải trong quá khứ".
Truyền thông Việt Nam những ngày này, dường như có sự ủng hộ của chính quyền, đăng nhiều bài chỉ trích chính sách hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các diễn đàn mạng cũng tràn ngập thông tin đả kích Trung Quốc.

Chống Việt Nam

Ngược lại, các báo chính thống của Trung Quốc cũng bắt đầu đăng tải ý kiến chống lại Việt Nam. Trang web của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, trong một cử chỉ ít thấy, mở diễn đàn ở cuối bản tin về bổ nhiệm lãnh đạo quân sự Tam Sa để người đọc gửi bình luận.
Tất cả các bình luận đăng trên trang này đều mang nội dung chỉ trích Việt Nam.
Một độc giả được nói tên Đỗ Thị Nhung viết: "Tôi buồn quá, hai nước Trung Việt vừa là đồng chí vừa là anh em, tôi hi vọng mọi thứ sẽ được giải quyết qua đàm phán".
Độc giả đề tên Vinhat viết: "Việc thành lập thành phố Tam Sa là cần thiết để bảo vệ an ninh hàng hải, tài nguyên biển, chủ quyền của Trung Quốc".
"Việt Nam tranh chấp với Trung Quốc là không đúng. Công Hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký 1958 công nhận đảo biển Tây Sa, Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc một cách rõ ràng công khai minh bạch. Việt Nam đang phá hoại truyền thống hữu nghị của nhân dân, đảng và chính phủ 2 nước, đi ngược lại với nguyện vọng lợi ích chung của 2 dân tộc Việt Trung."
Còn độc giả được nói tên là Nguyễn Anh Tuấn thì viết: "Biển Đông (Nam Hải) và các quần đảo xung quanh, từ xưa đến nay là thuộc về Trung Quốc, từ thập niên 70,80 thế kỷ XX, Việt Nam đã chiếm được rất nhiều, vì vậy Việt Nam không có lý do gì để phản đối Trung Quốc Thành lập TP. Tam Sa. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, người Việt Nam không nên ăn cháo đá bát".

Không có nhận xét nào: